Dọn bàn thờ, thay cát lư hương đúng cách
Mục lục bài viết
Dọn bàn thờ, thay cát lư hương đúng cách
Nhiều người tưởng rằng việc dọn dẹp bàn thờ là chỉ cần làm sạch sẽ mọi thứ là được nhưng ít ai biết rằng việc dọn dẹp bàn thờ không hề đơn giản, nếu không làm đúng cách thì nó có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, tài lộc, may mắn của gia chủ.
Thời điểm để thay cát, rút chân nhang
Theo quan niệm của người xưa, bát hương trên bàn thờ không được tự ý xê dịch vì như thế sẽ động đến phần âm trong gia đình đồng nghĩa với việc sẽ làm xáo trộn cuộc sống hiện tại của gia đình. Ngày tết chúng ta thường dọn dẹp nhà cửa với ý nghĩa đón may mắn và những điều tốt lành, tương tự như vậy, dọn bàn thờ, thay cát rút chân nhang vào dịp Tết nguyên đán để mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu, cũng như cầu mong một năm mới an lành, thịnh vượng.
Thời điểm tốt nhất để thực hiện việc này là từ 23 tháng Chạp âm lịch đến trước 30 Tết.
Các bước thay cắt, tỉa chân nhang
Trước khi dọn dẹp ban thờ, người thực hiện phải tắm rửa sạch sẽ, quần áo chỉnh tề. Riêng việc thay tro phải do người đứng đầu trong nhà làm hoặc người chỉn chu có tâm trong việc thờ cúng. Tiếp đó mới thắp 1 nén nhang lên bàn thờ báo cáo tổ tiên rồi mới tiến hành thay cát, lược chân nhang.
– Cắt tỉa, bỏ bớt chân nhang: Chân nhang lược bớt bằng cách rút nhẹ nhàng từng chân một, hạn chế việc thốc nắm 1 bó chân. Gia chủ lưu ý để lại những chân nhang đẹp nhất và theo số lẻ 3 – 5 – 7 – 9. Số còn lại mang đi hóa hoặc cắm ở gốc cây trong vườn nhà.
– Thay tro/cát lư hương:
Khi thay tro bát hương, lấy một mảnh vải (giấy) sạch, trải lên mặt bàn rồi nhấc dứt khoát một lần bát hương ra, sau đó đổ chân hương và tro ra mảnh vải (giấy), giữ lại 1/3 tro cũ. Lấy khăn sạch bao quanh bát hương rồi đổ tro mới vào sao cho chiều cao khoảng 2/3 bát hương. Ấn chặt tro để khi cắm que hương không bị nghiêng ngả. Lấy số chân nhang đã chọn từ trước chụm lại rồi cắm vào trong bát. Xong xuôi lau sạch quanh bát hương rồi đặt trả về vị trí cũ.
Lưu ý:
– Nếu không muốn thay tro mới bạn có thể dùng thìa sạch để xúc bớt tro trong lư hương.
– Tỉa chân nhang có thể làm vào ngày giỗ tổ, giỗ cụ, giỗ ông bà nếu bát nhang thực sự quá đầy. Tuy nhiên trong những dịp này chỉ nên tỉa bớt cho gọn gàng chứ không tỉa nhiều như đợt cuối năm.
– Trước và sau khi tỉa chân nhang và thay tro bàn thờ luôn phải được dọn sạch sẽ.
Diệu Linh