Độc đáo Tết cúng thuyền truyền thống của ngư dân

Độc đáo Tết cúng thuyền truyền thống của ngư dân

Hằng năm, cứ vào cuối tháng chạp, đầu năm mới, ngư dân lại tổ chức lễ “Tết thuyền” (cúng thuyền vào dịp tết). Ngay từ tờ mờ sáng, họ đã chuẩn bị mâm cỗ để mang lên tàu cho “thầy cúng”, là những lão ngư trong làng thực hiện nghi lễ. Họ xem đây là việc tri ân “người bạn” thuyền đã cùng họ vươn khơi đánh bắt trong một năm qua và cầu mong năm mới được mùa “lộc biển”.

Độc đáo Tết cúng thuyền truyền thống của ngư dân

Vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch hằng năm, ngư dân đưa tàu về bến để vá lưới và sửa chữa tàu. Ảnh: Tăng Thúy

Tri ân “người bạn” cùng đạp sóng ra khơi

Dọc đê huyện Hậu Lộc những ngày này có hàng trăm chiếc thuyền neo đậu, nghỉ ngơi sau một năm xuôi ngược. Quốc kỳ tung bay phấp phới trên mỗi chiếc thuyền tạo nên cả một rừng hồng kỳ. Dưới mũi thuyền, những chậu cúc, vạn thọ bày biện đẹp mắt. Trước đó, sau chuyến đi biển cuối cùng, tàu cập bến, chủ thuyền đã làm vệ sinh thuyền sạch sẽ, mang ngư lưới cụ về nhà giặt giũ. Khi lưới đã khô ráo, họ vá lưới, sửa chữa và sơn mới tàu thuyền. Sau đó, gia đình thuyền trưởng sẽ chọn ngày đẹp nhất sắm mâm lễ và tiến hành cúng thuyền.

Tương truyền, xưa kia, ngư dân đi biển, năm nào cũng có nhiều người gặp nạn, vài người phải bỏ mạng giữa biển khơi. Đau lòng trước cảnh đó, một vị thuyền trưởng đã đến đền thờ thần “cá ông” thắp hương khẩn cầu “cá ông” hiến kế để ngư dân tránh được tai ương. Quả nhiên đêm đó, “cá ông” hiện về và bày cách cho vị thuyền trưởng này: “Trước nay ngư dân đi biển chỉ làm lễ tạ ơn ta, ta đã che chở bảo vệ, mà không cảm ơn tàu thuyền – người bạn cùng ngư dân vượt sóng dữ để đánh bắt trên biển nên “thần thuyền” tức giận. Các ngươi hãy làm theo lời ta, vào dịp cuối năm phải làm cái lễ tạ ơn “thần thuyền” để mỗi chuyến ra khơi người sẽ bảo vệ ngư dân tránh sóng to, gió lớn”. Từ đó, cứ vào dịp cuối năm và đầu năm ngư dân lại tổ chức cúng thuyền để tạ ơn “người bạn” của mình, để cầu “thần thuyền” bảo vệ và che chở họ trong mỗi chuyến ra khơi. “Cúng thuyền mang ý nghĩa về tâm linh, ngư dân chúng tôi tin tưởng rằng nếu làm như thế “thần thuyền” sẽ bảo vệ khỏi sóng dữ, tai ương. Làm việc giữa biển không biết sống chết ngày nào nên đây cũng là niềm tin để ngư dân vững vàng trong mỗi chuyến ra khơi” – ông Tăng Văn Bích, 74 tuổi, xã Hưng Lộc – một lão ngư với hơn 50 năm kinh nghiệm, nói.

Phong tục cúng thuyền có từ rất lâu đời, đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ và nghi lễ này thường được ngư dân chọn vào thời điểm từ 1h sáng đến 7h sáng. Vì theo họ, đây chính là thời điểm đẹp, yên tĩnh và tốt nhất trong ngày. “Tết thuyền” được chia làm 2 phần: Phần một được tổ chức vào các ngày từ đầu tháng chạp đến gần đêm 30, được gọi là tất niên thuyền. Đây là dịp để chủ thuyền cảm ơn các thuyền viên đã đồng hành cùng mình trong những chuyến ra khơi; gắn kết tất cả các anh em bạn thuyền trên tàu và các tàu khác; cùng nhau bàn bạc những công việc sắp tới, anh em trên thuyền đưa ra những đề xuất, giải pháp mới để cùng trao đổi nhằm giúp tàu, thuyền làm ăn ngày một tốt hơn trong năm tới… “Tất niên thuyền được tổ chức rất lớn, ăn uống linh đình. Ngư dân chúng tôi quanh năm ở ngoài biển nên chỉ có tất niên thuyền vừa là tạ ơn thuyền vừa là dịp để ngư dân nghỉ ngơi và vui chơi” – ngư dân Phạm Văn Đông, xã Hưng Lộc, chia sẻ.

Phần hai được gọi là cúng thuyền, diễn ra vào ngày 30 tết đến hết ngày mùng 2 tết. Ông Bích chia sẻ: “Vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch hằng năm, ngư dân đưa tàu về bến để vá lưới và sửa chữa tàu. Sau đó, họ tổ chức lễ cúng và chiêu đãi bà con họ hàng cùng bạn chài. Và, đến ngày 30 tết thì họ tổ chức lễ cúng hết sức trang trọng. Việc làm này trước là để cảm ơn thần linh đã bảo vệ họ khỏi sóng dữ, tai ương, sau là để cúng cho những người anh em cũng đi biển như họ, nhưng không may gặp bão, gió và mất trên biển. Vì thế dù khó khăn, bận rộn, nhưng ngư dân ở đây luôn thành tâm sắm sửa lễ vật để “Tết thuyền”. Người giàu thì heo, bò,… người nghèo thì cũng cố sắm sửa mâm lễ có con gà, bánh, rượu… Không năm nào, họ bỏ qua ngày tết này”.

Ngoài việc cúng thuyền trên tàu, ngư dân Hậu Lộc còn tổ chức một buổi lễ cúng trong Cụm Di tích nghè Diêm Phố (thôn Ninh Phú, xã Đa Lộc). Tại đây, đầu tiên các lão ngư cùng với chủ tế dựng cây nêu và treo cờ lên sau đó mới bắt đầu sửa soạn các vật cúng, thắp nhang. Chủ tế ở địa phương sẽ đại diện cho các ngư dân đứng ra làm lễ cầu khấn thần linh phù hộ cho anh em trong làng, ngoài xã đi đánh bắt xa bờ được kết quả tốt, thu được nhiều và đặc biệt là đi đến nơi về đến chốn. Ông Nguyễn Ngọc Minh, trưởng ban khánh tiết cụm di tích nghè Diêm Phố, nói: “Nhân dịp này, tôi thường khuyên anh em vững tin bám biển, bám ngư trường truyền thống của mình, bởi mỗi chiếc tàu của ngư dân là một cột mốc thiêng liêng giữa biển, đảo quê hương”.

Ước vọng đầu xuân

Từ sáng sớm, ngư dân Đồng Văn Quyết, thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc đã cùng gia đình sửa soạn mâm cỗ cúng thuyền đang neo đậu tại bến cảng xã Hòa Lộc. Tại lễ cúng, thầy cúng mặc áo dài, khăn đóng làm chủ lễ, chủ tàu và các bạn thuyền sắp xếp thẳng hàng cùng khấn vái cầu cho mọi người sang năm khỏe mạnh, làm ăn phát đạt.

Thành kính mang những lễ vật, gồm: Con gà, đĩa xôi, hộp bánh, trái cây, rượu gạo, muối, hoa… ngoài số lễ vật cố định thì còn có lễ vật mà thuyền trưởng đã hứa từ năm trước, bày ra mũi thuyền, ông Quyết nghiêng mình kính cẩn khấn vái: “Con xin kính cẩn dâng cúng thủy thần, cô, cậu… (cô, cậu là những vong linh phù hộ người đi biển) phù hộ cho con năm mới mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, tôm cá đầy khoang. Xin cảm ơn thần thuyền đã cùng con vượt qua sóng gió ra biển, vào bờ an toàn…”.

Sau lời cầu khẩn, ông rải gạo và muối, nghiêng chén đổ rượu, rải vàng mã xuống nước và lên khắp sàn thuyền, miệng lầm rầm khấn vái mời “thần thuyền” chung vui cùng mình. Sau đó, ông cùng con trai trịnh trọng treo hai lá cờ Tổ quốc lên trụ gỗ trước mũi và trên mui thuyền. “Cờ Tổ quốc là biểu tượng thiêng liêng không thể thiếu, ở nhà cũng treo cờ Tổ quốc và trên thuyền cũng làm lễ treo cờ. Thuyền được ngư dân ví như căn nhà trên biển nên nhà sao, thuyền vậy. Hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió như thêm ý chí cho mình vững tâm ra khơi” – ông Quyết chia sẻ.

Thuyền của ông Quyết hành nghề giả, mỗi chuyến đi từ 5-7 ngày, với 5-6 bạn thuyền, trung bình mỗi chuyến khai thác 5-10 tấn cá. Cuộc sống các ngư dân vì thế luôn ổn định và bình an. Nói về Tết thuyền, ông Quyết cho rằng: “Mỗi năm biển cho tôm cá, ngư dân đi đánh bắt được mùa là nhờ có thần phù hộ, che chở, tàu bình an vươn khơi. Tết thuyền vì thế được xem như hành động đáp nghĩa đối với người bạn đã cùng đoàn ngư dân vươn khơi. Đồng thời, đây cũng là dịp để ngư dân cầu cho trời yên biển lặng, nhất là trong năm mới, tình hình trên biển Đông ngày càng ổn định để ngư dân chúng tôi tự tin, an tâm đánh bắt”.

Sau lễ cúng thuyền và cúng tại Cụm Di tích nghè Diêm Phố, chọn một ngày đẹp, các chủ thuyền lại tiếp tục cúng mở cửa biển và khởi hành chuyến biển đầu năm với mong muốn gặp nhiều may mắn của thần linh ban tặng.

Bài và ảnh: T.th