Duy trì tính chất thiêng liêng của lễ hội cổ truyền
Biên phòng – Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với nền văn hóa mang đậm dấu ấn bản sắc của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì. Lễ hội ở Việt Nam luôn hướng tới một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là nhân thần hay nhiên thần. Tuy nhiên hiện nay, nhiều lễ hội truyền thống đang bị thương mại hóa dẫn đến hiện tượng trần tục hóa lễ hội, làm biến tướng, mất đi tính chất thiêng liêng của lễ hội cổ truyền.
Trai gái tham gia đánh đu trong Lễ hội mùa xuân tại vùng cao. Ảnh: Ngọc Ánh
Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, cả nước hiện có khoảng trên 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng. Ngoài ra, còn khoảng gần 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào.
Tính đến năm 2022, Việt Nam có hơn 100 lễ hội được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn (Hà Giang); Lễ hội Gầu Tào của người Mông (Hà Giang, Tuyên Quang); Lễ hội Lồng tông của người Tày (Tuyên Quang); Lễ hội Roóng poọc của người Giáy và Lễ Pút tồng của người Dao đỏ (Lào Cai); Lễ hội Khô già của người Hà Nhì đen (Lào Cai); Lễ hội Tháp Bà (Khánh Hòa); Lễ Bỏ mả của người Raglai (Ninh Thuận); Lễ hội Oóc om bóc của người Khmer (Trà Vinh)…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trung Vũ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian Việt Nam, lễ hội cổ truyền của người dân Việt Nam thường gắn với đời sống tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng. Nó thuộc thế giới thần linh, mang tính “thiêng” (thiêng liêng), đối lập với đời sống trần gian, trần tục. Có nhiều sinh hoạt, trình diễn trong lễ hội nhìn bề ngoài là trần tục như các trò vui chơi giải trí, thi tài, các diễn xướng mang tính phồn thực, nên nó mang tính “tục”. Nhưng lại là cái trần tục mang tính phong tục nên nó vẫn thuộc về cái thiêng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trung Vũ cũng cho rằng, tính chất tâm linh và linh thiêng của lễ hội cổ truyền đã quy định “ngôn ngữ” biểu tượng của lễ hội để tạo nên sự thăng hoa, vượt lên thế giới hiện thực, trần tục của đời sống thường ngày. Ví dụ, diễn xướng ba trận đánh giặc Ân trong Hội Gióng, diễn xướng cờ lau tập trận trong Lễ hội Hoa Lư, diễn xướng rước Chúa gái (Mỵ Nương) trong Hội Tản Viên…
Trong những mùa lễ hội hằng năm ở nước ta, không năm nào là không xảy ra sai phạm, phản cảm tại nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội cướp phết tại Hiền Quan, Phú Thọ; Lễ hội chọi trâu không phép ở thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang; ném lộc và chen nhau cướp lộc tại Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) và Lễ hội Gióng ở đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội); hình ảnh treo cổ trâu ở Lễ hội đền Đông Cuông (huyện Văn Yên, Yên Bái)…
Phân tích về hiện tượng treo cổ trâu tại Lễ hội đền Đông Cuông, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu di sản văn hóa cho rằng, theo quan điểm từ xa xưa, con trâu trắng được hiểu là đồng nhất với thủy quái nên việc tế lễ trong ngày xuân là để “đả Xuân Ngưu”, chống lại lũ lụt, điều không may mắn, không tốt đẹp cho mùa màng của một năm.
Thực chất, chuyện hiến tế, lễ tế đả Xuân Ngưu là chuyện của ngày xưa. Đôi sừng con trâu trắng là tượng trưng cho nhật nguyệt (mặt trăng), cho tình yêu và sinh sôi, nảy nở. Tuy nhiên, hình thức treo cổ trâu như ở lễ hội tế trâu trắng này thì người xưa không làm. Mà nếu có làm lễ tế thì cũng mang tính tượng trưng là chính.
“Chính vì vậy, chúng ta không nên thực hiện nghi lễ mang tính chất bạo lực này mà nên có hình thức nào đó để dung hòa giữa tục lệ, nhận thức của người xưa và nhận thức của người nay để lễ hội không quá bạo lực, mang hình ảnh phản cảm. Ví dụ có thể dùng mô hình thay vì dùng con trâu thật để tránh sát sinh” – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền đề xuất.
Còn nhà văn hóa Bùi Trọng Hiền thì nhận xét: “Vài năm gần đây, nhiều địa phương đang phục hồi các nghi lễ, lễ hội truyền thống kèm theo phần hội. Chúng ta đang sống ở thời đại văn minh mà ở đó nêu cao giá trị nhân văn, hòa bình, bác ái thì tất cả các hành vi như cướp bông tre tại Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), cướp phết tại Lễ hội cướp phết (Phú Thọ), chém lợn tại Ném Thượng (Bắc Ninh), nghi lễ tế trâu tại đền Đông Cuông (Yên Bái)… đều là những cổ tục mang tính bạo lực cần phải bỏ”.
Trong 2 năm 2020-2021 xảy ra đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, nhiều lễ hội truyền thống ở các địa phương trong cả nước ta đã phải dừng lại để bảo đảm an toàn công tác phòng, chống dịch. Đây cũng chính là cơ hội để chúng ta thanh lọc, loại bỏ bớt những lễ hội biến tướng. Để rồi trong suốt cả năm 2022, các lễ hội truyền thống được tổ chức trở lại đã quy củ, trang trọng và tôn nghiêm hơn. Bớt đi những xô bồ, biến tướng, phản cảm như những năm trước.
Ngọc Ánh