Đôi điều cảm nhận về Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam

Thứ Hai 19/11/2018 | 08:30 GMT+7

Đơn cử ở Việt Nam, cho đến hôm nay, nói về Triển lãm Quốc gia, người ta hay nhắc tới 2 trung tâm lớn có từ nhiều năm nay, hoạt động khá hiệu quả, là hình ảnh của một trung tâm triển lãm mang tầm cỡ Quốc gia, đó là: Trung tâm Hội chợ-Triển lãm Việt Nam (VEFAC-Vietnam Exhibition & FAir Center); thường được gọi tắt là Triển lãm Giảng Võ, tại số 148 Đường Giảng Võ, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội và Trung tâm Triển lãm Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam (hay còn gọi là Triển lãm Vân Hồ, vì Trung tâm triển lãm này tọa lạc ở Số 2 phố Hoa Lưu -Vân Hộ, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội). Ở nội dung bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến 1 trong 2 trung tâm Triển lãm Quốc gia nói trên, đó là Trung tâm Triểm lãm Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam, mà năm 2018 này, vừa tròn kỉ niệm 60 năm ngày thành lập (21.11.1958-21.11.2018), với một quá khứ hào hùng, nhiều thành tích vẻ vang; song tôi chỉ chỉ xin nêu khái quát và cảm nhận về những hoạt động tiêu biểu của Trung tâm Triển Văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Nằm tọa lạc khiêm tốn ở cạnh đường Hoa Lư, khu vực Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, với diện tích chỉ có hơn 10 nghìn mét vuông, với một cơ sở vật chất còn khiêm tốn, trang thiết bị cho triển lãm cũng khá khiêm tốn, song hoạt động của Trung tâm triển lãm này trong thời gian qua, đã đạt được nhiều kết quả tốt và rất ấn tượng trong mắt khán giả Thủ đô và đồng bào cả nước-đặc biệt là những triển lãm, hội chợ, sự kiện liên quan đến văn hóa, nghệ thuật.

Với đội ngũ cán bộ-công nhân viên chức không đông (khoảng hơn 100 người, kể cả cán bộ hợp đồng), song nhiều năm qua Ban lãnh đạo và CB-CNV của Trung tâm đã lao động không mệt mỏi, để tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, nhiều triển lãm quy mô quốc gia, quốc tế về văn hóa-nghệ thuật, đem tới cho người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế những góc nhìn mới về nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (trong quá khứ và đương đại). Là Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL có gần 5 năm công tác, nhất là đã gắn bó và đồng hành với Trung tâm nhiều năm qua, tôi đã được chứng kiến, được tham dự; đồng hành và trải nghiệm nhiều hoạt động, nhiều sự kiện, triển lãm và hội chợ do Trung tâm tổ chức, với nhiều thành công và kết quả tốt đẹp (có những triển lãm, sự kiện quy mô hoành tráng, bề thế, mang tính chuyên nghiệp cao và có sự tham gia của nhiều cơ quan TW và nhiều tỉnh, thành địa phương) đã dần khẳng định một thương hiệu, vị thế của Trung tâm triển lãm với quốc gia và cả quốc tế.

Nghệ nhân trình diễn làm đèn lồng trong Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam

(tổ chức tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, tháng 10.2018)

Thật vậy, chỉ tính những hoạt động tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam (ở số 2 Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội), mỗi năm đã có hàng chục sự kiện trưng bày, triển lãm, hội chợ về văn hóa, nghệ thuật và cả những triển lãm tranh, ảnh, sự kiện về quốc tế (nhân kỉ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện bang giao giữa Việt Nam với nước ngoài, do Bộ VHTTDL và các sứ quán nước ngoài tại Hà Nội phối hợp tổ chức) đã đem lại những cảm nhận về hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam với thế giới và hình ảnh của bạn bè thế giới với Việt Nam (Ví dụ như triển lãm tranh, ảnh của các nước: CHLB Nga, Cu-ba, Italia, Belarus, Kazakhstan v.v……). Nhiều triển lãm, hội chợ của Trung tâm trong khoảng 10 năm qua đã thực sự hiệu quả và thiết thực, đem đến cho nhân dân những góc nhìn mới về văn hóa, nghệ thuật, phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào 54 dân tộc Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, để khán giả không cần phải đi xa mà vẫn cảm nhận được về những nét bản sắc văn hóa Việt Nam; cũng như góc nhìn về văn hóa, con người của một số quốc gia trên thế giới.

Là trung tâm triển lãm mang tầm cỡ quốc gia, không chỉ hoạt động tại chỗ, những năm qua trong sự giao lưu & tiếp biến văn hóa đương đại, Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam còn tích cực tham gia tổ chức triển lãm trưng bày tranh, ảnh, trang phục, vật dụng… nhân các sự kiện lớn ở trong nước và quốc tế, đó là: Ngày văn hóa các dân tộc Khơ-me ở An Giang, Ngày văn hóa các dân tộc Chăm ở Ninh Thuận, Ngày văn hóa các dân tộc Hoa ở TP.Hồ Chí Minh, Ngày văn hóa các dân tộc H’Mông ở Tây Bắc,… Đặc biệt được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ VHTTDL, những năm qua, Trung tâm Triển lãm Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam đã có dịp tham gia các triển lãm, trưng bày quốc tế (nhân dịp kỷ niệm các sự kiện bang giao giữa Việt Nam với các nước) ở: Hoa Kỳ, CHLB Nga, Pháp, Belarus, Kazakhstan… về văn hóa, nghệ thuật Việt Nam (quá khứ và đương đại), đem đến cho khán giả và bạn bè quốc tế những góc nhìn mới về đất nước, con người Việt Nam trong đấu tranh và xây dựng hòa bình.

     Một góc triển lãm “Sắc màu Việt Nam” tại Thủ đô London (Vương quốc Anh) của Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (tháng 10.2018)

Có thể kể ra đây nhiều hoạt động nữa của Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam trong suốt thời gian qua, với tư cách là người từng gắn bó, chứng kiến nhiều hoạt động của Trung tâm (cả bề nổi và chiều sâu của các sự kiện), tôi có cảm nghĩ rằng: những hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn của ngành VHTTDL, của đất nước nhiều năm qua luôn thực sự là những hoạt động bổ ích và thiết thực, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ thông tin, văn hóa, triển lãm của người dân Thủ đô, của đồng bào cả nước cũng như bạn bè quốc tế. Tôi cũng thực sự cảm phục và trân trọng về những hoạt động của Trung tâm, về đội ngũ lãnh đạo, CBCNV của Trung tâm này: Họ luôn lao động bền bỉ, sáng tạo vì công việc chung (nếu biết rằng thời gian và công sức bỏ ra cho mỗi triển lãm, mỗi sự kiện, mỗi hội chợ là không hề nhỏ: Từ đề án, thiết kế chương trình, kịch bản, truyền thông, vận động tài trợ tới việc tổ chức và điều hành sự kiện, triển lãm v.v…. tất cả chuỗi công việc phức tạp ấy đều đòi hỏi sự nhất quán trong chỉ đạo điều hành, sự sáng tạo và linh hoạt trong mỗi công việc, sự chung lưng đấu cật của người lao động trong cơ quan). Trong đó biết rằng có những công việc/hoạt động không chỉ đòi hỏi thời gian làm việc 8 tiếng trong giờ hành chính; mà còn phải có thêm thời gian buổi tối, ban đêm cho công việc (có khi tới 10-11 giờ đêm), với một sự đam mê, nhiệt huyết, trách nhiệm của Lãnh đạo, CBCNV và đội ngũ cộng tác viên để làm nên những thành công, kết quả của Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam trong suốt chặng đường đã qua.

Tôi cũng rất ấn tượng với các đồng chí lãnh đạo Trung tâm, những người luôn gương mẫu, nhiệt huyết, trách nhiệm vì công việc chung, nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, trong phối hợp & kết nối với các cơ quan TW và các tỉnh/thành phố (kể cả vận động tài trợ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, khi kinh phí tổ chức các sự kiện hạn hẹp); trong sự phân công, điều phối, để cỗ máy của Trung tâm vận hành trơn tru, ít xảy ra sự cố, trục trặc, dù là nhỏ nhất. Tất cả những điều đó thực sự có ý nghĩa với Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam nhiều năm qua. Để nếu giá dụ như không có Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (đơn vị sự nghiệp của ngành VHTTDL), thì có lẽ chúng ta sẽ thiếu đi một cơ quan chuyên nghiệp hoạt động rất có hiệu quả về thông tin, triển lãm văn hóa-nghệ thuật của nước nhà. Đó cũng là lí do cắt nghĩa tại sao: Một đất nước dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu, dù giàu hay nghèo, chắc chắn không thể thiếu được các thiết chế văn hóa tiêu biểu, bền vững với thời gian và năm tháng, đó là: bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, nhà thông tin-triển lãm

Đó cũng là những biểu trưng, biểu tượng mang đậm “hồn cốt” của một dân tộc, một quốc gia, một đất nước trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình.

                                                                                     ThS. Nguyễn Hữu Giới

                                                                  Nguyên Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL