Định nghĩa lại “Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại”?
–
Thứ hai, 30/12/2019 14:00 (GMT+7)
PGS-TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – khẳng định: Những Di sản Văn hóa phi vật thể ở Việt Nam là đại diện của nhân loại, không phải “của nhân loại”. Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là một tiêu chí, một hạng mục của UNESCO, trong đó cộng đồng giữ vai trò, bảo vệ, giữ gìn Di sản Văn hóa phi vật thể đó.
Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tại Việt Nam. Ảnh: dsvh.gov.vn
Có nhầm lẫn
Theo điều 2 trong Công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (gọi tắt Công ước 2003), “Di sản văn hóa phi vật thể” được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng cũng như những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần Di sản văn hóa của họ.
Giải thích rõ hơn về Công ước 2003, TS Frank Proschan – cựu cán bộ Chương trình cao cấp của UNESCO – tại Hội thảo chuyên đề “Huy động truyền thông trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể” cho biết: “Tức là Di sản văn hóa phi vật thể chỉ được sở hữu, công nhận bởi cộng đồng, nhóm cá nhân và một số trường hợp là các cá nhân. Không có Di sản văn hóa phi vật thể nào thuộc sở hữu của quốc gia hay của nhân loại mà chỉ có Di sản văn hóa phi vật thể hiện có tại quốc gia nào đó”. Đối chiếu với Công ước 2003 và lời giải thích của Tiến sĩ Frank Proschan, có thể thấy tình trạng hiểu sai về khái niệm của UNESCO trong Công ước 2003 đang tồn tại ở nhiều nơi và trong nhiều tình huống. Bởi theo quy định, di sản chỉ duy nhất được công nhận bởi cộng đồng sở hữu nó. Cũng theo điều 16 của Công ước 2003, Ủy ban sẽ thiết lập, cập nhật và công bố Danh sách các “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” nhằm đảm bảo nâng cao tính phổ biến và nhận thức về tầm quan trọng của Di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời khuyến khích đối thoại trên cơ sở tôn trọng đa dạng văn hóa.
Theo Tiến sĩ Frank Proschan, khi một Di sản văn hóa phi vật thể được cập nhật và công bố trong Danh sách các Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không có nghĩa là UNESCO công nhận Di sản đó là của nhân loại. Theo UNESCO, không có Di sản văn hóa phi vật thể nào thuộc về “quốc gia” mà hoàn toàn thuộc về cộng đồng, đó là tài sản của cộng đồng. Trao đổi với Lao Động, ông Mai Phan Dũng – Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) cho biết, Di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam được ghi danh thông qua quy trình xét duyệt hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Theo quy trình, một quốc gia trình hồ sơ lên UNESCO, một bộ phận thẩm định của Ủy ban công ước sẽ tiếp nhận và đánh giá. Bộ phận sẽ thẩm định về tất cả mặt nội dung, tiêu chí, hình thức rồi sau đó ra đến cuộc họp Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO (gọi tắt là Ủy ban Công ước 2003). Đây là một quy trình thẩm định vô cùng chặt chẽ, theo từng bước và không phải quốc gia nào cũng có thể được ghi danh theo quy chế. Như vậy các Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam trong danh sách vinh danh của UNESCO là một sự thừa nhận quốc tế.
Ông Mai Phan Dũng nói thêm: “Danh sách đại diện Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được xét duyệt theo quy trình chặt chẽ, sau đó mới được ghi danh. Đây là một sự thừa nhận về quốc tế. Sự thừa nhận về những giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam vào danh sách của UNESCO”.
Chỉ là danh sách để bảo tồn chứ không phải để tôn vinh?
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – GĐ chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam thì lâu nay luôn nhầm lẫn trong danh xưng “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, chính xác phải là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Cách nói tắt từ trước đến nay là một sự hiểu lầm.
Ông Huy khẳng định, những Di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam là đại diện của nhân loại, không phải “của nhân loại”. Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là một tiêu chí, một hạng mục của UNESCO, trong đó cộng đồng giữ vai trò, bảo vệ, giữ gìn Di sản văn hóa phi vật thể đó.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng phòng Di sản văn hóa phi vật thể thuộc Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, bản chất của vấn đề không phải là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, xét cho cùng đây là Di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng được UNESCO đưa vào các danh sách như Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hay danh sách Danh sách cần bảo vệ thứ cấp.
Những Di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam không phải là Di sản đại diện, mà là các Di sản ghi danh trong các danh đó. Bà Trang bày tỏ quan điểm: “Do cách dùng từ khác nhau nên cách hiểu khác nhau. Cục Di sản cũng đang làm văn bản để trình Bộ VHTTDL về vấn đề này để có cách diễn đạt chính xác nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng, tránh những hệ quả tiêu cực”.