Du lịch tỉnh Hưng Yên

Trong những năm qua, du lịch Hưng Yên đã có nhiều bước chuyển mình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Để rõ hơn về bức tranh du lịch của tỉnh và những định hướng trong thời gian tới, Mekong ASEAN có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên.

Mekong ASEAN: Ông có thể phác thảo bức tranh toàn cảnh về những tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh Hưng Yên hiện nay?

Ông Phạm Văn Hiệu: Hưng Yên vốn nổi tiếng với câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.802 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 175 di tích cấp quốc gia, 264 di tích cấp tỉnh và 6 bảo vật quốc gia.

Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch của đất Hưng Yên ảnh 1

Ngoài ra tỉnh còn có nhiều làng nghề nổi tiếng và hơn 400 lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hưng Yên cũng là quê hương của nhiều đặc sản hấp dẫn như nhãn lồng, bún thang, gà Đông Tảo, bánh răng bừa, chè hạt sen long nhãn… Đây đều là những nguồn tài nguyên có giá trị cho phát triển du lịch.

Dựa trên những tiềm năng và lợi thế về tài nguyên du lịch, thời gian qua tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch theo hướng đặc thù. Đó là du lịch văn hóa tâm linh gắn với tour du lịch sông Hồng và các tuyến đường bộ; du lịch lễ hội dân gian truyền thống; du lịch sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng và du lịch làng nghề.

Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch của đất Hưng Yên ảnh 2

Trong đó, du lịch văn hóa tâm linh với các tour Hà Nội – Đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch – Làng gốm Bát Tràng; Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến… Du lịch lễ hội dân gian truyền thống bao gồm Cụm di tích Đa Hòa – Dạ Trạch gắn với lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung; chùa Thái Lạc gắn với lễ hội Tứ pháp cầu mưa Lạc Hồng; đền Phù Ủng gắn với lễ hội đền Phù Ủng…

Bên cạnh đó là du lịch sinh thái như khám phá vườn cam canh, làm bánh răng bừa, trồng hoa cây cảnh ở huyện Văn Giang; tham quan, dã ngoại khu đô thị Ecopark… Với du lịch làng nghề, du khách sẽ được đến tham quan nơi sản xuất, tự tay lựa chọn những sản phẩm ý nghĩa tại làng nghề trồng và chế biến dược liệu Nghĩa Trai; làng nghề đan đó, rọ Thủ Sỹ…

Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch của đất Hưng Yên ảnh 3

Mekong ASEAN:Với những tiềm năng thế mạnh này, thời gian qua Hưng Yên đã phát huy và khai thác để phát triển du lịch như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Văn Hiệu: Nhận thức được những tiềm năng, thế mạnh để phát triển, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên đã tích cực tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, đề án, quy hoạch về phát triển du lịch Hưng Yên như Kế hoạch số 60-KH/TU ngày 25/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 09/5/2018 của UBND tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Cùng với đó là Đề án Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 14/3/2022 về kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch tỉnh Hưng Yên thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới…

Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch của đất Hưng Yên ảnh 4

Theo đó, Hưng Yên xác định 4 khu vực trọng tâm để phát triển du lịch gồm khu Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), khu Đa Hòa – Dạ Trạch (huyện Khoái Châu), khu Cây Đa và Đền thờ La Tiến (huyện Phù Cừ) và khu du lịch sinh thái Ecopark (huyện Văn Giang).

Trong đó, riêng khu Phố Hiến được xác định là khu du lịch cấp quốc gia. Đây là khu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là trung tâm du lịch của tỉnh Hưng Yên nên cần tập trung khai thác các giá trị văn hóa gắn với Phố Hiến cổ, các giá trị sinh thái, vui chơi giải trí và nghỉ cuối tuần.

Đối với các khu du lịch này, tập trung chủ yếu là khai thác các giá trị lịch sử của di tích; sinh thái ven sông Hồng, thư giãn, vui chơi giải trí thể thao cao cấp và ẩm thực cuối tuần; du lịch sinh thái nông nghiệp, cộng đồng, tham quan làng hoa, cây cảnh… nhằm hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch của đất Hưng Yên ảnh 5

Mekong ASEAN:Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành, ông có thể cho biết du lịch Hưng Yên sẽ triển khai những giải pháp nào trong thời gian tới?

Ông Phạm Văn Hiệu: Tỉnh đã và đang xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nhất là về vốn để xây dựng các cơ sở hạ tầng du lịch tạo ra những điểm đến hấp dẫn du khách; cơ chế tham gia và huy động vốn đối với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.

Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch của đất Hưng Yên ảnh 6

Bên cạnh đó, coi trọng việc mở rộng thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Chú trọng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, kết hợp với liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố để nối tour, tuyến, thu hút khách du lịch đến Hưng Yên.

Đồng thời, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các Kế hoạch, Đề án, Quy hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tập trung khai thác vị trí giáp Thủ đô Hà Nội – trung tâm du lịch lớn cả nước, trung tâm vùng Đồng bằng Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; phát triển hệ thống các khu di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch lễ hội truyền thống.

Ngoài ra, Hưng Yên tăng cường ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước về hợp tác xây dựng cơ chế chính sách quản lý, phát triển du lịch địa phương; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch…

Tới đây, tỉnh sẽ triển khai xây dựng con đường di sản kết nối giữa Thủ đô Hà Nội với Phố Hiến Hưng Yên và triển khai xây dựng khu du lịch Phố Hiến với diện tích tự nhiên là 1.874 ha. Đây là dự án khu du lịch được UBND tỉnh Hưng Yên thu hút đầu tư và Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường đề xuất được triển khai xây dựng với số vốn khoảng 25.000 tỷ đồng.

Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch của đất Hưng Yên ảnh 7

Trong tương lai, du lịch Hưng Yên sẽ thực sự chuyển mình khi xác định rõ thế mạnh, thời cơ cùng những khó khăn, thách thức và sẽ triển khai đồng bộ, có lựa chọn những giải pháp trọng tâm, trọng điểm.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương cùng với sự tham gia tích cực của nhân dân, hy vọng ngành du lịch Hưng Yên sẽ có bước phát triển đột phá và khẳng định đúng vị trí trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và góp phần tích cực trong phát triển du lịch cả nước.

Mekong ASEAN:Trân trọng cảm ơn ông!