Du lịch Kiên Giang sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn

(ĐTTCO) – Tỉnh Kiên Giang đặt ra mục tiêu đến năm 2030 mỗi năm sẽ thu hút 1,667 triệu lượt khách quốc tế, 22 triệu lượt khách nội địa, tăng bình quân 10%/năm; doanh thu đạt 4,6 tỷ USD, tương đương 105.000 tỷ đồng, tăng bình quân 18,4%/năm; số phòng lưu trú đạt 54.600 phòng; đóng góp trên 17,5% GRDP của tỉnh, và sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, giai đoạn 2016-2022, lĩnh vực du lịch đã có bước phát triển khá nhanh, đang trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đón trên 41,7 triệu lượt khách, trong đó có trên 2,3 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt trên 73.000 tỷ đồng.

Để đáp ứng, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phát triển nhanh về số lượng, tập trung ở các vùng trọng điểm du lịch của tỉnh như: Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có gần 900 cơ sở lưu trú với hơn 31.000 phòng. Trong đó hạng 1-3 sao có 30 cơ sở với gần 1.900 phòng, hạng 4-5 sao có 22 cơ sở với hơn 10.000 phòng, đáp ứng khá tốt nhu cầu lưu trú của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Có 68 doanh nghiệp (DN) được cấp phép với 29 DN lữ hành quốc tế, 33 DN lữ hành nội địa và 6 chi nhánh, văn phòng đại diện, đáp ứng cơ bản nhu cầu du khách quốc tế đến Kiên Giang và tổ chức đưa khách đi du lịch trong và ngoài nước.

Tỉnh đã thu hút hơn 300 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đầu tư gần 360.000 tỷ đồng. Có 72 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, 87 dự án đang triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 180.000 tỷ đồng, 169 dự án đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư với tổng vốn đầu tư ước thực hiện hơn 161.000 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, hoạt động du lịch hiện nay gắn với phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, kết nối các bên liên quan tạo thành mô hình chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Du lịch phát triển kích thích thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển, giải quyết việc làm cho gần 16.000 lao động.

Hiện Kiên Giang đã quy hoạch 4 vùng du lịch trọng điểm phù hợp với lợi thế mỗi vùng gồm Phú Quốc; Hà Tiên – Kiên Lương và phụ cận; Rạch Giá – Hòn Đất – Kiên Hải và phụ cận; U Minh Thượng và phụ cận. Trong đó, Phú Quốc được quy hoạch đầu tư phát triển thành khu du lịch cao cấp của cả nước, khu vực Đông Nam Á và thế giới. Với 26 đảo lớn, nhỏ và những bãi tắm đẹp, Phú Quốc đang là điểm đến hấp dẫn cho du khách tham quan, nghỉ dưỡng.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm khai thác du lịch hiệu quả, sớm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch và xác định mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang toàn diện, bền vững; phấn đấu đến năm 2030 du lịch Kiên Giang thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.

Thời gian tới đơn vị du lịch trong tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu phát triển các tour, tuyến du lịch quốc tế qua đường hàng không, đường biển, đường bộ; phối hợp các hãng hàng không xúc tiến, mở các đường bay thẳng, bay charter tới các thị trường chất lượng cao…