Đọc quyển Tìm Về Bản Sắc Văn Hoá Việt Nam của Trần Ngọc Thêm :: Suy ngẫm & Tự vấn :: ChúngTa.com
Cuốn Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam [*] của ông Trần Ngọc Thêm (TNT) ra mắt độc giả năm 1996 đã thu hút được sự chú trọng của dư luận và được bằng khen của ông Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo. Xuất bản lần 3 năm 2001, sách dày gần 700 trang. Lướt qua 6 chương, danh sách 436 tài liệu tham khảo và bảng chỉ dẫn, cảm tưởng đầu tiên là đây là một công trình nghiên cứu có hệ thống, công phu. Ðọc kĩ hơn, tôi thấy thỉnh thoảng có vài sai lầm và một số lập luận phải bàn sâu. Vậy, như tác giả đã gợi ý trong lời nói đầu, tôi xin đóng góp vài lời sau đây. Bài này chỉ liên quan đến Chương I của sách: Cơ sở lí luận cho cách nhìn hệ thống – loại hình về văn hoá Việt Nam (Cái nhìn hệ thống – loại hình là phụ đề của quyển sách). Những chương sau sẽ được bàn tiếp.
Trước hết tôi muốn nói là tôi hoàn toàn đồng ý với hai quan điểm phương pháp của tác giả: một là cái nhìn hệ thống, hai là cái nhìn “độc lập”, không lấy Trung Hoa hay Âu Tây làm trung tâm nhưng không phủ định ảnh hưởng của họ. Từ lâu tôi đã đi đến kết luận rằng Trung Hoa đã nhận được nhiều đóng góp của Ðông Nam Á (các văn hoá ở miền Nam sông Dương Tử), nhưng vì người Hán đã chiếm lãnh thổ ngày nay của Trung Quốc và, vì có chữ viết, đã viết lịch sử theo cách nhìn của họ (coi các dân tộc khác là man di) nên thế giới thường tưởng rằng văn hoá Trung Hoa hoàn toàn do người Hán lập ra. Mới gần đây thôi các nhà sử học và khảo cổ học mới nhận có sự đóng góp của nhiều văn hoá trong sự hình thành của văn hoá Trung Hoa, như trong 2 quyển sách xuất bản năm 1999: Yang Xiaoneng, ed., The Golden Age of Chinese Archaeology (Washington) và M. Loewe and E.L. Shangh-nessy, eds, The Cambridge History of Ancient China: From the origins of Civilization to 221 B.C.(Cambridge University Press).
Trung Hoa, trong giai đoạn từ đồ đá giữa đến đồ đá mới (7000-2000 trước C.N.), nông nghiệp đã nhô lên với hai loại cốc chính: kê ở miền sông Hoàng Hà và lúa ở miền sông Dương Tử. Những vết tích sớm nhất của lúa gạo đã tìm thấy trong một động ở Hồ Nam, vào khoảng 12 000 năm trước C.N., kê thì muộn hơn một tị ở miền trung sông Hoàng Hà. Trong mỗi miền trồng trọt có 3 vùng văn hoá chính, từ Tây sang Ðông, ở miền Bắc: Yangshao, Dawenkou và Hongshan; ở miền Nam: Daxi, Liangzhu và Dapenkeng. Mỗi văn hoá có đặc trưng của mình trong hình dạng và trong trang trí của đồ gốm, đồ tạo bằng đất nung (và ngọc ở Hongshan và Liangzhu). Giữa các văn hoá có sự trao đổi, bằng chứng là một số hoa văn như là rồng rắn và mặt nạ súc vật.
Ưu điểm thứ nhì của TNT là cái nhìn hệ thống, từ môn học gốc của ông là ngôn ngữ học: ngôn ngữ là một hệ thống. Nhưng nó có thể trở thành nhược điểm nếu không thấy tất cả sự phức tạp của một hệ thống khác, hệ thống xã hội: ngôn ngữ ít mâu thuẫn, xã hội nhiều mâu thuẫn. TNT viết rằng ông nhìn một cách tổng hợp, biện chứng. Nhưng chữ biện chứng ở đây dùng với nghĩa “trung cổ” của nó nghĩa là dùng mọi cách để thuyết phục đối phương chứ không với nghĩa “triết” của nó từ Héraclite, Hegel và Marx ở Âu Châu, từ hơn 2000 năm ở Á Châu với Kinh Dịch. Theo phép lí luận này phải coi 4 quy luật của sự vật: vận động không ngừng, tương tác, mâu thuẫn, chuyển từ lượng sang phẩm. Yếu tố quan trọng là sự mâu thuẫn. Hegel đã viết trong Lôgic: “Mâu thuẫn là gốc của mọi vận động… chỉ trong mức độ nó có mâu thuẫn thì một sự việc mới có thể thay đổi, hành động…”. Nếu không có mâu thuẫn trong xã hội thì cũng không có lịch sử. Nếu tôi không nhầm thì TNT không dùng chữ mâu thuẫn. Và vì không nhìn thấy mâu thuẫn nên nhiều khi TNT có những khái quát quá đơn giản. Tôi sẽ trở lại vấn đề này.
Một nhược điểm khác cũng đưa đến kết quả ấy là kiến thức có hạn của tác giả về lịch sử hoàn cầu để so sánh đúng đắn các văn hoá xưa và nay. Chắc tác giả không có nhiều tài liệu để tham khảo và nhiều khi tài liệu lại quá xưa. Sử học và nhất là khảo cổ học đi rất nhanh. Một bài viết cách đây 30 năm khó mà còn giá trị bây giờ (tôi nghĩ đến bài của N. Cheboksarov và W. Solheim dẫn ở tr 33-34 và 69-74). Và thỉnh thoảng người đọc có cảm tưởng rằng vì không đủ bằng chứng khoa học mà tác giả đưa ra ý kiến của một học giả có danh tiếng để bênh vực lời của mình. Nhưng, dù có danh tiếng đến đâu, ý kiến của một học giả mà không có chứng minh thư tịch hay khảo cổ, chỉ là một ý kiến hay một giả thuyết chứ không phải là một bằng chứng khoa học. Chẳng hạn, ở ta, tôi thấy nhiều người (kể cả TNT tr. 49) dẫn Karl Marx để chứng minh “công xã nguyên thuỷ”. Nhưng chẳng ai biết công xã nguyên thuỷ là gì! Và cũng chẳng ai biết được vì không có gì chứng minh dù là thư tịch (chữ viết mới xuất hiện 3100 năm tr. C.N.) hay khảo cổ. Có khi TNT dẫn một tác giả không phải là một người nghiên cứu mà chỉ là một người phổ biến thôi (W. Durant).
Tiện đây tôi muốn nói về “4000 năm văn hiến” của Việt Nam (tr.27). 4000 năm nghĩa từ -2000 đến bây giờ. Nếu tính có 18 vua Hùng trị vì từ -2000 đến -258 (lúc mất nước cho An Dương Vương) nghĩa là trong 1742 năm có 18 vua, mỗi vua trị vì gần 100 năm: ai tin được? Theo Việt sử lược thì nước Văn Lang ra đời vào thời Trang Vương nhà Chu (696-681). Như thế còn có thể tin được vì mỗi vua Hùng trị vì hơn 20 năm. Tất cả các truyện về Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân đều là huyền thoại tổ tiên ta bịa ra (cũng như người Hán bịa ra Tam Hoàng) để có một “lịch sử” gần xưa bằng Trung Hoa. Nhưng huyền thoại vẫn có thể phân tích và hiểu theo góc dân tộc học. Và một huyền sử hay một giả thuyết có thể thành sự thực một khi đã được khảo cổ học chứng minh.Ta có thể lấy thí dụ nhà Hạ mà trước kia nhiều người coi là hoang đường. Nhà Hạ đã thành (một phần) sự thật trước nhà Thương từ khi đào được địa điểm Erliton ở Hà Nam. Cacbon 14 cho biết văn hoá Erliton có từ -2000 đến -1600 (nhà Thương: từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 11 trước C.N.) [1].
Một điểm khác làm tôi ngạc nhiên là TNT (và nhiều nhà dân tộc học ở Việt Nam) nhầm mẫu hệ (matrilinéarité) và mẫu quyền (matriarcat) (tr 54). Mẫu hệ nghĩa là con cái nhận tên và của cải của… giòng mẹ (mẹ, anh em mẹ….). Mẫu quyền là đàn bà cầm quyền trong xã hội. Hai sự việc khác nhau. Rất ít xã hội có mẫu quyền. Tôi đi công tác ở Phi Châu gặp nhiều tộc mẫu hệ, nhưng ở đâu cũng là đàn ông cầm quyền. Ở Vân Nam, người Naxi mà nhiều người gọi là theo mẫu quyền sự thật chỉ theo mẫu hệ. Ðàn bà tự do chọn đàn ông làm bạn, tiếp họ ban đêm, trước sáng họ đi. Con chỉ biết mẹ không biết bố. Trong gia đình quyền chia giữa mẹ và bác. Người bác có nhiều quyền hơn[2]. Dù sao, địa vị của người đàn bà trong một xã hội mẫu hệ cao hơn là trong một xã hội phụ hệ.
Nay tôi đến hai vấn đề chính cho cơ sở lí luận của TNT ở Chương I: khái niệm văn hoá và loại hình văn hoá.
Về khái niệm văn hoá, ai cũng biết có hàng trăm định nghĩa. TNT định nghĩa văn hoá là “một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” (tr.25)
Ðịnh nghĩa này gần định nghĩa của Hồ Chí Minh mà TNT dẫn ở trang 4, nhưng rất xa câu sau của Edouard Herriot mà ông dẫn sau: “Văn hoá là cái tồn tại khi ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả”. Tôi thấy định nghĩa này, đúng về cá nhân chứ không đúng về xã hội, không những thiển cận mà còn có tính cách giai cấp: “tất cả” là gì đối với một người nhà quê và một người trí thức? Ai học được “tất cả”?
Tôi định nghĩa văn hoá là “một tổng thể các sáng tạo vật chất và không vật chất của một cộng đồng người trong quá trình quan hệ với thiên nhiên và với những cộng đồng người khác, những sáng tạo mà có với họ hay với phần đông của họ một ý nghĩa riêng xuất phát từ lịch sử đã qua hay hiện hành của họ mà các cộng đồng khác không chia sẻ” (Lê Thành Khôi, Culture et Développement, Revue Tiers Monde, no97, janvier-mars 1984, tr.15).
Ðịnh nghĩa này nhấn mạnh vào ý nghĩa của văn hoá. Một yếu tố cùng một gốc có thể có một ý nghĩa khác từ nước này sang nước khác, từ tộc này sang tộc khác: đạo Phật ở Tây Tạng khác đạo Phật ở Trung Hoa, đạo Phật ở Trung Hoa khác đạo Phật ở Việt Nam, ở Nhật Bản, v.v. Văn hoá là sản phẩm của một cộng đồng chứ không phải của “con người”: “con người” là ai? Có thể tách rời xã hội được không?
Trong một xã hội có giai cấp, các “giá trị” không cùng một nghĩa cho mọi người. Giáo dục mới nhìn có thể coi là một giá trị phổ thông. Nhưng giáo dục cũng là một dụng cụ chính trị cho giai cấp thống trị nhằm thiết lập hệ tư tưởng của mình. Ðó chính là nghĩa chữ “giáo” trong nho giáo: vua “giáo” dân nhưng dân không “giáo” được vua! Trái lại giai cấp bị trị có thể dùng giáo dục để chống lại. Cố nhiên nội dung sẽ khác. Sự kiện này rất rõ ràng ở Âu Tây trong thế kỉ 19. Giai cấp công nhân đã mở những lớp phổ thông, dạy lẫn nhau, những đại học bình dân, để chống lại giai cấp tư sản.
Cho nên tôi không đồng ý với TNT khi ông viết: “Văn hoá thường xuyên làm tăng độ ổn định của xã hội… văn hoá chỉ chứa cái đẹp” (tr.21), ” không ngừng tự hoàn thiện và thích ứng với những biến đổi của môi trường nhằm tự bảo vệ để tồn tại và phát triển…, là động lực cho sự phát triển ” (tr.23), “thường xuyên tự điều chỉnh” (tr.24).
Rõ ràng TNT không nắm được quy luật mâu thuẫn của biện chứng pháp, cái quy luật mâu thuẫn là động cơ của lịch sử. Văn hoá không phải “chỉ chứa cái đẹp”, không phải thường xuyên “tự hoàn thiện”, “tự điều chỉnh”, “là động lực cho sự phát triển”.
Nếu thật như thế thì làm sao giảng nghĩa được sự suy đồi của Trung Hoa và Việt Nam ở thế kỉ 19? Chính vì văn hoá của hai nước này không biết “tự hoàn thiện” mà đã bị Âu Tây xâm lăng, biến thành bán thuộc địa và thuộc địa. Trong khi đó thì Nhật Bản với một nền văn hoá không khác mấy (ở đây Tống Nho cũng là tư tưởng thống trị) đã biết thay đổi thích nghi mà giữ được độc lập của mình. Tại sao có hai hình trạng khác nhau? Ta không được quên rằng văn hoá bao giờ cũng hành động theo cách hiểu của mỗi xã hội và nhất là của giai cấp thống trị trong xã hội đó. Ở Trung Hoa và Việt Nam, giai cấp thống trị là quan lại nhà nho chọn lọc qua thi cử: nho giáo là chủ nghĩa pháp hoá quyền lực của họ. Ở Nhật thì khác: giai cấp thống trị là võ sĩ cha truyền con nối: nho giáo đối với họ chỉ là một dụng cụ chính trị. Thời thế thay đổi họ có thể tìm một dụng cụ thích hợp hơn. Một đằng khác là võ sĩ thì luôn luôn phải để ý đến quan hệ lực lượng. Võ sĩ Nhật đã thấy ngay sức mạnh của Âu Mĩ và biết mình không địch được: thà rằng mở cửa và giữ độc lập còn hơn là đóng cửa và mất nước. Cuối cùng người Nhật có một truyền thống tiếp nhận những thành tựu của nước ngoài: từ thế kỉ 6 đã tiếp thu nho giáo, đạo giáo, phật giáo, chữ viết, từ Trung Hoa qua Triều Tiên; từ thế kỉ 16 tiếp thu tây học, làm súng theo kiểu Âu, đến thế kỉ 19 tiếp thu khoa học, kĩ thuật, văn học của Âu Mĩ. Trung Hoa thì kiêu căng, vẫn coi mình là trung tâm của thiên hạ, Âu Mĩ là man di. Còn Việt Nam thì chỉ biết có “thiên triều”. Thật sự ở hai nước có một vài người thức thời nhưng họ không có quyền hành.
Vẫn trong chiều hướng đó, tôi không tin như TNT rằng ” mỗi dân tộc đều cố gắng tận dụng các thành tựu của các dân tộc, quốc gia lân bang để làm giàu thêm cho nền văn hoá của mình” (tr.29). Lịch sử cho thấy nhiều văn hoá không tiếp thu những thành tựu bên ngoài vì cớ này hay cớ khác, vì muốn “giữ bản sắc của mình”. Ở Trung Hoa từ thế kỉ 17 các thày tu dòng Tên (Jésuites) đã mang đến nhiều kiến thức toán, thiên văn và địa lí học tiến bộ hơn những kiến thức của người Hán, nhưng không ra khỏi triều đình nhà Thanh.
Một thí dụ còn điển hình hơn là văn hoá Hồi đã tiếp nhận giấy của Trung Hoa nhưng không tiếp nhận nghề in. Năm 751 ở Trung Á cạnh sông Talas quân Ả rập thắng quân nhà Ðường đã học của người Hán nghề làm giấy và từ đó đã truyền cho châu Âu. Nhưng họ không học nghề in (xuất hiện ở Trung Hoa vào thế kỉ 9) tuy buôn bán với Trung Hoa và biết Trung Hoa biết in. Tại sao vậy? Bởi vì đối với người Hồi sách Coran là lời nói của chúa Allah, nếu in ra thì sẽ mất giá trị thiêng liêng. Cho nên đến năm 1726 mới có một nhà in của người Hồi ở Thổ Nhĩ Kì, nhưng chỉ in những sách khoa học, kĩ thuật, ngôn ngữ và lịch sử, không đựoc in sách về đạo và pháp luật (luật Hồi theo đạo). Chính vì không chịu in sách mà văn hoá Hồi, rực rỡ trong mấy thế kỉ, dần dần suy.
Về loại hình văn hoá, TNT bắt đầu từ sự hình thành các chủng người trên thế giới (tr.33). Nhưng các tài liệu tham khảo viết từ 30 năm nay bây giờ đã lạc hậu! Bây giờ ai cũng nhận là loại người xưa nhất là Australo-pithecus và Homo habilis đều xuất hiện ở Phi Châu (mà chỉ thấy ở Phi Châu thôi) cách đây từ 7 triệu đến 4 triệu năm. Còn homo sapiens sapiens (người hiện nay) thì xuất hiện cách đây 40 000 năm ở Tây Á (Palestin, Syria) với nông nghiệp, du mục, đồ gốm và đá mài. Khoảng 3100 năm trước C.N. thì chữ viết ra đời gần như cùng một lúc ở Lưỡng Hà (Mésopotamie) và Ai Cập. Ở Trung Hoa thì chữ viết ra đời chậm hơn, vào khoảng 1500 năm tr. C.N. Ở đâu người cũng bắt đầu sống bằng hái lượm, săn bắn, câu cá. Trừ một vài khu địa lí không thuận tiện cho sự trồng trọt, thường thường nông nghiệp xuất hiện cùng với du mục, ở miền Lưỡng Hà cũng như ở lưu vực sông Hoàng Hà hay sông Vị (không có sách mới nào nói người Hán đến từ Trung Á). Cố nhiên sự quan trọng của nông nghiệp hay du mục tuỳ theo địa lí và khí hậu ở mỗi nơi. Cho nên tôi không tin rằng du mục một đằng, nông nghiệp đằng khác đã đưa đến hai loại hình văn hoá khác biệt, một bên trọng động vì phải “thường xuyên di chuyển” (phương Tây) một bên trọng tĩnh vì phải “lo dựng một cuộc sống ổn định lâu dài” (phương Ðông). Không thể giải nghĩa hai hay ba nghìn năm văn hoá bằng tâm lí được.
Ðứng về phương diện phương pháp luận, để giảng nghĩa một sự khác biệt giữa hai văn hoá, cái “gốc” không quan trọng bằng những sự kiện kinh tế, xã hội, chính trị “đương thời”. Mà trong 2000 năm nông nghiệp là nghề chính của đại đa số nhân dân trên thế giới.
Nếu ta coi lịch sử thế giới từ 2000 năm nay, mỗi xã hội có thời “tĩnh” và thời “động”. TNT viết rằng “chính vì động cho nên văn hoá phương Tây đã chuyển biến rất nhanh” (tr.38). Sự thật mà ông quên là Âu Tây đã “tĩnh” trong 1000 năm từ sự sụp đổ của La Mã (thế kỉ 5) đến thời Phục Hưng (thế kỉ 15) từ đó mới tiến nhanh. Tinh thần chinh phục thiên nhiên mới nẩy nở từ đó chứ không phải “luôn” như ông viết (tr.39). Mà nó nẩy nở chính vì có một giai cấp tư bản (tài chính và thương mại) đã xuất hiện với một chủ nghĩa mới: chinh phục thiên nhiên để giành lợi. Lợi lộc là một động cơ rất lớn. Trước kia, thời Trung Cổ “tĩnh” vì sự thống trị của đạo Ki-tô coi việc cần của con người là sửa soạn cho thế giới “bên kia” chứ không phải là hưởng thụ “bên này”.
Ở phương Ðông cho đến thế kỉ 15, văn hoá Trung Hoa tiến nhanh hơn văn hoá Âu rồi sau đó suy dần cho đến nửa thế kỉ 20. Văn hoá Ả-rập thì “tĩnh” rồi “động”. Ðộng cơ ở đây không phải là sự mưu cầu lợi nhuận như ở Âu Tây mà là một đạo mới, đạo Hồi, nảy nở ở thế kỉ 7. Chỉ trong hơn một thế kỉ, người Ả-rập đã lập một đế quốc rộng lớn từ miền tây Ðịa Trung Hải (gồm Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha) đến Trung Á và Sind (ở Ấn Ðộ). Ðối với họ, chiến thắng chính là dấu hiệu biểu lộ chân lí của đạo mới. Ðiều lí thú, đi trái ngược hẳn lí thuyết của TNT là dù “tĩnh” hay “động” nghề chính của người Ả-rập là du mục.
Những thí dụ trên đây và nhiều thí dụ khác cho thấy sự phân chia hai loại hình văn hoá theo gốc du mục hay nông nghiệp không có cơ sở khoa học.
Còn nhiều khẳng định của TNT cũng như thế, trái với sự thật lịch sử:
“Tất cả những cuộc chiến tranh xâm lược đều do những dân tộc thuộc loại hình văn hoá động gây ra cho những dân tộc thuộc loại hình văn hoá trọng tĩnh (hoặc tĩnh hơn)” (tr.47). Sự thật có rất nhiều chiến tranh xâm lược do một nước “tĩnh” mạnh gây cho một nước cũng “tĩnh” nhưng yếu hơn (hay bị coi là yếu), chẳng hạn Nhật Bản đối với Triều Tiên, Việt Nam đối với Chiêm Thành hay Campuchia, chưa kể người Hán đã thôn tính bao nhiêu dân tộc, gần đây nhất là Tây Tạng.
“Phương Tây coi trọng cá nhân” (tr. 35 và 48). Nói thế là không đếm xỉa gì đến bao nhiêu thế kỉ nô lệ ở Âu Châu tuy chính TNT đã dẫn Aristote viết rằng “nô bộc là hạng người sinh ra để làm công cụ cho lớp thống trị và phụ nữ là để sản xuất và nuôi con” (tr.51). Tôi thì thấy rằng địa vị phụ nữ ở Việt Nam cao hơn ở Pháp cho đến thế kỉ 20.
“Trọng tĩnh là dân chủ, trọng động thì quân chủ” (tr.48). Thật lạ. Nhìn qua lịch sử thế giới từ 4-5000 năm tới nay gần như hầu hết các xã hội đều theo chế độ quân chủ cho tới thế kỉ 19 hay 20. Mà bây giờ có bao nhiêu chế độ gọi là “cộng hoà” mà thật sự là “quân chủ” lối mới, nghĩa là có một người độc tài cầm quyền. Và ở đâu cũng trọng nam hơn nữ vì sức lao động và sức chiến đấu cao hơn (cố nhiên địa vị người đàn bà có khác tuỳ theo nước).
“Quy luật chung là chiến tranh thường đi từ vùng du mục hơn đến vùng nông nghiệp hơn, ngược lại văn hoá lại thường đi từ vùng nông nghiệp hơn đến vùng du mục hơn” (tr 52): quy luật thật là chiến tranh là một dụng cụ chính trị của kẻ mạnh hơn (hay nghĩ là mình mạnh hơn) gây ra cho kẻ yếu hơn (hay bị coi là yếu hơn). Giữa các nước Tây lẫn nhau, giữa các nước Ðông lẫn nhau: La Mã xâm lăng Ai Cập và Ba Tư nhưng Ba Tư trước đó đã xâm lăng Hi Lạp v.v.
Còn văn hoá thì cũng đi nhiều đường từ Ðông sang Tây (không nên quên rằng đạo Ki-tô sinh ở Á Châu), từ Tây sang Ðông (văn hoá công nghiệp và kĩ thuật), từ Bắc xuống Nam (Khổng giáo), từ Nam lên Bắc (Ðạo giáo sinh ở miền Nam sông Dương Tử), từ một trung tâm nào đó lan rộng toàn thế giới (các tôn giáo lớn, khoa học hiện đại).
Về toạ độ và tiến trình của văn hoá Việt Nam, tôi đã dẫn ở trên những phát minh khảo cổ gần đây và sự công nhận của giới khảo cổ học về sự đóng góp của các văn hoá không Hán cho nền văn hoá Trung Hoa. TNT dẫn một bài của Solheim viết từ 1971 trong đó Solheim đưa ra một số giả thuyết về tiền sử Ðông Nam Á châu. Bây giờ những giả thuyết đó đã bị bác bỏ. Không ai phủ nhận rằng bước đầu của văn minh loài người đã xuất phát ở Tây Á như tôi đã dẫn ở trên. Ở Ðông Á, văn hoá đồng của Ðông Sơn xuất hiện chậm hơn văn hoá đồng của người Hán, 1 thiên niên kỉ chậm hơn. Ðối với những tượng và mặt nạ bằng đồng không Hán tìm thấy ở Tứ Xuyên hay Giang Tây cũng chậm hơn từ 500 đến 700 năm (xem Yang Xiaoneng, sđd). Bây giờ không thể viết như Hà Thúc Cần (dẫn tr. 83) hay Hà Văn Tấn (dẫn tr. 85) rằng văn hoá Ðông Sơn đã ảnh hưởng Vân Nam, Quảng Tây và cả đất Sở.
Năm 2001 tôi đi chơi Vân Nam được dịp xem bảo tàng Côn Minh, ở đó có trưng bày nhiều cổ vật bằng đồng của văn hoá Ðiền (tên hồ cạnh Côn Minh) tìm thấy ở những mộ vua chúa khoảng 600 đến 300 tr. C.N. Có đồ giống đồ Ðông Sơn (một số trống và chuông, có hoa văn chim, mặt trời, hình tròn ở giữa có điểm, ếch tượng trưng khả năng phồn thực, v.v.), có đồ khác (thạp đựng ốc tiền). Ðây là một vương quốc giàu, ở một giai đoạn tổ chức xã hội cao hơn Ðông Sơn còn ở tình trạng bộ lạc, buôn bán với người Hán, Ấn Ðộ, Tây Tạng, Miến Ðiện. Tôi nghĩ rằng Ðiền và Ðông Sơn cùng thuộc về một loại văn hoá đồ đồng lan rộng từ miền Nam sông Dương Tử cho tới các hải đảo (trống đồng cũng có ở Phi Luật Tân, Java, Lào, Cao Mên v.v.), khác văn hoá đồ đồng của người Hán thời Thương và Tây Chu, nhưng chịu ảnh hưởng của họ qua sự trao đổi hàng hoá (ảnh hưởng này rõ rệt ở các gương đồng, đồ nữ trang bằng ngọc tìm thấy ở Ðiền v.v.). Ở đây tôi cũng muốn nói là tôi không đồng ý với Hà Văn Tấn khi Tấn viết rằng “có một hệ thống chữ Việt cổ thời các vua Hùng” (dẫn tr.94-96): 20 chữ – nếu đúng là chữ viết – không đủ để thành một “hệ thống”. Một “hệ thống” dùng đúng nghĩa của nó phải có vài nghìn chữ đủ để tả cảnh vật, diễn đạt tính tình và ý niệm. Ở Trung Hoa cuối thời nhà Thương (thế kỉ 11 tr. C.N.) người Hán đã có 5000 chữ.
Cuối cùng có một điểm cần xét lại. Trang 90, TNT (cũng như nhiều người khác) viết rằng nhà Lí “xây Văn Miếu năm 1070, lập Quốc Tử Giám năm 1076”. A.Poliakov đã nghiên cứu vấn đề này, năm 1990 ở Hà Nội có đưa cho tôi bài viết của ông, Etudes Vietnamiennes đăng ở số 3, septembre 1991, tr 27-36: “Sur la date de construction du Van Mieu”.Theo Poliakov, chỉ có Ngô Sĩ Liên mới biên sự kiện này, không thấy ghi ở các sử trước (Lê Văn Hưu, Việt sử lược v.v.). Thời đó Phật giáo là quốc giáo, chưa có nhiều nhà nho để dạy học và tổ chức thi cử. Ngô Sĩ Liên viết rằng thái tử Lí đến học ở Văn Miếu sau khi Văn Miếu được xây dựng, nhưng lúc bấy giờ mới có 4 tuổi! Chỉ đến thế kỉ 13 nho giáo mới bắt đầu phát triển.
Chương 2 tìm hiểu những giá trị văn hoá nhận thức, nghĩa là những triết lí giải thích bản chất của vũ trụ, cấu trúc không gian và thời gian. Theo Trần Ngọc Thêm (TNT), âm dương ngũ hành có nguồn gốc ở phương Nam, bát quái thì nguồn gốc phương Bắc, tuy người Hán (TNT dùng chữ “Hoa tộc” không đúng)” đã có công rất lớn trong việc tổng hợp tri thức rồi hệ thống hoá và phát triển chúng” (tr. 98).
Lập luận của TNT không thuyết phục tôi vì những lẽ sau này :
Lẽ thứ nhất rất đơn giản là không thể khái niệm hoá nếu không có chữ viết. Một vật cụ thể ai cũng nhận được không cần phải nghĩ xa xôi. Từ thượng cổ ở đâu cũng biết phân biệt nam nữ ngày đêm vì đó là tự nhiên thôi (trời sáng trời tối). Ngày đêm, sáng tối đưa đến đen trắng: ngôn ngữ nào cũng có tối thiểu là 2 màu đen và trắng (TNT dẫn khảo sát của Berlin và Kay, tr. 135). Ðó cũng là nghĩa đầu của âm và dương: âm là sườn núi tối (mặt trăng), dương là sườn núi sáng (mặt trời). Nếu nói “gốc” thì âm dương là nhận thức của mọi người chứ không phải của riêng Ðông Nam Á hay Tây Bắc Á.
Trừu tượng hoá âm dương để thành một triết lí thì phải có chữ viết. Chữ viết không những có chức năng truyền thông rộng hơn là tiếng nói, mà còn cho phép trữ kiến thức, tăng thêm nó, phổ biến nó, và nhất là phát triển tư tưởng phê bình và khoa học. Tôi không nói là một xã hội truyền khẩu không biết phê bình. Nhưng họ chỉ biết phê bình cái gì họ nghe và thấy. Nghe một nhà hùng biện có thể bị lôi kéo mất óc phê bình. Chữ viết cho phép đọc từng dòng từng chữ, đọc đi đọc lại, có thời giờ ngẫm nghĩ suy luận, đối chiếu nhiều ý kiến. Và chữ viết cho phép trừu tượng hoá, mở đầu cho khoa học. Không có chữ viết không có khoa học, đó là một sự thật không ai chối cãi. Nhất là toán học, một dụng cụ chủ yếu của khoa học. Ta có thể làm vài tính thường trong óc. Nhưng tính phức tạp thì không được, phải viết trên giấy. Triết lí cũng vậy (chưa nói đến triết học). Triết lí cần chữ viết để trừu tượng hoá quan niệm thông thường, để dựng một hệ thống có quy củ, để xem xét, phê bình, sửa đổi.
Người Việt dù có 20 chữ hay 200 chữ cũng không đủ để trừu tượng hoá âm dương thành triết lí. Người Hán thì có thể vì có chữ từ thế kỉ 16, đến thế kỉ 11 trước C. N. đã có 5000 chữ. Chữ “văn” trong văn hoá hay văn minh không có nghĩa là “đẹp” như TNT viết tr. 27, mà nghĩa là “chữ viết”.
Ði đôi với sự xuất hiện của chữ viết là sự xuất hiện của một loại người lấy chữ làm nghề. Ðó là loại sĩ, có người thì làm việc cho triều đình (soạn và giữ các văn kiện, bói toán, làm cố vấn cho nhà vua), có người thì dạy học, suy nghĩ, viết sách. Chỉ có nhóm này mới có thời giờ và tri thức để xây dựng một hệ thống tư tưởng triết lí. Mà nhóm này chỉ có ở người Hán.
Ở Việt Nam cũng như ở tất cả miền Nam sông Dương Tử không nơi nào có những điều kiện ấy, nhất là đủ chữ và người để nghiên cứu triết lí. Có “gốc” không đủ để đi đến một quan niệm và cũng không đủ để đi đến một khái niệm. Nhất là khi “gốc” là của toàn thế giới! Trừu tượng hoá “nữ” = “tối”, “nam” = “sáng” không phải văn hoá nào cũng làm (hay làm được).
Và nói như TNT rằng ngũ hành và bát quái là sản phẩm của hai dân tộc khác nhau vì có sách chỉ nói đến bát quái không nói đến ngũ hành, hay vì trong ngũ hành và bát quái cùng một số hiện tượng (đất, nước, lửa) có những tên khác nhau, do đó phải xuất phát từ hai kiểu tư duy khác nhau, thì đó là chuyện thường trong văn học. Ở một trình độ nào đó trong một nước, về một vấn đề có nhiều ý nghĩ khác nhau, cùng một chữ có nhiều cách hiểu. Trong một nước Pháp có bao nhiêu sách khác nhau nói về tư tưởng của Marx! Khổng giáo và Phật giáo cũng thế. Ở Tây Tạng có 4 phái đều được coi là chính phái của Phật giáo!
Nói về nước Việt ta thì phải công nhận ta không có óc triết học (người Nhật Bản cũng thế). Ngoại trừ mấy thiền sư thời Lí-Trần, ta không có một nhà triết học nào cả. Lê Quý Ðôn mà nhiều người gọi là một nhà triết học sự thật chỉ là một người sưu tập.
Một lẽ cuối cùng mà TNT không nhận thấy là một mâu thuẫn lớn giữa tín ngưỡng cổ của người Hán và người Việt. TNT viết (tr. 99): “đất được đồng nhất với mẹ, trời được đồng nhất với cha” (trong quan niệm của người nông nghiệp). Sự thật người Việt cổ coi trời là mẹ chứ không phải là cha, như trong câu :
Ông Trăng mà lấy Bà Trời
Chính TNT cũng nói đến Bà Trời trong Chương 4, §13,2, nhưng khi viết Chương 2 thì quên đi!
Chắc rằng ta nói Bà Trời, Bà Ðất, Bà Nước, v.v., vì lúc bấy giờ ta còn ở chế độ mẫu hệ trong khi người Hán đã sang chế độ phụ hệ. Sau này bị Hán xâm chiếm và ảnh hưởng, ta mới sang chế độ phụ hệ và gọi Trời là Ông. Ở thời Thượng cổ ta gọi Trăng là Ông trong khi người Hán thì coi là âm (nữ) đối với mặt trời (dương).
Tất cả những lí lẽ trên đây đưa đến kết luận là triết lí âm dương ngũ hành là gốc Hán chứ không phải là gốc Việt.
Từ Chương 3 đến Chương 6, TNTlần lượt phân tích văn hoá Việt Nam: tổ chức cộng đồng (đời sống tập thể và cá nhân); ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội. Ở đây cơ sở lập luận vững hơn là ở hai chương đầu: TNT hiểu biết văn hoá Việt Nam nhiều hơn là văn hoá nước ngoài và lịch sử thế giới. Tuy nhiên vẫn có nhiều câu không đúng khi so sánh Việt Nam với Trung Quốc hay “phương Tây” và nhất là về phương diện phương pháp luận.
Trong Chương 3: “Văn hoá tổ chức cộng đồng: đời sống tập thể”, khác với lời viết của TNT (tr. 180), dòng họ rất quan trọng ở Tây Âu thời La Mã và phong kiến. “Cá nhân” xuất hiện từ thời Phục Hưng (thế kỉ 15), gia đình hạt nhân thì với chủ nghĩa tư bản và công nghiệp. Ở người slav dòng họ (zadruga) quan trọng cho tới thế kỉ 19. Trung Hoa cũng coi trọng gia tộc không kém Việt Nam, nhưng đó là gia tộc phía đàn ông, trong khi Việt Nam coi trọng cả hai dòng (nội và ngoại) tuy “nội” vẫn được trọng hơn “ngoại”.
Tôi không chắc là “ở Việt Nam làng và họ nhiều khi đồng nhất với nhau”. Nhiều tác giả thấy rằng phần đông các làng, nhất là ở trong Nam, gồm nhiều họ, dù rằng có một họ đã sáng lập. Ta có câu “láng giềng gần hơn họ xa”. Tiếc rằng không có thống kê về vấn đề này.
Ở tr. 181, về Tây Nguyên, nói về sự điều hành trong nhà dài của người phụ nữ chủ nhà chỉ đúng ở chế độ mẫu hệ thôi. Ngược lại, tr. 186, không phải chỉ ở phương Nam mới trọng tuổi già. Tuổi già được trọng ở mọi nơi không có chữ viết hay ít dùng chữ viết dù xã hội là du mục hay nông nghiệp, bởi lí do đơn giản là kinh nghiệm đến với tuổi tác. Khi mà chữ viết và học thức lan rộng, tuổi già không được trọng nữa vì người trẻ có thể biết nhiều hơn người già.
Tr. 190-1, tôi không biết tính tự trị có phải là một đặc trưng cơ bản của nông thôn Việt Nam không. Lần đầu tiên nói đến xã là về thời Khúc Hạo (907-917). Sử viết là Khúc Hạo chia cả nước thành lộ, phủ, châu, giáp, xã: mỗi xã có một người chánh lệnh trưởng và một người tá lệnh trưởng. Ðến thời Lí, khu vực hành chính gồm có lộ, phủ, huyện, hương, giáp. Ðời Trần có xã quan. Lê Thánh-tông lại đổi thành xã trưởng. Xã trưởng do dân chọn nhưng nhà nước bổ nhiệm. Cho đến 1732 nhà nước Lê Trịnh suy mới thôi kiểm tra và lúc bấy giờ làng mới hoàn toàn tự trị. Nhưng tự trị không có nghĩa là dân chủ.
Dân chủ là gì? TNTkhông định nghĩa chữ ấy, chỉ kết hợp dân chủ và bình đẳng (tr. 195). Nhưng có bình đẳng đâu! Chính TNT cũng viết rằng có dân chính cư và dân ngụ cư, dân chính cư chia làm 5 hạng: chức sắc, chức dịch, lão, đinh, trẻ con. Hai hạng trên và một phần hạng thứ ba mới là quan viên. Thế thì có bình đẳng đâu! Nếu là dân chủ theo nghĩa bây giờ thì ai là tráng đinh cũng phải có quyền bầu người lãnh đạo. Cho nên nói đúng hơn đây là một tập đoàn trị (oligarchie).
Theo TNT, tính cộng đồng và tính tự trị đưa đến hậu quả tốt và hậu quả xấu: óc ích kỉ, bè phái, v. v. Ở đây tôi thấy chủ quan quá. TNT chứng minh bằng một số ca dao hoàn toàn trái ngược. Ở đâu mà chả có người xấu người tốt? Trong mức độ nào? Ðó là vấn đề. Bây giờ tâm lí xã hội học đã đưa ra một số biện pháp để biết rõ hơn (tôi không nói là với kết quả hoàn toàn khoa học, tôi chỉ nói là khách quan hơn, lúc mà mình làm đúng quy tắc) tỉ số những người nghĩ thế này thế khác.
Ở mục 11: “Cách tổ chức quốc gia”, có nhiều câu đặt vấn đề (ngoài những điểm mà tôi đã phê bình). Tôi chỉ nêu vài ví dụ không bàn dài dòng:
Tr. 200: “đơn vị trung gian giữa làng và nước không quan trọng … thể hiện ở chỗ tên gọi … luôn thay đổi “: chứng minh này không đủ và có thể chỉ bắt chước Trung Hoa (các tên đều lấy từ Trung Hoa).
Tr. 201: “ở phương Tây, lãnh địa là trụ cột ổn định của quốc gia”: hoàn toàn sai! Trái lại, các nhà vua luôn luôn ráng sức làm giảm bớt quyền lực của lãnh chúa để củng cố quốc gia. Vào thời kì phát triển tư bản đã hết lãnh địa và phong kiến từ lâu, nhà nước thống nhất chứ không phải là liên bang. Ở Ðức có nhiều vương quốc, Phổ (Prusse) thống nhất thành một Ðế quốc liên bang chứ không phải là một liên bang thực sự. Liên bang thật sự ở Âu Châu thế kỉ 19 chỉ có ở Thuỵ Sĩ do hoàn cảnh riêng của nước này.
” Ở Việt Nam. . . các làng phải tập hợp nhau lại thành ‘nước'”. Không đúng. Ở đây cũng như ở Trung Hoa hay Âu Châu, một sức mạnh ngoài làng (một anh hùng, một tướng mạnh) đã tập hợp các làng, các vùng thành nước.
Tr. 202 : “Ở phương Tây ranh giới quốc gia rất mờ”. Lại sai. Chính ở đây đã xuất hiện hộ chiếu. Từ khi có Cộng đồng Âu Châu, nghĩa là từ vài chục năm nay, những người trong Cộng đồng mới đi lại dễ dàng, những người ở ngoài vẫn phải xin thị thực.
“Giới tư sản các nước liên minh chặt chẽ với nhau”: phải thêm là để hợp tác và cũng là để cạnh tranh. Còn công nhân thì “tinh thần quốc tế vô sản” bây giờ không còn nữa !
Tr. 206 và sau, TNT đối lập Trung Hoa với Việt Nam cho là ta vì có gốc nông nghiệp nên có một truyền thống dân chủ hơn Trung Hoa là gốc du mục. Tôi thì thấy ở đâu cũng có vua tốt vua xấu. Vua ta đã theo Trung Hoa tự coi mình là thiên tử, mặc áo vàng, đặt quan chế theo kiểu Hán. Không phải chỉ vua ta mới “coi dân như con cháu mình”, người Hán cũng có câu “quan là phụ mẫu” của dân. Quan hệ huyết thống (vua anh – vua em, vua chị – vua em, vua cha – vua con) hay pháp lí (vua Lê – chúa Trịnh) không thể gọi là “lãnh đạo tập thể” được (2 người không phải là ” tập thể ” nhất là khi cùng dòng họ). Chế độ vua cha – vua con có thấy ở một số nước mà không gọi được là dân chủ (Nhật Bản chẳng hạn). Còn chế độ kiểu Vua Lê – Chúa Trịnh thì cũng thấy ở Nhật và nhiều nước trong đó có Pháp “gốc du mục”.
Tr. 213: “Truyền thống dân chủ nông nghiệp còn thể hiện trong việc tuyển chọn người vào bộ máy quan lại”. Không thể nói thế được vì ta chỉ bắt chước Trung Hoa là nước đầu tiên có việc này, một nước mà theo TNT có gốc vừa du mục vừa nông nghiệp. Ở Triều Tiên “gốc nông nghiệp”, chỉ là quý phái mới được đi thi (thường dân không được). Ở Nhật cũng là một nước nông nghiệp, giai cấp thống trị là võ sĩ cha truyền con nối hay được người trên chọn, cho tới đầu thế kỉ 20.
Tr. 216-7: TNT viết rằng “truyền thống thương nghiệp Việt Nam là gian dối”, tôi thấy rất là chủ quan. Một hai tục ngữ ca dao không là chứng minh được. Còn nói ở phương Tây xã hội trọng vọng và kính nể nhà doanh nghiệp hay thương nhân thì chỉ đúng từ thời Phục Hưng thôi, thời Trung Cổ họ bị khinh vì sự thống trị của đạo Ki-tô y như là với Khổng giáo ở Ðông Á. Ở hai nơi giai cấp thương nhân đã nảy nở không phải nhờ tôn giáo mà mặc dù tôn giáo chống (tới một trình độ nào tiền mạnh hơn đạo).
Tr. 243 : Về lễ nam giao và lễ tịch điền, TNT lập luận rằng vì “tục thờ mặt trời có nguồn gốc ở phương Nam thì làm sao lễ tế Trời và Ðất lại bắt nguồn từ phương Bắc được?”. Người ta có thể trả lời rằng chữ và quan niệm “thiên địa nhân” và “thiên tử” xuất phát ở người Hán. Vua tế trời vì tự coi là con trời (thiên tử) có mệnh của trời trị vì thiên hạ (là đất dưới trời) nhiệm vụ đầu tiên là phát triển nông nghiệp. Có rất nhiều dân tộc thờ mặt trời : Amaterasu là nữ thần mặt trời ở Nhật Bản. Người Turc và người Mông Cổ (du mục) cũng thờ Trời nhưng là một thần Nam.
Trang 245: “Rồng xuất phát từ Nam Á và từ đó đã đi vào văn hoá Trung Hoa”? Khảo cổ thì có bằng chứng khác. Ở Trung Hoa, người ta đã đào được một số đồ bằng ngọc hình rồng thuộc văn hoá Hongshan (4700-2920 tr. C. N. ) tỉnh Liao-ning và Nội Mông Cổ. Hình rồng cũng có ở văn hoá Yangshao (5000-3000) và Taosi Longshan (2500-2000 tr. C. N. ). Bên cạnh hình rồng có hình rắn trên đồ đất nung[3]. Ở Việt Nam không (chưa?) tìm được hình rồng nào xưa như thế. Người Hán chẳng cần phải qua sông Dương Tử để biết rồng!
Tr. 272-3, chú thích 14: Nước Sở thế kỉ 4-3 tr. C. N. dân Việt nhưng vua và quý tộc là Hán. Khuất Nguyên là người Hán không được vua nghe nên tự vẫn chứ không phải “bất bình với sự cai trị của vua nhà Hán”: nhà Hán lập nghiệp năm 206 tr. C. N. , nghĩa là 70 năm sau khi Khuất Nguyên mất.
Tr. 288-9: “Văn hoá gốc du mục trọng dương… thiên về văn xuôi”. Sự thực phức tạp hơn nhiều. Có nơi bắt đầu bằng thơ, như ở Hi Lạp với Homère (Iliade, Odyssée) hay ở Pháp với Chanson de Roland, có nơi bắt đầu bằng vừa thơ vừa văn xuôi như ở La Mã với Lucrèce và Cicéron, v. v. Văn xuôi bắt đầu thịnh hành từ thế kỉ 18, nghĩa là khá xa với “gốc”.
Tr. 410 Ngọ Môn có thể được dịch bằng Porte du Midi và Midi cũng có nghĩa là hướng Nam (Chú thích của Diễn Ðàn: TNT chê dịch như vậy là sai vì ông tưởng Midi chỉ có nghĩa là giờ ngọ).
Tr. 457: Tượng Phật ở chùa Phật Tích trước đây Bezacier cho là tượng Adiđà, bây giờ Trần Lâm Biền và Chu Quang Trứ cho là tượng Phật Thích Ca, tôi nghĩ đúng hơn.
Tr. 467: Quan Âm là Phật Bà không những ở Việt Nam mà cả ở Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản tuy rằng họ không “thiên về nữ tính”.
Tr. 482 và sau: TNT viết rằng Nho giáo “ra đời và nuôi dưỡng bởi hai dòng sữa: truyền thống văn hoá du mục phương Bắc và truyền thống văn hoá nông nghiệp phương Nam”. Trên đây tôi đã đưa ra nhiều chứng minh đối lập với thuyết “hai văn hoá ” ấy. Ở đây chỉ cần nói rằng nhiều dân tộc du mục nhỏ ở phương Ðông (chẳng hạn ở Trung Á) không có “tham vọng bình thiên hạ” còn “trọng sức mạnh” thì cũng thấy ở nước nông nghiệp (Nhật Bản chẳng hạn). Hay là nông nghiệp “phương Bắc” khác nông nghiệp “phương Nam”? Nhật Bản khác Việt Nam vì có một chế độ phong kiến rất giống phong kiến Âu Châu. Do đó họ trọng sức mạnh, không trọng phụ nữ. Nhưng đó là kết quả của chế độ xã hội chứ không phải của nông nghiệp. Người ta cũng có thể lí luận như thế đối với “lối sống trọng tình” hay “tinh thần dân chủ”, hai ý niệm rất chủ quan, hay cho người làm văn viết truyện nhưng người khoa học thì nên tránh. Tôi không nói là không có người sống trọng tình hay không có tinh thần dân chủ. Tôi chỉ phê bình sự khẳng định khái quát là nông nghiệp đưa ra lối sống trọng tình và tinh thần dân chủ.
Tr. 579 “Hoa tộc (đúng hơn phải nói Hán tộc) đã thu từ phương Nam. . . cái rìu, cái nỏ, nghề nấu thuỷ tinh, phần nào nghề luyện kim đồng”: không đúng. Trung Hoa cũng có rìu (một vật ở đâu cũng thấy từ thời Thượng cổ: paleolithique = đá cũ, neolithique = đá mới), có nỏ (một lợi khí đã giúp Tần thống nhất Trung Hoa), biết luyện kim đồng trước người Việt (Ðông Sơn sớm nhất là thế kỉ 6-5 tr. C. N. , nhà Thương có đồ đồng từ thế kỉ 16-15 tr. C.N.). Còn nghề nấu thuỷ tinh, tôi không biết TNT dựa vào tài liệu nào mà nói người Việt biết nghề ấy. Theo tất cả các sách khảo cổ mà tôi biết, thuỷ tinh được phát minh ở Ai Cập và Mêzopôtami trước -1500, lan ra Tây Á vào thế kỉ thứ 6 tr. C. N. , nghề thổi thuỷ tinh xuất hiện ở thế kỉ 1 ở đấy.
Ðể kết luận, tôi thấy quyển sách của ông Thêm có hai phần. Phần có giá trị là khi tác giả phân tích văn hoá Việt Nam. Có những trang rất lí thú về đời sống cá nhân, văn hoá ứng xử với môi trường: ăn uống, mặc, ở và đi lại, tuy có khi người đọc có thể không đồng ý về điểm này hay điểm khác. Phần yếu của quyển sách là khi tác giả khái quát mà không có chứng minh khoa học, đặt cơ sở lí luận trên sự phân chia hai loại hình văn hoá, trọng tĩnh và trọng động, theo nguồn gốc nông nghiệp hay du mục của nó. Lịch sử thế giới không chứng minh lí luận đó: phần lớn các văn hoá khi xuất hiện ở phương Ðông cũng như ở phương Tây đều phối hợp nông nghiệp và du mục (tuy với trình độ khác nhau). Chỉ trong một số trường hợp vì hoàn cảnh địa lí khí hậu ta thấy chỉ có nông nghiệp (các đồng bằng Ðông Nam Á Châu) hay chỉ có du mục (Trung Á, Trung Phi, bán đảo Ả rập v.v.). Ðứng về phương diện phương pháp luận, để giảng nghĩa một sự kiện lịch sử xã hội, “gốc” không quan trọng bằng các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá đương thời. Gốc là một khái niệm khái quát quá, lờ mờ quá, nhất là một gốc du mục hay nông nghiệp đưa ra nhiều xã hội khác nhau. Nhiều ý niệm khác tác giả dùng cũng không ở trong phạm trù khoa học: tính âm, tính dương, tính tĩnh, tính động, của một văn hoá là gì? Chữ tính hàm ý không thay đổi, hay không thay đổi trong một thời gian lâu, và có ở tất cả mọi người, dù là nam hay nữ, ở địa vị này hay địa vị nọ, ở đẳng cấp, giai cấp này hay đẳng cấp, giai cấp nọ. Sự thật thì cái gì cũng thay đổi, chậm hay nhanh. Có khi vì muốn đề cao văn hoá nước mình, tác giả đã quên nhiều sự kiện lịch sử. TNTcho rằng hai truyền thống quan trọng của Việt Nam là “dân chủ” và “trọng tình” (tr. 498): “vua nông nghiệp… coi dân như con cháu mình” (tr. 206: có bao nhiêu ông vua như thế?); “các cuộc chiến tranh mà người Việt Nam từng phải thực hiện đều mang tính tự vệ (cả) với người Chiêm Thành” (tr. 498). Năm 1471 Lê Thánh-tông đánh Chiêm Thành để “tự vệ” hay để mở mang bờ cõi? Sau khi chiếm thủ đô Chăm, Lê Thánh-tông đã giết hơn 40000 người và bắt hơn 30000 người về để làm gia nô hay điền binh (Ðại Việt sử kí toàn thư). Ðó có phải là một hành động “trọng tình” không? Tôi thì gọi nó là dã man, lấy làm hổ thẹn, chỉ biết … tạ lỗi với người Chăm. Gần đây cải cách ruộng đất có “trọng tình” không ? Và bây giờ các chủ nhân xí nghiệp “gốc nông nghiệp” đối xử với công nhân “trọng tình” hay “bóc lột” như người mác-xít vẫn nói? Nói chung các văn hoá “gốc nông nghiệp” bây giờ “trọng tình” hay “trọng tiền” hơn ?
Ông Trần Ngọc Thêm còn nhiều thời giờ để đọc sách, nghiên cứu và suy nghĩ về lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới và phương pháp luận. Với khả năng của ông, tôi tin rằng ông sẽ vượt các khuyết điểm hiện giờ và đóng góp nhiều cho nền khoa học xã hội và nhân văn của nước nhà.
[*]Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, nxb Thành phố Hồ Chí Minh, in lần thứ ba, 2001, 690 trang.
[1] Xem Zou Heng, The Bronze Age of China, trong Yang Xiaoneng, sách đã dẫn, tr. 527.
[2] Cai Hua, Une société sans père ni mari, Les Na de Chine, Paris, Presses Universitaires de France, 1997. Cai Hua đã đến sống với người Na để nghiên cứu xã hội của họ.
[3] Xem Yang Xiaoneng ed. , The Golden Age of Chinese Archaeology, Washington, 1999, tr. 83, 84, 109-110.
Nguồn: Bài đã đăng trên tạp chí Diễn Đàn (Paris) số tháng 2. 2003