Đổi mới đánh giá bậc tiểu học: Tất cả vì lợi ích của học sinh

(GD&TĐ) – Việc thay đổi cách đánh giá kết quả học tập và giáo dục ở tiểu học không phải bây giờ mới thực hiện mà đã có lộ trình từ năm 2002 song hành với việc thực hiện Chương trình- sách giáo khoa mới (CT- SGK) ở tiểu học. Tuy nhiên, chỉ đến Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành vào tháng 10 năm 2009 thì việc đổi mới đánh giá mới được hoàn thiện, thể hiện đúng triết lý, quan điểm rất riêng của cấp học này. Thông qua cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Thành – Vụ truởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, chúng tôi hi vọng sẽ đưa ra một góc nhìn tương đối toàn diện về vấn đề này.

PV: Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT (TT32) đã đi vào triển khai được một học kỳ, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ vẫn còn một số băn khoăn của cả GV và phụ huynh học sinh (PHHS). Đó cũng là điều bình thường với một chủ trương mới, có phải vậy không thưa Vụ trưởng, hay là còn có vấn đề khác ở đây?

VT Lê Tiến Thành: Chúng tôi rất vui mừng khi thấy nhiều bậc phụ huynh  và nhân dân quan tâm đến giáo dục tiểu học. Trước hết phải khẳng định việc đổi mới đánh giá (ĐMĐG) ở tiểu học không phải là một chủ trương mới mà là sự điều chỉnh một số điểm trong Quyết định số 30/2005/QĐ-BGD&ĐT về việc đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học (QĐ 30) đã được ban hành vào năm 2005. Nhìn lại lộ trình này, thì sẽ thấy, ĐMĐG đã được quán triệt ngay từ khi triển khai thực hiện chương trình tiểu học mới.
Năm học 2002-2003, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn tạm thời ĐMĐG đối với học sinh lớp 1, năm học tiếp theo, có hướng dẫn tạm thời ĐMĐG với học sinh lớp 1 và lớp 2.

Năm học 2005-2006 thì có Quyết định 30 về đánh giá HS tiểu học theo CT- SGK mới. Từ đó đến nay, GV đã quen với ĐMĐG, PHHS thì đã yên tâm và đặc biệt quan trọng nhất là HS tiểu học đã giảm nhiều sức ép trong quá trình học tập và kiểm tra. HS tự tin, phấn khởi hơn trong học tập, đổi mới cách đánh giá đã đem lại tác động tích cực trong giáo dục tiểu học.

PV: Nếu vậy thì tại sao lại phải có TT 32 thay cho QĐ 30? Việc thay đổi này có đột ngột không mà dư luận vẫn còn ý kiến này kia?

VT Lê Tiến Thành: Việc điều chỉnh cách đánh giá học sinh sau một thời gian thực hiện là bình thường, bởi vì sau 5 năm thực hiện CT-SGK mới chúng ta đã xem xét lại toàn bộ quá trình triển khai, từ việc rà soát CT- SGK, đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới đánh giá kết quả học tập của học sinh; thêm vào đó, cuộc vận động “Hai không” của ngành đưa ra yêu cầu phải dạy thật – học thật – đánh giá thật ở mọi cấp học, trong đó có tiểu học, ĐMĐG là một khâu trong quá trình đổi mới giáo dục tiểu học nói chung (CT-SGK, phương pháp dạy, học, đánh giá) nên cũng cần có sự điều chỉnh. Về tổng thể TT 32 vẫn giữ những nguyên tắc, quan điểm đổi mới như QĐ 30, nhưng có một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn hơn sau 5 năm thực hiện để việc đánh giá đơn giản hơn, thực chất hơn và toàn diện hơn.

Trước khi ban hành TT 32, Bộ GD&ĐT đã tổ chức 3 hội thảo ở cả 3 miền, đối tượng tham gia là cán bộ quản lí giáo dục (CBQLGD), giáo viên (GV) tiểu học để góp ý cho dự thảo TT 32.
Sau khi tiếp thu và chỉnh sửa, bản Dự thảo đã được công khai trên mạng 60 ngày để xin ý kiến của đông đảo các nhà giáo, phụ huynh học sinh và nhân dân, tiếp tục chỉnh sửa rồi mới chính thức ban hành. Như vậy TT 32 được ban hành được chuẩn bị chu đáo và hoàn toàn đúng với quy trình ban hành một văn bản quy phạm pháp luật.

PV: Xin ông cho biết những điểm mới của TT 32 so với QĐ 30?

VT Lê Tiến Thành: Tôi muốn nhấn mạnh một trong những nguyên tắc đánh giá xếp loại đã được nêu trong TT 32, đó là:

Đảm bảo công khai, công bằng, khách quan, chính xác và toàn diện trong đánh giá;

Việc đánh giá với HS tiểu học lấy động viên, khuyến khích sự tiến bộ của các em là chính, không gây áp lực cho cả GV và HS, đảm bảo lợi ích chính đáng của HS;

Kết hợp đánh giá định lượng (điểm số) và đánh giá định tính (nhận xét), kết hợp đánh giá của GV với tự đánh giá của HS, kết hợp đánh giá thường xuyên với đánh giá định kỳ.
Đánh giá HS theo những nguyên tắc trên là thể hiện tính nhân văn của giáo dục tiểu học.

Điểm mới của TT 32 thể hiện rõ nhất ở việc coi trọng đánh giá ở cuối năm học, vì đặc điểm kiến thức và kĩ năng ở tiểu học cấu trúc theo đường thẳng nên bài kiểm tra cuối năm học là điều kiện cần và đủ để đánh giá khả năng nắm vững kiến thức và kĩ năng của học sinh ở mỗi lớp học.

Trước đây theo QĐ 30 điểm học lực môn để xét lên lớp là điểm trung bình cộng của điểm kiểm tra cuối kì I và điểm kiểm tra cuối kì II. Nay theo TT 32 thì điểm kiểm tra định kì cuối năm sẽ là điểm học lực môn để xét lên lớp.

Ví dụ cụ thể:
Một HS có điểm kiểm tra cuối kỳ I là 1 và điểm  kiểm ta cuối kỳ II là 7. Theo cách tính của QĐ 30, điểm học lực môn cả năm là 4 ( trung bình cộng của 1 và 7) thì học sinh đó không được lên lớp thẳng, phải kiểm tra lại. Nhưng nếu đánh giá theo TT 32 thì học lực môn là 7, đủ điều kiện là  HS tiên tiến. Chúng ta hoàn toàn yên tâm cho lên lớp một HS có bài kiểm tra cuối năm đạt điểm 7.

Ngược lại, một HS có điểm kiểm tra định kì cuố kỳ I là 8, điểm kiểm tra định kì cuối kỳ II là 1. Theo cách tính của QĐ 30, điểm học lực môn là 5 (trung bình cộng của 8 và 1 là 4,5 được làm tròn là 5) thì HS đó được lên lớp thẳng, nhưng theo cách đánh giá của TT 32 thì em phải kiểm tra lại. Tất cả những GV có trách nhiệm ở tiểu học đều không đồng tình khi một HS có bài kiểm tra định kì cuối năm được 1 điểm được lên lớp thẳng. Vì như vậy sẽ dẫn đến tình trạng HS này “ngồi nhầm lớp”.

Có người nói như vậy là thiệt cho HS, nhưng chúng ta coi đó là lợi, vì lợi ích chính đáng của HS là được kiến thức để lên lớp, nếu chưa đạt thì phải được giúp đỡ để kiểm tra lại, đạt yêu cầu mới được lên lớp; nếu chưa đạt điểm trung bình thì sẽ được giúp đỡ tiếp cho đến khi đạt (không quá 3 lần kiểm tra ) mới được lên lớp.

PV: Như trong TT 32 gọi là “kiểm tra bổ sung”? Xin ông giải thích rõ hơn về sự bất thường ở kết quả kiểm tra định kỳ? Đây có phải là kẽ hở để GV có thể điều chỉnh điểm cho HS của mình?

VT Lê Tiến Thành: Việc kiểm tra bổ sung được diễn ra khi điểm kiểm tra định kỳ của HS có sự bất thường (nghĩa là nó không phản ánh đúng thực lực và kết quả học tập thường ngày của HS). Đây cũng chính là giải đáp cho ý kiến cho rằng các điểm kiểm tra thường xuyên không có tác dụng tham gia vào quá trình đánh giá kết quả học tập của HS. Rõ ràng có đánh giá thường xuyên GV mới có cơ sở để phát hiện các trường hợp bất thường.

GV chủ nhiệm và Hiệu trưởng xác định các trường hợp bất thường và quyết định cho kiểm tra bổ sung, điểm kiểm tra bổ sung thay cho điểm kiểm tra bất thường để xét lên lớp và khen thưởng. Việc kiểm tra bổ sung chỉ nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng cho HS, để các em không bị thiệt thòi, trường hợp HS có điểm bài kiểm tra định kì cao hơn thường ngày không coi là bất thường, vẫn lấy điểm bài kiểm tra định kì không cần kiểm tra bổ sung. GV chủ nhiệm và Hiệu trưởng chịu trách nhiệm về tính khách quan và công bằng trong việc quyết định kiểm tra bổ sung. Cho kiểm tra bổ sung khi thấy bất thường hoặc vì lí do khách quan HS không đủ các bài kiểm tra định kì là thể hiện tính nhân văn trong đánh giá học sinh tiểu học, ở các cấp học khác không có quy định này.

Ngoài ĐMĐG, TT 32 cũng đề cao quyền và trách nhiệm của GV tiểu học trong việc đánh giá HS, thông qua việc tổ chức bàn giao chất lượng cuối năm giữa các lớp ở học tiểu học, bàn giao chất lượng học sinh lớp 5 giữa trường tiểu học và trường trung học cơ sở, mỗi GV phải chịu trách nhiệm cá nhân về chất lượng học sinh của lớp mình phụ trách..

Việc kiểm tra bổ sung cho những HS chưa đạt trung bình ở bài kiểm tra định kì (nhiều nhất là 3 lần) là tạo cơ hội giúp các em ôn tập, để đạt được yêu cầu chất lượng và được lên lớp một cách xứng đáng, đó là đảm bảo quyền lợi chính đáng của các em. Cho dù để làm việc này GV có thể vất vả hơn, CBQL cũng thêm nhiều việc hơn nhưng vẫn phải làm, tất cả vì quyền lợi của HS.

PV: Nhân nói đến trách nhiệm của GV tiểu học, có lẽ cũng phải bàn thêm đến “lời phê” của GV khi đánh giá, làm sao để thể hiện đúng tinh thần là động viên, khích lệ các em, giúp các em (và cả cha mẹ HS) nhận ra phần khuyết thiếu cần bổ sung?

VT Lê Tiến Thành:
Trong đánh giá bằng điểm số, bài kiểm tra định kì đều có phần ghi lời nhận xét của GV, nhưng nhiều GV chưa chú trọng đến yêu cầu này. Còn hiện nay, đánh giá theo TT 32, có đánh giá bằng nhận xét (với các môn Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Thủ công, Âm nhạc, Kĩ thuật, Mĩ thuật, Thể dục) và đánh giá bằng điểm số kết hợp nhận xét (với các môn Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tiếng dân tộc, Tin học). Trong cả hai loại đánh gía thì những lời nhận xét đều rất quan trọng, nó chỉ ra những tiến bộ mà các em đã đạt được, những thiếu sót mà HS cần khắc phục. Những lời động viên, nhắc nhở không chỉ thể hiện trách nhiệm, mà còn là lương tâm, tình cảm của GV đối với mỗi HS. Lời nhận xét phải làm sao chỉ rõ các em đã sai sót hoặc khuyết thiếu như thế nào. Tuy nhiên, lời nhận xét với tinh thần khích lệ động viên là chính, không được làm tổn thương đến các em (quy định bài kiểm tra không được cho điểm 0, không cho điểm thập phân, cũng là để tránh sự mặc cảm, làm tổn thương tâm hồn trong sáng của HS tiểu học).

Tiểu học là cấp học nền tảng của giáo dục phổ thông. Giáo dục tiểu học tạo cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tụệ, thể chất và thẩm mĩ cho học sinh.

Tình cảm, lương tâm nghề nghiệp đòi hỏi mỗi GV tiểu học phải chú ý đến những chi tiết rất nhỏ nhưng có tác động lớn đến việc tiếp thu kiến thức,  phát triển thể chất và tinh thần của các em. Mỗi GV tiểu học có xác định được như vậy thì quyền lợi ích chính đáng của HS tiểu học mới được đảm bảo, giáo dục tiểu học mới phát triển ổn định và bền vững.

PV: Xin cảm ơn Vụ trưởng về những thông tin bổ ích qua buổi trao đổi hôm nay. Chúc cho giáo dục tiểu học nước nhà phát triển bền vững và ổn định.

Nguyễn Hoàng (thực hiện)