Dọn nhà cuối năm kiếm tiền triệu mỗi ngày

TP HCMĐang lau dọn trong phòng làm việc của khách, điện thoại của bà Bích đổ chuông, đầu dây là một gia chủ khác đặt lịch thuê dọn nhà.

“Từ sáng đến giờ gần chục người gọi rồi nhưng tôi không dám nhận vì làm không xuể”, bà Phan Thị Ngọc Bích, 55 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh nói.

Cuối năm là mùa cao điểm nhất và cũng mang lại nguồn thu nhập “khủng” nhất của những người làm vệ sinh nhà cửa như bà. Càng những người có thâm niên càng nhiều khách quen nên hầu như ai cũng phải “chạy sô” từ sáng sớm đến tối muộn.

Tiền công một ngày thường của bà Bích khoảng 700.000 đồng đến một triệu đồng. Dịp cận Tết tăng lên khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng. “Năm ngoái tôi làm chục ngày kiếm được hơn 20 triệu”, bà kể.

Nhưng cũng vì tiền công cao, đông khách nên 6 năm qua bà Bích chưa đón Tết cùng gia đình. Bà thường tranh thủ làm xuyên Tết đến mùng 6 mới nghỉ vì nghĩ “chịu khó ăn Tết muộn chút nhưng có tiền lo cho gia đình cũng đáng”.

Từ đầu tháng Chạp, những người làm nghề dọn dẹp nhà cửa như bà Bích đã bắt đầu tất bật. “Hầu như hôm nào tôi cũng rời nhà lúc 6h sáng và về lúc 11h đêm”, bà cho biết. Để giữ khách và giữ chữ tín nên bà thường làm việc liên tục, gần như không nghỉ ăn trưa – tối, thay vào đó là tranh thủ ăn bánh ngọt, lương khô hoặc bánh mì. “Thu nhập tính theo giờ, mỗi phút đều là tiền nên phải tranh thủ hết sức có thể”, người phụ nữ 55 tuổi nói.

Trung bình, bà mất bốn giờ để dọn dẹp xong một nhà và lập tức chạy qua nhà khác làm tiếp. Người còn sức như bà một ngày làm được khoảng 4-5 nhà. Những nhà nào làm tổng vệ sinh thì nhiều nhất làm được 2-3 nhà là hết ngày.

“Đêm nằm ngủ xương khớp nhức lắm nhưng tôi cố chịu. Tiền nhiều thì ham nhưng phải có sức khỏe, chứ ai yếu làm một ngày là ‘đứt sô’ không chịu nổi đâu”, bà cho hay.

Bà cho biết, tranh thủ làm những ngày này để kiếm thêm nhưng nhiều lúc cũng chạnh lòng vì nhớ nhà, nhớ cái Tết đoàn viên cùng gói bánh tét, đi chúc Tết họ hàng.

Bà Phan Thị Ngọc Bích lau chùi tại căn hộ của khách ở quận Bình Thạnh, trưa 4/1. Ảnh: Minh Tâm

Bà Phan Thị Ngọc Bích lau chùi tại căn hộ của khách ở quận Bình Thạnh, trưa 4/1. Ảnh: Minh Tâm

Người làm dọn nhà “vắt chân lên cổ” không hết việc nên tìm thuê được người cũng là nỗi đau đầu của các gia chủ. Anh Nguyễn Lê Phong, 30 tuổi, ở đường Võ Văn Kiệt, quận 8 cho biết, do đặc thù công việc được nghỉ Tết muộn nên năm nào cũng chật vật thuê người dọn nhà. “Hai năm trước, do chưa có kinh nghiệm nên cận Tết tôi mới đi tìm người nhưng không thể thuê được ai dù chấp nhận trả giá cao gấp đôi”, Phong kể. Năm đó, anh phải tự dọn nhà hết nguyên ngày 30 Tết.

Rút kinh nghiệm, Tết năm nay, anh Phong đã chủ động đặt lịch thuê người dọn dẹp trước một tháng và chi hơn một triệu đồng để tổng vệ sinh ngôi nhà.

Anh Quốc, đại diện công ty công nghệ bTaskee, cho biết mỗi năm tới dịp Tết nhu cầu thuê người dọn dẹp nhà cửa đều tăng, riêng năm nay tăng khoảng 30%. Trên hệ thống của công ty anh ở TP HCM đang có khoảng 5.000 cộng tác viên nhận việc dọn nhà trước và trong Tết. Giá dịch vụ năm nay không biến động so với các năm trước, khoảng 1-1,5 triệu đồng cho một ca làm bốn tiếng hoặc tổng vệ sinh một ngôi nhà, nhưng nhu cầu thuê trước Tết Quý Mão tăng vọt.

“Trước Tết một tháng, nhiều chủ nhà đã đặt lịch sẵn trên hệ thống để tránh việc không tìm được người”, anh Quốc nói.

Ước tính, với khoảng 2,5 triệu hộ dân, TP HCM đang có 100.000 hộ sử dụng người giúp việc gia đình. Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng số lao động làm việc theo giờ còn lớn hơn nhiều.

Chị Phan Thị Kim Hồng đang nhận sô dọn dẹp cho một khách quen ở quận 7, hôm 3/1. Ảnh: Minh Tâm.

Chị Phan Thị Kim Hồng đang nhận “sô” dọn dẹp cho một khách quen ở quận 7, hôm 3/1. Ảnh: Minh Tâm.

Chị Phan Thị Kim Hồng, 36 tuổi, ở quận 7 đã có bốn năm theo nghề này. Trước đây, chị làm công nhân cho công ty về điện ở khu chế xuất quận 7, thu nhập không ổn định và di chuyển xa nên chuyển nghề vệ sinh nhà cửa theo giờ.

“Hôm nay 9h tối tôi vẫn còn ở nhà chủ dọn dẹp. Từ tuần sau là tôi phải chạy từ sáng sớm cho tới 11h đêm. Nửa tháng cuối năm hầu như tôi chẳng gặp mặt chồng con”, Hồng nói và tâm sự hồi còn làm công nhân, nghĩ đến Tết là áp lực chuyện tiền nong. Nhưng giờ gồng sức làm mấy ngày, chị “thong thả dư tiền mua sắm đồ trong nhà, quà cáp cho gia đình nội ngoại”.

Theo chị, làm nghề này trước tiên phải có cái tâm, phải coi việc dọn nhà của khách như đang dọn nhà cho mình. “Lau dọn phải tỉ mỉ, cẩn thận, không được làm hư đồ của người ta. Ví dụ, phải biết gạch nào thì lau chùi bằng loại hóa chất nào, không được dùng bừa”, chị cho biết.

Nhắc đến kỷ niệm của nghề, chị Hồng nhớ hai năm trước, hoàn thành công việc cho khách cuối cùng, bước chân ra khỏi nhà chủ đúng lúc giao thừa. “Chậm mấy giây là thành ăn Tết nhà chủ rồi”, chị cười, kể. Lần đó chị nhận cả tiền công và thưởng được bốn triệu đồng.

“Mùa này làm quần quật cả ngày, không có khoảng trống để mà nghỉ ngơi, mệt nhưng nghĩ tới tiền công cao nên cũng vui. Tôi chỉ dành thời gian đêm giao thừa và ngày mùng 1 Tết bên gia đình, còn lại sẽ tranh thủ đi làm”, chị nói.

Bên cạnh những người làm nghề chuyên nghiệp như bà Bích, chị Hồng, lực lượng “chạy sô” dọn nhà cuối năm còn thu hút khá nhiều cộng tác viên tay ngang. Chị Nguyễn Thị Lan, 35 tuổi, là một ví dụ điển hình. Công việc chính của chị là tạp vụ ở quán cà phê tại quận 8 nhưng cuối năm tranh thủ xin nghỉ sớm để đi dọn nhà.

“Tôi được người bạn cùng quê rủ đi làm cùng bởi năm nào chị ấy cũng làm không hết việc, tiền công cao mà mình có thể chủ động được thời gian nên không tiếc sức”, chị Lan chia sẻ.

Năm nay chị dự định nghỉ từ ngày 22 tháng Chạp để đi làm thêm. Năm ngoái, làm chưa tới chục ngày chị kiếm 15 triệu đồng.

Minh Tâm