Đối đầu Mỹ-Trung và trật tự kinh tế thế giới mới – Bài 5: Hệ lụy của cuộc chiến thương mại

Đối đầu Mỹ-Trung và trật tự kinh tế thế giới mới – Bài 5: Hệ lụy của cuộc chiến thương mại

Cuộc chiến thương mại kéo dài dai dẳng giữa hai cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến nền kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà còn khiến nhiều quốc gia khác lao đao và tác động mạnh tới kinh tế thế giới.

Cuộc chiến thương mại kéo dài dai dẳng giữa hai cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến nền kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà còn khiến nhiều quốc gia khác lao đao và tác động mạnh tới kinh tế thế giới.

image001

Ảnh minh họa.

LTS: Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc từ lâu nay luôn là một mối quan hệ phức tạp, tương hỗ và đầy tính lợi ích. Bên cạnh những quan hệ đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ và cả chính trị, hai cường quốc này luôn tồn tại những mâu thuẫn nghiêm trọng, khó có thể dung hòa.

Dù từng có nhiều giai đoạn có quan hệ kinh tế ‘nồng ấm’ với nhau, hai quốc gia này luôn có những nghi kỵ lẫn nhau, luôn cảnh giác về đối phương như một kẻ thù tiềm năng và cạnh tranh với nhau nhằm giành quyền bá chủ ở Thái Bình Dương.

Những sự kiện như chiến tranh thương mại, ‘dằn mặt’ nhau ở Biển Đông gần đây hay cuộc khủng hoảng ‘lãnh sự quán’ đang diễn ra giữa hai nước là một tiến trình cạnh tranh tất yếu giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Sự cạnh tranh gay gắt này liệu sẽ dẫn tới một trật tự kinh tế mới?

Loạt bài “Đối đầu Mỹ-Trung và trật tự kinh tế thế giới mới”, được đăng tải bắt đầu từ 25/7/2020, trên nhadautu.vn hy vọng sẽ trả lời phần nào câu hỏi này. Kính mời bạn đọc theo dõi và ủng hộ.

Đối đầu Mỹ-Trung và trật tự kinh tế thế giới mới – Bài 1: Quan hệ giữa hai quốc gia trước ‘ngày kịch chiến’

Đối đầu Mỹ-Trung và trật tự kinh tế thế giới mới – Bài 2: Cuộc chiến thuế quan ‘chưa có hồi kết’

Đối đầu Mỹ-Trung và trật tự kinh tế thế giới mới – Bài 3: Cuộc chiến trên mặt trận công nghệ

***

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu trong suốt thời gian vừa qua và gây bất an cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Theo các nhà phân tích, Mỹ và Trung Quốc là các bên chịu hệ lụy trực tiếp, nhưng ảnh hưởng của cuộc chiến còn vươn xa hơn với tác động dây chuyền lan tỏa.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng, chính sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là yếu tố góp phần vào “suy yếu đáng kể của phát triển toàn cầu”.

Tính tới năm 2020, các hàng rào thuế quan đã được áp dụng hoặc công bố có thể khiến GDP toàn cầu bị thiệt hại tới 700 tỷ USD, tương đương với mức giảm 0,8% tăng trưởng GDP toàn cầu, theo số liệu ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Theo một nghiên cứu mới đây của Macrobond, NiGEM, Rabobank về triển vọng kinh tế toàn cầu cho thấy, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong cả năm 2020 và 2021 sẽ là là 2,9%. Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần nhất.

Sự yếu kém của nền kinh tế toàn cầu sẽ có ảnh hưởng lan tỏa, mặc dù nó tùy thuộc mức độ chống chịu của từng quốc gia. hàng loạt quốc gia châu Á cũng sẽ chịu tác động từ các động thái của cuộc chiến này.

Theo đó, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và Singapore sẽ là các nền kinh tế gặp rủi ro cao nhất tại châu Á vì chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, do các nước này có độ mở thương mại cao và tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng. Tăng trưởng GDP của Hàn Quốc có thể mất 0,4% năm nay. Con số này của Malaysia và Đài Loan đều được dự báo là 0,6%. Còn Singapore là 0,8%.

Bloomberg Economics ước tính rằng 1% trong hoạt động kinh tế toàn cầu được quyết định bởi thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Khoảng 4% sản lượng hàng hóa của Trung Quốc được xuất khẩu sang Mỹ, và bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với các nhà sản xuất Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng lan rộng khắp các chuỗi cung ứng trong khu vực, đe dọa đến những nền kinh tế như Đài Loan và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, cuộc chiến này còn làm giảm niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ, gây gián đoạn hoạt động giao thương của các tập đoàn công nghiệp lớn ở châu Á và ảnh hưởng đến những nhà máy có định hướng xuất khẩu tại Châu Âu.

Thuế quan đang gây áp lực gia tăng chi phí đối với các công ty đa quốc gia, buộc những công ty này phải tìm cách bù đắp khoản thua lỗ. Hơn nữa, sự không chắc chắn về triển vọng đàm phán Mỹ – Trung cũng gây khó khăn cho các nhà quản lý khi lên kế hoạch kinh doanh.

Qua khảo sát các nhà quản lý mảng kinh doanh tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia cho thấy, đã có sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất tại những quốc gia này trong các tháng cuối năm 2019. Tại châu Âu, sự sụt giảm sản xuất được thể hiện rõ nét tại Đức – một trong những nhà cung cấp máy móc và thiệt bị hàng đầu thế giới. Tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Morgan Stanley cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu có thể bị suy thoái nghiêm trọng nếu Trung Quốc và Mỹ tiếp tục trả đũa lẫn nhau.

Nguy hiểm hơn, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn dễ làm bùng nổ chiến tranh tiền tệ.

Các tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã được châu Âu cảm nhận một cách rõ rệt. Theo Ủy viên Hội đồng Công tác kinh tế và tài chính Liên minh châu Âu Pierre Moscovici, các quốc gia châu Âu chịu tổn thất lớn bởi nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và có độ mở lớn.

Chẳng hạn, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết, năm 2018, 40% GDP của Đức do xuất khẩu đóng góp, mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có nhiều diễn biến bất ngờ, khó đoán định, cộng đồng kinh doanh của Đức gặp thế khó trong việc sắp xếp lại các hoạt động kinh doanh, cũng như lên kế hoạch cho chiến lược phát triển trong tương lai.

Kết quả là nhiều công ty bắt đầu thu hẹp hoặc trì hoãn hoạt động đầu tư, điều nhiều năm nay chưa từng xuất hiện. Thực tế, thương chiến còn ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia có nền kinh tế ít phụ thuộc vào xuất khẩu, ví dụ điển hình là Iceland – quốc gia phát triển đầu tiên tìm kiếm sự trợ giúp từ IMF kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ‘cú đấm kép’ do cuộc khủng hoảng COVID-19 và sự leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái nghiêm trọng cũng như sẽ cần rất nhiều năm để phục hồi trở lại mức tăng trưởng trước đó.

Cuộc chiến không có kẻ thắng?

Các nhà kinh tế cho biết, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là tình huống ‘thua đều’ cho cả hai quốc gia và nó sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn nếu các bên không đạt được thỏa thuận. Chiến tranh thương mại kéo dài suốt thời gian vừa qua, nhưng đến nay chưa có bất cứ bên nào giành được lợi thế thực sự trước đối phương và không nước nào thu được thành quả đủ lớn để bù đắp cho tổn thất của nền kinh tế.

Cuộc chiến thương mại là nguyên nhân chính khiến hoạt động chế tạo của Mỹ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019. Theo thống kê của Fed, sản lượng chế tạo của Mỹ đã giảm 7 tháng trong số 11 tháng của năm 2019 với mức giảm 3,3% trong quý II/2019. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ quý II/2009, khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

So sánh dữ liệu thương mại của 9 tháng đầu năm 2019 với thời điểm cùng kỳ năm 2018, giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 53 tỷ USD, ngược lại xuất khẩu chỉ giảm 14,5 tỷ USD. Tuy nhiên lượng xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc ít hơn nhiều so với nhập khẩu, vì vậy việc sụt giảm trong xuất khẩu là không đáng kể. Trong khi đó, xuất khẩu hàng nông sản của Mỹ giảm 2 tỷ USD. Xuất khẩu thiết bị vận tải giảm 5,8 tỷ USD.

Áp thuế lên các hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, đối tượng chịu tổn thương đầu tiên là người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Trước tiên, nông dân Mỹ sẽ phải đối diện với thiệt hại khi sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc chịu hàng rào thuế cao, buộc chính quyền Mỹ phải có các chương trình hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD.

Khi cuộc chiến thương mại leo thang, nhiều công ty Trung Quốc đã ngừng mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Điều này khiến nông dân Mỹ mất đi thị trường lớn, bị cắt giảm phần lớn doanh thu và phải xin trợ cấp từ chính phủ. 

Ngoài ra, theo nhận định của ông David Bachman, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc từ Đại học Washington, khi chiến tranh thương mại bùng nổ, những doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hàng tỷ USD vào thị trường Trung Quốc như Apple, Boeing – sẽ chịu thiệt hại lớn. Các đối thủ cạnh tranh sẽ tận dụng điều này và nhảy vào chiếm lĩnh thị phần tại Trung Quốc.

Trong thời gian vừa qua, đầu tư trong nền kinh tế Mỹ cũng bị sụt giảm mạnh. Đầu tư trực tiếp nước ngoài gần như chững lại trong nửa đầu năm 2018 và tiếp tục thấp yếu tại thời điểm giữa năm 2019. Tổng đầu tư vào nền kinh tế Mỹ bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng như các nhà máy mới hoặc mua thiết bị cho các nhà máy đó cũng giảm trong quý II và III của năm 2019.

Nancy McLernon, Chủ tịch Tổ chức đầu tư quốc tế, đại diện cho các công ty đầu tư xuyên quốc gia cho biết các công ty quốc tế nói chung đã trở nên lưỡng lự khi đầu tư vào Mỹ do lo ngại về căng thẳng thương mại. Hiện tại, các công ty quốc tế chiếm tới 20% số lao động trong ngành chế tạo của Mỹ và sản xuất 25% hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.

Về phần mình, Trung Quốc cũng chịu thiệt hại đáng kể bởi trước khi chiến tranh thương mại nổ ra, Bắc Kinh đã phải vật lộn với những thách thức về kinh tế. Theo đánh giá, tăng trưởng GDP quý II năm 2019 của Trung Quốc là 6,2%, mức thấp nhất kể từ khi chính phủ nước này công bố số liệu hàng quý vào năm 1992. Còn theo tính toán của UNCTAD, Trung Quốc đã chịu thiệt hại 35 tỷ USD vì thương chiến trong nửa đầu năm 2019.

Ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là thiết bị liên lạc và máy móc văn phòng, với giá trị xuất khẩu sang Mỹ giảm 15 tỷ USD. Chưa dừng lại ở đó, nhiều công ty nước ngoài đang có ý định chuyển nhà máy sản xuất tại Trung Quốc sang một quốc gia thứ 3 để mở rộng nguồn cung ứng, tận dụng giá nhân công rẻ và tránh thuế quan. 

Không chỉ vậy, đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc vào sản xuất chỉ tăng 3,0% so với tốc độ tăng trưởng hơn 30% trong giai đoạn 2010-2011. Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn vì việc làm công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2009. Trong quý II/2019, gần 300 tỷ USD kích thích thông qua cắt giảm thuế và cắt giảm phí của Bắc Kinh đã không thể cải thiện niềm tin của giới kinh doanh.

Đối với Trung Quốc, việc mất giá đồng nhân dân tệ có thể sẽ đẩy mạnh việc doanh nghiệp và người dân Trung Quốc chuyến tiền ra ngoại quốc, như chuyện đã từng xảy ra trong năm 2015-2016.

Một vấn đề khác sẽ là nợ của Trung Quốc. Sự mất giá nhân dân tệ sẽ tạo khó khăn cho các công ty Trung Quốc đã mượn nợ bằng USD, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, vì họ phải thanh toán nợ bằng USD trong khi tiền vào thì bằng nhân dân tệ. Ngay trước khi mất giá, tổng số nợ theo tỷ lệ so với GDP cũng đã tăng từ 298% vào cuối năm 2018 lên 304% vào cuối quý đầu tiên năm 2019.

Theo FED, các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh cũng là một canh bạc lớn và có thể gây phản tác dụng với chính nền kinh tế Trung Quốc. Không chỉ doanh nghiệp Mỹ, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã lên tiếng bày tỏ sự bất bình về việc môi trường kinh doanh tại Trung Quốc ngày càng khó khăn, liên quan đến việc vi phạm sở hữu trí tuệ, bị buộc chuyển giao công nghệ hoặc các ưu đãi công khai quá mức của Chính phủ Trung Quốc dành cho doanh nghiệp bản địa.

Nếu các bất đồng thương mại và vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ chậm được giải quyết, Trung Quốc sẽ tiếp tục không được Mỹ và EU công nhận là nền kinh tế thị trường. Điều này là bất lợi lớn đối với Trung Quốc. Cánh cửa đầu tư vào thị trường Mỹ của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Trong ‘nguy’ có ‘cơ’

Cuộc chiến thuế quan đã dẫn tới hệ quả là Mỹ và Trung Quốc nhập ít hàng hóa của nhau hơn, nhất là những sản phẩm bị áp thuế. Do đó, nhiều nền kinh tế sẽ được hưởng lợi nhiều từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung như Việt Nam, Đài Loan, Chile, Malaysia, và Argentina.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam và Đài Loan sẽ hưởng lợi chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu sang Mỹ, trong khi Chile, Malaysia và Argentina hưởng lợi nhiều từ việc bán được nhiều hàng hóa hơn cho Trung Quốc.

Ngoài ra, thuế quan mà Mỹ áp lên Trung Quốc đã khiến các công ty Mỹ tìm nguồn hàng thay thế cho nhiều sản phẩm, bao gồm phụ tùng điện cho điện thoại, linh kiện máy móc văn phòng, máy xử lý dữ liệu tự động, đồ nội thất, và các sản phẩm dùng cho du lịch.

Trong khi đó, thuế quan Trung Quốc áp lên hàng hóa Mỹ khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc đi tìm nguồn hàng thay thế đối với các sản phẩm đậu tương, máy bay, hạt nông sản, và bông.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch về Chính sách Quốc tế thuộc Phòng Thương mại Mỹ John Murphy, lại cho rằng Mexico đang dần nổi lên như một trung tâm sản xuất “với các hiệp định thương mại tự do đảm bảo cho hơn 50 quốc gia”.

“Mexico có rất nhiều lợi thế so với các sự lựa chọn khác, nhất là so với vùng Đông Nam Á, như một nền tảng cho việc sản xuất và xuất khẩu. Thứ nhất, Mexico có khoảng cách gần với thị trường Mỹ và được miễn thuế bởi Washington. Thứ hai, khoảng cách văn hóa giữa Mỹ và Mexico đã được thu hẹp trong nhiều năm qua. Thứ ba, mức độ hội nhập của hai nước rất lớn, như có tới 36 triệu người Mỹ có nguồn gốc từ Mexico. Giao thương giữa hai nước lên tới hàng trăm tỷ USD, đồng thời Mỹ cũng đầu tư trực tiếp hơn 100 tỷ USD vào Mexico. Cuối cùng, sự kết nối giữa cơ sở hạ tầng trong nước và xuyên biên giới vẫn tiếp tục được cải thiện”, tờ CNBC trích dẫn nhận xét của ông John Murphy cho biết.

Từ trước đến nay, Mexico luôn là nơi các công ty Mỹ tìm tới với lý do mức giá nhân công rẻ. Ngoài ra, nước này cùng Mỹ và Canada năm 2018 đã ký hiệp định thương mại mới USMCA, nhằm thay cho hiệp định thương mại NAFTA trước đây.

Ngoài thương mại, một số nước châu Á, đặc biệt ở gần Trung Quốc, cũng có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư tháo lui khỏi Trung Quốc để tránh hàng rào thuế quan. Những quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan hay Campuchia đang chứng kiến nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy từ ‘công xưởng số 1 thế giới’ di dời đến.

Một cuộc khảo sát của Qima vào tháng 6 cho thấy 95% doanh nghiệp Mỹ đã lên kế hoạch thay thế nhà cung cấp của Trung Quốc nhằm đa dạng hóa cũng như ổn định chuỗi cung ứng của họ.

Trước đó, Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải đã nêu rõ rằng 74,9% các doanh nghiệp thành viên của họ đang phải vật lộn trong các kế hoạch kinh doanh do các áp đặt về thuế quan. Trong khi đó, hơn 40% đã hoặc đang xem xét di dời các cơ sở sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát tương tự cũng cho thấy gần 50% doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu đã có kế hoạch tức thì để chuyển nguồn hàng của họ. Xu hướng này không mới vì các công ty vốn đã bắt đầu tìm kiếm các lựa chọn thay thế chi phí thấp hơn cho Trung Quốc trong nhiều năm, khi căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang vào tháng 7/2018. Và tất nhiên, khi mối quan hệ Mỹ – Trung chuyển từ “xấu” sang “cực kỳ tồi tệ”, nhu cầu này ngay lập tức tăng vọt.