Độc đáo lễ cúng Vía của người Mường | 54 dân tộc Việt Nam | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Mục lục bài viết
Độc đáo lễ cúng Vía của người Mường
Quan niệm về vía của đồng bào Mường
Tập quán sinh sống của người Mường thường ở theo các chòm núi, hoặc ven các bìa rừng nơi có các con sông, con suối. Họ sống gần gũi với thiên nhiên nên cũng sớm hình thành cho mình các hình thái sinh hoạt văn hóa khác nhau. Và cứ từ đời này sang đời khác, các giá trị văn hóa của dân tộc luôn được họ giữ gìn, nâng niu.
Trong vô số các phong tục của đồng bào, tục cúng vía là một trong những phong tục mang ý nghĩa nhân văn, hướng con người tìm về cội nguồn. Người Mường họ tin vào những điều “siêu nhiêu”, tin vào sức mạnh của thần linh. Nếu hồn vía bị lưu lạc thì thầy Mo sẽ là người có quyền năng, đứng trước cửa nhà để gọi về.
Mâm cúng trong lễ “Vía” của đồng bào Mường.
Mâm cúng “Vía” thường có bát nhang (chủ yếu dùng bát gạo trắng cắm ba nén hương ), con gà luộc đặt trên đĩa xôi trắng một chai rượu, xôi oản (được in khuôn nhỏ và bày trên lá mít cắt tròn, từ 7 đến 12 cái xôi oản màu đỏ và trắng), một đĩa quả, một đĩa hoa, bánh cúng, bát nước, bát gạo, muối, ba quả trứng sống… Thường thì lễ cúng có 4 đến 5 mâm.
Đặc sắc lễ cúng vía của người Mường
Khi mâm cúng đã sắp đầy đủ, thay mặt cho gia đình, thầy Mo áo mũ chỉnh tề thắp hương rồi khấn: “Vía ơi! Vìa à! Vá ở nơi xứ vía về Mường ta sum họp, gọi đến 9 hương trời 12 phương đất, gọi vía từ trung ương đến con dân luôn hướng về với Mường chung 54 dân tộc, sát cánh kề vai một dạ một lòng xây dựng đất Mường. Vía còn đi non, vía còn đi biển, vía lạc nơi chốn nào bước chân chiêu, bước chân tăm, vía nơi cành xi, vía nơi cành đa vía về với Mường ta nhập nhà sum họp…”.
Thầy Mo làm lễ cúng Vía.
Khấn xong, thầy Mo lấy những viên đá có hinh thù kỳ lạ, trong “túi khót” (hay con gọi là túi phép) của mình ra rồi thả vào bát nước. Những đồ vật này chính là “bảo bối” để xua đuổi những điều xui xẻo gieo rắc cho gia đình.
Đồng bào Mường cùng du khách dự lễ cúng Vía đầu năm.
Trong khi làm lễ, con cháu trong nhà sẽ ngồi ở phía dưới, chắp tay vái lạy. Lễ gọi vía sẽ diễn ra khoảng từ một đến hai giờ. Họ tin tưởng rằng thần linh, tổ tiên đã nghe được những lời cầu khấn và phù hộ cho con cháu, rồi đây người ốm yếu sẽ trở nên khỏe mạnh để làm việc. Sức khỏe và may mắn sẽ đến với gia đình, dòng họ mình.
Tục buộc chỉ cổ tay trong lễ cúng Vía của người Mường.
Trước khi cúng vía, những người già trong nhà sẽ bện các sợi chỉ thành từng dây dài gồm: năm đến sáu sợi chỉ gộp lại một dây. Sau bữa cơm, người già chia cho con cháu sợi chỉ mảnh đeo vào cổ tay như một thứ bùa may mắn. Người ta quan niệm rằng, sợi chỉ tuy là vật mỏng manh nhưng nó là niềm tin. Vì vậy họ sẽ đeo đến khi nào sợi chỉ mục đứt mới thôi.
Màn diễn tấu cồng chiêng vô cùng đặc sắc của người Mường.
Bên cạnh việc đeo dây bùa may mắn, người ta còn truyền tay nhau bát nước mát (đây là bát nước mà thầy Mo đã làm phép). Đồng bào Mường tin rằng, bát nước này đã được thần linh phù hộ…, và khi con cháu uống vào sẽ không bị lạc mất vía. Nếu ai không uống thì họ sẽ vuốt vào cơ thể, với ngụ ý gột rửa những điều không may.
Người Mường múa còn vui Hội.
Tục làm vía là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự hiếu thảo với cha mẹ và ông bà. Phong tục này mang đậm bản sắc của người Mường. Đây chính là nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo, cần được gìn giữ và phát huy bản sắc, góp phần tô điểm cho bức tranh văn hóa Việt Nam ngày càng rạng rỡ hơn.
Khấn xong, thầy Mo lấy những viên đá có hinh thù kỳ lạ, trong “túi khót” (hay con gọi là túi phép) của mình ra rồi thả vào bát nước. Những đồ vật này chính là “bảo bối” để xua đuổi những điều xui xẻo gieo rắc cho gia đình.