Đọc sách: Bộ sách Văn hóa ẩm thực Việt Nam
Bộ sách gồm ba cuốn, mỗi cuốn dày khoảng 500 trang, in giấy trắng, bìa cứng đẹp cả phần minh họa lẫn bìa sách. Ba cuốn sách tương ứng với ba phong cách ẩm thực ba miền: bắc, trung, nam.
Nền văn hóa ẩm thực miền bắc với địa điểm tiêu biểu là Hà Nội – kinh đô của nhiều triều đại – một đô thị nghìn tuổi, in đậm cốt cách của một tầm văn hóa cao. Trước hết là thanh lịch.
“Bữa cơm của người Hà Nội xưa nay chưa phải là nhiều cá thịt, nhưng chỉ một món rau thôi đã là một hòa sắc, một nhịp điệu, tạo ra cái thú ẩm thực tinh vi”.
Nói đến món ngon của Hà Nội thì phở là món đầu tiên. Phở Hà Nội nâng một món ăn thường nhật lên hàng nghệ thuật, một sản phẩm độc đáo dường như không thể lặp lại. Phở Ca, phở Giảng, Phở Nguyên Sinh… đã sống trong kỷ niệm của nhiều người. Bánh tôm Hồ Tây vẫn đi cùng tuổi trẻ, tạo nên dòng ẩm thực lịch lãm, tinh tế.
Ðặc sản của Hà Nội còn phải nói đến bánh cốm Nguyên Ninh, chả cá Lã Vọng, miến lươn Thanh Trì. Cùng với Hà Nội, thì mảnh đất cổ Hà Tây cũng góp những đặc sản khá nổi tiếng: bánh dày Quán Gánh, giò chả Ước Lễ trở thành sợi chỉ đỏ óng ánh xuyên suốt mùa cưới hỏi của đôi trai gái, dệt nên những tình vợ chồng chung thủy, sắt son. Ðó còn là vật phẩm thiêng liêng trong những dịp Tết cổ truyền. Có lẽ vậy mà món ăn Hà Nội đáng trân trọng như những bảo vật của nền văn hóa Việt Nam.
Nếu như thanh lịch là nét duyên dáng của văn hóa ẩm thực Hà Nội thì văn hóa ẩm thực miền trung độc đáo về nét hiện thực, siêu bền truyền thống. Nghệ thuật thẩm mỹ ăn uống của Huế không dừng lại trong chật hẹp khuôn viên ẩm thực đơn thuần mà đã vươn lên đỉnh cao nếp sống văn hóa cổ truyền. Cố đô Huế đã làm nên thế kỷ hội tụ mọi tinh hoa vật chất khắp miền đất nước.
Món ăn Huế là thưởng thức cái đẹp. Ðến Huế dù chỉ một lần thôi nhưng ta cũng đủ quyến luyến hương vị thơm mát của cơm hến, bún bò Huế. Miếng ngon xứ Huế là sự phong phú của vị cá bống Thệ rim khô, chẳng thế mà có câu cá bống kho tiêu, cá thiều kho mặn, để xác nhận phương pháp làm chín duy nhất và tuyệt ngon. Ði dọc theo dải đất miền trung nhỏ hẹp, ta thấy cả một kênh dài những đặc sắc ẩm thực văn hóa là gỏi cá Bình Ðịnh, mực tươi nướng Bình Thuận, bưởi Phúc Trạch – Hà Tĩnh, sò huyết Ô Loan… nem chua Thanh Hóa.
Ðể rồi dừng bước với nền văn hóa ẩm thực của miền đất cuối cùng mảnh đất hình chữ S: Sài Gòn – từ hương vị của một thời cho đến vương quốc của các miếng ngon với nền văn hóa ẩm thực phong phú sôi nổi nhất nước, ta thật sự bị cuốn hút.
Sài Gòn tuy không đủ bốn mùa như Hà Nội để có một “Thương nhớ mười hai” ngọt ngào của Vũ Bằng, nhưng Sài Gòn lại có những thứ riêng để nhớ thương, mà có ngược dòng thời gian hàng thế kỷ vẫn cứ nhớ vẹn nguyên như thuở nào. Ấy là ly nước mía, chén chè bà Ba, bánh xèo, trái sầu riêng, món canh Trảng Bàng Tây Ninh, thịt heo cuốn bánh tráng…
Các món ngon của TP Hồ Chí Minh và Nam Bộ là sự quyện hòa tuyệt đẹp của nhiều nền văn hóa ẩm thực trong một vùng đất giàu có, xanh tươi đước, dừa bát ngát, trù phú một miệt vườn hoa quả, sóng sánh miền cá bạc tôm vàng đất biển, cùng với những gia súc, gia cầm, những sinh vật hoang dã rùa, rắn…
Ẩm thực phía nam phần nào mang tính huyền ảo mà dư vị thật còn nhờ ở sự lĩnh hội tài tình của người thưởng thức. Từ món ăn sang trọng đến món ăn bình dân, Sài Gòn còn có cả một trời ăn uống Âu, Á, Mỹ, không kém gì những thành phố danh tiếng thế giới (Gà rán Humburger, cơm cá chẻm Tây Ban Nha…). Sài Gòn vào đêm mới thật là vùng ẩm thực đêm hội hoa đăng. Ðó là cả một dải lụa ẩm thực: Vịt quay Tứ Xuyên, cá Kỳ Lân, thịt thú rừng, trên khắp các con đường: Võ Thị Sáu, Trần Hưng Ðạo…
Thức uống Sài Gòn nổi tiếng là bia. Bia Sài Gòn tồn tại 300 năm nay và đã lan rộng ra cả vùng Ðông – Nam Á từ cách đây gần thế kỷ. Ðó là một thứ đồ ẩm thực khai vị tuyệt vời và để lại trong lòng người uống nhiều kỷ niệm đẹp. Khép lại nền văn hóa ẩm thực mảnh đất hình chữ S là món canh điên điển cá rô ở Vĩnh Long, bát canh thơm man mác, ngọt nhẹ nhàng. Tạo hóa thật công bằng, ưu ái cho xứ sở nhiệt đới những thực phẩm bình thường nhưng lại đầy ắp hương say.
Sự thành công của bộ sách chính là ở chỗ thông qua khả năng quan sát tinh tế, thưởng thức độc đáo, các “chuyên gia” đã đem đến cho bạn đọc cách tiếp cận mới về ẩm thực văn hóa, tạo nên diện mạo đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Văn phong giản dị mà tinh tế về chất liệu ngôn từ, đã tạo nên những trang viết đậm chất thơ, tỏa sáng một xúc cảm thẩm mỹ diệu kỳ.
Bởi thế, có những món ăn Hà Nội đẹp như bài thơ nghệ thuật, lại có những món ăn Huế sinh động như một đoạn phim ngắn, với nét chấm phá quay chậm hài hòa, để rồi hiện diện một Sài Gòn với những ẩm thực toàn cảnh muôn màu, hoa lệ. Nhưng vượt lên trên hết, người ta thấy cái đẹp, cái cao cả trong nét ẩm thực chung ấy chính là tình người thân thương, là tình yêu tha thiết những tên đất, tên làng gắn với mỗi vùng, miền của Tổ quốc, tạo nên cái đẹp bất tử của Văn hóa ẩm thực Việt Nam.