Đua nhau hút từng đồng dư trong ví dân: Cuộc chiến tiền rẻ
Các ngân hàng đang đua nhau miễn phí dịch vụ. Việc này không chỉ giúp khách hàng hưởng lợi mà các ngân hàng cũng tìm thấy nhiều lợi ích và đạt được nhiều mục tiêu quan trọng hơn.
Ngân hàng đồng loạt miễn phí dịch vụ
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố miễn toàn bộ phí duy trì và giao dịch trên kênh ngân hàng số VietinBank iPay. Theo đó, từ ngày 1/1/2022, VietinBank miễn phí tất cả giao dịch chuyển khoản trong và ngoài hệ thống qua VietinBank iPay; miễn phí duy trì tài khoản thanh toán/gói tài khoản thanh toán mà không yêu cầu duy trì số dư tối thiểu; miễn phí duy trì dịch vụ iPay; miễn phí duy trì dịch vụ biến động thông tin tài khoản qua OTT…
Trước đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng thông báo miễn toàn bộ phí cho khách hàng khi giao dịch trên ứng dụng ngân hàng số BIDV SmartBanking từ 1/1/2022, gồm phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống BIDV, phí duy trì dịch vụ, phí quản lý một tài khoản, phí tin nhắn OTT…
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng thông báo từ ngày 1/1/2022 sẽ miễn phí cho mọi giao dịch chuyển tiền trong và ngoài hệ thống Vietcombank gồm cả chuyển tiền qua số tài khoản và chuyển tiền qua số thẻ trên VCB Digibank. Đồng thời, Vietcombank cũng miễn toàn bộ các loại phí quản lý và duy trì dịch vụ.
Vào giữa tháng 5/2021, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã thực hiện miễn phí chuyển tiền trực tuyến và một số loại phí khác cho tất cả khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số của Agribank.
Như vậy, đến nay, cả 4 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank đều ngừng thu phí chuyển tiền online áp dụng cho tất cả khách hàng cá nhân.
Sự nhập cuộc của 4 ngân hàng quốc doanh lớn có thể khiến cuộc đua miễn phí dịch vụ ngân hàng trở nên sôi động hơn. Với động thái mạnh từ nhóm quốc doanh, các ngân hàng khác cũng sẽ thay đổi chứ không thể duy trì chính sách cũ.
Ngay sau động thái miễn phí dịch vụ của BIDV, Vietcombank và VietinBank, Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) cũng ra thông báo miễn phí toàn bộ 12 loại phí cho tất cả khách hàng cá nhân qua Internet Banking và Mobile Banking từ đầu năm 2022.
Các ngân hàng đang đua nhau miễn phí dịch vụ
Thực ra, xu hướng miễn phí giao dịch ngân hàng đã có từ nhiều năm trước. Hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ đã thực hiện miễn phí dịch vụ nhằm khuyến khích khách hàng mở tài khoản thanh giao dịch và thúc đẩy các kênh thanh toán online.
Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được coi là nhà băng tiên phong trong xu hướng này khi thực hiện miễn phí giao dịch từ năm 2016. Sau đó, một số ngân hàng tư nhân khác như VIB, MBbank, TPBank, VPBank, VietCapitalBank, MSB, HDBank… cũng tham gia mạnh mẽ vào cuộc đua miễn phí dịch vụ.
Giờ đây, với sự nhập cuộc của nhóm “Big 4”, cuộc đua giảm phí càng trở nên sôi động và sự cạnh tranh trong cuộc đua số hoá ngành ngân hàng cũng đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Trong cuộc đua này, người dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Hi sinh nguồn thu để đạt mục tiêu lớn
Việc Vietcombank tuyên bố miễn phí chuyển tiền online cho mọi khách hàng từ năm 2022 khiến nhiều người bất ngờ bởi đây là ngân hàng từng tiên phong trong chính sách thu phí và vẫn trung thành với chiến lược thu phí từ nhiều năm nay. Đây cũng là một trong những nguồn thu quan trọng hàng đầu của nhà băng này. Nguồn thu này luôn chiếm khoảng 60-70% tổng thu nhập hoạt động dịch vụ của Vietcombank.
Tuy nhiên, sự hi sinh nguồn thu trong chính sách miễn phí dịch vụ của Vietcombank hay những ngân hàng khác được coi là cái giá để các ngân hàng thực hiện mục tiêu quan trọng mà hầu như nhà băng nào cũng đang nhắm tới là tăng quy mô khách hàng cũng như tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) – loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ 0,1%/năm.
Theo lãnh đạo Vietcombank, việc ngừng thu phí chuyển tiền online là một trong những chính sách nhằm đẩy mạnh kênh ngân hàng số và lượng tiền gửi không kỳ hạn của nhà băng, nhằm giúp hạ chi phí vốn.
Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng việc giảm phí sẽ giúp ngân hàng thu hút được nhiều khách mới, đây là yếu tố rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh của ngân hàng.
Việc miễn phí giao dịch sẽ giúp ngân hàng có được những tệp khách hàng. Cơ sở khách hàng cá nhân lớn sẽ giúp ngân hàng đẩy mạnh bán chéo sản phẩm như bảo hiểm, trái phiếu, dịch vụ ngân hàng khác…
Đặc biệt, việc miễn phí giao dịch còn giúp ngân hàng tăng CASA. Trong bối cảnh hiện nay, tỷ lệ CASA càng cao sẽ giúp ngân hàng giảm chi phí hoạt động, tăng lợi thế cạnh tranh, tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối quý III/2021, toàn hệ thống ngân hàng có hơn 110 triệu tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng cá nhân với số dư gần 800.000 tỷ đồng. Số dư tiền này đã tăng mạnh trong năm qua. Đây được xem là “miếng bánh” hấp dẫn để các ngân hàng chạy đua thu hút tiền gửi không kỳ hạn.
Thực tế, chính sách miễn phí giao dịch đã mang về cho các ngân hàng nhiều lợi ích.
Nhờ có phí dịch vụ rẻ mà trong vài năm qua, những ngân hàng này đã thu hút được lượng lớn khách hàng. Cũng nhờ chính sách miễn phí giao dịch mà nhiều ngân hàng như Techcombank, MBbank đã tăng tỷ lệ CASA cao giúp tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn rất lớn. Đây là nguồn chi phí vốn giá rẻ mà các ngân hàng đều hướng tới.
Bên cạnh đó, việc miễn phí giao dịch còn xuất phát từ sức nóng của chiến lược chuyển đổi số nhằm phục vụ mục đích thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Xu hướng miễn phí dịch vụ được xem là giải pháp quan trọng để thu hút khách hàng mở tài khoản thanh toán, giúp khách hàng thuận tiện và dễ dàng khi giao dịch trên ngân hàng số.
Hơn nữa, việc đưa khách hàng lên kênh số sẽ giúp ngân hàng tiết kiệm nhiều chi phí hoạt động, gồm chi phí dự trữ tiền mặt và chi phí liên quan vận hành lưu thông tiền như nhân sự, vận chuyển, chi phí đầu tư ATM…
Tuấn Dũng
Mục lục bài viết
Ngân hàng đồng loạt miễn, giảm phí chuyển tiền online, rút tiền ATM
Tính đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã công bố miễn phí chuyển tiền trực tuyến, giảm phí rút tiền qua ATM nhằm hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn dịch Covid-19.