Đô thị cổ Hội An được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới
Hội An trong lịch sử có nhiều tên gọi khác nhau: Hải Phố, Hoài Phố, Hội Phố, Hoa Phố, Haiso, Faifo… vốn là một thương cảng nằm bên bờ con sông lớn nhất tỉnh, đã có một thời kỳ phát triển phát đạt nhất khu vực Đông Nam Á, thu hút thuyền buôn nhiều nước Đông Nam Á và nhiều nước phương Tây đến đây để trao đổi, mua bán hàng hóa.
Đô thị cổ Hội An
Đô thị cổ Hội An nối với biển Đông qua Cửa Đại, phía nam giáp huyện Duy Xuyên, phía tây giáp Điện Bàn, cách Đà Nẵng 20km về phía bắc. Từ thế kỷ XVII về trước, Hội An thông thương với Đà Nẵng qua đường sông Cổ Cò. Sau này, dòng sông bị bồi lấp. Đi ngược về phía tây, cả đường sông và đường bộ là những làng mạc trù phú tiếp nối với rừng Trường Sơn giàu lâm thổ sản.
Thương cảng Hội An hình thành từ thế kỷ XVI, thịnh đạt nhất trong thế kỷ XVII-XVIII, suy giảm dần từ thế kỷ XIX, để rồi chỉ còn là một đô thị vang bóng một thời. Đứng về tuổi thọ, Hội An tồn tại trong thời gian không dài. Về quy mô của một đô thị trong thời thịnh vượng của nó cũng chưa phải là to lớn. Tuy nhiên về những phương diện khác, Hội An có vị trí, vai trò đáng chú ý và mang những đặc điểm riêng, tạo nên dáng vẻ và những giá trị lịch sử – văn hóa độc đáo. Trong khi hầu hết các đô thị cổ khác, trải qua những biến thiên của lịch sử và những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên đều bị hủy hoại, hoặc được cải tạo hoàn toàn theo kiểu hiện đại, chỉ để lại trên mặt đất vài di tích rời rạc, thì Hội An được bảo tồn khá nguyên vẹn. Có thể coi đây là trường hợp duy nhất của Việt Nam và cũng là trường hợp hiếm thấy trên thế giới.
Chính vì những giá trị đó, mà năm 1985, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra Quyết định công nhận đây là Di tích văn hóa cấp quốc gia và khoanh vùng bảo vệ di tích phố cổ Hội An.
Nguồn tư liệu liên quan đến Hội An còn được lưu giữ ở nhiều nước trước đây vốn có quan hệ buôn bán với thương cảng này như Nhật Bản, Trung Quốc ở phương Đông, như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp, Anh, Ý ở phương Tây. Một phần tư liệu này đã được khai thác và công bố trong các công trình nghiên cứu của N. Péri, W.J.M. Buch, Chen Chin Ho, P. Manguin, Ogura Sađao, và nhiều bài báo đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hue, Bulletin de l’École d’Extrême-Orient…
Trong hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An trong các ngày 22, 23-3-1990, đã có 38 tham luận (trong đó có 12 tham luận của các nhà khoa học nước ngoài) đã đề cập đến nhiều vấn đề của Hội An trong lịch sử và hiện trạng. Các báo cáo cũng gợi mở nhiều vấn đề để tranh luận, đặt ra những hướng tìm tòi mới có ý nghĩa.
Đặc biệt, trong hội thảo quốc tế này, một số báo cáo đã đặt ra vấn đề nghiên cứu sâu hơn thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa. Nơi đây còn ẩn tàng dấu vết một thương cảng cổ của vương quốc Chămpa, một “Lâm Ấp Phố” bên cửa sông lớn Thu Bồn. Và, Hội An một mặt kế thừa những thành quả khai phá của Chiêm cảng xưa, mặt khác được trực tiếp chuẩn bị từ thế XV, khi người Việt đến tụ cư tại đây và tạo thành một cửa ngõ giao thương của Đàng Trong Việt Nam với thế giới bên ngoài. Hội An còn là một trung tâm giao lưu văn hóa Đông – Tây, là cái nôi hình thành chữ quốc ngữ, và trung tâm truyền bá đạo Thiên Chúa, đạo Phật ở Đàng Trong.
Vẫn còn khá nguyên vẹn những di tích bến cảng, các phố cổ, các nhà liên kế, nhà thờ tộc họ, đình chùa, đền miếu, hội quán của người Hoa, lăng mộ của người Nhật, người Hoa, và độc đáo nhất cây cầu mang tên Cầu Nhật Bản. Những loại hình kiến trúc đa dạng cùng các phong tục tập quán, lễ hội đã phản ánh một chặng đường phát triển, hội nhập và giao thoa để tạo nên một sắc thái văn hóa riêng của Hội An, kết hợp hài hòa giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh.
Ngày 4-12-1999, tổ chức UNESCO đã ra quyết định công nhận phố cổ Hội An là Di tích Văn hóa thế giới. Như vậy là trên đất Quảng Nam, có hai Di tích Văn hóa thế giới là: Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn.