Đồng tiền ảo Bitcoin – Kỳ 4: Thợ đào bitcoin
Chạy đua “đào” bitcoin – Ảnh: Reuters
Kẻ tạo ra phần mềm tìm kiếm bitcoin cũng rất khôn ngoan khi khuyến khích thiên hạ tham gia “đào” bitcoin bằng cách thưởng ngay cho tài khoản mới 12,5 đồng bitcoin nếu giải được thuật toán đầu tiên lúc mới gia nhập đội quân “đào”.
Nghề chơi tốn kém
Lúc bitcoin mới xuất hiện vào năm 2009-2010, “thợ đào” bitcoin chỉ xài một máy vi tính. Giờ đây công việc “cày” bitcoin không phải là cuộc chơi may mắn nữa. Ai sở hữu dàn máy tính có cấu hình tốt, số lượng nhiều sẽ có khả năng “đào” nhiều bitcoin hơn.
Câu chuyện của những người thành công cứ thôi thúc “thợ đào” lao vào “đào bới” bitcoin như con thiêu thân.
Một trong những trường hợp thành công được tạp chí Paris Match của Pháp kể ra là anh chàng tên Elias. Năm 2009, anh này mua 10 đồng bitcoin trên một trang game online.
Hồi tháng 11-2017 vừa qua, khi bitcoin lên giá tột đỉnh, Elias rao bán lại và bỏ túi 170.000 USD. Elias hiện là nhân viên kỹ thuật của Công ty Advania – một xưởng “đào” bitcoin thuộc hạng quy mô đặt tại Iceland!
Ban đầu, những người tham gia “đào” sử dụng máy tính thông thường để “cày” bitcoin. Dần dà họ nhận ra khi sử dụng cùng lúc nhiều card đồ họa để “đào”, các giao dịch xử lý được thực hiện nhanh hơn.
Ngày nay, một bộ máy tính để “cày” bitcoin thường được gắn từ 4 tới 6 card đồ họa, thậm chí một số bo mạch đời mới cho phép cài đặt 8 card đồ họa cùng lúc.
Tuy nhiên, chỉ có một số dòng card như GTX 1060 hay AMD RX 570 mang lại hiệu quả, luôn được các “dân cày” săn lùng. Cơn sốt bitcoin đẩy giá card đồ họa lên tới đỉnh điểm, bởi đây là linh kiện thiết yếu và cũng thường xuyên hỏng hóc, phải thay mới sau một thời gian hoạt động.
Nhiều người thậm chí mua cả những dòng card đắt tiền hơn về “cày”, chấp nhận chi phí đầu tư lớn. Bên cạnh tiền mua card đồ họa, tiền điện và các thiết bị làm mát, thông gió cho khu vực đặt thiết bị cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ trong tổng chi phí hoạt động.
Thậm chí người ta đã tạo ra một con chip riêng biệt cho công việc “đào” bitcoin có tên gọi là vi mạch tích hợp chuyên dụng (ASIC). ASIC có chức năng duy nhất là giải mã các hàm với hiệu quả mang lại cao hơn rất nhiều so với card đồ họa. Trên thị trường hiện nay có các loại ASIC xịn (ít hao điện, công suất cao) thường được nêu tên như Antminer S7, Antminer S9.
Bitcoin lên xuống giá với mức độ chóng mặt khiến nhiều người ngã ngửa. Thậm chí không ít cảnh báo đó chỉ là đòn “thổi giá” của những ông trùm núp trong bóng tối.
Đây là cảnh báo rất nghiêm túc bởi vấn đề mấu chốt ở đây là cha đẻ của bitcoin (đến giờ không biết là ai) đặt ra giới hạn tối đa chỉ có 21 triệu bitcoin. Trong khi đó, đến giờ giới “thợ đào” đã kiếm được đến 16,7 triệu bitcoin.
Có thể thấy trước mắt khi cơn sốt lao vào “đào bới” bitcoin trên mạng bùng nổ, một số nhà sản xuất máy tính, chip, card xem như sống khỏe trong thời buổi thị trường máy tính có vẻ bão hòa.
Các vi mạch tích hợp chuyên dụng dùng để “đào” bitcoin – Ảnh: Reuters
Những “nông trại” chuyên nghiệp
Cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các “dân cày” bitcoin khiến cho tỉ lệ sinh lời giảm, do đó các nhà đầu tư nhỏ lẻ không bù đắp được chi phí tiền điện, tiền máy và buộc phải tạm dừng cuộc chơi, nhường đất cho các đại gia.
Các “nông trại” “đào” bitcoin ở một số nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Nga và Iceland, có tới hàng ngàn bộ máy tính hoạt động liên tục năm này qua năm khác.
Chi phí hoạt động lên tới hàng trăm ngàn USD bao gồm tiền máy móc, nhà xưởng, linh kiện, điện, hệ thống làm mát. “Nông trại” được xây dựng tại một số địa điểm nhất định trên thế giới nơi giá điện rẻ.
Công ty Advania mà anh chàng Elias nêu trên đang làm việc là một “nông trại” hiện đại tọa lạc tại Iceland. Khu nhà xưởng là khu vực trông như nhà kho siêu thị mát lạnh với hàng lớp bộ xử lý cực mạnh gắn card và cắm USB xếp hàng dài, chồng chồng lớp lớp từ mặt đất lên gần đụng trần nhà.
Advania đang sử dụng 40 nhân viên, trong đó có 20 kỹ sư và kỹ thuật viên chuyên làm nhiệm vụ theo dõi hoạt động của máy móc và sửa chữa khi có hỏng hóc. Advania đang quản lý đến 12.672 card đồ họa dùng để “đào” bitcoin cho bốn khách hàng lớn cùng khoảng 50 khách hàng cấp nhỏ hơn.
Trong số khách hàng lớn có Công ty Genesis Mining, công ty “đào” bitcoin thông qua điện toán đám mây lớn nhất hiện nay.
Elias khoe hiện có nhiều công ty tài chính đang tham gia đầu tư vào thị trường tiền ảo. Dĩ nhiên để tham gia cuộc chơi, họ phải đầu tư bằng tiền thật để mua sắm máy móc, thuê nhân công quản lý.
Iceland được chọn làm điểm đặt “nông trại” chỉ sau Trung Quốc vì nhiệt độ thấp, mùa hè không quá 15 độ C, nên đỡ hư hỏng máy móc và đỡ tốn kém chi phí cho chuyện tản nhiệt. Đó là chưa kể tiền điện ở Iceland cũng không cao.
Câu chuyện tổn phí điện khi “đào” bitcoin là điều đã được cảnh báo. Theo tính toán của trang Digiconomist, việc “đào” bitcoin đang ngốn 30,14 TWh mỗi năm, tương đương lượng tiêu thụ điện của cả nước Hungary với 10 triệu dân.
Ngay như Công ty Genesis Mining từng thừa nhận trên báo Business Insider hồi năm 2015 rằng công ty này là đơn vị ngốn nhiều điện nhất Iceland.
Hiện để “đào” được 1 bitcoin phải tốn 60 USD. Còn để thực hiện một giao dịch tiền ảo này, lượng điện tốn kém bằng tám hộ gia đình Mỹ xài trong một ngày. Dĩ nhiên những người ham mê tiền ảo sẽ chẳng nghĩ đến điều đó khi giá bitcoin cứ đang nhảy múa trên mây!
Nhân viên kỹ thuật Elias giám sát các dãy máy “đào” bitcoin (máy xử lý dữ liệu tự động) – Ảnh: Paris Match
Giá trị dựa vào lòng tin
Các tính toán cho thấy đến năm 2025 sẽ có 20 triệu đồng bitcoin được “đào” và đồng bitcoin cuối cùng sẽ xuất hiện vào khoảng năm 2040. Sau thời điểm đó, bitcoin có thể tiếp tục được tạo ra theo hình thức hiện tại hoặc dưới dạng phiên bản mới.
Giống như tiền đôi khi vẫn bị xem là giấy vụn, giá trị của tiền ảo bitcoin chỉ dựa trên lòng tin. Càng có nhiều người chấp nhận, giá trị của bitcoin càng tăng.
“Tình trạng khan hiếm sẽ càng làm giá trị đồng bitcoin tăng lên” – GS tài chính Noël Amenc thuộc Trường Kinh doanh Edhec (Pháp) dự báo.
Kỳ tới: Bitcoin và tội phạm trên mạng