FIBROTEST – PHƯƠNG PHÁP MỚI CHẨN ĐOÁN CHÍNH XÁC XƠ GAN

Phòng khám chuyên khoa nội số 33 Lê Hồng Phong tự hào là cơ sở đầu tiên triển khai xét nghiệm FIBROTEST để phục vụ tốt hơn chẩn đoán và điều trị bệnh nhân gan mật. Để có một lá gan khỏe mạnh, đừng để xơ gan là quá muộn cho điều trị bệnh gan. Hãy chăm sóc tốt lá gan, nâng cao chất lượng cuộc sống!

Xơ gan là bệnh lý của gan mà trong đó các tế bào gan bình thường được thay thế bởi mô xơ. Hậu quả là dẫn đến suy chức năng gan và biểu hiện qua việc suy giảm các chức năng bình thường của gan. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau làm phá vỡ cấu trúc tế bào gan bình thường và dẫn đến xơ gan như virus, vi khuẩn, rượu, rối loạn chuyển hóa, miễn dịch,…. Đánh giá tình trạng xơ hóa gan rất quan trọng trong quyết định: có cần điều trị bệnh lý viêm gan virus hay không? Bệnh nhân ghép gan do viêm gan C tái phát có tốc độ xơ hóa nhanh cần phải có chỉ định dùng thuốc? Và đánh giá đúng tình trạng xơ hóa để chỉ định các thuốc chống xơ hóa.

I – Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán xơ gan

Do xơ gan được định nghĩa mang tính mô học nên “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán xác định vẫn là sinh thiết gan. Phương pháp này đã được P.Erlich sử dụng đầu tiên và Menghini cải tiến và cơ bản hoàn thiện. Một mảnh sinh thiết gan dài 25mm đại diện cho gan để đánh giá tình trạng xơ hóa gan. Điểm hạn chế nhất của phương pháp này là xét nghiệm xâm lấn nên có thể có lỗi kỹ thuật khi lấy mẫu và phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người đọc kết quả (soi kính hiển vi). Các cảm giác thường gặp đối với bệnh nhân là đau mức độ nhẹ hoặc vừa, cùng với cảm giác lo âu, khó chịu. Các biến chứng nặng như tràn máu màng bụng, viêm màng bụng mật và tràn khí màng phổi hiếm gặp (0,3-0,5%). Tử vong cực kỳ hiếm gặp, nhưng thỉnh thoảng được báo cáo đối với các sinh thiết trong bệnh gan tiến triển, các khối u xuất huyết và ở những bệnh nhân bị bệnh kèm theo nặng. Mức độ đánh giá xơ hóa gan được đánh giá theo thang điểm METAVIR theo 5 giai đoạn:

F0 : không có xơ hóa gan

F1 : xơ hóa gan ở khoảng cửa và quanh khoảng cửa không có dải xơ

F2 : xơ hóa gan ở khoảng cửa và quanh khoảng cửa kèm theo rất hiếm các dải xơ

F3 : xơ hóa gan ở khoảng cửa và quanh khoảng cửa có kèm theo nhiều dải xơ

F4 : xơ gan

Hiện nay các phương pháp chẩn đoán xơ gan không xâm lấn đang được phát triển. Lựa chọn thay thế chính cho sinh thiết gan dựa trên 2 phương pháp khác nhau là các test huyết thanh và chẩn đoán hình ảnh của gan. Hai phương pháp này có những nguyên tắc cơ bản khác nhau đáng kể, nhưng cả hai đều có lợi ích rõ ràng: không xâm lấn. Mặc dù các phương pháp này có chi phí cao và chưa được phổ biến rộng rãi nhưng chúng dễ sử dụng, đáp ứng tốt với với các yêu cầu đặt ra cho việc sàng lọc đại trà và hỗ trợ một số biện pháp phòng ngừa đầy đủ

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh xơ hóa gan hiện nay dựa vào đo độ đàn hồi của gan thì có xét nghiệm Fibroscan (thông qua sóng siêu âm) và chụp cộng hưởng từ MRI. Với phương pháp MRI thì hiện nay rất ít máy có phần mềm chuyên dụng để đánh giá tình trạng xơ hóa gan. Còn xét nghiệm Fibroscan thì sử dụng rất đơn giản gần như siêu âm thông thường, thời gian đo mất khoảng 5 phút và vẫn phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật viên sử dụng máy Fibroscan nhưng vẫn có các yếu tố gây sai sót như vùng lựa chọn, lớp da tiếp xúc, hướng đầy dò, lớp mỡ, tình trạng dịch ổ bụng,….. Kết quả thể hiện con số định lượng là KPa (Kilo Pascal), tương ứng với kết quả sinh thiết gan xếp loại theo mô học (METAVIR).

Các phương pháp test huyết thanh đã được triển khai thì rất nhiều, độ chính xác cũng đạt được các thông số tương đối. Một số phương pháp đánh giá thông qua các marker gián tiếp như: APRI, chỉ số FORN, FIBRO, FIB4,…hoặc marker trực tiếp như Collagen (tích lũy fibrin forming collagen, typs 1-3), Hyaluronic acid (Glycosaminglycan do myofibroblasts – chức năng tế bào nội mô) đánh giá tình trạng xơ hóa, MMPs và TIMPs (điều hòa sinh và tiêu hủy fibrin). Do độ chính xác chưa đạt được như mong muốn nên các xét nghiệm này chưa được áp dụng rộng rãi.

II – FibroTest: phương pháp mới không xâm lấn chẩn đoán xơ gan

FibroTest là phương pháp mới dùng để chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi điều trị xơ gan dựa trên các xét nghiệm máu của hãng BioPredictive – Frane. Xét nghiệm chỉ cần thông qua xét nghiệm máu, không cần nhịn ăn, kết quả có trong vòng 2h theo đúng quy trình. Để tính toán Fibrotest, cần phải làm đủ các xét nghiệm α2-macroglobulin, haptoglobin, apolipoprotein A1, bilirubin toàn phần và GGT.

– Alpha-2- macroglobulin là một loại protein trong huyết tương được sản xuất bởi gan. Alpha 2 macroglobulin hoạt động như một antiprotease và có thể ức chế rất nhiều enzym proteinase.

– Haptoglobin là một glycoprotein huyết tương gắn với hemoglobin và được tổng hợp tại gan. Đây là một protein liên quan chặt chẽ với bệnh lý xơ gan.

– Apolipoprotein A1 được tổng hợp bởi gan và có chức năng vận chuyển cholesterol. Nồng độ của nó giảm trong các giai đoạn của xơ gan.

– Bilirubin là sản phẩm thoái hóa của hemoglobin ở lưới nội mạc võng mô như gan, lách, tuỷ xương. Ngoại trừ các nguyên nhân gây tan máu, nồng độ bilirubin toàn phần trong huyết thanh tăng có liên quan đến các bệnh lý của gan, trong đó có xơ gan.

– GGT là enzym màng tế bào, có nhiều ở thận, tụy, gan, lách, ruột non. Hoạt độ GGT có giá trị đánh giá tình trạng ứ mật ở gan vì nó rất nhạy cảm với tình trạng ứ mật.

FibroTest được tính toán dựa và kết quả của 5 xét nghiệm trên đồng thời phối hợp với tuổi và giới tính của bệnh nhân (Chi tiết truy cập website www.biopredictive.com) Chỉ số FibroTest dao động trong khoảng từ 0 đến 1, tỷ lệ với mức độ xơ hóa của gan được quy chiếu theo hệ thống METAVIR (từ F0 đến F4). Nhằm đơn giản hóa việc diễn giải kết quả khi nhìn, kết quả luôn kèm theo một hình vẽ màu có ba mức độ tùy theo độ nặng:

Màu xanh lá cây (không có hoặc không đáng kể)

Màu cam (mức độ trung bình)

Màu đỏ (đáng kể)

Mức độ tương đương của Fibrotest và METAVIR

Phương pháp này được áp dụng trong điều trị từ năm 2004 tại châu Âu, đặc biệt tại Anh và Pháp. Hiện nay, Fibrotest đã được ứng dụng trên 50 quốc gia. Tại hội nghị đánh giá hiệu quả của các xét nghiệm không xâm lấn vào tháng 7/2007, Benhamou và cs cho thấy trong các xét nghiệm, FibroTest cho thấy là tốt hơn cả để đánh giá xơ gan. FibroTest đã được lượng giá so sánh với sinh thiết gan trên một số lượng rất lớn bệnh nhân nhiễm viêm gan siêu vi B (n=1.580) và đã được tiến hành trên hơn 350.000 bệnh nhân (2008). Giá trị chẩn đoán của FibroTest không có khác biệt giữa các chủng tộc, giới tính, hiện diện kháng nguyên HBe và nồng độ enzym gan. FibroTest không có khác biệt cho các mức kế cận nhau cũng như cho các mức cực điểm.

Lợi ích của FibroTest đã được chứng minh trong việc chẩn đoán ban đầu mức độ xơ gan cũng như trong việc theo dõi bệnh nhân (điều trị hay không điều trị). Cơ Quan Y Tế Tối Cao của Pháp (HAS) khuyến cáo sử dụng FibroTest như xét nghiệm đầu tay để đánh giá mức độ xơ hóa gan trong viêm gan siêu vi B mãn chưa điều trị.

FibroTest có thể áp dụng được trong 95 đến 99% trường hợp. Xét nghiệm này đã được nghiên cứu trong các bệnh lý sau đây:

–  Viêm gan virus B mạn tính

–  Viêm gan virus C mạn tính

–  Viêm gan virus B/C mạn tính và HIV

–  Bệnh gan do rượu (gan nhiễm mỡ và viêm gan nhiễm mỡ)

–  Gan nhiễm mỡ và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (tiểu đường, thừa cân, tăng triglycérid, bất thường cholestérol, cao huyết áp)

Các xét nghiệm không thể áp dụng được chỉ chiếm khoảng từ 1 đến 5% trường hợp:

–     Viêm gan cấp (do virut viêm gan A, B, C, D, E; thuốc)

–     Ứ mật ngòai gan (ví dụ: ung thư tụy, sỏi ở đường mật chính…)

–     Tán huyết nặng (ví dụ: một số bệnh van tim)

–     Hội chứng Gilbert cùng với tăng mạnh bilirubine gián tiếp trong máu

–     Hội chứng viêm cấp (chỉ cần dời lại việc thử máu)

III – So sánh xét nghiệm Fibrotest và sinh thiết gan:

Sinh thiết gan là một xét nghiệm chẩn đoán xơ gan phụ thuộc vào nhiều yếu tố: vị trí gan được sinh thiết, kích cỡ của mẫu sinh thiết (từ 5 đến 30mm) và khác biệt giữa các nhà phân tích. Hiện nay người ta đã công nhận rằng trung bình sinh thiết gan có thể có đến 30% trường hợp lỗi. Vì lý do đó mà giới khoa học bắt đầu đề cập đến khái niệm “Tiêu chuẩn vàng không hoàn hảo”. “Tiêu chuẩn vàng hoàn hảo cho gan” là điều không tưởng, muốn đạt được điều này phải lấy mẫu phân tích là toàn bộ lá gan hòng tránh các sai lầm trong chẩn đoán.

Sinh thiết gan tiếp tục có những bất lợi đáng kể: 30% bệnh nhân bị đau, 0.6% gặp biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong là 0.03%. Sinh thiết gan không còn phù hợp cho việc công tác sàng lọc, không dễ dàng khi cần làm lại nhiều lần và không thuận tiện cho việc theo dõi bệnh xơ gan. FibroTest là một chẩn đoán không xâm lấn rất dễ dàng thực hiện và có cùng khả năng chẩn đoán như mẫu sinh thiết gan dài 25mm.

Hiện nay ở Việt Nam, để theo dõi, đánh giá xơ gan vẫn chủ yếu dựa vào siêu âm và sinh thiết gan. Sinh thiết gan là tiêu chuẩn vàng nhưng cũng rất ít khi được thực hiện vì đòi hỏi bệnh nhân phải nằm viện, gây đau và có một số biến chứng. Vì vậy chuyên đề này cung cấp cho các thầy thuốc một số kiến thức về một phương pháp chẩn đoán, theo dõi bệnh xơ gan đơn giản, độ chính xác cao, có thể triển khai ở tất cả các bệnh viện trong khu vực thành phố Hà nội và trong cả nước.