Du lịch tự phát tại hồ Dầu Tiếng – Nguy cơ mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường

TTXVN-Thứ bảy, ngày 17/09/2022 11:27 GMT+7

: Nhiều điểm du lịch tự phát mọc lên tại khu vực hồ Dầu Tiếng, Bình Dương. Ảnh: Huyền Trang-TTXVN

Nhắc đến tiềm năng du lịch của huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) không thể thiếu Khu Du lịch sinh thái núi Cậu, với chùa Thái Sơn, suối Trúc và lòng hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, thay vì mở rộng du lịch theo hướng bài bản, hiện nay nhiều điểm du lịch tự phát tại vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng ngày càng nở rộ, nguy cơ gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường…

Nở rộ du lịch tự phát

Là hồ nước nhân tạo “lớn nhất” Việt Nam, hồ Dầu Tiếng không chỉ có vai trò quan trọng về thủy lợi (điều phối nước cho sông Sài Gòn) mà còn là điểm du lịch thu hút du khách.

Bạn Lê Thị Hoài, sinh viên một trường đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh luôn dành thời gian cuối tuần thư giãn cùng bạn bè ở địa điểm yêu thích trên lòng hồ Dầu Tiếng. Hoài biết đến địa điểm du lịch này từ lời giới thiệu trên các trang mạng xã hội. Khi tới đây, Hoài cùng nhóm bạn thuê một lều trại giá dao động từ 3 – 5 trăm ngàn đồng. Điểm du lịch có dịch vụ đi cano, trèo thuyền, câu cá, chụp ảnh… Du khách cũng có thể tự mua lều mang đi, chọn bãi đất trống để cắm trại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một số điểm du lịch tự phát thu tiền bãi cắm trại 25.000 đồng/người đối với khách cắm trại theo tour, 30.000 đồng/người đối với khách cắm trại đi riêng lẻ. Dịch vụ chở khách vào bãi cắm trại bằng xe máy cày có giá 15.000 đồng/người.

Do các lối vào khác đường sình lầy, hiện nay, du khách tới lòng hồ Dầu Tiếng chủ yếu đi qua cổng của một doanh nghiệp thuộc ấp Tha La, xã Định Thành. Đáng chú ý, quản lý của doanh nghiệp này đã tự ý xây dựng 13 nhà vệ sinh để thu tiền của du khách.

Du lịch tự phát tại hồ Dầu Tiếng - Nguy cơ mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường - Ảnh 1.

Du lịch tự phát nở rộ và hoạt động nhộn nhịp tại khu vực này. Ảnh: Huyền Trang-TTXVN

Cần phối hợp quản lý

Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa Bùi Đăng Khoa cho biết, công trình hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng có vai trò rất lớn trong việc cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của 5 tỉnh, thành phố. Phần mặt hồ rộng nhất thuộc tỉnh Tây Ninh với 70% diện tích, 25% diện tích thuộc tỉnh Bình Dương và 5% ở Bình Phước. Điều đáng nói, 25% diện tích ở Bình Dương tuy nhỏ, hẹp nhưng rất quan trọng bởi nó là mạng lưới những con suối tích nước vào hồ.

Huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) có bãi Đá Trứng thu hút nhiều du khách tới tham quan. Nơi đây có nhiều điểm du lịch tự phát. Qua nắm tình hình, tháng 6/2022, Công an xã Định Thành đã xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng với bà Đinh Thị L. (sinh năm 1969, ngụ ấp Tha La, xã Định Thành) vì tự ý thu tiền cắm trại trên đất bán ngập tại ấp Tha La của khách du lịch. Trước đó, vào tháng 4/2022, chính quyền xã Định An đã kiểm tra và phát hiện bà Phạm Thị Ngọc H. (sinh năm 1985, ngụ thị xã Bến Cát) mở dịch vụ ăn uống, xây dựng hồ nước nhân tạo rộng 3.847m2, nhà tiền chế rộng trên 170m2 thuộc hành lang hồ Dầu Tiếng… Trước những vi phạm này, chính quyền xã Định An đã báo cáo gửi lãnh đạo huyện Dầu Tiếng đề xuất hướng xử lý theo thẩm quyền.

Theo thống kê của chính quyền xã Định Thành, khu vực ấp Tha La có khoảng 30 hộ sinh sống trên phần đất rừng phòng hộ núi Cậu và khu vực hành lang bảo vệ hồ Dầu Tiếng đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ liên quan. Trong số 30 hộ dân trên, hiện có 17 hộ xây dựng nhà ở, nhà sàn kinh doanh ăn uống, cho thuê lều, trại và cắm trại qua đêm.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, việc xuất hiện nhiều điểm du lịch tự phát tiếp nhận du khách đến cắm trại, lưu trú qua đêm và dịch vụ kèm theo gây khó khăn cho công tác quản lý, an ninh trật tự tại địa phương. Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát. Các hộ kinh doanh dùng bè tự chế, xuồng máy chở người dân đi tham quan trên mặt hồ tiềm ẩn nguy hiểm. Ngoài ra, giữa các hộ kinh doanh là người địa phương và một số người từ nơi khác đến hoạt động có sự tranh giành về bến bãi, tranh giành khách…

Nhằm bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm vui chơi du lịch trên địa bàn, đầu năm 2022, UBND huyện Dầu Tiếng đã ban hành quy chế có tính tạm thời để quản lý du lịch. Quy định này bắt buộc các chủ cơ sở kinh doanh du lịch phải tuân thủ đúng theo tiêu chí về an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn phòng cháy, chữa cháy…

Theo đó, lãnh đạo huyện Dầu Tiếng đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn làm tốt công tác quản lý các khu du lịch hoạt động đúng theo quy định, tạo môi trường trong sạch, lành mạnh thu hút du khách đến với địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!