Độc đáo bánh chưng ngọt ngày Tết
Đón Tết với bánh chưng xanh là phong tục truyền thống của dân tộc ta từ bao đời nay. Bên cạnh những chiếc bánh chưng truyền thống với nhân mặn và vỏ xanh mướt, bánh chưng ngọt cũng được nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh như xã Phương Định (Trực Ninh); xã Nghĩa An, thị trấn Nam Giang (Nam Trực)… làm nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Hàng năm, vào dịp cận Tết Nguyên đán, gia đình bà Nguyễn Thị Mai, xã Nghĩa An (Nam Trực) cùng quây quần gói bánh chưng.
Phong tục gói bánh chưng gắn với truyền thuyết từ thời Vua Hùng mang giá trị văn hóa truyền thống trường tồn với thời gian. Đối với những người sinh sống ở miền Bắc, bánh chưng xanh là “linh hồn” của ngày Tết, thể hiện tinh hoa văn hóa ẩm thực qua bàn tay khéo léo của con người. Bánh chưng hình vuông tượng trưng đất, là thức ăn trang trọng để dâng lên tổ tiên. Lúa nếp tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước. Thịt lợn, đậu xanh vừa ngon lành, vừa bổ dưỡng, lá dong vừa xanh vừa đẹp… Các nguyên liệu chính để làm bánh chưng ngọt gồm: gạo, đường phên, đậu xanh, thịt lợn, hoa hồi, vỏ quế… Bánh chưng ngọt nhân thịt sử dụng thịt lợn nhiều nạc hơn bánh chưng thường. Đường phên phải là đường ngon, được cạo mỏng từ những tảng lớn, màu nâu sậm, vị ngọt đậm. Gói bánh cần hoa hồi, chút vỏ quế và dừa để làm nên hương vị đặc biệt. Hoa hồi khô mua ở tiệm thuốc Bắc cùng vỏ quế được nghiền thành bột mịn rồi ướp với thịt, nước mắm, hạt tiêu… Đường phên gói đến đâu, cạo tới đó để tránh đường bị ướt. Đỗ xanh sau khi đãi vỏ và được đồ chín, nghiền ra và được nêm đường vào, sau đó đảo đều trên lửa nhỏ thêm 1-2 tiếng. Đến khi nước bay hơi dần, đỗ xanh quánh lại thì mới được nắm thành những quả cầu tròn vừa lòng bàn tay. Cách gói bánh ngọt hơi khác so với bánh chưng mặn truyền thống là gạo nếp được trộn thêm đường kính trước khi gói bánh, rải lớp gạo nếp, tới lớp đỗ xanh, nhân giữa thịt lợn, lại tới lớp đỗ rồi mới thêm một lớp gạo nếp nữa. Sau đó bánh được gói lại cho vào nồi đun từ 10-12 tiếng đồng hồ liên tục, có điều kiện thì thời gian lâu hơn nữa, bánh chưng ngọt càng rền càng ngon và không bị lại gạo. Nếu chiếc bánh chưng mặn truyền thống, người làm bánh cố gắng sao cho chiếc bánh bóc ra xanh từ trong ra ngoài thì bánh chưng ngọt đơn giản hơn. Bởi màu bánh đã là màu nâu cánh gián của đường phên, nhìn màu vỏ bánh cũng có thể phân biệt vị bánh bên trong. Bánh chưng ngọt, đậm đà vị của gạo nếp, thịt lợn nhưng vẫn ngọt ngào, lạ miệng với vị ngọt của đường phên, mùi thơm đặc trưng của hoa hồi, vỏ quế.
Dù đã hơn 20 năm làm dâu ở xã Phương Định (Trực Ninh) nhưng đến nay chị Lê Thị Diễm vẫn còn cảm thấy thú vị về món bánh chưng ngọt độc đáo tại quê chồng. Chị Diễm cho biết: “Mới đầu nghe tới bánh chưng ngọt tôi cứ nghĩ là bánh chay nhưng không phải vậy. Những tưởng vị ngọt của đường không liên quan gì tới thịt lợn, gạo nếp, nhưng khi được thưởng thức, sự hòa quyện giữa nguyên liệu và gia vị đã tạo nên một hương vị đậm đà khó quên”. Trước đây, người dân Phương Định thường dùng mật mía trộn đều với đỗ xanh đã hấp chín, ngày nay dùng đường đen thay mật mía. Nhiều gia đình ở đây còn cho thêm lạc, dừa vào nhân bánh. Từ khi được thưởng thức bánh chưng ngọt tại nhà một người bạn ở xã Phương Định, đến nay, năm nào anh Nguyễn Ngọc Toàn ở thành phố Nam Định cũng đặt bánh chưng ngọt để làm quà biếu họ hàng trong dịp Tết. Theo anh Toàn, bánh chưng xanh quá quen thuộc, thậm chí nhiều khi tạo cảm giác nhàm chán thì loại bánh chưng đường này kích thích vị giác, đem lại cảm giác mới mẻ. Anh cho biết: “Gia đình tôi ai cũng thích ăn bánh chưng ngọt. Tuy tôi đã học bí quyết gói bánh chưng ngọt nhưng mùi vị không giống với nơi đã tạo ra loại bánh này”. Đón Tết Nguyên đán hàng năm, gia đình ông Trần Văn Hoài, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) đều không bỏ tục lệ gói bánh chưng ngọt trong những ngày cận Tết. Ông Hoài chia sẻ: “Gói bánh chưng để con cháu trong nhà tiếp nối phong tục truyền thống cha ông. Khi bắt đầu chuẩn bị gói bánh cũng là lúc cả nhà ngồi xum vầy, trẻ nhỏ quây quần xem gói bánh. Sáng mồng 1, lấy chiếc dây lạt xắn một góc bánh chưng, hương bánh thơm thơm, deo dẻo của vị bánh năm mới, thấy đậm đà khoảnh khắc của một cái Tết đậm bản sắc dân tộc”. Bà Nguyễn Thị Mai, xã Nghĩa An (Nam Trực) chia sẻ: “Mỗi dịp Tết đến Xuân về, những đứa trẻ trong gia đình tôi rất háo hức được xem gói và luộc bánh chưng. Đây cũng là dịp con cháu trong gia đình xum vầy, đầm ấm, gìn giữ truyền thống tốt đẹp của ông cha. Với gia đình tôi, bánh chưng Tết còn là quà tặng, quà biếu và cũng là món ăn đặc sản mời khách ăn lấy may mắn trong năm mới”.
Trong xã hội hiện đại nhiều phong tục truyền thống dần bị mai một, nhưng một trong những phong tục xa xưa vẫn được người Việt lưu giữ tới nay đó là tục gói bánh chưng, dù là bánh mặn hay bánh ngọt dâng cúng tổ tiên ngày Tết. Bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói, mọi người trò chuyện, ôn lại ký ức, nghĩ về cái Tết mới sum vầy, đoàn tụ./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa