Du lịch Trường Sa – Từ dự định tới hiện thực
Mục lục bài viết
Cả tuần nay, dân du lịch xôn xao trước tin thành phố mở tuyến du lịch ra Trường Sa. Báo chí thông tin dồn dập. Các công ty lữ hành chộn rộn, hăm hở làm chương trình. Du khách phấn khích í ới đăng ký. Có công ty còn dự kiến cả giá tour…
Bình minh trên đảo Trường Sa lớn – Ảnh: Trung Hiếu
Đó là những tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch. Chưa có tour nào “nóng” cỡ đó, kể cả Sơn Đoòng. Điều này cũng chứng tỏ tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của người Việt Nam khắp thế giới. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tế là khoảng cách khá lớn.
Trước hết, “mở tour du lịch ra Trường Sa” mới là chỉ đạo của UBND TP.HCM, giao Sở Du lịch, phối hợp với Tổng công ty Saigontourist, Tổng công ty Tân Cảng phối hợp tổ chức. Dự kiến sẽ có đoàn khảo sát của các doanh nghiệp lữ hành cùng các đơn vị liên quan ra Trường Sa vào cuối tháng 6. Sau khi khảo sát, nếu khả thi, mới xây dựng chương trình, định giá, chuẩn bị lực lượng hướng dẫn viên và bán tour. Thực tế, năm 2004, đã có đoàn khảo sát hùng hậu của Tổng cục Du lịch ra Trường Sa nhưng sau đó thì im lặng khó hiểu, không một lời giải thích với dư luận. Lần này, nếu mọi việc thuận lợi, thì cũng phải đầu năm 2016 mới khởi động tour cho du khách. Đơn giản vì từ tháng 7, bắt đầu mùa biển động, không ai dám mạo hiểm. Ngay các tour đảo gần hơn như Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang)… đi tàu, cũng ít được tổ chức.
Quần đảo Trường Sa là tập hợp hơn 100 cồn cát, đảo san hô (đảo nổi) và các rạn san hô, bãi đá ngầm (đảo chìm) giữa biển Đông. Chiều dài trục đông – tây khoảng 800 km, trục bắc – nam chừng 600 km. Tổng diện tích các đảo nổi chỉ hơn 6 km2 nhưng có gần 160.000 km2 mặt biển. Khoảng cách đảo gần nhất từ Song Tử Đông đến Song Tử Tây là 1,5 hải lý (1 hải lý = 1.852 m), xa nhất từ Song Tử Tây đến An Bang là 280 hải lý. Trung tâm Trường Sa cách Cam Ranh 243 hải lý. Trường Sa nằm trên tuyến đường hàng hải cực kỳ quan trọng, chỉ xếp sau Địa Trung Hải, chuyên chở gần một nửa sản lượng dầu thô và các sản phẩm của thế giới, đặc biệt là với các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Hiện nay lực lượng của 5 nước có yêu sách về chủ quyền đang chiếm giữ các đảo đan xen. Đài Loan chiếm 1 đảo lớn nhất (1956), Philippines 9 đảo, đá (1972), Malyasia 7 đá, bãi cạn (từ 1983), Trung Quốc 7 đá, bãi cạn (từ 1988). Việt Nam thực hiện chủ quyền ở 21 đảo, đá và có đơn vị hành chánh riêng là huyện đảo Trường Sa (gồm thị trấn Trường Sa, 2 xã là Song Tử Tây và Sinh Tồn) thuộc tỉnh Khánh Hòa. Việt Nam có đủ chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa và cả Hoàng Sa (hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp).
Quần đảo Trường Sa là nơi có mật độ sân bay nhiều nhất thế giới so với diện tích đất. Việt Nam có sân bay ở đảo nổi Trường Sa. Malaysia có sân bay ở đảo chìm, nay là đảo nhân tạo Đá Hoa Lau. Đài Loan có sân bay ở đảo Ba Bình. Philippines có sân bay ở đảo Thị Tứ. Trung Quốc đang xây sân bay ở đá Gạc Ma mà mới đây họ đã bồi đắp thành đảo nhân tạo. Tùy theo khu vực mà có các sóng viễn thông Viettel (Việt Nam), China Mobile (Trung Quốc), Chunghwa Telecom (Đài Loan), GSM (Philippines)… Dù không có đất trồng trọt hoặc khoáng sản và nước ngọt hiếm nhưng Trường Sa được xem là rốn dầu của thế giới, trữ lượng ước tính gần 18 tỉ tấn. Trường Sa cũng là ngư trường lớn của thế giới với nguồn hải sản phong phú, là điểm lý tưởng để tổ chức các dịch vụ hàng hải với tàu thuyền qua lại vận chuyển hàng hóa, đánh bắt hải sản và tránh bão. Trường Sa còn đặc biệt quan trọng trong chiến lược kiểm soát biển Đông và cả khu vực.
Như vậy, du lịch không phải là thế mạnh của Trường Sa. Tổ chức du lịch ra Trường Sa là việc bình thường, nhưng là tour đặc thù, không phải ai cũng tham gia được. Philippines và Malaysia đã làm từ lâu. Việt Nam bây giờ mới rục rịch là quá quá chậm. Du lịch Trường Sa chủ yếu là nghỉ dưỡng, tắm biển, câu cá và lặn ngắm san hô. Quan trọng hơn, đó là việc khẳng định chủ quyền, thể hiện lòng yêu nước và phương tiện tối ưu là máy bay, từ Cam Ranh. Tour 5 ngày 4 đêm là hợp lý. Nếu đi tàu, cũng phải từ Cam Ranh vì đây là đường ngắn nhất, tour sẽ dài hơn, từ 6 – 7 ngày. Giá tour của Malaysia ra đảo Hoa Lau, 4 ngày 3 đêm, resort 3 sao là 1.200 USD/người. Còn đi tàu khách thì Việt Nam chưa có. Đi tàu cứu hộ Titan 4.000 tấn của Hải quân, từ Vũng Tàu, mất gần 2 tuần lễ, chi phí cả trăm triệu mỗi người là không tưởng và cả khó tin. Nghe đâu, trên cơ sở 3 đơn vị được thành phố chỉ định thực hiện, Sở Du lịch cũng đang tính thành lập công ty riêng để tổ chức tour này. Tôi rất băn khoăn và dị ứng với việc hùng hậu ban bệ. Phải giao trực tiếp hoặc qua đấu thầu cho đơn vị nào đủ khả năng và cả tâm huyết, được kiểm tra và giám sát chặt chẽ. Tour khám phá Sơn Đoòng trên cả tuyệt vời, một phần bởi nhà tổ chức chuyên nghiệp là Oxalis Adventure.
Tour du lịch ra Trường Sa không phải để kinh doanh thuần túy, không thể làm đại trà, như một số người đang nghĩ. Đối tượng sẽ rất chọn lọc. Phải có sức khỏe và cả nhận thức, chứ không thể đi vì ham vui kiểu phong trào, đi để lòe thiên hạ. Đặc biệt chú trọng thị phần là người Việt ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ và châu Âu. Việc tổ chức các dịch vụ ăn nghỉ đều trong tầm tay. Khó nhất là Trung Quốc sẽ phản ứng. Quan trọng là có dám đối mặt để vượt qua như Philippines và Malaysia đã làm lâu nay không. Tháng 4.2013, tôi ra Trường Sa, lúc đó Trung Quốc chưa đại ồ ạt xây dựng các thị tứ và công trình trên đảo chiếm đoạt của Việt Nam như hiện nay. Dọc đường, gặp tàu Hải giám Trung Quốc nghênh ngang trên biển Việt Nam, ban tổ chức còn cấm khách, không được ra boong tàu chụp ảnh, sợ khiêu khích họ. Ai cũng ấm ức và phẫn nộ.
Việc tổ chức tour du lịch ra Trường Sa là đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng thiêng liêng của người Việt khắp năm châu. Vấn đề tổ chức, tùy thuộc vào nhận thức và cả quyết tâm của nhà nước. Nếu có quyền, tour đầu tiên đưa du khách ra Trường Sa, tôi sẽ mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoặc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm khách danh dự, cùng đi. Tại sao không? Việc này Thủ tướng Badawi của Malaysia đã làm từ lâu. Trong khi chưa có tour riêng thì kết hợp. Mỗi chuyến tàu bao cấp, chở cả trăm khách mời ra đảo miễn phí, có thể dành chừng 30 – 40 người bán vé, lấy tiền đó đầu tư cho các dịch vụ ở Trường Sa. Không chỉ Việt Kiều, mà rất nhiều cán bộ hưu trí, có đủ điều kiện kinh tế, sức khỏe muốn một lần ra Trường Sa trước khi nhắm mắt mà cứ đau đáu vì không thuộc diện được mời. Trong khi chờ đợi, hãy thử khám phá đảo Phú Quý (Bình Thuận), đảo tiền tiêu, cách bờ 56 hải lý (chưa bằng ¼ Trường Sa), để thưởng ngoạn các danh thắng và nhiều món ngon để đời. Cũng là cách rèn luyện, làm quen sóng gió, chuẩn bị ra Trường Sa.