Du lịch Việt Nam phát huy tiềm năng thế mạnh, nỗ lực vươn mình trong đại dịch Covid-19 | Tạp chí Quản lý nhà nước

Mục lục bài viết

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày nay, du lịch được nhiều quốc gia trên thế giới xem là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có Việt Nam. Hai yếu tố quan trọng hình thành nên một loại hình du lịch, đó là: yếu tố về  “cung trong du lịch” (về tài nguyên du lịch hay còn gọi là điểm đến du lịch, về chính sách của Chính phủ, về việc phát triển du lịch, yếu tố thị trường du lịch, yếu tố khai thác du lịch từ các doanh nghiệp…); yếu tố “cầu trong du lịch” (yếu tố du khách). Để bảo đảm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Việt Nam cần phát huy tiềm năng thế mạnh và trước mắt nhanh chóng có giải pháp thích ứng, linh hoạt phục hồi sau đại dịch Covid – 19.

Đặt vấn đề

Với nhiều quốc gia trên thế giới, du lịch đóng góp một phần đáng kể trong tổng sản phẩm kinh tế quốc dân. Đối với Việt Nam, ngành Du lịch (NDL) hiện nay được xem như là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn, được chú trọng đầu tư, không ngừng phát triển và có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia. Du lịch phát triển thúc đẩy các ngành kinh tế hỗ trợ phát triển theo, như: giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, bảo hiểm, dịch vụ tài chính, dịch vụ lưu trú và ăn uống… NDL phát triển cũng đem lại một thị trường tiêu thụ hàng hóa rộng lớn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng nhanh tổng sản phẩm kinh tế quốc dân. Du lịch quốc tế phát triển đem lại nguồn lợi từ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động xuất khẩu tại chỗ và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Ngoài ra, du lịch quốc tế phát triển cũng giúp củng cố và phát triển mối quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới cũng như thúc đẩy phát triển giao thông quốc tế.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, NDL luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, ở mỗi thời kỳ đều xác định vị trí của du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước phù hợp với yêu cầu cách mạng. Cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước, NDL cũng khởi sắc, vươn lên đổi mới quản lý và phát triển, đạt được những thành quả ban đầu quan trọng, ngày càng tăng cả về quy mô và chất lượng, dần khẳng định vai trò, vị trí của mình.

Du lịch Việt Nam phát huy tiềm năng, thế mạnh

Những năm qua, NDL đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Năm 2019, du lịch Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu có ý nghĩa đột phá. Việt Nam được đánh giá là một trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã vượt In-đô-nê-xi-a vươn lên vị trí thứ 4 về lượng khách quốc tế đến1. NDL cơ bản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Kết quả của NDL thể hiện trên những nét cơ bản sau:

Một là, thông qua triển khai hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất NDL ngày càng phát triển. Đặc biệt, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại đã hình thành tại nhiều địa phương, như: chuỗi khách sạn Vinpearl Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long; hệ thống cáp treo tại Đà Nẵng, Sa Pa, Hạ Long; hệ thống khách sạn Mường Thanh tại trên 30 tỉnh/thành phố; các dự án của FLC tại các địa bàn du lịch trọng điểm… Bên cạnh đó, là sự gia tăng các khu vui chơi giải trí, khách sạn có quy mô và chất lượng mang tầm cỡ  quốc tế (4 – 5 sao). Nhiều thương hiệu du lịch trong nước đã được hình thành bởi các nhà đầu tư chiến lược trong nước, như: VinGroup, SunGroup, Mường Thanh, FLC, BIM, Tuần Châu… Nhiều thương hiệu quốc tế lớn về du lịch đã có mặt tại Việt Nam, như: Accor, Marriott, Hyatte, Inter Continental, HG, Four Seasons…

Hai là, loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch (DVDL) ngày càng phong phú và đa dạng. Có nhiều loại hình du lịch đã và đang được khai thác, như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thám hiểm, du lịch sinh thái, du lịch về nguồn… Cùng với đó, các DVDL cũng đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách. Trong đó, các dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của du khách, bao gồm: hệ thống nhà hàng, khách sạn; các phương tiện di chuyển, khu mua sắm; nghỉ dưỡng… DVDL góp phần trong việc tăng nguồn thu ngân sách cho các địa phương, đồng thời cũng mở ra cơ hội đầu tư, kinh doanh các ngành nghề khác. Đơn cử, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, năm 2019, Côn Đảo đã đón 393.770 lượt khách du lịch, tăng 31% kế hoạch, tổng doanh thu từ DVDL đạt 1.555 tỷ đồng2. Năm 2021, tổng thu từ khách du lịch tại Việt Nam ước đạt 180.000 tỷ đồng3.

Ba là, chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Tính chuyên nghiệp, văn hóa, văn minh trong hoạt động DVDL là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần tạo dựng thương hiệu trong phát triển du lịch. Nhân lực NDL cũng là một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào thành tựu xây dựng phát triển ngành trong nhiều năm qua; bước đầu xây dựng được thương hiệu Du lịch Việt Nam và những sản phẩm du lịch mang lại giá trị mới cho đất nước và xã hội. Số lượng nhân lực NDL có xu hướng tăng, phản ánh vai trò quan trọng của ngành và tính hiệu quả của công tác xã hội hóa hoạt động du lịch.

Nhìn chung, nhân lực NDL được rèn luyện, thử thách, có bản lĩnh chính trị vững vàng; năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới và phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước; có ý thức trách nhiệm, nhiệt tình và tâm huyết với nghề nghiệp, gắn bó với cơ quan, đơn vị, với ngành và đất nước. Bên cạnh những cán bộ công tác lâu năm, có nhiều cống hiến và những nhà khoa học, chuyên gia, nghệ nhân tuy tuổi cao, vẫn tiếp tục sự nghiệp sáng tạo và cống hiến, đã xuất hiện những lao động trẻ, được đào tạo cơ bản, năng động, tự tin, dám nghĩ, dám làm, trình độ nhiều mặt và năng lực, cống hiến ngày một nâng cao, cố gắng tìm tòi cái mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiếp thu nhanh kiến thức mới và có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp.

Bốn là, lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, như: Vietravel, SaiGonTourist, HaNoiTourist, Tập đoàn Sun World, Công ty Đất Việt Tour… đã tạo được một số thương hiệu uy tín ở trong nước và quốc tế. Một số địa bàn, và khu du lịch trọng điểm được hình thành bước đầu thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Chất lượng du lịch Việt Nam từng bước được cải thiện và khẳng định được giá trị thương hiệu Việt. Tại Lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới năm 2019, Việt Nam được bình chọn là điểm đến Du lịch hàng đầu châu Á; điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á; điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á; thành phố Hội An được bình chọn là điểm đến Thành phố Văn hóa hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng danh giá khác4. Mới đây, khi trả lời báo chí Hàn Quốc trong chuyến thăm giữa tháng 12/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tuy năm 2021 là một năm đầy khó khăn của NDL do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn vươn lên trở thành Điểm đến hàng đầu châu Á 2021 và đạt được danh hiệu Điểm đến bền vững hàng đầu châu Á của World Travel Awards5.

Du lịch Việt Nam nỗ lực vươn mình trong đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-9 tác động sâu sắc tới nền kinh tế – xã hội không chỉ ở trong nước mà ở phạm vi toàn cầu. Vì vậy, suy giảm kinh tế là điều không thể tránh khỏi ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia có bề dày về sự phát triển, có nguồn lực lớn. Trong đó, có thể nói, NDL chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Năm 2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế nên lượng khách du lịch giảm. Năm 2021 là năm thứ hai du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng thiệt hại, các chỉ tiêu phát triển du lịch tiếp tục giảm mạnh. Thống kê cho thấy, tính chung năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 157,3 nghìn lượt người, giảm 95,9% so với năm trước; lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 40 triệu lượt6. Các doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh, phần còn lại dừng hoạt động. Các doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch cũng dừng hoạt động. Nhân lực NDL phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng; bắt buộc phải chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống.

Năm 2020 và 2021 là những năm đầy khó khăn của NDL, dù đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, kéo dài, gây nhiều ảnh hưởng nhưng NDL Việt Nam đã có những bước đi linh hoạt, thích ứng nhanh với trạng thái “bình thường mới”. Ngày 16/12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình Phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Mục tiêu Chương trình hướng tới phục hồi hoạt động du lịch theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến nội địa.

Cùng với đó, Tổng cục Du lịch đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nhân lực NDL, doanh nghiệp lữ hành… ổn định cuộc sống và từng bước phục hồi. Tính đến cuối tháng 12/2021, Tổng cục Du lịch đã tiếp nhận, xem xét và giải quyết hỗ trợ 15.792 hồ sơ hướng dẫn viên đủ điều kiện, với tổng số tiền hỗ trợ trên 58 tỷ đồng; 562 doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế được giảm phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ với số tiền được giảm là 758 triệu đồng…7. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã chủ động có chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động NDL vượt qua khó khăn.

Một số đề xuất giải pháp cho ngành Du lịch trong thời gian tới

Bước sang năm 2022, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 vẫn là thách thức lớn cho NDL. Do vậy, để sớm hồi phục và phát triển du lịch theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08 -NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần tập trung một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đối với Chính phủ và các cơ quan hữu quan.

Dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid -19, NDL Việt Nam cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chính phủ và các cơ quan hữu quan, cần: (1) Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án trọng điểm. (2) Thực hiện chính sách giảm thuế VAT cho hoạt động kinh doanh du lịch; điều chỉnh giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất; điều chỉnh thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ; bổ sung gói tín dụng cho doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh du lịch vay một số khoản với lãi suất ưu đãi để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động (để giữ chân lao động có tay nghề cao); duy tu, sửa chữa cơ sở lưu trú, điểm du lịch (xuống cấp do thời gian dài đóng cửa)…

Thứ hai, đối với NDL.

(1) Triển khai nhanh chóng, hiệu quả, công bằng việc hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ8. Tham mưu, thực hiện các cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp, nhân lực NDL vượt qua khó khăn trước mắt và tìm cơ hội phục hồi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết, chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài, các nguồn vốn tài trợ, thúc đẩy phát triển mô hình liên doanh, liên kết trong phát triển du lịch.

(2) Triển khai chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; hướng tới phục hồi hoạt động du lịch theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến nội địa. Xây dựng những tour du lịch vừa đáp ứng thỏa mãn nhu cầu tham quan, thư giãn, tâm linh… cho du khách, vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối công tác phòng, chống dịch, như các xu hướng du lịch: đến những nơi an toàn tránh dịch bệnh; du lịch theo những nhóm nhỏ; du lịch ngắn ngày và đặt dịch vụ cận ngày; lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực…

(3) Trong đại dịch hiện nay, NDL nói chung, các doanh nghiệp lữ hành nói riêng và các ngành hàng khác liên quan đến du lịch cần đẩy nhanh việc thích ứng với chuyển đổi số, thử sức với các sản phẩm, dịch vụ mới áp dụng công nghệ. NDL phải tạo ra những luật chơi mới, những xu thế mới và những khái niệm mới: du lịch một điểm đến – đa trải nghiệm; “du lịch không tiếp xúc”, “du lịch không va chạm”… được coi là giải pháp cũng là hướng đi phù hợp giúp du lịch phát triển linh hoạt, thích ứng với điều kiện đại dịch. Xu hướng ứng dụng công nghệ nhằm quản lý bảo đảm an toàn, cũng như các dịch vụ hạn chế tiếp xúc; sử dụng công nghệ tự động hóa, như: kiốt điện tử, khách check in tự động, lấy vé điện tử, ký gửi hành lý trực tuyến, khai báo hải quan online; thanh toán điện tử…

(4) Đào tạo và xây dựng đội ngũ quản lý và nhân viên làm du lịch có trình độ, năng lực và chuyên môn vững vàng. Đội ngũ này chính là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quyết định trong việc phát triển du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đội ngũ làm công tác du lịch phải có kiến thức, chuyên nghiệp, văn hóa, đạo đức nghề nghiệp trong các hoạt động DVDL, nhất là trong giao tiếp, ứng xử, cho đến việc cung cấp các DVDL. Do đó, để phát triển NDL Việt Nam, nâng tầm chất lượng hình ảnh du lịch với du khách trong và ngoài nước, NDL cần được phát triển mạnh mẽ, trong đó vấn đề quan trọng nhất là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu công việc.

Kết luận

Hiện tại, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều ảnh hưởng nhưng NDL Việt Nam đã có những bước đi linh hoạt, thích ứng nhanh với trạng thái bình thường mới.

Sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng những nỗ lực của NDL với lộ trình cụ thể mang đến nhiều hy vọng cho du lịch Việt Nam trong năm 2022 và những năm tiếp theo, trong đó mục tiêu hướng tới là: “Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế quốc gia về yếu tố tự nhiên và văn hóa dân tộc, thế mạnh đặc trưng, các vùng, miền trong cả nước; tăng cường liên kết phát triển du lịch, tạo công ăn, việc làm ổn định cho nhiều lao động góp phần đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội”9.

Chú thích:
1, 4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Báo cáo chuyên đề: Đổi mới cơ chế, chính sách, xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2011 – 2020. Hội thảo khoa học “Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2030”. Bộ Nội vụ tổ chức tại Hà Nội, tháng 11/2020.
2. Nguyễn Thành Nam. Du lịch về nguồn tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 31, tháng 12/2021. tr. 96.
3, 5, 6, 7. Những tín hiệu khởi sắc của du lịch Việt. https//baotintuc.vn, ngày 08/01/2021.
8. Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
9. Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tài liệu tham khảo:
1. Công văn số 4698/BVHTTDL-TCDL ngày 16/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Chương trình Phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
4. Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030.
ThS. Nguyễn Thị Phi
ThS. Nguyễn Thị Thu Hường
Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Đắk Lắk