Điểm chuẩn đánh giá năng lực: cao nhất 1.001, thấp nhất 600

TP HCMNgành Khoa học Máy tính (chương trình tiên tiến) Đại học Khoa học Tự nhiên có điểm chuẩn cao nhất 1.001, trong khi 32 ngành của Đại học An Giang lấy 600 điểm.

Hiện chín trường thành viên, khoa và phân hiệu Đại học Quốc gia TP HCM công bố điểm chuẩn phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực. Mặt bằng điểm chuẩn không nhiều biến động so với năm ngoái, một số ngành điểm chuẩn tăng mạnh.

* Điểm chuẩn phương thức xét điểm đánh giá năng lực các trường, khoa

Trong số gần 200 ngành, chương trình đã công bố điểm chuẩn, Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) của Đại học Khoa học Tự nhiên lấy điểm cao nhất là 1.001 (thang điểm 1.200). Đây cũng là lần đầu tiên trường có điểm chuẩn trên 1.000.

Dưới đây là 10 ngành có điểm chuẩn đánh giá năng lực cao nhất:

STT
Ngành
Trường, khoa
Điểm chuẩn
1
Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến)
Khoa học Tự nhiên
1.001
2
Y khoa (chất lượng cao)
Khoa Y
950
3
Trí tuệ nhân tạo
Công nghệ Thông tin
940
4
Máy tính và Công nghệ thông tin
Công nghệ Thông tin
935
5
Kinh doanh quốc tế
Kinh tế – Luật
928
6
Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại)
Kinh tế – Luật
922
7
Khoa học dữ liệu
Khoa học Tự nhiên
912
8
Dược học – chất lượng cao
Khoa Y
909
9
Răng Hàm Mặt – chất lượng cao
Khoa Y
908
10
Truyền thông đa phương tiện
Khoa học Xã hội và Nhân văn
900
11
Thương mại điện tử
Kinh tế – Luật
900

Theo Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông (Đại học Khoa học Tự nhiên), Khoa học máy tính lấy điểm chuẩn cao nhất chứng tỏ sức hút lớn của ngành này với thí sinh hiện nay. Trong cả hai đợt thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức, với 92.000 thí sinh, chỉ 80 em có số điểm từ 1.001 trở lên.

Năm nay, Đại học Khoa học Tự nhiên dành khoảng 40% tổng chỉ tiêu (hơn 1.400) cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả đánh giá năng lực. Về chênh lệch điểm so với năm 2021, có chín ngành giảm điểm, ba ngành không thay đổi, 14 ngành tăng.

Điểm tăng cao nhất thuộc về nhóm ngành Toán học, Toán ứng dụng, Toán tin (tăng 80 điểm, tương đương 11%), còn lại đều tăng nhẹ 10-30 điểm. Đa số các
ngành tăng điểm thuộc nhóm điểm chuẩn cao (700-900 điểm).

Tại Đại học Kinh tế – Luật, trường nhận được hơn 29.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển với gần 56.000 nguyện vọng ở phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực. Điểm trung bình thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển là 853.

Năm nay, Đại học Kinh tế – Luật tăng tỷ lệ cho phương thức xét điểm đánh giá năng lực từ 40% lên 50-60%. Do đó, điểm chuẩn một số ngành giảm so với các năm trước nhưng không đáng kể.

Trong 48 chương trình đào tạo, bốn ngành điểm chuẩn trên 900 điểm. Xét theo ngành, khối Kinh doanh và quản lý có điểm trung bình cao nhất 872, khối Kinh tế 843 điểm, khối Luật 819 điểm.

Xét theo đơn vị thành viên, Khoa Y có mặt bằng điểm chuẩn tốt nhất với ba ngành trên 900 điểm (Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt). Tiếp theo, Đại học Công nghệ Thông tin lấy điểm chuẩn trên 810 tất cả ngành; Đại học Kinh tế – Luật lấy điểm chuẩn trên 702.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1, tháng 3/2022 tại TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1, tháng 3/2022 tại TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Nhóm ngành lấy điểm chuẩn thấp nhất thuộc về 32 ngành ở Đại học An Giang và các chương trình liên kết ở Đại học Quốc tế; tất cả đều lấy điểm chuẩn 600.

Một số ngành “kén” người học tại hai trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học Tự nhiên cũng có điểm chuẩn thấp nhất với 610 điểm. Nhỉnh hơn nhóm điểm chuẩn thấp nhất, ngành Quản lý công của Khoa Chính trị – Hành chính lấy điểm chuẩn 620, ngành Kỹ thuật xây dựng ở Phân hiệu Bến Tre lấy 623 điểm.

Theo Thạc sĩ Trần Vũ, việc một số ngành ở Đại học Khoa học Tự nhiên giảm điểm có thể lý giải do phổ điểm đánh giá năng lực năm nay có phần lệch trái so với các năm trước, đồng thời các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống thường ít được thí sinh lựa chọn.

STT
Ngành
Trường, khoa
Điểm chuẩn
1
Kỹ thuật địa chất
Khoa học Tự nhiên
610
2
Khoa học môi trường (chất lượng cao)
Khoa học Tự nhiên
610
3
Khoa học môi trường
Khoa học Tự nhiên
610
4
Địa chất học
Khoa học Tự nhiên
610
5
Hải dương học
Khoa học Tự nhiên
610
6
Lưu trữ học
Khoa học Xã hội và Nhân văn
610
7
Thông tin thư viện
Khoa học Xã hội và Nhân văn
610
8
Tôn giáo học
Khoa học Xã hội và Nhân văn
610
9
Chương trình liên kết
Đại học Quốc tế
600
10
Tất cả ngành
An Giang
600

Trước đó, hơn 92.000 thí sinh đã dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức với số lượt đăng ký dự thi là 120.000. Hiện 86 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Hơn 1.600 ngành học sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển.

Trong phương án tuyển sinh của nhiều đại học năm nay, phương thức xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM chiếm 20-40%. Các trường thành viên, khoa thuộc Đại học Quốc gia TP HCM sử dụng kết quả kỳ thi này với tỷ trọng chỉ tiêu lớn, như Đại học Khoa học Tự nhiên 70%, Kinh tế – Luật 60%, Khoa học Xã hội và Nhân văn 50%.

Mạnh Tùng