Độc đáo loại quả ‘may mắn, chỉ ngắm không ăn’ ở miền Tây
(PLVN) – Ngày Tết cổ truyền Việt Nam, gia đình nào cũng chưng mâm ngũ quả lên bàn thờ ông bà tổ tiên để cầu cho năm mới may mắn, thịnh vượng. Ngoài những loại quả thường thấy như mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài… thì bà con miền Tây còn rất thích chưng thêm trái dư.
Trái dư hút hàng vào những ngày cuối năm
Một thứ quả đặc biệt
Dư là một loại cây thuộc họ cà, thân nhỏ, cao tầm 0,5 – 1 mét, trên thân và lá có nhiều gai nhọn. Hoa cây dư có màu tím, trái vàng óng và hình dáng nhìn giống với đầu bò, gần cuống có năm “tai” lồi ra. Bề ngoài trái dư trông khá ngon, bắt mắt nhưng đáng chú ý là loại quả này không ăn được. Ngoài việc dùng để chưng vào những ngày đầu năm mới, bình thường trái dư còn có thể làm thuốc trị một số vấn đề về da như sát khuẩn, tiêu viêm, giảm đau…
Trái dư đạt chuẩn sẽ có đầy đủ 5 chia, màu sắc đẹp
Cây dư khá dễ trồng, chỉ cần tưới nước thường xuyên, xịt sâu và bón phân định kỳ đến khi trái chín thì thôi. Đặc biệt, trái dư còn có ưu điểm là khá cứng nên ít bị dập khi vận chuyển và thời gian chưng được lâu nên không khó khăn trong việc bảo quản. Trái dư được trồng nhiều ở địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Vào tháng 6, bà con bắt đầu xuống giống và đến tháng 12 là có thể thu hoạch. Những trái đạt chuẩn, đẹp, có đủ năm chia sẽ được thương lái thu mua với giá 2.500 đồng/ trái và được nằm trên mâm ngũ quả. Riêng những trái không chất lượng, không đủ năm chia sẽ được cân bán với giá 15.000 đồng/ kg để tận dụng làm thuốc.
Trái dư có thể dùng làm thuốc
Với kinh nghiệm ba năm trồng dư, anh Hà Sĩ Thành (39 tuổi, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, “Ban đầu tôi trồng khoảng 200 cây dư thôi, rồi thấy nhu cầu người mua ngày cao hơn nên năm nay tôi trồng 400 cây. Mỗi cây từ 40 – 50 trái, còn cây nào tốt thì có thể cho khoảng trên trăm trái”. Từ việc nâng số lượng cây trồng, sản lượng trái thu được của anh Thành năm nay cũng lên theo. Khoảng giữa tháng chạp âm lịch, anh Thành sẽ bắt đầu thu hoạch trái. Ước tính trong dịp Tết Nguyên Đán 2020, vườn nhà anh Thành sẽ cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh cũng như những tỉnh, thành khác khoảng 20.000 trái.
Hoa cây dư có màu tím
“Trồng dư không khó nhưng lúc mới bắt đầu trồng thì tôi gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Lúc đó mình không biết tìm mối ở đâu, bán cho ai. Còn bây giờ khi đã ổn định rồi, thương lái đến tận nhà cân của tôi. Hiện tại, một nửa số dư của tôi đã được thương lai đặt mua rồi”, anh Thành nói.
Thân và lá cây dư có nhiều gai gây khó khăn cho việc thu hoạch trái
Xuất thân là một người nông dân chính gốc, xưa nay gia đình anh sử dụng 0,9 ha đất để trồng cây ăn quả như mít, măng cục,…. Vài năm trở lại đây, phát hiện câydư được ưa chuộng nên anh Thành mạnh dạng đầu tư 0,2 ha đất để trồng loại trái này. Cây dư được trồng xen canh với những loại cây trồng khác trong vườn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và giúp anh Thành có thu nhập ổn định quanh năm. Riêng lợi nhuận từ việc trái dư hút hàng mùa Tết, anh thu về trên dưới 50 triệu đồng.
Trái dư khi sắp chín sẽ ngã vàng
Ý nghĩa trái dư trong ngày Tết
Trái dư khi còn sống
Theo quan niệm ông bà ta xưa nay, mâm ngũ quả có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc góp phần làm nên cái Tết viên mãn, đong đầy bên cạnh thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh hay câu đối đỏ,… Mâm ngũ quả với năm loại trái cây có tên gọi và màu sắc khác nhau, tượng trưng cho ngũ hành – năm yếu tố tạo nên trời đất là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Nhiều loại quả với hình dáng đẹp, tên gọi hay được đưa vào danh sách chưng ngũ quả ngày Tết như quả sung mang ý nghĩa của sự sung túc, dưa hấu mang ý nghĩa sự tròn đầy, ngọt ngào, đu đủ là thịnh vượng, đầy đủ… thì trái dư cũng được bà con miền Tây yêu thích bởi cái tên mang ý nghĩa của sự phú quý. Người ta tin rằng, nếu chưng trái dư vào ngày đầu xuân sẽ đem lại tài lộc, may mắn, cả năm làm ăn dư dả, dồi dào.
Tết này, vườn dư nhà anh Thanh có thể cung ra thị trường khoảng 20.000 trái
Mặc dù các chuyên gia khuyến cáo đây là loại trái có tính độc, có thể gây ảo giác, liệt cơ hoặc nghiêm trọng hơn là dẫn đến tử vong nếu trẻ nhỏ ăn phải hoặc người lớn vô tình cầm vào rồi ăn uống. Tuy nhiên, chính vì ý nghĩa trên mà các bà, các chị không ngần ngại “rước” dư về nhà hoặc tặng cho bạn bè, người quen để san sẻ sự may mắn.