Định kiến với ‘xe Tàu’: Sao lại trách người dùng?

Thời gian gần đây, theo dõi trên nhiều diễn đàn, hội nhóm ô tô tôi thấy nhiều người vẫn đang xôn xao bàn tán về mẫu xe BAIC Beijing X7. Một mẫu xe đến từ Trung Quốc. Và như thói quen, nhiều người Việt vẫn quen với cách gọi “xe Tàu”.

Thực sự, xưa nay tôi không mấy để ý đến các mẫu xe Trung Quốc. Bởi nó không phải mục tiêu của tôi, hơn nữa hiện tại tôi đã sở hữu và hài lòng với một chiếc xe Nhật. Tuy nhiên, trước sự xuất hiện “nhan nhãn” hình ảnh, bài viết của mẫu xe này trên các trang mạng, cuối cùng tôi không thể kìm nổi sự tò mò và đã “click” vào xem thử. Ý định của tôi ban đầu chỉ đơn giản vào xem cái xe này có gì mà người ta xầm xì nhiều thế. Nhưng sau khi đọc các bài viết, theo dõi nhiều bình luận trên mạng, tôi thấy có hai vấn đề khá lạ (có thể xem là hai thắc mắc) muốn chia sẻ, xung quanh mẫu xe này.

Thứ nhất, tôi không hiểu tại sao truyền thông trong nước lại “nhiệt tình” quá mức với mẫu Beijing X7 này như vậy?

Từ những bài đăng trên mạng, tôi thử tìm kiếm trên google về chiếc xe Beijing X7 thì thấy “hằng hà sa số” bài viết, video nói về nó. Đáng chú ý, đa số bài viết, đặc biệt là video đều ca ngợi chất lượng của mẫu xe Tàu này lên tận “mây xanh”, mặc dù đa phần chỉ mới tiếp cận chiếc xe theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.

Tôi tự hỏi rằng, với một sản phẩm như ô tô, liệu rằng việc đánh giá chất lượng chỉ sau một sự kiện giới thiệu, hoặc nhiều lắm là thêm một buổi lái trải nghiệm đã đủ khách quan hay chưa? Nhất là ở khả năng vận hành và độ bền của động cơ, cũng như các chi tiết công nghệ? Những thứ vốn dĩ không thể đo đạc, kiểm định đơn thuần bằng mắt.

Một vấn đề nữa tôi cũng thấy khó hiểu. Trên các bài đăng, nhiều người khi bày tỏ thái độ hoài nghi về chất lượng của mẫu xe Beijing X7 thì lập tức bị vô số người khác “bu” vào bình luận chê trách, dè bỉu. Cứ như thể thái độ như vậy là phạm pháp, là xúc phạm, bôi nhọ mẫu xe mới “chân ướt chân ráo” vào thị trường Việt Nam.

Tôi nghĩ mãi vẫn không hiểu, tại sao xe Trung Quốc giá rẻ mà trang bị công nghệ lại nhiều đến vậy?

ẢNH: MINH HỌA

Cá nhân tôi có xem qua thông số và trang bị trên mẫu Beijing X7 này. Thực sự tôi khá bất ngờ, bởi với mức giá trên dưới 600 triệu đồng mà nó lại có thiết kế khá bắt mắt, trong khi bên trong cũng được trang bị “tận răng”. Phải công nhận là “ngập tràn công nghệ” đúng như truyền thông họ nhận định. Tuy nhiên, nghĩ lại đến chính bản thân tôi cũng cảm thấy có gì đó “lợn cợn, lấn cấn”. Thẳng thắn mà nói, tôi cũng giống như nhiều người hoài nghi về chất lượng của mẫu xe này nếu nhìn qua giá bán và thông số.

Vì sao tôi lại hoài nghi? Chiếc xe của tôi mua cách đây 2 năm, cũng một mẫu SUV cùng phân khúc với Beijing X7 nhưng giá ngót 1 tỉ đồng. Trong khi trang bị tính năng thì phải thừa nhận là thua xa “một trời một vực”. Tất nhiên như tôi đã nói, tôi hài lòng với chiếc xe mình đang sở hữu vì nó đáp ứng đủ nhu cầu của tôi. Nhưng sở dĩ tôi so sánh như trên là bởi tôi nghĩ mãi vẫn không hiểu, làm cách nào với mức giá thấp hơn vài trăm triệu, mẫu xe Trung Quốc này lại có nhiều công nghệ đến thế?

Trong khi nói về xe Trung Quốc, tôi cũng biết rằng tại Việt Nam trước nay đã có vài mẫu xe xuất hiện khá “đình đám” như BAIC Q7 hay Zotye Z8. Nhưng sau nhiều năm, chẳng phải cuối cùng “xe Tàu vẫn hoàn xe Tàu” đó sao?

Chính vì vậy, đứng từ góc độ cá nhân, tôi nghĩ rằng với vai trò định hướng, dẫn dắt người tiêu dùng, truyền thông không nên “làm lố” theo kiểu bất chấp như vậy. Bởi một sản phẩm – nhất là máy móc, công nghệ, như tôi đã nói bao giờ cũng cần thời gian để kiểm chứng chất lượng. Truyền thông có thể lan tỏa thông tin để người tiêu dùng được biết, nhưng khoan hãy đánh giá. Truyền thông có thể “việt vị” mà không cần trả giá, nhưng người dùng thì không.

Còn với những khách hàng có nhu cầu mua ô tô, dĩ nhiên họ có quyền đặt câu hỏi về chất lượng xe Trung Quốc (tất nhiên không nên quá tiêu cực). Bởi đó là quyền của người tiêu dùng. Bạn hoặc tôi khi mua bất kì sản phẩm nào cũng cần cân nhắc kĩ về giá cả và đặc biệt là chất lượng. Nhất là khi sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, vốn đã có quá nhiều tai tiếng. Vậy nên, đừng vội mỉa mai người khác nếu họ đang hoài nghi “xe Tàu”.

Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người đang sống và làm việc tại Hà Nội.

* Đóng góp bài viết về Xe-Thanh Niên xin gửi về [email protected] hoặc [email protected].