Du lịch BÀ RỊA VŨNG TÀU 2023: top 18 địa điểm phải trải nghiệm mới nhất
Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc vùng Đông Nam Bộ, tiếp giáp tỉnh Đồng Nai ở phía Bắc, TP HCM ở phía Tây, tỉnh Bình Thuận ở phía Đông, còn phía Nam giáp biển Đông. Đây là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước nhờ vị trí thuận lợi, khí hậu ôn hòa, nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị cho du khách…
Mục lục bài viết
Mùa du lịch
Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong vùng ít có bão. Một năm hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, trời mát mẻ, mưa không dầm dề. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, trời khá nóng. Thực tế bạn có thể du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu quanh năm, nhưng đẹp nhất từ tháng 3 đến tháng 9 nếu bạn muốn tắm biển, ghé thăm Côn Đảo.
Dọc biển Hồ Tràm có rừng phi lao xen lẫn với rừng tràm lâu năm. Hệ sinh thái rừng – biển được bảo tồn nguyên vẹn.
Di chuyển
Từ TP HCM, du khách có thể đi xe máy, ôtô hoặc tàu cao tốc, phà. Nếu đi xe, bạn đi theo hướng Quốc lộ 1 – Quốc lộ 51 – Vũng Tàu; hoặc từ phà Cát Lái (quận 2, TP HCM) – Nhơn Trạch (Đồng Nai) – Quốc lộ 51 – Vũng Tàu. Đối với những du khách tự lái ôtô, đi hướng cao tốc Long Thành – Đồng Nai.
Nếu muốn trải nghiệm phà biển, du khách từ TP HCM đi khoảng 70 km đến bến đò Tắc Suất (Cần Giờ) để lên phà. Phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu có thời gian di chuyển khoảng 30 phút hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào tình hình thời tiết và mực nước biển. Giá vé mỗi lượt khách là 70.000 đồng. Phí chở xe máy và xe đạp 50.000 đồng mỗi xe. Ôtô từ 4 chỗ đến 26 chỗ trở lên có giá từ 350.000 đến 800.000 đồng mỗi chiếc.
Chọn đi xe khách, bạn có thể ra bến xe miền Đông để mua vé trực tiếp hoặc gọi đặt trước qua hệ thống online. Giá từ 80.000 tới 160.000 đồng một vé.
Nếu đi tàu cao tốc, bạn mất khoảng 1 tiếng 30 phút. Giá vé 240.000 đồng một người lớn, 120.000 đồng một trẻ em từ 6 đến 11 tuổi, dưới 6 tuổi miễn phí. Giá vé cho người trên 62 tuổi là 140.000 đồng một lượt.
Từ Hà Nội, du khách đi máy bay hoặc tàu hoả tới TP HCM sau đó lựa chọn các phương tiện trên.
Chơi đâu
Thành phố Vũng Tàu
Chỉ cách TP HCM hơn 120 km, Vũng Tàu là điểm nghỉ dưỡng cuối tuần yêu thích của du khách. Với diện mạo hướng ra biển, Vũng Tàu có nhiều bãi tắm nhỏ xinh xắn chạy vòng quanh thành phố. Bãi Tầm Dương hay Bãi trước nằm giữa núi Lớn và núi Nhỏ. Những quán café chạy dọc toàn bãi biển…
Xem thêm: Cẩm nang du lịch TP Vũng Tàu
Thành phố Bà Rịa
Thành phố Bà Rịa cách TP HCM 90 km về hướng Đông Bắc, cách thành phố Vũng Tàu 25 km về hướng Nam.
Núi Thị Vải
Đi từ Quốc lộ 51 đến thị trấn Phú Mỹ, bạn muốn đến núi Thị Vải thì rẽ trái khoảng 3 km để chạy theo đường mòn đến chân núi. Bạn có thể gửi xe ở nhà dân dưới chân núi và bắt đầu hành trình đi bộ trên những bậc thang được xây bằng đá hoa cương dẫn lên núi. Nơi đây còn có ba ngôi chùa chính là chùa Linh Sơn Liên Trì (chùa Hạ), chùa Linh Sơn Hồng Phúc (chùa Trung), và Linh Sơn Bửu Thiền (chùa Thượng).
Ảnh: Nguyễn Sỹ Đức
Núi Dinh
Núi Dinh cách thành phố Bà Rịa khoảng 6 km, về hướng Bắc thuộc huyện Tân Thành. Núi có đỉnh cao 504 mét, với nhiều cảnh đẹp, chùa, am độc đáo nhất của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ Quốc lộ 51 nhìn lên, núi trông như con voi khổng lồ nằm phủ phục, đầu quay về hướng biển. Bạn có thể chạy xe máy khoảng 10 phút là lên đến đỉnh.
Trên đỉnh có suối Tiên, suối Đá với năm hồ nước có thể tắm. Bên cạnh đó là căn cứ Núi Dinh – cơ sở cách mạng cho các đơn vị trực thuộc chiến trường Đông Nam bộ. Đỉnh núi Dinh còn có những ngôi chùa đẹp ẩn giữa những triền đá, nổi bật là chùa Hang, chùa đại Tùng Lâm, chùa Tây Phương… Quanh núi có khoảng 100 ngôi chùa, nổi tiếng nhất phải kể đến Chùa Phật Quang, Hang Tổ, Hang Dây Bí, Hang Mai, Bưng Lùng, Chùa Diệu Linh, Hang Dơi…
Ảnh: Thành phố Bà Rịa
Địa đạo Long Phước
Địa đạo là một hệ thống ở cả 5 ấp trong xã: ấp Đông, ấp Tây, ấp Nam, Ấp Bắc và ấp Phước Hữu, xã Long Phước, cách trung tâm thành phố Bà Rịa khoảng 7 km. Các cụm địa đạo được nối liền với nhau bởi đường xương sống, có hầm bí mật chứa lương thực dự trữ, các công sự chiến đấu để đánh trả địch.
Tháng 10/1949 lực lượng vũ trang cách mạng nhờ địa đạo đã chiến thắng cuộc càn quét của quân đội Pháp giữ vững ấp và cơ sở cách mạng. Vào tháng 4/1963, hệ thống địa đạo được khôi phục và phát triển thành thế liên hoàn vững chắc. Đường địa đạo xương sống cách mặt đất 2-3m, lòng cao 1,5 đến 1,6 m, rộng 60 – 70 cm.
Nhà Tròn Bà Rịa
Nhà Tròn – tên người dân TP Bà Rịa thường gọi tháp nước (tiếng Pháp Chatoau deau). Đầu thế kỷ 20, cùng với việc xây dựng nhà thờ và lập đồn điền cao su, người Pháp xây dựng Nhà Tròn để phục vụ cho bộ máy cai trị và binh lính.
Nhà Tròn cao 20 m, kiến trúc chính là bồn chứa nước hình tròn có mái che bằng tôn, đường kính hơn 7 m. Năm 1945, người Nhật lắp đặt một hệ thống còi hơi báo động gồm 6 cái dưới bồn nước hiện vẫn còn hoạt động được. Nhà Tròn được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1987 và hiện là nơi để người dân, du khách tham quan và tổ chức triển lãm. Điều đặc biệt khác là nơi đây có đàn chim én làm tổ.
Ảnh: Trường Hà
Thị trấn Long Hải
Huyện Long Điền sở hữu bờ biển dài 14,7 km với nhiều bãi biển đẹp, cát trắng, thoải, biển sóng đều. Trong đó bãi tắm Long Hải nổi tiếng xưa nay với cảnh quan thiên nhiên từ mũi Kỳ Vân nhô ra biển. Tháng 10, 11 là lúc thích hợp nhất để đến thị trấn Long Hải để tắm biển, còn khoảng trước và sau Tết nguyên đán là mùa rừng anh đào nở rộ.
Núi Minh Đạm: Đây là ngọn núi gắn liền với lịch sử hào hùng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời kỳ chiến tranh. Từ chân núi, du khách men theo con đường trải nhựa ngoằn ngoèo sẽ lên tới đỉnh.
Trên đường đi, khoảng lưng chừng núi, bạn sẽ nhìn thấy toàn cảnh Long Hải với hình ảnh biển một bên, rừng một bên. Nhiều người thường cảm thấy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lộng lẫy giữa sắc trời thu lá vàng, xanh xen lẫn, tô điểm thêm bởi những khóm hoa rừng đua nở.
Chùa Hòn Một: Chùa Hòn Một được xây dựng từ năm 1918 có mặt hướng biển, lưng tựa núi Minh Đạm, hút khách hành hương thập phương.
Chùa cổ trăm tuổi ở miền biển Phước Hải
Video: Đi Cùng Thy
Bãi biển Long Hải: Bãi biển còn nhiều nét hoang sơ, sạch sẽ thích hợp cho các nhóm phượt cắm trại qua đêm để tận hưởng thiên nhiên trong lành, mát rượi.
Cát vàng nơi đây mịn trải dài, xen lẫn màu xanh của hàng dương yên tĩnh. Ngoài tắm biển, du khách còn có thể thỏa sức thưởng thức hải sản giá rẻ, tươi ngon vào những sớm tinh sương.
Long Hải có những bãi biển mang vẻ đẹp hoang sơ, thu hút nhiều phượt thủ như đến đây tắm, nghỉ ngơi. Ảnh: Lưu Chấn Huy
Bãi biển Dinh Cô: Nằm dưới chân điện Dinh Cô, bãi biển này cũng mang tên như vậy với cát vàng, mịn. Bãi cát ở đây rộng, phù hợp cho các hoạt động thể thao theo nhóm hay giải trí cuối tuần với lửa trại, ca hát, nhảy múa. Khi thủy triều xuống, nước biển lùi xa hơn, bạn sẽ nhìn thấy các loài nhuyễn thể và cá trong lớp cát mịn màng ngay dưới chân.
Thiền Viện Trúc Lâm Chân Nguyên: Tọa lạc dưới chân núi Minh Đạm và khai sơn năm 1987, thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên nằm trong không gian tu hành hòa quyện với thiên nhiên hùng vĩ. Nổi bật trong không gian xanh của núi rừng là tòa chính điện. Nơi này nằm dưới dãy núi mà sau lưng là những tảng đá với nhiều hình thù như đầu rắn, rùa được khắc chữ.
Thấp thoáng trong rừng là những chiếc am nhỏ bằng gỗ đơn sơ dành cho các vị sư đang tu hành tại đây. Điểm đặc biệt nhất là sự xuất hiện của hàng trăm con khỉ. Chúng xem chùa như chốn bình yên nên thường xuyên kéo đến. Đó cũng là lý do khiến nhiều người gọi nơi đây là chùa Khỉ.
Đèo Nước Ngọt: Nếu đã đến Long Hải, bạn không nên bỏ qua cung đường đèo Nước Ngọt, bám dọc ven biển với chiều dài 5 km luôn nhộn nhịp du khách vào những tháng cuối năm.
Điểm đặc biệt phải kể đến là rừng hoa anh đào nở rộ lưng chừng núi. Trước đây, loài hoa này được người Nhật Bản trồng trong những năm tháng chiến tranh. Theo thời gian, khu rừng trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Nối liền với bãi biển Long Hải là đèo Nước Ngọt, nơi có núi đá vươn ra biển khơi. Ảnh: Trường Hà
Côn Đảo
Huyện Côn đảo là một quần đảo ngoài khơi Bà Rịa – Vũng Tàu. Quần đảo rộng 76 km2 này bao gồm 16 hòn đảo, lớn nhất là đảo Côn Sơn. Côn Đảo cách Vũng Tàu 185 km, cách TP HCM 230 km, cách Cần Thơ khoảng 83 km. Bên cạnh du lịch tâm linh, hướng về cội nguồn, nhiều du khách đang biết đến Côn Đảo là thiên đường nghỉ dưỡng, điểm phượt lý thú còn nhiều điều khám phá.
Xem thêm: Cẩm nang du lịch Côn Đảo
Những điểm đến khác
Hồ Tràm
Hồ Tràm là điểm nằm giữa đoạn đường từ TP HCM đến Mũi Né – Phan Thiết (Bình Thuận). Một phần do thói quen và sự thuận tiện, hiếm ai chọn đi đường ven biển vì xa nên đoạn đường này thường vắng vẻ, ít xe qua lại. Nhưng cũng vì lẽ đó, đường dọc bờ biển Hồ Tràm không bị xe cộ, khói bụi ảnh hưởng.
Biển Hồ Tràm không có nhiều khu vực cho du khách đến tắm hay trải nghiệm thể thao biển nhưng hấp dẫn khách nhờ vẻ đẹp nguyên sơ.
Hồ Cốc
Nằm ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Hồ Cốc là một bãi biển hoang sơ, có không khí trong lành, lý tưởng cho những người thích lặn. Điểm đặc biệt là du khách có thể tắm mát giữa một bên là biển rộng bao la, còn một bên là rừng nguyên sinh thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu có diện tích trên 11.000 ha, với khí hậu quanh năm mát mẻ.
Biển Hồ Cốc được Lonely Planet xếp hạng là một trong tám bãi biển đẹp nhất Việt Nam và được website du lịch nổi tiếng của Anh Rough Guides đưa vào danh sách 20 bãi biển ở Việt Nam có phong cảnh đẹp nhất để giới thiệu cho độc giả.
Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu
Đối diện với biển Hồ Cốc là con đường rợp bóng cây xanh, dẫn vào Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu. Đây là khu vực tập trung nhiều cây xanh nhất Hồ Tràm, được xem như “lá phổi xanh” của Vũng Tàu.
Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn của Việt Nam. Rừng nằm dọc ven biển xen kẽ với những quả đồi thoai thoải dốc bao trùm bởi những hàng cây xanh mướt.
Khu bảo tồn có cảnh quan tự nhiên đa dạng từ rừng thưa hơi khô nhiệt đới tới rừng ẩm thường xanh, rừng tràm mọc ven biển, vùng đồi, vùng đất ngập nước, cây bụi và cồn cát ven biển… Khu bảo tồn cũng cung cấp nhiều dịch vụ du lịch như lưu trú, cắm trại, đường đi xe đạp dành cho du khách thích trải nghiệm cảm giác khám phá rừng nguyên sinh.
Suối khoáng nóng Bình Châu
Nằm giữa thảm rừng nguyên sinh rộng lớn của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, suối khoáng nóng Bình Châu thuộc địa phận huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vào năm 1928, trong một chuyến đi khảo sát miền Đông Nam Bộ, bác sĩ người Pháp Sallet phát hiện ra dòng suối khoáng này và đăng bài giới thiệu trên bản tin nghiên cứu Đông Dương với tên gọi là Cù Mi.
Với hơn 70 điểm phun nước lộ thiên với nhiệt độ thường ở mức 64-84 độ C, suối khoáng nóng Bình Châu còn có lượng bùn khoáng dồi dào. Các nghiên cứu địa chất cho thấy nước suối ở đây chứa nhiều khoáng chất có giá trị phục hồi sức khỏe, làm đẹp. Chỉ cần ngâm mình 20-30 phút là vừa đủ, lâu hơn dễ gây cảm giác choáng váng.
Chùa Bánh Xèo
Chùa Bánh Xèo có tên chính thức là ni viện Thiện Hòa, nằm ở bên phải, sau Đại Tòng Lâm Tự, thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thuở ban đầu ni viện Thiện Hòa chỉ là một am nhỏ được dựng lên vào năm 1989.
Hiện nay, nơi này còn là trường trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm. Ảnh: Tuấn Quyền
Đến năm 1990, hòa thượng Thích Thiện Hòa cho xây dựng thành ni viện làm nơi tu hành cho các ni cô. Ni viện dù được xây dựng quy mô nhưng vẫn mang nét cổ kính của ngôi chùa Việt.
Ni sư trụ trì chùa, pháp danh là Thích nữ Như Như, từ kinh nghiệm phục vụ món bún riêu chay của tu viện Phước Hải rất được khách thập phương ưa chuộng, đã nghĩ ra ý tưởng chọn bánh xèo chay để đãi khách khi đến ni viện Thiện Hòa. Tiếng lành đồn xa, trong những năm gần đây khách hành hương tìm đến ngày càng nhiều và tên gọi “chùa bánh xèo” cũng xuất phát từ đó.
Đồng cừu Suối Nghệ
Đồng cừu ở xã Suối Nghệ thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 6h sáng, đồng cừu bắt đầu mở cửa, đến khoảng 10h chật kín du khách. Xe du lịch đậu kín lối vào. Cừu được người dân tập trung ở một bãi đất trống. Hiện có 2 chỗ cho du khách tham quan và thu phí 20.000 đồng tại khu vực này.
Cách đây hơn 4 năm, nơi này được người địa phương sử dụng để thả cừu ăn cỏ. Khi du khách khắp nơi đến tham quan và chụp ảnh đông dần, người dân mở thêm dịch vụ để phục vụ. Du khách cũng có thể mua thức ăn để vừa trải nghiệm cho cừu ăn, vừa thu hút được sự chú ý của chúng. Giá mỗi suất ăn cho cừu là 10.000 đồng.
Cung đường gợi ý: TP HCM – theo hướng quốc lộ 51 – Mỹ Xuân Tóc Tiên – Hắc Dịch Tóc Tiên – đường số 1 mở rộng (Hội Bài đi Phước Tân).
Ảnh: Phong Vinh
Đặc sản
Nguồn hải sản phong phú đã làm nên những món ăn đặc sản đa dạng về chủng loại ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Các món ăn truyền thống đặc trưng mang hương vị vùng miền phải kể đến bánh khọt Vũng Tàu, bánh xèo Long Hải, mắm bằm Long Điền, bánh hỏi An Nhứt, bánh canh… Những địa điểm ăn uống thuận tiện nhất chủ yếu tập trung ở thành phố Vũng Tàu.
Bánh khọt Vũng Tàu
Bánh khọt dân dã, mang hương vị rất riêng của miền biển Vũng Tàu được nhiều người ưa thích, từ người dân đến khách thập phương và cả du khách quốc tế. Màu trắng của bột gạo quyện với vị béo thơm của mỡ hành, cộng với vị ngọt của tôm thật sự làm hài lòng thực khách.
Khu đường Nguyễn Trường Tộ được xem là nơi hội tụ của đặc sản này. Ngoài ra, bánh được bán nhiều ở các quán vỉa hè, quán ăn trên đường phố Vũng Tàu, ngon nhất là quán Gốc Vú Sữa, và quán bánh khọt của bà Hai, cô Ba trên đường Trần Đồng, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can… Khi đến các quán này bạn nên tránh giờ cao điểm lúc tan tầm bởi bạn sẽ phải đợi hơi lâu do lượng khách khá đông.
Bánh xèo Long Hải
Nguyên liệu chính để làm bánh xèo vẫn là tôm, thịt heo, hành tây, giá, mộc nhĩ, đậu xanh, trứng gà và bột gạo, nhưng bánh xèo tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền lại rất đặc biệt.
Ảnh: Di Vỹ
Nhờ nguồn thực phẩm tươi nguyên, mua từ người dân chài đánh bắt trong ngày mang về chưa qua ướp đá, làm lạnh, đồng thời kỹ thuật đổ bánh sao cho giòn, bánh có màu vàng tươi, thơm phức tạo nên điểm hấp dẫn nổi bật của bánh xèo Long Hải.
Bánh hỏi An Nhứt
Đây là món ăn đặc sản nổi tiếng của xã An Nhất, huyện Long Điền. Bánh hỏi được làm bằng một thứ gạo thơm của người dân địa phương và bí quyết là cách pha chế bột sao cho bánh dẻo, dai. Miếng bánh hỏi trắng thơm mùi gạo mới càng nhai ta càng thấy ngọt, được cuốn với rau sống, thịt xào và chấm với nước mắm kèm ngó sen chua ngọt. Cuốn hết cuốn này thêm cuốn khác tới no mà vẫn thấy thèm. Bánh hỏi còn được ăn với thịt bò xiên bằng que nướng trên bếp than hồng, ngoài ra chấm mắm nêm cũng rất ngon.
Thưởng thức bánh hỏi, thông thường gồm có: thịt heo nướng, chả giò, phía trên có rắc thêm đậu phộng giã dập. Ảnh: Thành phố Bà Rịa
Lẩu súng Phước Hải
Đặc sản lâu đời của vùng biển Phước Hải, huyện Đất Đỏ là một trong những món ăn thường ngày của người dân địa phương được nhiều người biết đến. Lẩu được ăn kèm với bông súng, nên được người dân địa phương gọi là “Lẩu súng”.
Cá dùng nấu cho món lẩu này đúng điệu và ngon nhất là đầu và lòng cá thiều xanh. Ngày nay cá thiều rất hiếm nên một số loại cá biển được dùng thay thế để nấu là cá dứa, cá bóp, cá đối bui… Gia vị cho món lẩu này cũng khá phong phú gồm: me chua dầm vắt lấy nước, tương hột giã sơ, đường mật, nước mắm ngon, sả bào băm nhuyễn phi thơm, sả củ đập dập. rau tần dày lá, ngò gai, ngò om, húng quế, ớt xắt lát mỏng…..
Cái vị là lạ của nước lẩu với hương rất riêng của tương hột, quyện với độ chua của me, mùi thơm của sả, vị ngọt bùi của cá tươi, và giòn tan của cọng bông súng làm cho món lẩu thêm đậm đà và độc đáo.
Ảnh: Yong
Cháo hàu Long Sơn
Đây cũng là món ăn đặc sản, mang đậm chất biển, được chế biến từ con hàu sữa được cậy ra từ những khe đá ở vùng biển xã đảo Long Sơn. Để có được tô cháo hàu ngon thì nghệ thuật chế biến cũng rất đặc biệt, người thưởng thức sẽ cảm nhận được vi ngọt bùi, béo của hàu, quyện với mùi thơm của gạo cộng với vị cay, thơm của tiêu, hành, gừng, nấm rơm… làm cho món cháo hàu trở nên hấp dẫn và rất đặc trưng. Tô cháo hàu nóng hổi, mùi thơm phưng phức, nuốt đến đâu vị ngọt thấm đến đó.
Gỏi cá mai
Ngoài những món hải sản quen thuộc như ốc, ghẹ, mực… món gỏi cá mai cũng trở thành đặc sản Vũng Tàu dù hơi khó ăn với người thử lần đầu. Để có món gỏi cá mai ngon, phải chọn những con cá tươi xanh, đánh vảy rửa sạch, rút xương rồi ướp giấm, chanh, tỏi, ớt để làm chín cá. Sau đó sẽ trộn thính gạo cho thơm.
Gỏi cá mai. Ảnh: Nguyen Binh
Khi ăn, gỏi được cuốn bánh tráng kèm với ngò rí, húng lủi, húng quế, tía tô, diếp cá, khế chua, chuối xanh…
Nước chấm gỏi cá mai được làm từ nước mắm đậu phộng bằng cách xay nhuyễn đậu phộng với ớt đỏ, đường, nêm nước mắm, chanh, tỏi… Quán nổi tiếng nhất là Vườn Xoài, giá 120.000 đồng một đĩa.
Bánh canh
Bát bánh canh giò heo nóng hổi ăn kèm đĩa rau sống xanh mướt là món ăn khiến nhiều du khách phải nhớ đến khi từng một lần thưởng thức. Đơn giản chỉ gồm sợi bánh, thịt heo và nước dùng nhưng món ăn với sợi bánh dai mềm, nước dùng thanh ngọt, vị đậm đà cũng đủ làm nên thương hiệu lâu bền cho món ăn bình dân này.
Ảnh: Hupa
Người dân đôn hậu ở vùng biển trời Nam của Tổ Quốc chia sẻ bí quyết để có được món ăn ngon đến vậy là nhờ nước dùng được ninh từ cá biển, tôm tươi sẵn có và xương ống.
Bên cạnh đó, để tránh cảm giác ngấy cho thực khách, món bánh canh ăn kèm với một đĩa rau sống tươi ngon với đủ loại như xà lách, tía tô, rau cần, giá sống… Địa chỉ tham khảo quán bánh canh Long Hương trên đường Bà Triệu, trước cổng chào thành phố Bà Rịa.
Bún súng
Có nhiều nét tương đồng với bún nước lèo của người Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau… bún súng của người dân phố biển Vũng Tàu mang đặc trưng là chan nước lèo nấu từ hải sản như cá, tôm, mực và ăn kèm rau súng. Bún tươi, sợi nhỏ và rau sống cho vào tô, hải sản được trang trí trên mặt bún rồi chan nước dùng. Rau sống ăn kèm không thể thiếu rau súng, mùi, muống, hoa chuối…
Hủ tiếu mỳ
Tô hủ tiếu mỳ với nước lèo trong vắt đậm đà, miếng sườn trắng mềm được nấu theo công thức riêng tuy đơn giản nhưng lại mang tầm thương hiệu hủ tiếu mỳ đặc trưng rất riêng của thành phố biển Vũng Tàu.
Ảnh: Foody
Bạn có thể lựa chọn ăn hủ tiếu nước hay khô tùy sở thích và tha hồ chọn loại hủ tiếu hợp khẩu vị như hủ tíu mỳ sườn, hủ tiếu hoành thánh xá xíu, hoành thánh sườn, hủ tiếu mỳ heo viên tôm, hoành thánh thập cẩm… Bạn có thể ăn tại các quán bán hủ tiếu trên đường Trương Công Định, đường 30/4 Lý Tự Trọng… với giá từ 25.000 đồng một tô.
Bún súng
Có nhiều nét tương đồng với bún nước lèo của người Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau… bún súng của người dân phố biển Vũng Tàu mang đặc trưng là chan nước lèo nấu từ hải sản như cá, tôm, mực và ăn kèm rau súng.
Không quá cầu kỳ nhưng sức hút của mỗi tô bún súng khiến ít ai có thể chối từ. Bún tươi, sợi nhỏ và rau sống cho vào tô, hải sản được trang trí trên mặt bún rồi chan nước dùng. Rau sống ăn kèm không thể thiếu rau súng, mùi, muống, hoa chuối…
Hải sản
Du khách đến đây đừng quên thưởng thức các món hải sản phong phú về chủng loại, đa dạng về giá cả, từ bình dân đến cao cấp.
Các món có giá từ 50.000 đến 200.000 đồng tùy loại. Ảnh: Khánh Bằng
Ở những hàng quán bán hải sản bên hè phố, chỉ cần vài chục nghìn đồng là bạn có thể khoan khoái ngồi thưởng thức một trong các món: ốc len xào dừa, nghêu hấp, hàu nướng mỡ hành… cho đến tôm, cua, ghẹ, mực… Bạn hãy ghé đến các quán nổi tiếng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, khu Sao Mai, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thái Học… ở thành phố Vũng Tàu để nhâm nhi cùng bạn bè.
Du Hy