FIFA 21 Legacy Edition (Nintendo Switch): Vì đâu nên nỗi?

Với Nintendo Switch, FIFA là tựa game để lại thất vọng, là bằng chứng về sự lười biếng và thiếu đầu tư của EA trên một nền tảng đầy tiềm năng. Nhưng dù biết vậy, những người yêu mến Switch vẫn chơi và mua game, với hi vọng công ty nước Mỹ sẽ nhìn nhận lại để cho ra một tựa game tử tế hơn về sau. 

Tuy vậy, với những gì đã làm, dường như EA chẳng mảy may quan tâm tới mong muốn của cộng đồng. Và với FIFA 21 Legacy Edition mới ra cách đây ít ngày, có lẽ mọi thứ đã là quá sức chịu đựng với cả người chơi lẫn giới reviewer. Điểm số tệ hại, đánh giá tiêu cực… Tất cả đang được cộng đồng trút hết lên tựa game này như để xả nỗi thất vọng suốt 2 năm qua.

Vậy đâu là lý do mà FIFA 21 Legacy Edition phải nhận sự phẫn nộ như bây giờ? Hay nói cách khác: FIFA 21 Legacy Edition, vì đâu nên nỗi? 

Trải nghiệm “được” giữ nguyên, nhiều lỗi còn tồn đọng

Với FIFA 21 Legacy Edition (LE), gần như mọi chỉ trích đều nhắm vào sự lười biếng cực độ của EA: ‘Tái chế” gần như trọn vẹn cốt lõi cũ. Và đó cũng là lý do chính để bạn có thể tự tin ở lại các phiên bản cũ, ít nhất tới khi mùa giải 2020-2021 khép lại. Chưa cần đi sâu vào tựa game, chúng ta đã có thể nhận ra điều này ngay từ cái tên “Legacy Edition” – tạm dịch ra là “Phiên bản Kế thừa”.

Thậm chí, đây là năm thứ 2 liên tiếp EA áp dụng khái niệm này cho tựa game. FIFA 21 “kế thừa” FIFA 20, FIFA 20 lại “kế thừa” tiếp FIFA 19… Theo tính chất bắc cầu, có lẽ bạn đọc cũng hiểu được điều người viết muốn nói.

Với người viết, sự “kế thừa” của FIFA 21 thể hiện rõ nhất ở trải nghiệm thi đấu, vốn giống hệt so với bản cũ. Bằng chứng là tất cả cơ chế điều khiển, chuyền bóng, rê dắt hay dứt điểm … đều được giữ nguyên so với 2 năm trước và không có chỉnh sửa nào đáng kể. 

Nếu chơi để giải trí, sẽ rất khó để bạn đọc nhận ra sự khác biệt nào khiến FIFA 21 đáng tiền hơn các phiên bản tiền nhiệm. Không Face-up Dribbling, không Set-up Touch,… Không có bất kỳ kỹ năng nào để “nâng tầm” trải nghiệm so với trước kia. Nếu bạn cảm thấy quen thuộc với FIFA 21 sau khi chuyển từ các bản game trước, rất có thể điều này là vì… chúng là một, theo đúng nghĩa đen. 

Thậm chí, với FIFA 21, chúng ta sẽ còn bị cắt giảm đi một số trick thú vị ở các phiên bản cũ. Điển hình như sau khi nhận bóng, chúng ta sẽ không thể dùng analog phải để thúc bóng lên trước khi sút như ở FIFA 19. Nếu đã quen tận dụng điều này để có những pha tạt hay dứt điểm hiểm hóc, bạn sẽ cần phải quên dần nó đi khi bắt đầu chơi FIFA 21. 

Nhưng nếu chơi với tinh thần “tryhard”, FIFA 21 lại cho thấy những cải thiện nhất định, thể hiện rõ nhất qua các cầu thủ máy. Với độ khó từ Professional, cầu thủ máy xử lý thông minh hơn, tình trạng gặp glitch và không theo sát bóng cũng đồng thời được hạn chế đáng kể. Khả năng bay người và phản xạ của thủ môn máy cũng được tăng cao, trớ trêu thay đây lại đang là điểm yếu lớn nhất trên… chính phiên bản PC.

Tuy vậy, dù ở bất kỳ độ khó nào, trải nghiệm tổng thể của người viết vẫn bị ảnh hưởng bởi những lỗi vặt còn tồn đọng. Chúng ta vẫn sẽ có một trái bóng phi vật lý, với quỹ đạo khó lường và độ nảy ngang ngửa trò Pinball. Chúng ta vẫn sẽ có trải nghiệm AI thiếu ổn định; chạy chỗ và phòng thủ rất hay để rồi… phá ra biên chẳng vì lý do gì. Chúng ta vẫn sẽ có những cú sút xa quá dễ dàng, với chỉ nút A để tặng đối phương một cú đại bác từ ngoài vòng cấm. Ở lại FIFA 19 hay 20 không giúp mọi việc khá hơn, nhưng ít nhất bạn sẽ không phải bỏ ra hơn 1 triệu Đồng chỉ để trải nghiệm những phiền phức tương tự. 

Đồ họa không quá khác biệt

Về mặt đồ họa, các phiên bản FIFA trên Switch đều dựa trên IGNITE – engine từng được EA sử dụng trong giai đoạn 2013 -2016 trên PC. Vì vậy, khác biệt về phần nhìn giữa FIFA 21 LE và các game trước sẽ là không nhiều, kể cả khi đã cắm dock. Mặc dù FIFA 21 FE về cơ bản đã trau chuốt hơn về model nhân vật (tương phản màu sắc tốt, chi tiết trên da tóc thực và rõ hơn), nhưng sự khác biệt này sẽ chỉ thấy được ở các cutscene zoom cận ở đầu, giữa và cuối trận đấu. 

Không được bổ sung về chế độ chơi

Về chế độ chơi, FIFA 21 LE so với các phiên bản cũ vẫn giống cả về số lượng lẫn… chất lượng. Cũng phải thôi, “Kế thừa” mà. Và dường như cũng chính vì điều này nên những VOLTA Football, Weekend League, Daily Challenge hay Division Rivals (FIFA Ultimate Team) vẫn không được EA thêm vào, ít nhất là để game xứng với con số 1.2 triệu Đồng vốn có.

Mặc dù FIFA 19 cũng chịu sự cắt giảm với The Journey, nhưng ít nhất mọi thứ cũng có lý do riêng (“không dùng engine Frostbite”- một lý do chưa quá thuyết phục) thay vì treo lửng lơ không hồi đáp như FIFA 21 và VOLTA Football. Thậm chí, đây đã là năm thứ 2 liên tiếp VOLTA bị bỏ rơi, chứng tỏ EA còn không buồn nỗ lực để bổ sung tử tế cho FIFA 21. 

Hơn nữa thì suy cho cùng, VOLTA Football vẫn là một chế độ online lớn thay vì chỉ là cốt truyện như The Journey. Vậy nên thiếu sót kể trên lại càng là một dấu hỏi lớn dành cho mức giá đắt đỏ của tựa game năm nay. 

Giá thành cao

Do là game mới ra, FIFA 21 LE trên thị trường vẫn có mức giá rất cao (khoảng 1.2 triệu Đồng với cả dạng physical và digital). Trong khi đó, FIFA 18, 19 hay FIFA 20 hiện tại đều có mức giá mềm hơn nhiều, có cả sản phẩm cũ lẫn mới, rất đáng cân nhắc nếu bạn có hầu bao không quá dư dả. 

Tại sao vẫn có người mua FIFA 21 Legacy Edition?

Một trải nghiệm “kế thừa” hời hợt, một sự lười biếng đáng chê trách của EA… Về cơ bản đó là những gì chúng ta có thể thấy ở FIFA 21 LE. Tuy nhiên, với việc được cập nhật đầy đủ chuyển nhượng, áo đấu, chỉ số hay sân vận động… Chắc chắn vẫn sẽ có không ít người tiếp tục tin mua tựa game này để có trải nghiệm sát với thực tế nhất. 

Đây cũng là môt lợi thế không nhỏ của việc chọn mua FIFA 21 thay vì các phiên bản tiền nhiệm. Với các phiên bản cũ, một số sao trẻ ở thời điểm hiện tại hoặc có chỉ số thấp hơn khả năng thực (Saka, Greenwood, Haaland, Dean Henderson…), hoặc sẽ không xuất hiện nếu như game có tuổi đời quá lâu. Điều này sẽ khiến trải nghiệm ở một số chế độ như Career Mode bị giảm đi đáng kể.  

Ngoài ra, nếu là một fan của FIFA Ultimate Team, việc mua phiên bản FIFA mới nhất sẽ giúp bạn đọc có thể chơi với nhiều người hơn, tìm trận nhanh và dễ dàng hơn so với các bản game cũ không còn được cập nhật.

Những lựa chọn tốt thay thế FIFA 21 Legacy Edition

Tuy vậy, nếu không quan tâm tới chuyện cập nhật hoặc muốn tiết kiệm chi phí, việc chọn các phiên bản FIFA cũ sẽ có lợi hơn nhiều cho bạn đọc. Vừa mua được game với giá rẻ, vừa có trải nghiệm gần như tương đồng với phiên bản mới nhất. 

Hiện tại, giá băng của FIFA 19 và 20 cũng rẻ hơn đáng kể so với FIFA 21 LE, nhất là khi băng trên thị trường đang có ở cả dạng cũ lẫn mới. Với mức giá dao động từ 300-800 nghìn Đồng (tùy phiên bản và tình trạng cũ/mới), đây sẽ hai lựa chọn đáng cân nhắc nếu bạn có hầu bao không quá dư dả. 

Với FIFA 18 Nintendo Switch, thậm chí chúng ta còn có thể mua game với mức giá dưới 300 nghìn Đồng, tuy vậy do tuổi đời là quá lâu nên game sẽ có nhiều thiếu sót. Nhìn chung, không nên mua tựa game này trừ khi bạn muốn sưu tầm hay trải nghiệm DLC World Cup 2018. 

Kết luận

Nếu với FIFA trên PC, EA ít nhất cũng đã có cải thiện (dù không nhiều) để lấy lại niềm tin cho “con gà đẻ trứng vàng” thì với FIFA Nintendo Switch, đó lại là một sự thờ ơ đáng chê trách dành cho một nền tảng tiềm năng. Dùng lại một bộ khung cũ đến lần thứ 2 và vẫn có giá “đầy đủ”, như vậy là quá đủ để công ty nước Mỹ lẫn tựa game phải nhận những chỉ trích gay gắt.  

Mặc dù là fan nhiệt thành của dòng game, vẫn là rất khó để người viết bảo vệ và mong muốn bạn đọc lựa chọn FIFA 21 Legacy Edition. Trừ khi bạn đọc đề cao tính cập nhật lên trên hết, còn nếu không thì FIFA 19 hay thậm chí là FIFA 20 Legacy Edition vẫn sẽ là lựa chọn xứng đồng tiền hơn ở thời điểm hiện tại.