Điều chỉnh Luật Di sản văn hóa
Bất cập mới, phát sinh mới
Là Luật về lĩnh vực chuyên ngành nhưng nhiều điều khoản, quy định của Luật Di sản văn hóa hiện hành còn mang tính nguyên tắc chung, chưa thuận lợi cho việc triển khai trong thực tiễn về quản lý di sản, di tích. Một số quy định có tính khả thi chưa cao hoặc không còn phù hợp thực tiễn, cần sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực quản lý di sản, di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và bảo tàng, trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể…
Bên cạnh đó, một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được nghiên cứu bổ sung như: Nội dung các hoạt động, cơ chế để thu hút các nguồn lực của xã hội trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa. Luật Di sản văn hóa chưa có quy định về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, quy định về việc hỗ trợ cộng đồng địa phương tại nơi có di tích. Luật cũng chưa có các quy định về nhiều lĩnh vực của bảo tàng, chưa quy định thẩm quyền, hướng dẫn các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo cam kết với UNESCO, dẫn đến việc di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh chưa có chương trình, đề án, kế hoạch để bảo vệ và phát huy giá trị…
Di sản tư liệu là một loại hình di sản văn hóa nhưng chưa được quy định trong Luật. Trong thời gian tới, Di sản tư liệu của Việt Nam tiếp tục được UNESCO xem xét, ghi danh cấp khu vực và thế giới ngày càng gia tăng. Di sản tư liệu của Việt Nam ở các địa phương, gia đình và dòng họ… đa dạng về loại hình. Các tài liệu, tư liệu có rất nhiều tiềm năng giá trị, cũng có di sản tư liệu đứng trước nguy cơ bị mai một, biến mất… Vì vậy, cần những quy định mới cho loại hình Di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để điều chỉnh hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị loại hình di sản này.
Trước những yêu cầu đó từ thực tiễn, Luật Di sản văn hóa cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm thống nhất và đồng bộ với các bộ Luật khác trong hệ thống pháp luật quốc gia, quy định đầy đủ hơn nội dung quản lý đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di sản trên cơ sở đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO, phù hợp những cam kết trong các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
Trên nền tảng công nghệ số để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa số thống nhất sẽ phục vụ tốt hơn công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Điều này cũng bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.
Xã hội hiện đại yêu cầu bảo tồn di sản theo hướng “bảo tồn tích cực” – đưa di sản vào phục vụ cuộc sống. Các di sản văn hóa phải được bảo vệ, phát huy và quảng bá, giới thiệu rộng rãi cho công chúng. Hoạt động trưng bày, triển lãm ở bảo tàng, hiện đại hóa thông qua ứng dụng công nghệ số (không chỉ là phương thức online mà còn là các phương thức số hóa, điện tử hóa hoạt động) trong trưng bày và giới thiệu trưng bày nhằm thu hút khách tham quan, cũng như gây ấn tượng với công chúng. Đó là một xu hướng tất yếu của các bảo tàng hiện đại. Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến xã hội, đặt ra các nhiệm vụ liên quan đến quản lý, liên kết, chia sẻ thông tin số.