Đồng Tháp tổ chức lễ hội sen với kỳ vọng phục hồi du lịch
Mục lục bài viết
Đồng Tháp tổ chức lễ hội sen với kỳ vọng phục hồi du lịch
Tỉnh Đồng Tháp tập trung phát triển chuỗi giá trị cây sen. Ảnh Phú Khởi
Xác lập kỷ lục thế giới 200 món ăn chế biến từ sen
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Đồng Tháp, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức lễ hội sen cho biết, Đồng Tháp được biết đến là một địa phương trồng sen nhiều nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với diện tích lên đến 360ha. Hiện tại sen được trồng nhiều ở các địa phương trong tỉnh như: Tháp Mười, Cao Lãnh và Tam Nông.
“Thời gian qua nhiều nông trại trồng sen cũng đã có sự đầu tư các hạng mục như đường nội bộ, cầu ngắm sen, khu ẩm thực nhằm phát triển thành điểm tham quan du lịch sinh thái. Cây sen cũng được khai thác triệt để từ hoa, lá, ngó, củ để cho ra đời hàng trăm sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã, một sản phẩm). Lễ hội sen lần đầu địa phương tổ chức với mong muốn giới thiệu đặc sản của đất ‘sen hồng’ đến với du khách gần xa. Địa phương cũng kỳ vọng sự kiện này sẽ là điểm nhấn phục hồi du lịch tại địa phương sau hơn 2 năm ‘đóng băng’ vì COVID-19”, ông Thương chia sẻ.
Theo Ban tổ chức lễ hội sen tỉnh Đồng Tháp lần thứ nhất, lễ hội sẽ diễn trong suốt 3 ngày, từ 19 – 21/5 với nhiều hoạt động ấn tượng như: chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc; hội thảo nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm sen Đồng Tháp; chương trình nghệ thuật “sen trong tôi” trình diễn áo dài, áo bà ba; hoạt động giao lưu, tôn vinh những người trồng sen giỏi và những người sản xuất, chế biến sản phẩm từ sen; khu triển lãm sản phẩm OCOP, văn hóa- du lịch, trải nghiệm sen đa sắc và chương trình giao lưu đờn ca tài tử – hò Đồng Tháp.
Đặc biệt, tại sự kiện này địa phương sẽ xác lập kỷ lục thế giới 200 món ăn chế biến từ sen; tổ chức không gian trưng bày tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, thư pháp từ sen, thi ảnh đẹp và tổ chức trại sáng tác ca khúc viết về Đồng Tháp; tổ chức Famtrip “một thoáng Đồng Tháp”; trang trí các tiểu cảnh hồ sen đẹp trên các tuyến đường chính, quảng trường và công viên Văn Miếu.
Trong khuôn khổ các sự kiện lễ hội sen còn diễn đàn kết nối du lịch giữa TP.HCM và 13 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long lần thứ II tại tỉnh Đồng Tháp.
Tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng sen lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh TM
Du lịch Đồng Tháp đang ‘trỗi dậy’
Bước qua khó khăn trong năm 2021, hoạt động du lịch của Đồng Tháp những tháng đầu năm 2022 đã nhộn nhịp trở lại. Theo Sở VH,TT&DL, trong 4 tháng đầu năm nay, ngành du lịch địa phương đã đón tiếp trên 1 triệu lượt khách du lịch, tăng 3% về lượt khách nhưng tăng đến 11% về doanh thu so với cùng kỳ, hầu hết các khu, điểm du lịch đều đã mở cửa hoạt động trở lại.
Ông Lê Ngọc Vũ, Giám đốc Khu du lịch Văn hóa Phương Nam (Đồng Tháp) cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVD-19, 2 năm qua khu du lịch Phương Nam phải ngưng hoạt động.
Tận dụng khoảng thời gian tạm dừng hoạt động do dịch bệnh, đơn vị tiến hành đầu tư, nâng cấp sản phẩm dịch vụ của mình. Cùng với đó, đơn vị cũng luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với các công ty lữ hành nên ngay khi ngành du lịch được phép mở cửa trở lại thì khu du lịch Văn hóa Phương Nam đã thu hút được đông đảo du khách. Đặc biệt, để kích cầu nhu cầu đi du lịch của người dân, Khu du lịch Văn hóa Phương Nam còn thực hiện nhiều chương trình giảm giá cho khách du lịch.
Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Thương cho biết, nhằm từng bước khôi phục lại hoạt động du lịch cũng như giúp các khu, điểm du lịch của tỉnh sẵn sàng đón khách ngay sau khi cả nước có chủ trương “mở cửa” lại cho hoạt động du lịch, Sở VH,TT&DL triển khai thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, Sở đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra thực tế và hướng dẫn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống COVID-19 trong hoạt động du lịch; tiến hành công bố trên Cổng thông tin du lịch tỉnh danh sách các cơ sở du lịch đủ điều kiện đón khách. Song song đó, Sở còn xây dựng chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, chủ đề “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”.
“Về phía các doanh nghiệp du lịch, ngay từ những tháng cuối năm 2021, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nỗ lực “làm mới chính mình” để phục vụ du khách hơn sau khi tình hình dịch COVD-19 được kiểm soát ổn định”, ông Thương thông tin thêm.
Kể từ khi Cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống thuộc Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong từ Kiên Giang qua Đồng Tháp Mười lên TP HCM thông suốt thì Đồng Tháp không còn là tỉnh “vùng sâu” nữa.
Hiện nay, cao tốc từ TP. HCM đã kết nối đến Mỹ Thuận, ngang qua địa phận tỉnh Đồng Tháp nên việc di chuyển từ TP. HCM đến Đồng Tháp rất thuận lợi, đây là điều kiện để địa phương này phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt là thu hút khách du lịch.
Được biết để vực dậy tiềm năng phát triển du lịch, mới đây Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa thông qua Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 – 2026. Nghị quyết lần này có nhiều chính sách ưu đãi mới. Thông qua Nghị quyết này, Đồng Tháp đặt kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, nhà đầu lớn đến đầu tư phát triển du lịch theo hướng đa dạng, chuyên nghiệp hơn.