Đời sống khởi sắc, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng đón Tết Chôl Chnăm Thmây vui hơn | Xã hội | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Đời sống khởi sắc, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng đón Tết Chôl Chnăm Thmây vui hơn

Trong những ngày này, cũng như đồng bào Khmer Nam Bộ, đồng bào Khmer Sóc Trăng đang tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây (Tết vào năm mới). Tết của đồng bào năm nay diễn ra trong các ngày 14, 15, 16/4 sắp tới.

Doi song khoi sac, dong bao Khmer o Soc Trang don Tet Chol Chnam Thmay vui hon hinh anh 1

Một trong ba cây cầu nông thôn ở huyện Châu Thành vừa  được đưa vào sử dụng tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Đời sống khởi sắc

Huyện Châu Thành là địa phương có số đồng bào dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ cao (gần 50%). Đồng bào năm nay đón Tết trong niềm phấn khởi khi các chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang phát huy hiệu quả. Nhiều công trình đường giao thông, cầu nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, chợ nông thôn… được quan tâm đầu tư giúp vùng nông thôn của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Khmer không ngừng khởi sắc.

Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, gia đình anh Lưu Minh Ly và chị Sơn Thị Vương (ở ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa, Châu Thành) như vui hơn, bởi đời sống của gia đình đã từng bước vươn lên. Chỉ vài năm trước, gia đình anh Ly và chị Vương còn là hộ nghèo, không đất sản xuất. Năm 2022, gia đình anh được huyện xét hỗ trợ 10 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Với nỗ lực của bản thân, gia đình anh giờ đã khá hơn, thu nhập tăng dần.

Theo anh Lưu Minh Ly, từ chỗ hộ nghèo, anh được nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ để chuyển đổi ngành nghề, rồi được hỗ trợ tiền mua được 1 máy phun thuốc, 1 máy cắt cỏ nên bây giờ có nhiều việc làm hơn, mỗi ngày đi làm có thu nhập khoảng 200 ngàn đồng.

Ngoài được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, anh Ly và chị Vương còn được Nhà nước hỗ trợ 1 căn nhà đại đoàn kết, trị giá 50 triệu đồng, nhờ vậy gia đình anh chị có nơi ở ổn định. Gia đình anh chị giờ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, con cái được chăm sóc chu đáo hơn, học hành đầy đủ.

Người dân được quan tâm, hỗ trợ khi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Khmer cũng được đầu tư về kết cấu hạ tầng giao thông, điện nước. Mới đây, ngay tại ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa, người dân rất vui mừng khi có tuyến đường bê tông, đầu tư giai đoạn 1, rộng 3,5 m, dài 1,4 km với kinh phí xây dựng trên 2 tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng giúp bà con thuận lợi trong việc đi lại, giao thương hàng hóa, học sinh đi học dễ dàng. Còn tại xã Phú Tân gần đó, 3 cây cầu giao thông nông thôn trị giá tổng cộng hơn 1,2 tỷ đồng mới được các nhà đầu tư hỗ trợ xây dựng hoàn thành, giúp người dân đi lại lưu thông hàng hóa thuận tiện, nhanh chóng, con em đồng bào đi học được dễ dàng hơn.

Trên tuyến đường bê tông mới hoàn thành, xe đi lại bon bon, ông Thạch Được, Trưởng ban Công tác mặt trận ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa cho biết: Cuộc sống của bà con Khmer nay đã tốt hơn, nhờ có sự đầu tư của nhà nước, xã hội quan tâm mà có những con đường, cầu giao thông mới. Người dân làm ruộng, làm rẫy, tiêu thụ sản phẩm bây giờ có thương lái vào thu mua tận nơi, giá cả cũng tăng lên, thu nhập của người dân cao hơn, bà con ở đây vui mừng phấn khởi lắm!

Bà Đặng Thị Diễm Phương, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho biết: Trong những năm gần đây, xã đã triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, qua đó đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn. Mới đây xã đã triển khai nhiều mô hình, trong đó có mô hình mua máy phun thuốc, máy cắt cỏ hỗ trợ cho người dân làm ruộng, chăn nuôi, tăng thêm thu nhập.

Trong năm 2022, tổng nguồn vốn để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Châu Thành là trên 28 tỷ đồng, gồm xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, địa phương còn thực hiện triển khai đồng bộ, lồng ghép các chương trình dự án như đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất… Đến nay, tất cả 7 xã của huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 5,2%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn hơn 3,3%.

Đầu tư phát triển

Theo bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng: Các cấp, ngành trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện, triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; lồng ghép thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia như: Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Giảm nghèo bền vững và Nông thôn mới. Tỉnh quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục – đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mỗi năm, Sóc Trăng được đầu tư, hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia để đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó, đã tạo được sự chuyển biến khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Sóc Trăng đã đầu tư mạnh về kết cấu cơ sở hạ tầng, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần mang lại đời sống ấm no cho người dân; bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer không ngừng đổi mới và phát triển, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Sóc Trăng đã có 100% xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; 100% xã, phường, thị trấn và 100% ấp, khóm có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của người dân; 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh – truyền hình, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh có phương tiện nghe, nhìn hiện nay tăng cao, đạt bình quân 98%; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,65%. Tỉnh cũng đã có 3/10 huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với 65/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Từ các chương trình mục tiêu quốc gia, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay đóng góp tích cực của người dân, đến nay, vùng đồng bào Khmer ở Sóc Trăng đã thay da đổi thịt. Những ngôi nhà lụp xụp, xiêu vẹo trước đây đã được thay bằng nhà tường kiên cố, vững chắc, giao thông nông thôn được bê tông hóa, bà con được hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo… Đón Tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền năm nay, đồng bào Khmer Sóc Trăng sẽ vui hơn.


Trung Hiếu