Du lịch Phượng Hoàng cổ trấn (2023) Kinh nghiệm từ A-Z
Mục lục bài viết
Du lịch Phượng Hoàng cổ trấn (2023) Kinh nghiệm từ A-Z
Du lịch Phượng Hoàng cổ trấn (Fenghuang guzhen, 凤凰古鎮) được nhiều người ví như chuyến hành trình về nơi thời gian đóng băng suốt ngàn năm. Ở đây có gì tham quan? Ăn uống có gì ngon? Đi lại như nào? Cùng Kỳ Nghỉ Đông Dương khám phá ngay trước khi đi theo Tour Phượng Hoàng cổ trấn trong chùm Tour Trung Quốc nhé!
Phượng Hoàng Cổ Trấn ở đâu ?
Phượng Hoàng cổ trấn (Fenghuang guzhen – 凤凰古鎮) hay Phượng Hoàng cổ thành (Fenghuang gucheng – 凤凰古城) là trấn nhỏ nằm ở huyện Phượng Hoàng, phía tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Đây là thành cổ có niên đại hơn 1300 năm, là nơi cư trú của hơn 28 dân tộc thiểu số như Thổ Gia, Miêu, Hồi, Hán… Tên gọi Phượng Hoàng Cổ Trấn được bắt nguồn từ ngọn núi Hoa Sơn nằm ở phía Tây Nam trấn cổ. Trên đó có rất nhiều dấu tích của Phượng Hoàng và chính dòng sông Đà Giang uốn lượn qua trấn cổ cũng giống hình thù con Phượng Hoàng, bạn hãy đến và xem có đúng không nha!
Phượng Hoàng được cấp “Điểm du lịch AAAA Quốc gia” (Cấp bậc đánh giá sao của Bộ Du lịch Trung Quốc). Nơi đây thu hút khách du lịch đi tour Phượng Hoàng cổ trấn bởi nét trầm mặc, đơn sơ, cổ kính của những ngôi nhà gỗ cổ, những ngõ nhỏ đường lát đá, nằm lặng lẽ bên dòng Đà Giang xanh trong êm ả. Cuộc sống nơi núi rừng sông nước này yên bình tới nỗi khiến những du khách từ thành thị “8 tiếng nhìn màn hình” như lạc vào cảnh phim cổ trang, quyến luyến chẳng muốn rời.
Những ngõ ngách phố cổ trong trấn Phượng Hoàng
Phượng Hoàng Cổ Trấn có gì đẹp?
Trong các Tour Trung Quốc thì tour Phượng Hoàng cổ trấn được đánh giá trong top đầu. Không chỉ có những ngôi nhà gỗ cổ với đèn lồng đỏ, đặc sản núi rừng hấp dẫn, những cây cầu ở Phượng Hoàng cổ trấn mà mỗi cây một vẻ soi bóng xuống Đà Giang cũng làm du khách phải xiêu lòng. Có thể điểm qua vài cây cầu nổi bật nhất như Hồng Kiều, Tuyết Kiều, và cầu Đá Nhảy. Đây là những địa điểm chính được khách du lịch check-in “sống ảo” nhiều nhất.
Sông Đà Giang – Dòng sông thơ mộng của trấn cổ
Trấn cổ Phượng Hoàng đã có từ ngàn năm trước, đồng hành cùng nơi đây là dòng Đà Giang êm dịu, phẳng lặng tựa như “nàng tiên sông” của vùng đất này. Màu xanh ngọc bích của Đà Giang luôn khiến khách Du lịch Phượng Hoàng cổ trấn mê mẩn, lưu luyến không muốn về. Dọc 2 bên bờ sông là những ngôi nhà cổ, là thành Bắc Môn, là hình ảnh người dân địa phương giặt giũ, rửa rau bắt cá, cười cười nói nói, mà chỉ khi ngồi thuyền hay đi bộ dọc bờ sông ta mới cảm nhận được hết vẻ yên bình nơi đây.
Đà Giang
Khi trời trở lạnh, “nàng tiên sông” khoác chiếc áo sương mù, khẽ bay bay đầy huyền ảo, mị hoặc. Khi nắng lên, “nàng” đổi sang màu áo nhũ vàng óng ánh, rồi khi tuyết đông về “nàng” lại lặng lẽ ngắm tuyết rơi lên mình, lên từng mái nhà, cây cầu ở Phượng Hoàng cổ trấn.
Phượng hoàng cổ trấn khi đông về
Một điều nữa khiến dòng sông xinh đẹp hơn chính là những cây cầu nối 2 bờ, soi bóng xuống Đà Giang, mỗi cây cầu đều mang một vẻ đẹp riêng, ở đó cùng Đà Giang chứng kiến thăng trầm lịch sử, chứng kiến sinh hoạt thường ngày, trẻ con nô đùa, trai gái yêu đương… nơi trấn cổ này.
Những cây cầu ở Phượng Hoàng cổ trấn
Hồng Kiều (Cầu Hồng)
Cây cầu đầu tiên phải nhắc đến chính là Cầu Hồng Kiều. Cây cầu 2 tầng này được xây chắc chắn bằng đá và gỗ. Dù nhìn từ phía xa hay đi thuyền dưới chân cầu, du khách vẫn cảm nhận được sự to lớn, trầm mặc của cây cầu, như một chứng nhân lịch sử lặng lẽ ở đó suốt hơn 300 năm, cùng trấn Phượng Hoàng trải qua biết bao thăng trầm.
Cầu Hồng (Hồng Kiều)
Hồng Kiều trông như một căn lầu với 2 tầng có mái che, thành cầu chạm trổ phù điêu tinh xảo. Tầng 1 là lối đi nối 2 bờ và là nơi buôn bán đồ lưu niệm vào ban đêm, tầng 2 là nơi để ngắm cảnh, thưởng thức những bức thư pháp, tranh ảnh về Phượng Hoàng cổ trấn. Đứng trên lầu 2, du khách đi Tour Phượng Hoàng cổ trấn sẽ ngắm nhìn được toàn cảnh trấn cổ xinh đẹp.
Tuyết Kiều (Cầu Tuyết)
Trái ngược với sự vững trãi, sừng sững của Hồng Kiều chính là Tuyết Kiều. Cũng là kết cấu 2 tầng xây bằng đá và gỗ, nhưng Tuyết Kiều lại thanh thoát, nhẹ nhàng, trắng tinh khôi như nàng thơ của mùa đông.
Tuyết Kiều
Được khởi công xây dựng vào tháng 4/2011 và hoàn thành vào tháng 11/2012, họa sĩ đương đại Hoàng Ngọc Vĩnh đã “thổi hồn” vào cho cây cầu này vẻ đẹp cổ kính, lưu giữ lại tuổi thơ của ông nơi trấn cổ Phượng Hoàng. Cùng với Tuyết Kiều thì Cầu Vụ, Cầu Phong, Cầu Vũ chính là 4 tác phẩm “Tuyết – Vũ – Vụ – Phong” mà họa sĩ này đã “vẽ” trên Đà Giang, khiến thị trấn nhỏ này mang dáng hình mà không ở nơi đâu có thể tìm thấy.
Vụ Kiều (Cầu Vụ)
Vụ Kiều đằng xa ẩn trong sương sớm
Vụ Kiều được ví như cây cầu sương mù. Những ngày có sương, đứng nơi đây khách du lịch Phượng Hoàng cổ trấn sẽ cảm giác được sự ma mị, mê hoặc của những con thuyền độc mộc lặng lẽ lướt trên dòng sông, ẩn hiện trong sương sớm.
Cầu Đá Nhảy
Cầu Đá Nhảy là cây cầu nổi tiếng nhất với khách đi tour Phượng Hoàng. Không có mái, không có tầng, chỉ là những trụ đá xếp cách nhau một bước chân, đủ cho một người bước qua nhưng cũng đủ khiến du khách thấy thích thú.
Trên đây chỉ là một số ít trong nhiều cây cầu được du khách yêu thích nhất tại Phượng Hoàng cổ trấn. Nếu muốn tìm hiểu hơn nữa, mời bạn xem thêm trong bài viết về những cây cầu ở Phượng Hoàng cổ trấn.
Phố cổ ở Phượng Hoàng cổ trấn
Không chỉ có dòng Đà Giang làm mê lòng người mà những ngõ ngách, phố nhỏ ở trấn nhỏ này cũng khiến du khách si mê quên lối về. Bạn sẽ như được trở về quá khứ cổ xưa bên những ngôi nhà cửa gỗ đỏ, chăng đèn lồng đỏ, lát gạch đá trắng xám tạo nên một bức tranh trầm mặc, cổ kính.
Phố cổ ở Phượng Hoàng cổ trấn
Phù Dung Trấn – Trương Gia Giới
Tour Phượng Hoàng cổ trấn giá rẻ không chỉ hấp dẫn bởi trấn cổ Phượng Hoàng mà còn có những điểm du lịch gần đó như Phù Dung trấn – trấn cổ ngàn năm nằm “treo” trên thác nước, công viên Rừng quốc gia Trương Gia Giới – Viên Gia Giới nổi tiếng với những cột đá cao chọc trời, chính là bối cảnh nguyên mẫu cho những trụ đá bay trong bộ phim Avatar đã làm “cháy phòng vé” một thời. Cũng trong khu danh thắng này còn có Thiên Môn Sơn với con đường đèo 99 khúc cua, 999 bậc thang dẫn lên Cổng Trời đưa chân du khách du lịch Phượng Hoàng cổ trấn đến chốn tiên cảnh bồng lai. Ngoài ra còn nhiều địa điểm tham quan thú vị khác mà bạn có thể tự do khám phá khi đi chuyến tour Trung Quốc này nữa đó!
- Xem thêm bài viết về Phù Dung trấn
- Xem thêm bài viết về Trương Gia Giới
Trương Gia Giới
Mùa nào đẹp nhất tại Phượng Hoàng Cổ Trấn?
Bốn mùa ở Phượng Hoàng cổ trấn mùa nào cũng đẹp, quanh năm bạn đều có thể đến đây. Để nói mùa nào đẹp nhất thì thật sự rất khó. Có người thích mùa đông lành lạnh, có người lại thích nắng hè ấm áp. Tùy vào sở thích mà bạn có thể chọn mùa thích hợp để du ngoạn.
Phượng Hoàng cổ trấn mùa hè
Với các bạn trẻ năng động, thích “sưởi nắng” thì mùa hè có lẽ sẽ là thời điểm đi thích hợp với bạn. Ban ngày nắng ấm áp soi chiếu óng ánh dòng Đà Giang nhưng không quá oi nóng như ở Việt Nam. Khi đêm về thì gió mát lại thổi vào.
Phượng Hoàng cổ trấn mùa đông
Mùa đông, trấn Phượng Hoàng nhưn chìm vào giấc ngủ đông, mang vẻ đẹp quyến rũ lạ kì. Tuyết phủ trắng những mái nhà, mái ngói cầu khiến nơi đây lặng lẽ hơn, không còn mang sự sôi động của những ngày hội hè. Vào mùa này giá cả đồ ăn và các dịch vụ du lịch Phượng Hoàng cổ trấn cũng rẻ hơn, nếu may mắn bạn còn có cơ hội ngắm tuyết nữa nên nếu không ngại trời lạnh, hãy thử đến đây vào mùa đông nhé!
Phượng Hoàng cổ trấn mùa xuân và mùa thu
Mùa xuân và mùa thu ở trấn Phượng Hoàng dễ chịu hơn cả. Xuân về cây lá đâm chồi, mang hương hoa thơm ngát phủ lên thị trấn nhỏ này. Sức sống như quay lại sau mùa đông lạnh giá. Đến mùa thu, những chiếc lá vàng bay nhè nhẹ rồi thả trôi theo dòng Đà Giang khiến những du khách có tâm hồn lãng mạn đều lưu luyến muốn ở lại nơi này.
Phượng Hoàng cổ trấn mùa xuân
Phượng Hoàng cổ trấn mùa thu
Bạn có thể đi du lịch Phượng Hoàng cổ trấn vào khoảng tháng 3 đến tháng 11, thời tiết khá thuận lợi, không quá lạnh. Tuy nhiên vì đây là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất trong tour Trung Quốc nên đây cũng là thời gian cao điểm, Trung Quốc cũng có những ngày nghỉ lễ lớn trong thời gian này nên sẽ không tránh được việc người người đổ dồn về đây. Tháng 12 đến tháng 2 là mùa đông, thời tiết khá lạnh nhưng sẽ thích hợp với những bạn thích ngắm tuyết rơi và không thích nơi quá đông người. Bởi vào lúc này cũng là thời gian thấp điểm ở Phượng Hoàng cổ trấn, giá cả mọi thứ đều sẽ rẻ hơn thời gian cao điểm. Tùy vào mỗi người mà có thể chọn cho mình thời gian đi thích hợp nhất để trải nghiệp được đầy đủ nhất vẻ đẹp của trấn cổ bình yên này.
Nên ở đâu khi tới Phượng Hoàng Cổ Trấn?
Ở Phượng Hoàng cổ trấn có đủ dịch vụ từ hostel, khách sạn 2-3 sao và cả 4-5 sao, tùy vào mức chi tiêu mà bạn có thể chọn chỗ phù hợp nhưng nên đặt phòng sớm trước 2-3 tháng để tránh bị giá quá cao hoặc hết phòng vì đây là điểm du lịch nổi tiếng nên thường xuyên “cháy” phòng khách sạn.
Khách sạn ở Phượng Hoàng cổ trấn
Với chuyến đi tiết kiệm, hostel với các mức giá dưới 100 tệ/đêm sẽ là lựa chọn không tồi. Khách sạn tầm trung sẽ có giá dao động trong khoảng 200 tệ – 300 tệ/đêm nhưng đồ đạc sẽ hơi cũ một chút. Còn nếu bạn muốn ở khách sạn có dịch vụ tốt hẳn, view đẹp thì có thể ở trong các khách sạn 4-5 sao với giá từ 400 tệ/đêm.
Bạn có thể tham khảo trên các trang đặt phòng uy tín như booking.com, tripadvisor hay agoda để có nhiều thông tin nếu đi tự túc nhé. Tuy nhiên đi Phượng Hoàng cổ trấn là một thị trấn miền núi, không nhiều người dân ở đây biết tiếng Anh, nếu bạn đi tự túc mà không biết tiếng Trung thì giao tiếp khá khó khăn, nhất là trong trường hợp có vấn đề với việc đặt phòng. Còn có “một ngàn lẻ một lý do” nữa mà khách du lịch Phượng Hoàng được khuyến khích nên đi theo tour, bạn có thể đọc trong phần ngay dưới đây nhé!
Nên đi tour Phượng Hoàng Cổ Trấn hay đi tự túc?
Nếu bạn đang phân vân nên chọn đi tour hay đi tự túc cho thoải mái thì có thể cân nhắc sau khi đọc một số điều dưới đây:
Bạn biết tiếng Trung hoặc có người nhà/bạn bè ở Trung Quốc thì việc đi tự túc khá tiện. Nếu đã có “hậu cần” ở sẵn Trung Quốc thì việc sang đi thăm thú sẽ là một chuyến đi chơi nhẹ nhàng đúng nghĩa, bạn cũng không phải lo nghĩ về giờ giấc, đến những cảnh điểm trong tour mà mình không có hứng thú. Tuy nhiên, nếu không biết tiếng Trung và không có tinh thần “liều bất chấp” thì chuyến đi sẽ vất vả hơn đấy!
Đầu tiên, người Trung Quốc không phải ai cũng sẽ nói tiếng Anh đâu, kể cả ở các khu du lịch, bạn có “How much” thì họ cũng không hiểu đâu! Các cảnh điểm du lịch không phải chỗ nào cũng có chỉ dẫn tiếng Anh. Đi tự túc bạn có thể xài app dịch nhưng chắc chắn vẫn sẽ khá bất tiện. Hiện nay các tour cũng đã được cải thiện nhiều hơn, giúp du khách có trải nghiệm được cá nhân hóa hơn nên không quá mệt mỏi kiểu hành quân vất vả như bạn từng nghĩ về tour đâu. Trên hết là nếu đi theo tour thì bạn sẽ được làm Dịch vụ visa Trung Quốc theo đoàn, chi phí sẽ rẻ hơn làm visa lẻ cực nhiều nhé!
Khách du lịch tour Phượng Hoàng Cổ Trấn của Kỳ Nghỉ Đông Dương
Cần chú ý những gì trước khi đi Phượng Hoàng Cổ Trấn?
Chuẩn bị: Bạn nên chuẩn bị dép lê để đi trên tàu hoặc tùy khách sạn sẽ có nơi có nơi không. Kể cả mùa hè cũng nên mang áo khoác vì nếu lên Thiên Môn Sơn, Trương Gia Giới vẫn sẽ se lạnh đấy! Ngoài áo khoác còn cần mang theo cả ô nhé! Nên mang giày thể thao vì di chuyển nhiều sẽ đau chân lắm, đặc biệt là khi lên núi.
Ngoài ra, bạn có thể đem theo một ít muối vừng, ruốc, lon cháo, cháo ăn liền, mì gói… nếu không quen đồ Trung nhiều dầu mỡ, cay nóng nhé.
Thời tiết: Thiên Môn Sơn thường có mưa, k mưa thì tuyết, lạnh buốt giá. Vậy nên nếu các bạn gái có ý định mặc váy thì nhớ đi tất nhé, đừng để “thời trang phang thang thời tiết” rồi cảm lạnh thì đi chơi mất vui đó!
Đừng nên mua áo mưa mà chỉ cần một chiếc ô là đủ. Có thể mua ô trong suốt để chụp choẹt cho đẹp nhé! Nếu vẫn muốn mua áo mưa thì nên mua ngay từ dưới chân núi, chỉ có giá tầm 5 tệ thôi, chứ lên trên núi là phải tầm 15 tệ đấy! Lên núi thì chỉ nên xách theo ít đồ ăn nhẹ chống đói vì đi nhiều thôi, những thứ hành lý cồng kềnh thì nên để dưới xe tour hoặc ở chỗ lưu trú.
Thời tiết ở Phượng Hoàng cổ trấn thì nhẹ nhàng, ấm áp, ít khắc nghiệt hơn trên núi cao.
Tiền tệ: Du khách nên chuẩn bị trước tiền tệ trước khi đến Trung Quốc. Mời bạn xem thêm kinh nghiệm về đổi tiền đi Trung trong bài viết về Kinh nghiệm du lịch Trung Quốc (Phần 2) nhé. Trong bài viết này còn có nhiều kinh nghiệm khác như mua SIM du lịch, nên mang gì theo, hoặc bạn có thể học “mót” thêm vài câu tiếng Trung bỏ túi trong PHẦN 3 của loạt bài đó nhé.
Một vài kinh nghiệm ăn – chơi ở Phượng Hoàng cổ trấn
Phượng Hoàng cổ trấn có rất nhiều hàng quán ăn vặt lẫn nhà hàng đồ ăn chính, trong đó nổi tiếng nhất là bánh tép làm từ tôm tép bắt ở sông Đà Giang, đậu phụ thối theo kiểu Hồ Nam, kẹo gừng và củ cải muối. Để biết thêm chi tiết về những món này, bạn hãy ghé qua bài viết nhé!
Phượng Hoàng cổ trấn có rất nhiều hàng quán ăn vặt lẫn nhà hàng đồ ăn chính, trong đó nổi tiếng nhất là bánh tép làm từ tôm tép bắt ở sông Đà Giang, đậu phụ thối theo kiểu Hồ Nam, kẹo gừng và củ cải muối. Để biết thêm chi tiết về những món này, bạn hãy ghé qua bài viếtnhé!
Đã đi chơi thì chắc chắn phải có quà mang về rồi. Đến Phượng Hoàng trấn, bạn có thể mua kẹo gừng, kẹo lạc đặc sản Hồ Nam, cá khô, thịt lợn khô, áo choàng in thổ cẩm,… Chi tiết mời bạn tham khảo thêm trong bài viết Đặc sản Phượng Hoàng cổ trấn nào nên mua về làm quà?
Lưu ý :
►Có rất nhiều người sẽ mời chào bạn thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh với giá chung là 5 tệ/ bộ tuy nhiên bạn có thể mặc cả còn 2 tệ / bộ. Còn tết tóc bím là 1 tệ/ sợi.
Tết tóc ở Phượng Hoàng
Tết tóc ở Phượng Hoàng
►Luôn luôn phải trả giá khi hỏi mua một món hàng nào đó. Để không bị hớ, bạn nên mặc cả thấp hơn 30-50% .
►Thời tiết ở Phượng Hoàng khá là ổn tuy nhiên bạn vẫn nên mang theo áo khoác ấm (nếu đi vào mùa lạnh) vì ban đêm nhiệt độ sẽ xuống rất thấp. Còn vào mùa nóng cũng nên thủ sẵn áo choàng mỏng hoặc có thể mua khăn choàng được bán rất nhiều ở dọc bờ sông. Quan trọng là đừng để bị ốm vì ở nơi xa lạ, không ai muốn mình rơi vào tình cảnh ốm đau, mất vui cả cuộc hành trình.
Đường thành Đông Môn
Đường thành Đông Môn
Làm sao để có ảnh sống ảo đẹp ở Phượng Hoàng cổ trấn?
Nếu đi vào những ngày âm u, trời có mưa nhỏ thì bạn lúc nào cũng có thể bắt được cái chất của cổ trấn. Tuy nhiên vào những ngày nắng, hạn chế chụp vào giữa trưa nhé. Cố gắng dậy sớm hoặc chụp vào lúc xế chiều, màu tối có cảm giác buồn buồn “deep deep” hơn. Tuy giờ có nhiều app chỉnh màu được nhưng nếu được ngay màu gốc ưng ý thì vẫn hơn đúng không?
Video những nét nổi bật của Phượng Hoàng cổ trấn
Trên đây là một số điều khái quát về Phượng Hoàng cổ trấn có thể bạn cần biết trước khi đến đó. Trấn cổ này với vẻ đẹp hơn một ngàn năm tới nay vẫn vẹn nguyên. Điều này khiến cho mỗi khách du lịch ghé thăm đều như lạc bước về thời cổ đại, chiêm ngưỡng cảnh đẹp thơ mộng lung linh và được thưởng thức nhiều món ăn đặc sắc, có hương vị ngon khó quên. Trong kỳ nghỉ tới, nếu có ý định đến đây, hãy liên hệ với Kỳ Nghỉ Đông Dương để được tư vấn thêm và sắp xếp Tour du lịch Phượng Hoàng cổ trấn thật phù hợp cho bạn nhé!
(Nguồn ảnh: Kỳ Nghỉ Đông Dương và các nguồn sưu tầm khác. Nếu bạn là tác giả ảnh, vui lòng liên hệ với website chúng tôi. Xin cảm ơn!)
THÚY NGUYỄN
Chuyên Gia Du lịch
Xin chào! Mình là Thúy – người có niềm đam mê với du lịch Việt Nam, du lịch Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á khác. Hy vọng bạn tìm được thông tin hữu ích tại đây!