Duyên hải Nam Trung Bộ – thiên đường du lịch biển, đảo
Năm 2011 là năm thứ 7 Việt Nam tổ chức Năm du lịch quốc gia với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, góp phần tăng lượng khách quốc tế đến nước ta. “Du lịch biển, đảo” là chủ đề của Năm du lịch quốc gia năm nay nhằm hướng du lịch Việt Nam tập trung vào khai thác tiềm năng du lịch từ biển, đảo.
*Từ Mỹ Khê đến Mũi Né
Dải đất duyên hải Nam Trung Bộ bắt đầu từ thành phố Đà Nẵng và kết thúc tại mảnh đất đầy cát vàng, nắng gió Bình Thuận. Mỗi tỉnh, thành phố trên dải đất này đều có đường bờ biển kéo dài và những bãi biển đẹp, khung cảnh lý tưởng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước từ nhiều năm qua. Đà Nẵng có biển Mỹ Khê, Tiên Sa, Sơn Trà; Quảng Nam có biển Cửa Đại; Bình Định có bãi Hoàng Hậu; Phú Yên có bãi biển Long Thủy; Ninh Thuận có bãi biển Cà Ná, Ninh Chữ… từ lâu đã được du khách trong và ngoài nước biết đến.
Khánh Hòa đã nổi tiếng tới tầm quốc tế với thành phố biển Nha Trang, bãi biển quanh năm tràn ngập nắng vàng, sắc trời xanh không kém Địa Trung Hải. Thêm vào đó, vịnh Nha Trang, còn được xếp hạng trong Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới. Bình Thuận lại là một trường hợp khác ở duyên hải Nam Trung Bộ, thực sự mới chỉ phát triển du lịch biển khoảng 15 năm gần đây, sau sự kiện nhật thực toàn phần năm 1995. Sự kiện lịch sử này chỉ kéo dài hơn 2 phút nhưng đã đánh thức cả một vùng giàu tiềm năng du lịch là Mũi Né – Hòn Rơm.
“Thủ đô” resort là danh hiệu dành cho khu du lịch biển Mũi Né của Bình Thuận từ nhiều năm nay. Đến Mũi Né bây giờ không ai nghĩ rằng chỉ 16-20 năm trước vẫn còn là làng chài nghèo nàn, khó khăn đủ đường. Bà Phạm Thị Hồng Phương, chủ resort Full moon, một trong những khu nghỉ dưỡng đầu tiên ở Mũi Né cho biết: Năm 1993, ở Mũi Né còn rất hoang sơn, khó khăn, thậm chí điện còn chưa có. Trở thành nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng của nước, là điểm đến được nhiều du khách quốc tế lựa chọn chỉ sau 15 năm đúng là kỳ tích ở Mũi Né… Không chỉ ở Mũi Né, nhiều vùng biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đã khai thác tốt tiềm năng du lịch biển được thiên nhiên ban tặng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Văn hóa các dân tộc vùng Nam Trung Bộ mà đặc biệt là văn hóa Chăm, văn hóa cư dân ven biển với các lễ hội đặc sắc theo đó mà được nhiều du khách biết đến…
Nhà nước và các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch biển cũng rất quan tâm, đầu tư nhằm từng hoàn thiện kỹ thuật hạ tầng cho các khu du lịch, tạo tiền đề hình thành các khu du lịch tầm cỡ trong khu vực và quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch biển Việt Nam. Thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy: Giai đoạn 2006-2010, có 434 dự án được hỗ trợ đầu từ, trong số này đã có 220 dự án và hạng mục được đầu tư đã hoàn thành. Ở Nam Trung Bộ có khu du lịch bán đảo Sơn Trà- Mỹ Khê- Non Nước (Đà Nẵng), khu du lịch Mũi Né- Bình Thuận…, hạ tầng cơ sở đã được cải thiện đáng kể đã góp phần tích cực thu hút du khách quốc tế đến với nước ta.
Tiềm năng du lịch ở Phú Yên chưa được phát triển mạnh như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận nhưng để chuẩn bị cho Năm du lịch quốc gia 2011, tỉnh này đã tiến hành xây dựng, tôn tạo cơ sở hạ tầng nhằm thu hút du khách. Đặc biệt, Phú Yên đã tiến hành xây dựng tuyến đường ven biển từ năm 2005. Đường du lịch ven biển này sẽ nối thành phố Tuy Hòa với các cụm du lịch ven biển như Long Thủy, Hòn Chùa, Bãi Xép, Núi Thơm và hai thắng cảnh cấp quốc gia là đầm Ô Loan và gành Đá Đĩa. Cho đến nay, Phú Yên đã hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến Tuy Hoà đi Bãi Môn – Mũi Điện (mũi Đại Lãnh) – Vũng Rô và từ Tuy Hòa đến gành Đá Đĩa, hoàn thành nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, chỉnh trang cơ sở hạ tầng các khu du lịch, văn hóa, sẵn sàng cho Năm du lịch quốc gia.
*Vẫn còn vướng nhiều hạn chế
Hạn chế đầu tiên chính là sự phát triển không đồng đều về du lịch giữa tỉnh, thành phố thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Những điểm du lịch tại Đà Nẵng, Hội An- Mỹ Sơn (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận) đã trở thành thương hiệu có tiếng trong nước và quốc tế. Ở những điểm đến này, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư tốt, hoàn thiện, cách thức khai thác khá hiệu quả. Còn tại Phú Yên, Ninh Thuận, Quảng Ngãi và Bình Định mặc dù tiềm năng không kém song vẫn chưa thể thu hút du khách. Bên cạnh lý do điều kiện địa lý thi có thể thấy rằng điều kiện cơ sở hạ tầng du lịch chưa hoàn thiện chính là rào cản lớn. Cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận thực sự chỉ mới được đẩy mạnh trong vài năm trở lại đây, chưa đủ tạo sức hấp dẫn với du khách.
Hạn chế tiếp theo với du lịch các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ chính là sản phẩm du lịch còn hạn chế. Hầu hết các tỉnh, thành phố này, kể cả những điểm đến đã quen thuộc với du khách quốc tế mới chỉ dừng lại ở khai thác lợi thế thiên nhiên ban tặng nên việc trùng lặp sản phẩm là điều khó tránh khỏi. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa các địa phương dẫn đến lãng phí tài nguyên do đó cần có chiến lược, quy hoach lâu dài để phát triển.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Đỗ Văn Ba thừa nhận mặc dù được quan tâm đầu tư, nhất là tại Mũi Né nhưng “thủ đô resort” đến thời điểm này, Bình Thuận vẫn còn ít khu resort, khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao. Các dịch vụ chủ yếu về du lịch biển vốn là thế mạnh nhưng còn rất thiếu và yếu, chủ yếu vẫn là nghỉ ngơi, tắm biển, massage. Còn rất thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, chữa bệnh…gắn với biển. Do đó, khách lưu trú tại đây chưa được dài ngày, chi tiêu không nhiều nên doanh thu từ khách du lịch vẫn còn thấp.
Do đó, những năm gần đây, những điểm đến thu hút du khách như Nha Trang, Đà Nẵng, Mũi Né…đã đầu tư thêm vào các môn thể thao biển để thu hút du khách. Các môn được đầu tư khai thác mạnh là lướt ván diều, lướt ván buồm, dù lượn, lướt sóng, mô tô biển, chèo thuyền kayak…có nguồn gốc từ các nước ngoài. Trò chơi trong các lễ hội truyền thống của cư dân vùng biển như đua thuyền thúng, thi gánh cá, thi đan lưới… cũng được khai thác và thu hút nhiều du khách, nhất là dịp lễ hội. Không chỉ là trò chơi thể theo phục vụ du khách, tại Mũi Né, tỉnh Bình Thuận vừa đăng cai tổ chức lướt ván buồm cúp thế giới và festival thuyền buồm thu hút nhiều vận động viên đẳng cấp quốc tế đến Việt Nam. Đây cũng là một cách quảng bá tốt cho du lịch biển Việt Nam tới bạn bè quốc tế, rất cần được tổ chức tiếp trong những năm tới. Nha Trang cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho sự kiện Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 vào năm 2016 dự kiến thi 16 môn thể thao bãi biển…/.