Đình cổ 300 tuổi ở TP.HCM được trùng tu với kinh phí 34 tỉ đồng

Đình cổ Chí Hòa tọa lạc trong con hẻm 475 đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.10). Đến với di tích, người xem vô cùng ấn tượng với cổng đình Chí Hòa nổi bật những họa tiết rồng bay, phượng múa, câu đối sơn son thếp vàng. Tại TP.HCM, Đình Chí Hòa được xếp hạng đứng đầu danh sách 10 đình chùa cổ và lâu đời nhất, đã được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996.

Đình cổ 300 tuổi, kiến trúc nghệ thuật quốc gia ở TP.HCM trùng tu 34 tỉ đồng - Ảnh 1.

Đình cổ Chí Hòa tọa lạc trong con hẻm 475 đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.10)

Đình cổ 300 tuổi, kiến trúc nghệ thuật quốc gia ở TP.HCM trùng tu 34 tỉ đồng - Ảnh 2.

Ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM thắp nhang tại Đình Chí Hòa

NGUYỄN VĂN HÀ

Đình có bàn thờ nhà giáo Võ Trường Toản trang nghiêm ngay trong chính điện. Được biết, vào khoảng từ năm 1785 đến 1792, cụ Võ Trường Toản có mượn Đình Chí Hòa để mở lớp học, đào tạo ra những thế hệ học trò nổi tiếng sau này như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Phan Văn Trị, Nguyễn Hữu Huân, Huỳnh Mẫn Đạt… Có thông tin còn cho rằng, ngôi đình cổ kính và lâu đời 300 năm này từng được vua Tự Đức đời thứ 5 ban sắc phong ngày 29.11 năm Nhâm Tý 1852.

Theo Sở VH-TT TP.HCM, Đình Chí Hòa là công trình đầu tiên trong 31 di tích được tu bổ, phục hồi trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025 do UBND TP.HCM đồng ý chấp thuận trước đây.

Tham dự Lễ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Chí Hòa có ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM; ông Lâm Thiếu Kỳ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử – văn hóa TP.HCM; ông Bùi Thế Hải, Phó chủ tịch UBND Q.10; ông Phạm Thanh Lâm, Trưởng ban quản lý Đình Chí Hòa.

Đình cổ 300 tuổi, kiến trúc nghệ thuật quốc gia ở TP.HCM trùng tu 34 tỉ đồng - Ảnh 3.

“Việc tu bổ và bảo quản di tích là một việc làm không chỉ có giá trị về mặt bảo tồn di sản văn hóa mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng”, Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Trần Thế Thuận khẳng định

Đình cổ 300 tuổi, kiến trúc nghệ thuật quốc gia ở TP.HCM trùng tu 34 tỉ đồng - Ảnh 4.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Chí Hòa

NGUYỄN VĂN HÀ

Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Trần Thế Thuận khẳng định tại buổi Lễ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Chí Hòa: “Việc tu bổ và bảo quản di tích là một việc làm không chỉ có giá trị về mặt bảo tồn di sản văn hóa mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Việc làm này thể hiện tấm lòng biết ơn các nghệ nhân tài hoa, các bậc tiền bối đã tốn bao công sức và trí tuệ gầy dựng để lại cho hậu thế, cho chúng ta và con cháu mai sau một tài sản văn hóa vô cùng độc đáo để chiêm ngưỡng, nghiên cứu và học tập. Vì vậy, được sự quan tâm của lãnh đạo TP.HCM, Sở VH-TT quyết định triển khai việc tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Chí Hòa bằng ngân sách thành phố, với tổng mức đầu tư 34 tỉ đồng”.

Đình cổ 300 tuổi, kiến trúc nghệ thuật quốc gia ở TP.HCM trùng tu 34 tỉ đồng - Ảnh 5.

Đình Chí Hòa được xếp hạng đứng đầu danh sách 10 đình chùa cổ và lâu đời nhất tại TP.HCM

Đình cổ 300 tuổi, kiến trúc nghệ thuật quốc gia ở TP.HCM trùng tu 34 tỉ đồng - Ảnh 6.

Trưởng ban quản lý Đình Chí Hòa Phạm Thành Lâm

NGUYỄN VĂN HÀ

Lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM cũng đề nghị UBND Q.10 luôn tạo điều kiện thuận lợi, quan tâm chỉ đạo giám sát chặt chẽ để công trình thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng cũng như các bên liên quan. Đồng thời, Ban quản lý di tích Đình Chí Hòa tích cực chủ động, phối hợp chặt chẽ tổ chức thi công để công trình tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Chí Hòa hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra.

Trưởng Ban quản lý Đình Chí Hòa Phạm Thành Lâm vô cùng cảm kích trước sự quan tâm của lãnh đạo TP.HCM và cho biết sẽ thực hiện tốt các qui định, đôn đốc các đơn vị cùng phối hợp để công trình tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Chí Hòa sớm hoàn thành trong vòng 540 ngày theo dự kiến.