Du lịch văn hóa đang trở thành thế mạnh
Du lịch văn hóa là một trong những dòng sản phẩm du lịch hấp dẫn và đặc sắc của Việt Nam, ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khách du lịch, đặc biệt đối với khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, du lịch vẫn cần khai thác tốt hơn nguồn lực văn hóa để phát triển bền vững và cần tích cực gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa hơn nữa.
Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, người làm du lịch tại diễn đàn du lịch 2023 chủ đề “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ngày 14/4 tại Hà Nội.
Hát xoan đình Hùng Lô – Sản phẩm du lịch đặc sắc của Phú Thọ được du khách nước ngoài yêu thích. Ảnh: CTV.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới cho thấy, thời điểm trước dịch COVID-19, du lịch văn hóa đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm. Ở nước ta, ngành du lịch cũng đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 20 – 25% trong tổng số khoảng 130 tỷ USD tổng thu từ khách du lịch.
Cùng với những thuận lợi về chính sách, thời gian qua, du lịch văn hóa đã được quan tâm, đầu tư và đạt được những kết quả khả quan. Du lịch văn hóa đang trở thành thế mạnh của một số địa phương. Nhiều sản phẩm du lịch phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan ẩm thực ba miền… Các giá trị nghệ thuật gần đây cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh “Ký ức Hội An”, “Áo dài”, “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Múa rối nước”, “À Ố Show”. Các tour du lịch làng nghề được nhiều khách quốc tế lựa chọn khi đến Việt Nam.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng cho biết, khai thác du lịch, dịch vụ từ di sản văn hóa đã đóng vai trò chủ đạo của kinh tế địa phương, doanh thu từ du lịch dịch vụ dựa trên nền tảng phát huy giá trị văn hóa truyền thống chiếm tỷ trọng cao. Đáng lưu ý, 85% du lịch Huế là du lịch văn hóa di sản. Thực tiễn đó cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể khai thác khía cạnh kinh tế du lịch của di sản văn hóa truyền thống để tạo động lực cho phát triển.
Khẳng định Việt Nam rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, cả nước hiện có 5 di sản văn hoá vật thể, 1 di sản hỗn hợp, 14 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 128 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trên 400 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Bề dày lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước, 54 dân tộc anh em cùng chung sống tạo nên những đặc trưng văn hóa riêng biệt. Dựa trên các giá trị tài nguyên về du lịch văn hóa đa dạng, đặc sắc, hấp dẫn, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đã được xây dựng, khai thác phục vụ khách du lịch.
Tràng An, Ninh Bình là một trong những điểm đến yêu thích của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Thực tế, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đã trở thành thương hiệu đặc trưng, tạo nên sự khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam. Nhiều điểm đến có di sản văn hoá thế giới đã trở thành điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam và là “điểm phải đến” của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế, như: Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên – Huế), Khu di tích Mỹ Sơn và phố cổ Hội An (Quảng Nam). Nhiều chương trình du lịch văn hóa được xây dựng và thực hiện thành công, tạo thương hiệu cho du lịch Việt Nam như: Con đường di sản miền Trung, Các cố đô Việt Nam, Con đường xanh Tây Nguyên…
Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đã góp phần mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế – xã hội. Từ du lịch và thông qua du lịch, nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử đã được quy hoạch, tu bổ, bảo quản, khôi phục bằng nhiều biện pháp khác nhau; nhiều làng nghề truyền thống được chấn hưng và phục hồi; công tác tuyên truyền quảng bá các giá trị cũng như ý thức giữ gìn tới cộng đồng cũng được chú trọng…
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, bên cạnh thành tựu, phát triển du lịch văn hóa của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số vấn đề, đòi hỏi phải được sớm khắc phục. Nhiều tài nguyên du lịch văn hóa có giá trị của Việt Nam vẫn chưa được đầu tư khai thác tương xứng. Sản phẩm du lịch văn hóa vẫn còn ít sáng tạo, trùng lặp, chất lượng hạn chế, thiếu các sản phẩm khác biệt giữa nhiều địa phương, vùng miền trong cả nước. Thiếu tính đồng bộ và liên kết trong phát triển sản phẩm, cũng như liên kết giữa các địa phương với nhau trong quá trình khai thác các tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch, vì vậy chưa tạo ra được nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng bền vững. Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp cận điểm đến, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn thiếu đồng bộ, đặc biệt những nơi có tài nguyên du lịch ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh đó, du lịch cũng gây ra một số tác động tiêu cực như xu hướng “thương mại hóa”, sân khấu hóa đối với một số lễ hội. Vấn đề quá tải du lịch tại một số điểm du lịch trong một vài thời điểm đã tác động đến môi trường sinh thái, di tích, nếp sống văn hóa của người dân địa phương nơi có tài nguyên du lịch…