Du lịch Việt Nam và triển vọng phát triển thị trường khách quốc tế

09/08/2022 | 14:12

Ngành du lịch đang dần được phục hồi sau đại dịch COVID-19, tuy nhiên, có thể khẳng định đại dịch đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, đưa hoạt động của toàn xã hội cũng như của ngành du lịch sang một trạng thái mới.

Đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay đã tác động nặng nề đến mọi mặt kinh tế toàn cầu, khiến ngành du lịch sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử và quay trở lại mức phát triển của 30 năm trước. Trong những giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch, thế giới đã ghi nhận 96% các điểm đến áp dụng đóng cửa biên giới hoàn toàn hoặc một phần đối với du khách.

Ngành du lịch đã dần được phục hồi từng bước nới lỏng hạn chế đi lại kể từ cuối năm 2021, tuy nhiên, có thể khẳng định đại dịch đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, đưa hoạt động của toàn xã hội cũng như của ngành du lịch sang một trạng thái mới.

Triển vọng phát triển du lịch quốc tế

Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới (WTTC) nhận định, trước đại dịch COVID-19, du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp 10,4% vào GDP toàn cầu, tương đương 9,2 nghìn tỷ USD, tạo ra 333 triệu việc làm, tương đương 10,6% tổng số việc làm trên thế giới. Tuy nhiên, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của đại dịch COVID-19. Năm 2020, ngành du lịch thất thoát khoảng 4,5 nghìn tỷ USD, tổng thu toàn ngành chỉ đạt 4,8 nghìn tỷ USD, sụt giảm 49,1%; đóng góp của ngành vào GDP toàn cầu chỉ đạt 5,3%. Ngành du lịch mất đi khoảng 62 triệu việc làm, chi tiêu của khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa giảm lần lượt là 69,4% và 45%.

Du lịch Việt Nam và triển vọng phát triển thị trường khách quốc tế - Ảnh 1.

Du lịch từng trải qua giai đoạn đóng băng do đại dịch COVID-19. (Ảnh minh hoạ)

Trong năm 2021, Du lịch đã có cơ hội phục hồi mạnh mẽ hơn, tuy nhiên do ảnh hưởng của biến chủng Omicron, nhiều điểm đến đã tiếp tục siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại.

Khác với hai năm đầu đại dịch khi các quốc gia quan tâm đến số ca nhiễm và áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, thời điểm hiện nay chủ yếu các Chính phủ sẽ đánh giá tác động thực tế của COVID-19 để có các biện pháp ứng phó phù hợp.

Theo Công cụ Theo dõi Điểm đến của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đến ngày 22/7/2022 đã có 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến COVID-19. Trong đó, khu vực châu Âu dẫn đầu với 39 quốc gia, tiếp theo là châu Mỹ (10 quốc gia), Trung Đông và Châu Á-Thái Bình Dương (5 quốc gia), Châu Phi (3 quốc gia); 54% quốc gia trên thế giới vẫn yêu cầu test COVID-19 khi nhập cảnh và 27% duy trì các quy định liên quan đến cách ly. Việt Nam là một trong 5 quốc gia khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và là quốc gia duy nhất khu vực Đông Nam Á đã mở cửa hoàn toàn du lịch.

Một số nghiên cứu của UNWTO đã chỉ ra, khách du lịch đang có nhiều thay đổi về hành vi du lịch, đòi hỏi các doanh nghiệp và điểm đến phải thích ứng như: Linh hoạt hơn trong việc lập kế hoạch và đặt dịch vụ để có thể dễ dàng thay đổi nếu cần thiết; Ưu tiên các điểm đến ven biển, nông thôn đề tránh đám đông; Giới hạn quy mô du lịch ở nhóm nhỏ chỉ có gia đình, bạn bè; Lựa chọn chỗ ở có sự riêng tư để giảm thiểu tương tác với người lạ; Quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần; Tìm cách giảm thiểu chi phí tổng thể bằng cách so sánh và đặt dịch vụ trực tuyến; Tỷ trọng khách trẻ tuổi nhiều hơn do lứa tuổi này nhận thức tốt hơn về việc giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

UNWTO công bố báo cáo thường kỳ, nhận định ngành du lịch thế giới đã phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022 nhờ các nước đã mở cửa biên giới tích cực. Trong đó, khu vực châu Âu và châu Mỹ phục hồi mạnh nhất; Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phục hồi chậm hơn do nhiều thị trường gửi khách chưa mở cửa hoàn toàn.

Căn cứ vào số liệu của Quý I và tình hình mở cửa biên giới tích cực của các nước trong Quý II, 83% chuyên gia của UNWTO đánh giá viễn cảnh du lịch năm 2022 sẽ tốt hơn nhiều so với 2021 và UNWTO dự báo kịch bản phục hồi của năm 2022 sẽ đạt từ 50% đến 70%, và ngành du lịch thế giới có thể quay trở lại mức phát triển như 2019 vào năm 2023.

Du lịch Việt Nam và triển vọng phát triển thị trường khách quốc tế - Ảnh 2.

Du lịch quốc tế mở cửa trở lại sau đại dịch. (Ảnh minh họa: HNM).

So với các khu vực khác trên thế giới, châu Á-Thái Bình Dương đang phục hồi chậm hơn do nhiều thị trường gửi khách chưa mở cửa hoàn toàn, vì vậy dự kiến đến năm 2024 khu vực này mới có thể quay về mức phát triển như trước đại dịch.

Tuy vậy, một số thách thức vẫn đang ảnh hưởng đến công tác phục hồi du lịch trên thế giới như: Mối lo nhiễm COVID-19 khi đi du lịch; Một số quốc gia vẫn duy trì chính sách đóng cửa hoặc hạn chế đi lại nghiêm ngặt; Sự khác biệt về thủ tục nhập cảnh, y tế giữa các quốc gia; Thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành du lịch và những ảnh hưởng của tình hình thế giới.

Xu hướng của du lịch sau đại dịch

Sau đại dịch, các Chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng và khách du lịch đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững, giảm thiểu các ảnh hưởng xấu của du lịch tới môi trường hội và xã hội; quan tâm hơn tới công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; ý thức xây dựng các kế hoạch dài hạn, quản trị rủi ro, tập trung phát triển công nghệ để chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc khủng hoảng có thể hiện ra trong tương lai. Khách du lịch cũng có yêu cầu cao hơn với chất lượng trải nghiệm, mức độ bền vững và có trách nhiệm đối với tất cả các mặt của ngành du lịch như hàng không, lưu trú, ẩm thực.

Đại dịch COVID-19 cũng đòi hỏi công tác chuyển đổi số trong ngành du lịch được thực hiện nhanh hơn để bắt kịp với những yêu cầu mới của của thị trường. Nhiều quốc gia đã đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh và ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các trải nghiệm “không chạm” và thông suốt cho khách du lịch, giúp tiết kiệm thời gian cũng như hạn chế tương tác trực tiếp trong giai đoạn đại dịch (quét sinh trắc học, sử dụng thẻ đi lại số, check-in phòng ở và nhận chìa khóa phòng trên app di động, sử dụng robot dọn dẹp và vận chuyển hành lý…).

Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng mang lại một số thách thức mới cho ngành du lịch, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ không gian mạng và kiểm soát rủi ro về tài chính, uy tín và thể chế do những tội phạm mạng gây ra.

Du lịch Việt Nam và triển vọng phát triển thị trường khách quốc tế - Ảnh 3.

Du khách trải nghiệm ứng dụng du lịch thông minh tại Trung tâm Thông tin du lịch làng nghề Bát Tràng. (Ảnh minh hoạ: HNM)

Các điểm đến trên thế giới đã dẫn được mở cửa, theo đó yêu cầu về cách ly, y tế, test COVID cũng được đơn giản hóa hơn để đi lại thông suốt (seam-less travel), nâng cao trải nghiệm của du khách. Một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore cũng đã bỏ yêu cầu test COVID–19 trước khi nhập cảnh.

Hiện nay, du khách quan tâm hơn đến yếu tố an toàn và tốt cho sức khoẻ, điều kiện y tế của điểm đến khi đi du lịch, đồng thời chú ý đến việc mua bảo hiểm du lịch và xem xét các chính sách hoãn hủy chuyến do đại dịch. Các sản phẩm du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch sinh thái được tìm hiểu nhiều hơn, khách du lịch có xu hướng lựa chọn các khu vực ngoài trời, thông thoáng khi đi nghỉ dưỡng. Các sản phẩm du lịch ẩm thực được chứng nhận tốt cho sức khoẻ, sử dụng nguyên liệu hữu cơ cũng trở thành lựa chọn phổ biến hơn.

Bên cạnh các xu hướng trên là sự trở lại và thay đổi của du lịch công vụ; Sự nổi lên của các điểm đến mới; Xu hướng khám phá lại du lịch nội địa và xu hướng khách du lịch trẻ đang ngày một tăng đặt ra yêu cầu mới đối với đội ngũ lao động trong ngành du lịch./.