Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân Việt Nam 2022: Chuyển đổi số để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
Với chủ đề “Doanh nhân Việt Nam: Tâm – Tài – Cống hiến – Phụng sự Tổ Quốc – Đồng hành cùng Dân tộc”, Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân Việt Nam năm 2022 do Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển phối hợp cùng Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức, đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội.
Tham dự sự kiện có ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Phó chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; PGS.TS Đặng Văn Đông – Viện Nghiên cứu Rau quả TW; TS. Phạm Việt Long – Chủ tịch Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển; Ông Nguyễn Văn Chí – Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục phát triển Nông thôn Hà Nội; Ông Nguyễn Trung Thành – Chủ tịch Viện Chuyên đổi số ASEAN; Ông Nguyễn Văn Cương – Phó Tổng giám đốc Mailand Hà Nội City; Nhà báo Vương Xuân Nguyên – Tổng thư ký Tòa soạn Tạp chí Khoc học Phát triển Nông thôn Việt Nam; Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam 2022 Mạc Thị Minh; Hoa hậu Thương hiệu Việt Nam 2022 Khương Phương Anh; Hoa hậu Hà Nội 2008 Trúc Vũ; Á hậu Lê Thị Hồng Thắm; đại diện các Bộ, Ban ngành. Đặc biệt, là sự hiện diện của hơn 200 Nghệ nhân, Doanh nhân, Nhà khoa học, Văn nghệ sỹ, phóng viên Nhà báo của các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội.
Toàn cảnh Diễn đàn
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phát biểu tại sự kiện.
Sự kiện quy tụ nhưng nghệ nhân, doanh nhân, nhà khoa học tiêu biểu toàn Quốc nhằm biểu dương, giới thiệu những mô hình tốt, cách làm hay lan tỏa trọng cộng đồng; trao đổi về chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái truyền thống Marketing 4.0; ra mắt Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân Việt Nam; trao biểu trưng tri ân Doanh nhân, Nghệ nhân tiêu biểu tham dự Chương trình đã tích cực đồng hành vì sự phát triển Nông thôn mới và Đô thị văn minh.
Các đại biểu tọa đàm với chủ đề “Giải pháp chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái truyền thông, Marketing 4.0”.
Đáng chú ý, Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân Việt Nam 2022 đã tọa đàm với chủ đề “Giải pháp chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái truyền thông, Marketing 4.0” đã thu hút sự quan tâm không nhỏ từ người tham dự cũng như các chủ doanh nghiệp trong và ngoài nước bởi những nội dung hấp dẫn cùng dàn khách mời là chuyên gia, lãnh đạo các ngành liên quan.
Nhà báo Vương Xuân Nguyên phát biểu về tầm quan trọng của chuyển đổi số Marketing 4.0.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Trung Thành – Chủ tịch Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN cho biết: “Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số là tất cả các hành động, trong đó có cả tư duy để thay đổi mô hình kinh doanh. Muốn chuyển đổi số trước hết phải thay đổi cách nghĩ, tư duy của chính mình để quy hoạch hóa tất cả các hoạt động để sinh ra hiệu quả. “Số” ở đây có thể là hiểu là tài chính, cũng có thể là con số, là tiền.
Với sự phát triển của xã hội như hiện tại, chuyển đổi số là vấn đề sống còn đối với hầu hết doanh nghiệp, “chuyển đổi số hay là chết” chứ không còn là “nên” hay “không nên” chuyển đổi số”.
Cũng theo ông Thành, trong suốt 2 năm thành lập, Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN đã làm việc với khoảng hơn 1.000 chủ thể của 19 tỉnh thành trên toàn quốc. Rất nhiều chủ thể xuất thân từ người nông dân thuần túy, do đó, khi nói đến chuyển đổi số, nhiều người nghĩ đây là vấn đề rất thách thức và khó khăn, không biết bắt đầu từ đâu.
Ông Nguyễn Trung Thành, Viện Nghiên cứu Chuyển đổi số ASEAN phát biểu tại Diễn đàn
“Các ứng dụng hiện nay như Facebook, Zalo, các trang điện tử, và Tiktok trên điện thoại thông minh cũng là công cụ hỗ trợ giúp chúng ta chuyển đổi số.
Hàng ngày, chúng ta sử dụng các nền tảng đó, có sự sắp xếp một cách đồng bộ, có thời khóa biểu rõ ràng, “chăm sóc” như một cơ thể người. Các kênh thông tin đó sẽ tạo ra cho chúng ta “thương hiệu”, uy tín, niềm tin của khách hàng đối với chủ thể và chắc chắn tạo ra doanh số.
Đối với các doanh nghiệp, chuyển đổi số đầu tiên phải hướng đến bán hàng. Khi chuyển đổi số trong bán hàng sẽ mang đến doanh thu, tạo ra động lực cho chủ thể. Khi có động lực thì sẽ dần chuyển sang các giai đoạn tiếp theo như: chuyển đổi số trong quản trị, chuyển đổi số trong sản xuất,…”, ông Nguyễn Trung Thành chia sẻ.
Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho rằng, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong tất cả các ngành nói chung và việc phát triển nền nông nghiệp bền vững nói riêng.
“Chúng ta đang thực sự sống trong kỷ nguyên số. Về phía Chính phủ, Bộ NN&PTNT, chuyển đổi số nằm ở 3 mảng: Chính phủ số, Phát triển kinh tế và Xã hội – Môi trường.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT phát biểu tại Diễn đàn
Cách đây chỉ khoảng 3 tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị chuyển đổi số cho lĩnh vực kinh tế tập thể hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều đó cho thấy, chuyển đổi số đi vào tất cả các lĩnh vực trong đời sống- xã hội, đặc biệt là kinh doanh.
Riêng với ngành nông nghiệp, trong mấy năm gần đây, Việt Nam đang nỗ lực vươn lên top đầu trên thế giới. Với năng lực xuất khẩu hiện nay của Việt Nam, thế giới ngày càng quan tâm đến nền nông nghiệp nước ta.
Tất cả các phương tiện về thông tin truyền thông hiện nay đã phát triển nhưng ngay trong các mô hình kinh doanh của nông nghiệp diễn ra một cách vô cùng cơ bản. Chuyển đổi số giúp sản xuất nông nghiệp minh bạch hơn, nhất là việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm- một trong những yêu cầu tiên quyết khi nền nông nghiệp của một nước muốn phát triển theo hướng hiện đại, có quản trị, chất lượng và có hiệu quả”, ông Thịnh bày tỏ.
Ngoài ra, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn còn cho rằng, bên cạnh việc minh bạch quá trình, chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng giúp giảm chi phí sản xuất, tích hợp đa giá trị trong sản phẩm, đặc biệt là giá trị về văn hóa.
“Phát triển nền nông nghiệp minh bạch, hiệu quả và bền vững là mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đang giao xuống địa phương, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức, hợp tác xã và người nông dân”, ông Thịnh chia sẻ.
TS. Phạm Việt Long – Chủ tịch Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển phát biểu tại Diễn đàn
Vai trò của chuyển đổi số trong các lĩnh vực đời sống- xã hội- kinh tế là không cần phải bàn cãi; tuy nhiên, muốn chuyển đổi số hiệu quả; chủ thể phải có tư duy, kỹ năng và văn hóa chuyển đổi số. Trong đó, văn hóa của doanh nghiệp và doanh nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển đổi số.
“Nói đến văn hóa doanh nghiệp là một khái niệm rất rộng, nhưng có thể hiểu đơn giản, đó là tất cả những giá trị văn hóa mà doanh nghiệp tích lũy được từ khi hình thành cho đến phát triển. Do đó, văn hóa doanh nghiệp có sự ảnh hưởng đến việc xây dựng, định hướng chiến lược của doanh nghiệp đó. Chính vì thể, chuyển đổi số thể hiện mục tiêu, đích đến mà doanh nghiệp hướng tới khi đơn vị này xây dựng được một nền văn hóa thực sự, có bản sắc riêng. Đồng thời, ở chiều hướng ngược lại, chuyển đổi số cũng giúp cho văn hóa doanh nghiệp phát triển bền vững.
Hiện nay, một số đơn vị, doanh nghiệp còn tâm lý e ngại khi áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu như doanh nghiệp kinh doanh trung thực, có văn hóa doanh nghiệp thì sẽ “không sợ” chuyển đổi số, áp dụng chuyển đổi số để kinh doanh rành mạch, rõ ràng, kiểm soát dễ dàng từ đó tiến tới việc doanh nghiệp hoạt động lành mạnh hơn”, Tiến sĩ Phạm Việt Long- Chủ tịch hội đồng Viện Văn hóa& phát triển, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa và Phát triển, chia sẻ.
Các Doanh nhân, Nghệ nhân được vinh danh tại sự kiện.
Là người trực tiếp tham gia các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp từ những buổi đầu tiên, PGS.TS Đặng Văn Đông- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả Trung ương cũng đồng tình với các diễn giản trước đó và khẳng định vai trò của công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Sự phối hợp giữa các nhà khoa học nông nghiệp cùng những chuyên gia về phần mềm đã xây dựng lên ứng dụng giúp cho tất cả mọi người, những người không phải làm nông nghiệp vẫn hiểu về nông nghiệp và nắm bắt được giá trị đích thực về nông nghiệp thông qua số hóa vừa đơn giản vừa hiệu quả mà không cần tìm tòi tài liệu, sách vở phức tạp và tốn thời gian.
Ngoài chủ đề giải pháp chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái truyền thông, Marketing 4.0; một nội dung cũng được đông đảo người tham dự quan tâm tại Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân Việt Nam năm 2022 là xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.Hà Nội cũng như kết quả trong chương trình chuyển đổi số hỗ trợ các chủ thể kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội trao biểu trưng cho thi sĩ Vũ Đức Nguyên người có nghị lực vươn lên, vượt qua số phận.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chí- Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng điều phối nông thôn mới TP.Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết, thời gian vừa qua, đơn vị đang tập trung tổ chức chương trình OCOP- phát triển các sản phẩm OCOP của thủ đô Hà Nội.
“Với lợi thế đặc thù so với các tỉnh thành khác trên các nước, hiện Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó, 318 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được TP công nhân. Do đó, toàn thành phố có rất nhiều sản phẩm có thể tham gia chương trình OCOP, đồng thời cũng có hàng vạn sản phẩm được cấp mã QR Code có thể truy xuất nguồn gốc, thông tin sản phẩm.
Để sản phẩm thực sự tạo được thương hiệu, TP đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra chủ thể có sản phẩm OCOP trong việc tuân thủ các quy định đã đặt ra, báo cáo UBTP thu hồi thương hiệu OCOP của các chủ thể không đảm bảo yêu cầu”.
Đại diện Doanh nghiệp phát biểu tại sự kiện.
Đặc biệt, Văn phòng điều phối nông thôn mới TP.Hà Nội, Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội cũng liên tục tổ chức các sự kiện, hội chợ, gian hàng để giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP của Hà Nội cũng như trao đổi thông tin chủ thể sản phẩm OCOP Hà Nội với các chủ thể khác trên khắp các tỉnh thành trên cả nước.
“Ngoài bán hàng offline, các ngành chức năng của Hà Nội còn tích cực đẩy mạnh nhiều kênh bán hàng online thông qua các nền tảng mạng xã hội và mới đây là Tiktok Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số mà Trung ương và Hà Nội đưa ra. Phát triển đa dạng kênh bán hàng, đáp ứng được mong mỏi của các chủ thể có sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, thúc đẩy phát triển nông thôn mới không chỉ của Hà Nội mà cả các tỉnh thành khác trên cả nước”, ông Chí cho biết.
Hoa hậu Mạc Thị Minh đọc bản khuyến nghị và cam kết xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp
Kết thúc Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân Việt Nam 2022, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam Mạc Thị Minh đã thay mặt, cộng đồng Doanh nhân, Nghệ nhân, Nhà khoa học đọc bản khuyến nghị và cam kết xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp và phát huy tinh thần doanh nhân Việt Nam gồm 07 nội dung. Trong đó nhấn mạnh, doanh nhân luôn sông và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật, gương mẫu nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đầy đủ sứ mệnh, vai trò và trách nhiệm xã hội của Nghệ nhân, Doanh nhân, Nhà khoa học trong việc xây dựng văn hóa Doanh nghiệp và phát huy tinh thần Doanh nhân Việt Nam: “Tâm – Tài – Cống hiến – Phụng sự Tổ quốc – Đồng hành cùng Dân tộc”.
“Thay mặt cộng đồng Doanh nhân, Nghệ nhân và các nhà Khoa học tham dự Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân Việt Nam 2022, chúng tôi xin cam kết: Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo phương châm “Thượng tôn pháp luật – Kết nối tiềm năng – Gia tăng giá trị – Phát triển bền vững”. Đồng thời góp phần quảng bá, tôn vinh và lan tỏa những giá trị sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Việt Nam; Khơi dậy tiềm năng, lợi thế của đất nước và phát huy tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Tích cực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường liên kết để tạo ra giá trị gia tăng gắn với phát triển bền vững; Đóng góp thiết thực vào việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”, Hoa hậu Mạc Thị Minh nhấn mạnh tại Diễn đàn.