Đọc sách không nằm trong giá trị cá nhân, quốc gia và thi cử, thì ở đâu cũng trở thành vùng ít đọc

TƯỜNG VÂN – ĐẶNG CHUNG (thực hiện)

  –  

Chủ nhật, 09/04/2023 06:09 (GMT+7)

Hơn hai thập niên kiến tạo phong trào đưa sách về nông thôn giúp hàng triệu trẻ em có cơ hội nghe và đọc sách với nhiều khó khăn, Nguyễn Quang Thạch xem đó là lẽ sống của mình và anh sinh ra để làm việc đó. Anh trở thành người Việt đầu tiên đạt Giải Vua Sejong về xóa mù chữ (The UNESCO King Sejong Literacy Prize) năm 2016.

Đặt mục tiêu cuộc đời giúp tất cả trẻ em nông thôn Việt Nam được nghe và đọc sách như trẻ em Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản cũng như muốn nông dân Việt Nam bắt tay bình đẳng với nông dân Mỹ, Nhật Bản, anh Nguyễn Quang Thạch ngược xuôi khắp chốn, luôn tìm mọi cách để tri thức đến tay con trẻ và người lớn.

Đọc sách không nằm trong giá trị cá nhân, quốc gia và thi cử, thì ở đâu cũng trở thành vùng ít đọcTặng sách học sinh ở Đèo Khau Phạ, Mù Cang Chải, Yên Bái.
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong cuộc trò chuyện với Báo Lao Động, anh kể về những chuyến đi, niềm vui và cả những trăn trở của người yêu sách và hành động để ai ai cũng được hưởng lợi từ sách như mình và như cư dân các nước phát triển.

Trong hành trình hơn 20 năm thúc đẩy văn hoá đọc, anh đánh giá sự quan tâm đến việc đọc sách của người dân Việt Nam đang ở mức độ nào?

– Từ trước đến nay, tôi luôn lấy cơ hội nghe và đọc sách của trẻ em Tây Âu và Mỹ làm tiêu chuẩn đích để chính tôi nỗ lực và vận động các thành viên xã hội đưa sách về nông thôn. Dù sự quan tâm của xã hội đối với sự nghe và đọc sách của trẻ em đã khá hơn, thực tế còn rất xa với tiêu chuẩn của các nước phát triển.

Trên mạng xã hội, người ta thường chia sẻ số đầu sách bình quân mà người dân ở các quốc gia như Nhật, Israel, Mỹ đọc hàng năm dao động từ 20 đến 60. Trong khi đó, bình quân mỗi người Việt đọc từ 0,8 đến 4 cuốn sách trong một năm gồm sách giáo khoa và giáo trình. Rõ ràng có sự chênh lệch rất lớn.

Năm 2017 và 2018, tôi có hai tháng ở Mỹ. Từ phỏng vấn và quan sát, tôi chứng kiến những trẻ em 2 đến 5 tuổi được nghe vài chục cuốn sách mỏng trong một ngày. Việc đọc sách của học sinh Mỹ gắn liền với viết bài luận, thuyết trình, làm các dự án… giúp học sinh chuyển hóa tri thức đầu vào thành những sản phẩm đầu ra cụ thể.

Ở trường tiểu học, cấp hai và ba, trẻ em không những đọc sách ở thư viện lớp, thư viện trường mà còn ở thư viện gia đình, bởi vậy học sinh đọc 30 đầu sách trong một năm là con số bình thường ở Mỹ.

Ở Việt Nam, số học sinh đọc 30 cuốn sách trong một năm mới là số ít ở thành phố. Những nơi sách đưa đến từng lớp học và khuyến đọc tốt như các trường ở Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình…

Vậy theo anh làm thế nào để trẻ em Việt Nam được đọc nhiều sách như trẻ em Mỹ, trẻ em châu Âu?

– Kì vọng vẫn là kì vọng, nỗ lực vẫn nỗ lực, nhưng muốn trẻ em Việt Nam được nghe sách và đọc sách như trẻ em Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản… thì thiết kế giáo dục của chúng ta phải tương đương với họ. Chúng ta phải vận động ngành giáo dục thay đổi.

Nỗ lực thúc đẩy văn hóa đọc trong hơn 15 năm qua trên thực địa, chúng ta mới tạo nhận thức xã hội ở mức vừa phải. Nhận thức của thầy cô giáo nông thôn chắc chưa đạt mức 3 điểm trong thang điểm 10. Còn đối với cha mẹ học sinh nông thôn còn thấp hơn nữa.

Dù ở những vùng mục tiêu của chương trình “Sách hóa nông thôn” trước đây đã có những học sinh đọc 50 đầu sách trong năm học và khoảng 30% đọc ít nhất 10 đầu sách trong năm, nhưng tôi không ảo tưởng về một sự thay đổi lớn lao xảy ra nếu giáo dục không theo chuẩn Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản… Bởi thế, không những tôi mà nhiều người khác vẫn tiếp tục nỗ lực vận động tạo thay đổi trong tương lai.

Cùng người Việt Nam tặng sách trẻ em nông thôn Ấn Độ - Tủ sách Lớp em.  Ảnh: Nhân vật cung cấpCùng người Việt Nam tặng sách trẻ em nông thôn Ấn Độ – Tủ sách Lớp em. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Có phải vì lẽ đó, anh vẫn tiếp tục tìm kiếm giải pháp để  trẻ em Việt Nam được nghe và đọc sách có chiều sâu? 

– Tôi tin rằng mọi sự thay đổi sẽ diễn ra nếu chúng ta nỗ lực đủ lớn. Trong khi ngành giáo dục chưa có giải pháp hệ thống giúp trẻ em Việt Nam lĩnh hội tri thức như trẻ em Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản… chúng ta trong lương tâm và trách nhiệm xã hội của mình hãy cố hết sức để thấy sự thay đổi trong tương lai.

Ngay cả việc tôi sang Ấn Độ thúc đẩy tủ sách lớp học nông thôn cũng là cách đánh thức sức mạnh ẩn tàng trong xã hội. Chắc chắn sẽ nhiều người tự vấn bản thân khi một người hỏng mắt, yếu sức như tôi sang Ấn Độ đi bộ, thậm chí là xe lăn để kêu gọi sách cho trẻ em trong tinh thần vì nhân loại.

Những chuyến đi đã đem lại cảm xúc thế nào cho anh?

– Buồn thì nhiều và vui cũng kha khá vì tôi thấy những thay đổi cụ thể ở nơi này nơi kia. Tuy nhiên, cộng niềm vui và nỗi buồn lại rồi chia ra, thì nỗi buồn vẫn vô cùng lớn. Việc phổ biến tri thức qua sách, sự quan tâm của xã hội với sách vẫn chưa nhiều, thành ra tôi vẫn tìm kiếm giải pháp cho những bước đi có chiều sâu hơn.

Và đâu là điều khiến anh trăn trở nhất?

– Tôi vừa lên Yên Bái đầu tháng 3, vào Phú Yên cuối tháng 3 và đang ở Huế, ở đâu cũng thấy học sinh, sinh viên “chúi mặt” vào điện thoại thông minh. Bởi vậy, với TikTok, YouTube, game trực tuyến tràn lan cùng với sách vẫn thiếu khắp nơi, nếu đọc sách không nằm trong việc xây dựng giá trị cá nhân, quốc gia và  thi cử, thì ở đâu cũng trở thành vùng ít đọc. Thật đáng lo ngại và báo động.

Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về văn hoá đọc của các nước phát triển, có mô hình, bài học nào phù hợp, có thể áp dụng tại Việt Nam để xóa được các “vùng trũng” về văn hóa đọc không?

– Ở các nước phát triển, việc đọc sách và khuyến khích mọi thành phần xã hội đọc sách là hệ sinh thái giáo dục suốt đời. Bởi vậy, chúng ta cần học cái bình thường của họ và áp dụng ở Việt Nam sẽ tạo nên những thay đổi lớn lao. Tôi đã và đang tìm hiểu cái bình thường của người ta và tìm cách ứng dụng trong tương lai.

Thế giới bên ngoài luôn thay đổi, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão. Tôi sẽ tiếp tục vận động xã hội đưa sách Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản đến tay con trẻ từ mầm non đến cấp ba bằng chương trình sách giá thấp.

Chương trình này với kì vọng rằng, khoảng 600.000 thành viên xã hội góp 360.000 đồng trong vòng 18 tháng để cùng các nhà xuất bản, nhà sách dịch và xuất bản 550 đầu sách với 4,6 triệu bản đưa về tất cả các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và cấp ba ở nông thôn. Bình quân mỗi cuốn sách đưa về nông thôn trị giá khoảng 40.000 đồng và 192 tỉ đồng sẽ đủ cho tất cả học sinh nông thôn nghe và đọc sách Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản… sau 18 tháng thực hiện.

Tôi kỳ vọng rằng, người Việt Nam chúng ta sẽ nhận thức sâu sắc về sự tự cường để xây dựng đất nước mình được cường thịnh và tôn trọng, bắt đầu từ những hành động nhỏ để phát triển văn hóa đọc.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Nguyễn Quang Thạch, sinh năm 1975, quê Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Năm 1999, anh tốt nghiệp khoa Tiếng Anh của Trường Đại học Vinh. Năm 1997, anh tạo những viên gạch đầu tiên cho “Sách hóa nông thôn” và chính thức ứng dụng thực tiễn từ năm 2007. Dù điều kiện sức khỏe không tốt, thị lực kém, năm 2010 và 2015, anh đã lái xe máy và đi bộ xuyên Việt để kêu gọi ủng hộ chương trình.

Tháng 9.2009, Tủ sách Dòng họ do anh nghiên cứu và ứng dụng giành giải thưởng sáng kiến phục vụ cộng đồng do CSIP tổ chức. Chương trình “Sách hóa nông thôn” do anh sáng lập nhận giải thưởng Phổ biến tri thức của UNESCO vào năm 2016 và Thư viện Quốc hội Mỹ vào năm 2017.

Xổ số miền Bắc