Điểm thi đánh giá năng lực năm 2022 được chấm như thế nào?

Chỉ còn vài ngày nữa, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1, tức ngày 5-4. Kỳ thi vừa được tổ chức sáng ngày 27-3 tại 17 tỉnh thành với 80 địa điểm thi, thu hút gần 80.000 thí sinh dự thi.

Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn chưa hiểu cách tính điểm thi đánh giá năng lực như thế nào và cả cách tính điểm khu vực ưu tiên để sử dụng khi xét tuyển ĐH-CĐ.

Về vấn đề này, theo thông tin từ ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố về thi đánh giá năng lực năm 2022, đề thi có 120 câu dưới hình thức trắc nghiệm ở nhiều lĩnh vực. Thí sinh dự thi trong 150 phút. Hết giờ làm bài, thí sinh phải nộp cả đề, phiếu trả lời trắc nghiệm lẫn giấy nháp sử dụng trong quá trình làm bài.

Đề thi được xây dựng theo cùng cách tiếp cận với các đề thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa kỳ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

Đề thi có ba phần, gồm: sử dụng ngôn ngữ (40 câu); toán học, tư duy logic và phân tích số liệu (30 câu) và phần giải quyết vấn đề (50 câu).

Bài thi nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung đề thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức cả về mặt tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu,dữ kiện và các công thức cơ bản.

Điểm thi đánh giá năng lực năm 2022 được chấm như thế nào? ảnh 1

Thí sinh tham gia thi đánh giá năng lực đợt 1 vừa qua tại điểm thi Trường ĐH Quốc tê (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Về điểm thi, bài thi có thang điểm 1.200 với 120 câu. Tuy nhiên, không phải điểm thi sẽ tương ứng mỗi câu 10 điểm. Bởi kết quả thi đánh giá năng lực được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo lý thuyết ứng đáp câu hỏi (Item Response Theory – IRT).

Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau, tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi. Trong đó điểm tối đa phần Sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm, phần Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm, phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.

Về điểm ưu tiên, theo ĐH Quốc gia TP.HCM, thông tin ưu tiên (khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên) trên hồ sơ thi đánh giá năng lực tương tư thông tin ưu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 40 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 10 điểm theo thang điểm 1.200.

Cụ thể: nhóm ưu tiên 1 được cộng 80 điểm, nhóm ưu tiên 2 được cộng 40 điểm. Khu vực một được cộng 30 điểm, khu vực 2 – nông thôn được cộng 20 điểm và khu vực 2 được cộng 10 điểm.

Được biết, đây là năm thứ 5 kỳ thi được tổ chức và cũng là năm có số thí sinh dự thi nhiều nhất với khoảng gần 80.000 em. Kết quả kỳ thi sẽ được sử dụng để thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ có sử dụng phương thức này để tuyển sinh. Như năm 2022 này, có đến 84 trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả này để xét tuyển.

Đề thi đánh giá năng lực có sai sót, ĐHQG TP.HCM nói gì?
Đề thi đánh giá năng lực có sai sót, ĐHQG TP.HCM nói gì?

(PLO)- Hội đồng kỳ thi đánh giá năng lực sẽ có quy trình xử lí, kết luận và sẽ có phương án giải quyết trên tinh thần đảm bảo quyền lợi nhất cho thí sinh dự thi.

PHẠM ANH