Đồng Nai: Di tích lịch sử bị ‘bao vây’ bởi rác thải, hàng rong

Cổng trước di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (P. Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa) mới được trùng tu trở thành nơi buôn bán hàng rong. Ảnh chụp vào ngày 3.6

ẢNH: ĐỨC NGUYỄN

Việc ứng xử với di tích lịch sử, di sản văn hóa với thái độ trân trọng là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập ấp, mở mang bờ cõi… Tuy nhiên, điều đáng buồn là nhiều di tích lịch sử ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) hiện chưa được giữ gìn, bảo vệ và khai thác hiệu quả những giá trị đặc biệt mà các di tích, di sản này mang lại.

Theo báo cáo thống kê di tích lịch sử của Sở VH-TT-DL Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có tổng cộng 57 di tích được nhà nước xếp hạng, trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt (Mộ Cự thạch Hàng Gòn ở TP. Long Khánh và Vườn quốc gia Cát Tiên ở H.Tân Phú), 29 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 26 di tích cấp tỉnh. Riêng TP. Biên Hòa có 23 di tích, trong đó có 17 di tích cấp quốc gia và 6 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, toàn tỉnh Đồng Nai còn có hơn 1.500 di tích phổ thông.

Đình Tân Lân ở đường Phan Văn Trị (gần trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai và Sở VH-TT-DL) cũng trở thành điểm bán rau củ quả

ẢNH: ĐỨC NGUYỄN

Mặc dù nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo quản, tu bổ, khôi phục và phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn. Tuy nhiên điều đáng nói là nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện đang thiếu sự quản lý sát sao từ cơ quan chức năng có thẩm quyền. Chính tình trạng quản lý lỏng lẻo này dẫn đến nhiều di tích bị người dân thiếu ý thức biến thành nơi đổ rác, buôn bán hàng rong (như di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân), thậm chí lấn chiếm đất đai để xây dựng nhà cửa, mở quán ăn, cà phê (như trong khuôn viên chùa Ông ở cù lao Hiệp Hòa)…

Quán nước, cà phê ngay trong khuôn viên chùa Ông (ở cù lao Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa)

ẢNH: ĐỨC NGUYỄN

Đáng nói hơn, do nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo hạn chế, trong khi nguồn vận động xã hội hóa khó khăn dẫn đến một số di tích xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí có tình trạng khu vực hành lang bảo vệ di tích trở thành nơi buôn bán hàng rong, khu vực để biển chỉ dẫn vào di tích trở thành nơi phơi quần áo, bị các bảng hiệu quảng cáo vây quanh (như biển chỉ dẫn vào di tích lịch sử cấp quốc gia lăng mộ Trịnh Hoài Đức, di tích lịch sử lăng mộ cụ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh)…

Biển chỉ dẫn vào di tích lịch sử cấp quốc gia lăng mộ Trịnh Hoài Đức trở thành nơi phơi quần áo

ẢNH: ĐỨC NGUYỄN

Biển chỉ dẫn vào di tích lịch sử lăng mộ cụ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh bị lẫn lộn với các bảng hiệu quảng cáo khác rất phản cảm

ẢNH: ĐỨC NGUYỄN

Bên cạnh di tích lịch sử lăng mộ Đoàn Văn Cự (P. Long Bình, TP. Biên Hòa) là một dòng suối hôi thối, đầy rác

ẢNH: ĐỨC NGUYỄN

Được biết, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-UBND về việc phân cấp, ủy quyền quản lý di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở VH-TT-DL phân cấp cho các huyện, thị, thành phố quản lý nhằm tạo điều kiện cho địa phương chủ động huy động các nguồn lực, đặc biệt là từ xã hội hóa nhằm trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, danh thắng. Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý cho các địa phương do thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên dẫn đến tình trạng các di tích, danh thắng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, xảy ra tình trạng nhếch nhác xung quanh di tích.

Sau khi ghi nhận hình ảnh các di tích lịch sử trên địa bàn TP. Biên Hòa bị “bao vây” bởi rác thải, hàng rong…, PV Thanh Niên cũng đã liên hệ với ông Lê Kim Bằng – Giám đốc Sở VH-TT- DL Đồng Nai để làm rõ cụ thể trách nhiệm phân cấp quản lý các di tích lịch sử – văn hóa, danh thắng ở TP.Biên Hòa nhưng vẫn chưa liên lạc được.