Du lịch Việt Nam khó đạt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm nay
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa như kỳ vọng. Với nhiều khó khăn, thách thức đã và đang khiến ngành du lịch khó đạt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong năm 2022.
Khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm ngay ở tháng đầu tiên của mùa cao điểm. Diễn biến này cũng như lũy kế từ đầu năm cho thấy mục tiêu của ngành du lịch năm nay đang khó khả thi.
Còn đó nhiều bất lợi…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2022 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 16,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng. Sau 9 tháng đầu năm, Việt Nam mới chỉ đón đón khoảng gần 1,9 triệu lượt khách quốc tế, vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Về nguyên nhân, theo ông Nguyễn Công Hoan – Tổng giám đốc Flamingo Redtours, các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn chưa được kích hoạt do các quốc gia, vùng lãnh thổ này vẫn duy trì các biện pháp chống dịch ở những mức độ khác nhau, chưa tạo điều kiện cho du lịch quốc tế.
“Còn thị trường khách Nga thì bị đóng băng, chưa biết đến khi nào mở lại do xung đột Nga – Ukraine”, ông Hoan quan ngại.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Đạt – Giám đốc Công ty Du lịch lữ hành AZA, do ảnh hưởng của COVID-19, trên bình diện quốc tế, thu nhập của người dân bị tác động lớn nên có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết giảm nhu cầu không cần thiết trong đó có nhu cầu du lịch quốc tế.
“Giá nhiên liệu tăng cao liên tục thời gian qua đã gây áp lực chi phí lên hoạt động các hãng hàng không đang rất nặng nề. Chưa kể, xung đột Nga – Ukraine cũng ảnh hưởng đến các đường bay châu Âu của các hãng hàng không Việt Nam khi phải bay vòng, phát sinh thêm chi phí”, ông Đạt lý giải thêm.
Đáng quan ngại, mùa cao điểm khách quốc tế bắt đầu từ cuối tháng 9 tới tháng 4 năm sau, tuy vậy lượng khách đặt quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9/2022 không tăng, thậm chí là giảm với 431,9 nghìn lượt người, giảm 11,2% so với tháng trước.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, ông Phạm Duy Nghĩa – Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Đầu tư và Du lịch Bàn Chân (Vietfoot Travel) cho rằng, mức độ mở cửa về thị thực cho khách quốc tế của Việt Nam còn rất hạn chế so với các quốc gia trong khu vực. Cụ thể, thủ tục cấp thị thực điện tử cho du khách quốc tế chưa nhanh chóng, phải chờ đợi quá lâu, du khách không chủ động được thời gian, nhiều trường hợp buộc phải hủy vé tới Việt Nam.
“Mặt khác, thời hạn lưu trú của khách nước ngoài hiện nay chỉ có 15 ngày nên chưa tối ưu hóa được thời gian lưu trú cũng như độ dài chi tiêu của khách quốc tế. Đây chính là nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam bớt hấp dẫn, tính cạnh tranh thấp so với các quốc gia du lịch phát triển trong khu vực”, ông Nghĩa lý giải.
Để trở lại thời hoàng kim…
Để đạt mục tiêu đón 5 triệu luợt khách quốc tế đến Việt Nam, trong 3 tháng còn lại của năm ngành du lịch cần phải đón hơn 3,1 triệu lượt khách (trung bình mỗi tháng hơn 1 triệu lượt).
Dù khẳng định đây là một chỉ tiêu khó với ngành du lịch, song nhiều dự báo cho thấy tương lai gần vẫn có những tín hiệu tích cực với thị trường quốc tế.
Cụ thể, tháng 8/2022, dữ liệu từ công cụ Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam đã tăng gần 7 lần so với thời điểm tháng 3/2022, nhiều nhất từ các du khách Mỹ, Singapore, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Thái Lan, Đức, Pháp, Anh…
Tuy vậy, để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, ông Phạm Duy Nghĩa nhìn nhận, cải thiện chính sách visa là giải pháp quan trọng nhất và có thể triển khai ngay để hấp dẫn du khách quốc tế.
“Để đưa khách quốc tế tới Việt Nam trở lại thời hoàng kim, các doanh nghiệp du lịch có chung kiến nghị áp dụng thị thực xuất, nhập cảnh nhiều lần, có giá trị miễn visa 30 ngày, thay vì 15 ngày như hiện nay.
Ngoài ra, cần mở rộng danh sách miễn thị thực cho khách đến từ Mỹ, Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan… Cùng với đó, thủ tục thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu cần thuận tiện hơn, giảm bớt giấy tờ”, ông Nghĩa kiến nghị.
Về quảng bá, xúc tiến du lịch, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành đã rất nỗ lực quảng bá hình ảnh Việt Nam và chính sách mở cửa thông thoáng đón khách quốc tế tới đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, các hoạt động quảng bá nhỏ lẻ, tự phát chưa thể tạo thành hiệu ứng rộng để làm bùng nổ thị trường, do đó, cần thêm những chính sách quảng bá tầm quốc gia.
“Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần phân tích thị trường để xác định những thị trường quốc tế trọng điểm, từ đó quảng bá, xúc tiến có trọng tâm, có những sản phẩm và ưu đãi phù hợp để Việt Nam trở thành điểm đến được du khách ở thị trường trọng điểm ưu tiên lựa chọn khi có ý định đi du lịch nước ngoài”, ông Đạt đề xuất.
Trước đề xuất của các doanh nghiệp, Tổng cục Du lịch cho biết thời gian tới sẽ định hướng kết nối lại tất cả các thị trường có chính sách thông thoáng cho người dân đi du lịch nước ngoài và có đường bay thuận tiện đến Việt Nam, như: châu Âu, Mỹ, Australia và thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ. Tổng cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá chương trình “Live fully in Việt Nam”, tập trung trên các ứng dụng số nhằm tới thị trường khách quốc tế mục tiêu.
Cùng với đó, ngành du lịch, cũng đã đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương đơn giản hóa, linh hoạt thủ tục xuất, nhập cảnh, mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực với các nước EU, Canada, Mỹ, Australia, New Zealand, Ấn Độ và cấp visa điện tử…
Với việc đổi mới chiến lược thu hút khách quốc tế, ngành du lịch đang được kỳ vọng sẽ có những bước đi thần tốc để đạt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phục hồi, phát triển du lịch.