Dùng thiết bị kích sóng di động sẽ bị phạt 30 triệu đồng
Dùng thiết bị kích sóng di động sẽ bị phạt 30 triệu đồng
Ngày 22/12, hàng loạt thuê bao điện thoại di động nhận được tin nhắn cảnh báo, truyền thông từ Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ thông tin và Truyền thông) về việc không tự ý mua sắm, lắp đặt và sử dụng các thiết bị kích sóng di động.
Theo đó, Cục Tần số vô tuyến điện thông báo rằng: Chỉ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động, có giấy phép sử dụng băng tần, được sử dụng thiết bị phát lặp (còn gọi là thiết bị kích sóng điện thoại di động, repeater) trong hệ thống di động, để lắp đặt tại các khu vực bị hạn chế vùng phủ sóng nhằm nâng cao dịch vụ thông tin di động và không gây can nhiễu cho các mạng thông tin di động.
Thông báo này cũng khuyến cáo: Các cá nhân, tổ chức khác sử dụng thiết bị phát lặt là vi phạm các quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện và có thể bị xử phạt đến 30 triệu đồng và bị tịch thu tang vật theo quy định tại khoản 3, khoản 7, Điều 90 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện.
Ngày 22/12, Cục Tần số vô tuyến điện đã gửi tin nhắn khuyến cáo đến thuê bao di động.
Trên thực tế, dù các nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone đã nhiều lần quảng bá là đã đầu tư mạnh cho trạm phát sóng 2G, 3G, nhưng có thể thấy rằng, tình trạng bị “rớt sóng”, “trắng sóng” 2G, 3G ngay giữa Thủ đô là chuyện khá phổ biến.
Để đối phó với tình trạng sóng yếu, mất sóng, nhiều người dân đã tự ý mua sắp, lắp đặt các thiết bị kích sóng di động.
Thiết bị kích sóng di động là loại thiết bị vô tuyến điện hoạt động theo nguyên lý thu sóng GSM các loại băng tần (tùy thiết bị) tại nơi có cường độ sóng tốt rồi chuyển tiếp, khuếch đại và phát lại ở nơi có sóng yếu. Các loại thiết bị này nằm trong danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho mạng thông tin di động.
Thiết bị kích sóng di động là loại thiết bị vô tuyến điện hoạt động theo nguyên lý thu sóng GSM các loại băng tần (tùy thiết bị) tại nơi có cường độ sóng tốt rồi chuyển tiếp, khuếch đại và phát lại ở nơi có sóng yếu. Các loại thiết bị này nằm trong danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho mạng thông tin di động.
Các thiết bị kích sóng trên thị trường đều có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc với giá rao bán từ 3- 10 triệu đồng tùy công năng thiết bị. Các thiết bị đều được quảng cáo có khả năng khuếch đại tín hiệu cho tất cả các mạng di động GSM băng tần 900 – 1800 Mhz và 3G của các mạng Vinaphone, MobiFone, Viettel, Vietnamobile, Gmobile… với phạm vi phủ sóng từ vài trăm đến hàng ngàn mét.
Như Báo Đầu tư Online đã đưa tin, tháng 7/2015, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Phòng An ninh Kinh tế (PA 81, Công an TP. Hà Nội), thực hiện thanh tra đột xuất tại một hộ gia đình có địa chỉ tại phố Phùng Chí Kiên, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy và một hộ gia đình ở ngõ Quan Thổ 3, phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa.
Trước đó, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I thuộc Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thực hiện đo kiểm và phát hiện 2 hộ gia đình này sử dụng thiết bị kích sóng di động trái phép trong nhà, làm ảnh hưởng đến chất lượng phát sóng mạng viễn thông. Theo đó, khi bộ thiết bị này chạy đã phát ra tín hiệu gây can nhiễu tới trạm thu phát sóng BTS của Viettel ở khu vực này.
Theo lời khách hàng ở quận Cầu Giấy, các thành viên trong gia đình đang dùng di động của MobiFone và Viettel. Tuy nhiên, sóng điện thoại và 3G rất yếu, hầu như không có. Khách hàng nhiều lần gọi điện phản ánh tới tổng đài chăm sóc khách hàng của 2 nhà mạng này, thông báo về tình trạng không có sóng di động trong nhà, nhưng đều nhận được giải thích không thỏa đáng về chất lượng dịch vụ và nhà mạng cũng không có giải pháp hỗ trợ khách hàng. Cực chẳng đã, vị khách hàng này mới phải chi gần 4 triệu đồng để mua bộ thiết bị kích sóng . Vị khách này phải lắp tới 3 bộ ăng ten ở lần lượt các tầng để bắt sóng di động.
Khách hàng đã thừa nhận hành vi này là vi phạm các quy định trong quản lý tần số viễn thông và cho biết hành vi vi phạm của mình là do thiếu hiểu biết về phát luật và tự nguyện tháo dỡ bộ thiết bị kích sóng giao nộp cho đoàn thanh tra. Tuy nhiên, khách hàng cũng kiến nghị đoàn thanh tra, cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh tới hai nhà cung cấp MobiFone, Viettel có biện pháp hỗ trợ khách hàng như cam kết. Tương tự, khách hàng ở quận Đống Đa cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước “vào cuộc” để các nhà mạng có giải pháp kỹ thuật hỗ trợ khách hàng.