Đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm sản xuất ô tô khu vực
“Chúng tôi đang tiếp xúc với các nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu để kéo họ về Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng nhà xưởng”, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết…
Bởi theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, với sự hiện diện của những nhà đầu tư lớn như Toyota, Honda, Deawoo Bus và hàng trăm doanh nghiệp sản xuất phụ trợ, Vĩnh Phúc đã có sự bứt phá ngoạn mục và nền móng vững chắc để vươn lên trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô của khu vực trong thời gian tới.
Mục lục bài viết
DOANH NGHIỆP THAM GIA CHUỖI CUNG ỨNG GIA TĂNG
Những năm qua, Vĩnh Phúc được biết đến là một trong những trung tâm công nghiệp lớn về cơ khí ô tô ở phía Bắc. Trong đó, các công ty ô tô luôn có đóng góp lớn nhất vào tổng số thu ngân sách và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Kể từ năm 1995 khi Toyota đầu tư vào Vĩnh Phúc cho đến nay, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản này luôn giữ vị trí dẫn đầu trên thị trường ô tô Việt Nam với sản lượng nhà máy đạt trên 70.000 xe/năm. Nhờ hoạt động của Xưởng dập năm 2013 và Trung tâm xuất khẩu phụ tùng ô tô năm 2007, cũng như đẩy mạnh hoạt động để nâng cao nội địa hóa tại nhà máy, Toyota đã nâng tỷ lệ nội địa hóa xe từ 19% đến 37%, tùy theo từng mẫu xe.
Hiện nay, trong các nhà cung cấp lĩnh vực chế tạo đã có 6 nhà cung cấp Việt Nam ở lớp 1 tham gia được vào chuỗi cung ứng cho Toyota, 3 công ty cung cấp linh kiện cơ khí và 3 công ty cung cấp linh kiện nhựa. Trong số này, nhiều công ty đặt ngay tại Vĩnh Phúc, số còn lại ở một tỉnh lân cận.
Còn đối với Honda, hiện nay, các linh kiện phục vụ lắp ráp ô tô của Honda hầu hết đều phải nhập khẩu (chiếm trên 90%), chỉ có một số ít các linh kiện kim loại đơn giản như chi tiết cho ghế xe; linh kiện nhựa, nội thất… là được mua tại Việt Nam (chiếm từ 1-5%).
Tuy vậy, trong 3 năm qua, số lượng nhà cung cấp tham gia chuỗi cung ứng của ô tô Honda đã tăng từ 16 năm 2018 lên 26 nhà cung cấp năm 2021, nhiều nhất là các công ty cung ứng linh kiện kim loại (tăng 5 doanh nghiệp). Linh kiện nhựa, cao su, từ chỗ không có đơn vị cung cấp nào, đến 2021 đã có 3 nhà cung cấp nội địa tham gia được vào chuỗi, còn lại là linh kiện điện tử (tăng thêm 2 doanh nghiệp).
Ở Vĩnh Phúc hiện chỉ có 1 công ty trong nước là Thiện Mỹ đang cung cấp phần xi mạ các sản phẩm nhựa tô tô cho nhà cung cấp lớp 1 của Honda là công ty Nhựa Hà Nội. Ngoài ra, ghế xe của Honda do 1 công ty FDI Đài Loan cung cấp.
Đối với Daewoo Bus Việt Nam (Vidabus), doanh nghiệp này mới bắt đầu sản xuất tại Vĩnh Phúc vào năm 2007. Do đó, sản lượng xe dự kiến năm 2021 chỉ khoảng 600 xe, song đã cao hơn đáng kể so với mức 250 xe năm 2020. Với mức tăng trưởng dự kiến, Vidabus đặt mục tiêu nâng cao năng lực lên 1.600 xe vào năm 2024.
Mặc dù là “người đến sau” nhưng tỷ lệ nội địa hóa của Vidabus hiện đạt khoảng 30%, chủ yếu ngay tại nhà máy của Vidabus. Với sản lượng nhỏ, các doanh nghiệp cung ứng chủ yếu tập trung ở một số sản phẩm như kính xe, ắc quy, tấm trải sản, tấm ốp trần. Còn lại phần lớn các linh kiện chế tạo đều phải nhập khẩu.
Theo Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Vĩnh Phúc hiện có 16 doanh nghiệp nội địa đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các ngành điện tử, ô tô, xe máy… của các công ty FDI tại Việt Nam với vai trò là nhà cung ứng lớp 1.
“Số lượng này chiếm 5% trong hơn 300 doanh nghiệp toàn quốc là nhà cung cấp lớp 1 của các công ty FDI, xếp thứ 4, chỉ sau Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh. Đây được xem là nền tảng tốt để Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô trong thời gian tới”, VASI nhận định.
NHIỀU ƯU ĐÃI CHO CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ
Có được kết quả trên, theo nhiều chuyên gia, là do ngay từ những ngày đầu, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều hoạt động mời gọi đầu tư, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, trong đó có lĩnh vực sản xuất cung cấp đầu vào cho ô tô.
Điển hình là Nghị quyết số 57/2016 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 39/2017 của Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND của tỉnh về ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong đó, với Quyết định 23/2019 tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể như hỗ trợ 100% các khoản chi phí tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ 70% các khoản phí tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ 70% chi phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…
Với những giải phải này, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Phúc sẽ trở thành mắt xích cung cấp sản phẩm có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế. Theo đó, Vĩnh Phúc sẽ từng bước nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi lắp ráp, sản xuất ô tô.
TẠO MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ THUẬN LỢI
Với nền tảng sẵn có, thời gian tới, Vĩnh Phúc chủ trương đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực sản xuất ô tô đến đầu tư.
“Đặc biệt, chúng tôi đang tiếp xúc với các nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu cùng hợp tác đầu tư, đưa Vĩnh Phúc trở thành “hub” (trung tâm) sản xuất ô tô hàng đầu khu vực và thế giới”, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.
Theo đó, lãnh đạo Vĩnh Phúc cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất từ chính sách, thủ tục đầu tư, hạ tầng, nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng… để nhà đầu tư nước ngoài có thể nhanh chóng lựa chọn Vĩnh Phúc là điểm đến đầu tư trong thời gian sớm nhất.
Theo nhiều chuyên gia, do đặc điểm dung lượng thị trường ngành ô tô Việt Nam quá thấp, dưới 300.000 xe/năm, lại phân bổ ở hàng chục mẫu xe khác nhau, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế. Tại Vĩnh Phúc, đã có công ty trong nước cấp 1 và cấp 2 nhưng sản lượng nhỏ.
Tuy nhiên, đây là ngành rất hứa hẹn có tiềm năng phát triển ở Việt Nam, với dân số 100 triệu người và chính sách chính phủ đang khuyến khích tiêu dùng ô tô, nên đây là lĩnh vực có tiềm năng lớn trong vòng 5-10 năm tới, đặc biệt là ô tô điện.
Sự phát triển của các công ty ô tô Việt Nam như Vinfast và Thaco, chuỗi cung ứng ô tô tại nội địa có thể phát triển nhanh và có sự chủ động của công ty đầu chuỗi là doanh nghiệp Việt Nam.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, Chính phủ và bộ ngành cần chủ động hỗ trợ để tạo sự hấp dẫn riêng cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, từ đó tạo nền tảng hút thêm nhiều “đại bàng”.