Dragon Capital gom xong gần 1 triệu cổ phiếu PV Drilling (PVD)
Mới đây, một quỹ ngoại đã báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu tại Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, mã PVD – sàn HoSE). Cụ thể, ngày 30/11, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa mua ròng 900.000 cổ phiếu PVD để nâng sở hữu từ 9,92% lên 10,08% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ DC Developing Markets Strategies Public Limited Company mua vào 1 triệu cổ phiếu; và KB Vietnam Focus Balanced Fund bán ra 100.000 cổ phiếu.
Trước đó, ngày 31/10, nhóm Dragon Capital vừa mua vào 1,66 triệu cổ phiếu PVD; ngày 9/11, nhóm quỹ Dragon Capital vừa mua thêm 1,1 triệu cổ phiếu PVD; ngày 17/11, nhóm Dragon Capital vừa mua ròng 600.000 cổ phiếu; và ngày 18/11, nhóm Dragon Capital lại bán ra 1.147.300 cổ phiếu PVD.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/12, cổ phiếu PVD đứng giá ở mức 16.800 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 8,3 triệu đơn vị.
Diễn biến giá cổ phiếu PVD thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)
PVD lỗ 3 quý liên tiếp
Hiện tại, cổ phiếu PVD đang nằm trong danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 6 tháng năm 2022 là số âm gần 116 tỷ đồng. Tình trạng này dường như không dễ để khắc phục khi PV Drilling vẫn tiếp tục thua lỗ.
Cụ thể, trong quý 3/2022, PV Drilling ghi nhận doanh thu đạt 1.241,74 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 51,81 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 55,63 tỷ đồng, tức giảm 107,44 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 11,8% về còn 9,4%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 1,8% so với đầu năm, tương ứng giảm 2,17 tỷ đồng về 117,19 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 53,1%, tương ứng giảm 29,24 tỷ đồng về 25,87 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 103,5%, tương ứng tăng thêm 44,45 tỷ đồng lên 87,4 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết giảm 73,7%, tương ứng giảm 30,83 tỷ đồng về 11,02 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 12,7%, tương ứng tăng thêm 10,74 tỷ đồng lên 95,4 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý 3, PV Drilling ghi nhận lỗ do hụt doanh thu tài chính, lãi công ty liên doanh, liên kết và chi phí tài chính, bán hàng & quản lý doanh nghiệp tăng cao.
Theo giải trình, lơi nhuận sau thuế vẫn ghi nhận âm là do việc giảm mạnh các khoản lợi nhuận từ các dịch vụ liên quan đến khoan và lợi nhuận từ các công ty liên doanh. Đồng thời chi phí tài chính tăng mạnh do tỷ giá đồng USD tăng cộng thêm biến động Libor làm tăng chi phí lãi vay. Trong khi đó, doanh thu tăng chủ yếu do đơn giá cho thuê giàn khoan và hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng sở hữu tăng so với cùng kỳ, cộng thêm sự đóng góp doanh thu của giàn khoan PV Drilling V đang thực hiện chiến dịch khoan cho Brunei Shell Petroleum.
Lũy kế 9 tháng, PV Drilling ghi nhận doanh thu 3.923 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lại âm đến 151 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ lỗ khoảng 30 tỷ đồng. Kết quả này khiến mục tiêu có lãi 37 tỷ đồng năm nay của PV Drilling ngày càng trở nên xa vời.
Điều này trái ngược với kỳ vọng của nhiều công ty chứng khoán khi đánh giá khá cao khả năng PV Drilling có lãi trong năm 2022 nhờ diễn biến leo thang về giá dầu. Cụ thể, SSI Research từng dự báo lợi nhuận 6 tháng cuối năm của PV Drilling có thể đạt 162 tỷ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, VNDirect dự phóng lợi nhuận ròng năm 2022 của doanh nghiệp này ở mức 96 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ với giả định giá thuê trung bình giàn JU năm 2022 sẽ đạt 61.000 USD, cao hơn 17% cùng kỳ.