FPT Retail (FRT): Tâm lý thị trường yếu và những bất ổn về việc tăng lãi suất sẽ đè nặng lên giá cổ phiếu
Trong báo cáo mới nhất, SSI Research nhận định vị thế đòn bẩy cao, dòng tiền âm liên tục từ hoạt động kinh doanh và kế hoạch mở mới ồ ạt khiến FRT dễ bị ảnh hưởng bởi các đợt tăng lãi suất. Trong ngắn hạn, lợi nhuận ròng trong quý 4 năm 2022 dự báo giảm mạnh, tâm lý thị trường yếu và những bất ổn về việc tăng lãi suất sẽ đè nặng lên giá cổ phiếu.
Lợi nhuận giảm từ quý 4/2022
Trong quý 3 năm 2022, kết quả kinh doanh của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) được cải thiện đáng kể từ mức thấp của cùng kỳ năm ngoái, thời điểm công ty phải đóng cửa hàng tại các tỉnh thành miền Nam để tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội.
Doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 7,7 nghìn tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ, tăng 24% so với quý trước) và 85 tỷ đồng (tăng 81% so với cùng kỳ, tăng 47% so với quý trước). Lũy kế, doanh thu thuần và LNST trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt lần lượt 21,7 nghìn tỷ đồng (tăng 55% so với cùng kỳ) và 301 tỷ đồng (tăng 178% so với cùng kỳ), hoàn thành 80% và 51% kế hoạch năm. Tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện từ 13,9% trong quý 3 năm 2021 lên 15,5% trong quý 3 năm 2022.
Theo Công ty chứng khoán SSI, lợi nhuận ròng của FRT tăng 81% trong quý 3/2022 từ mức cơ sở so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái, thời điểm công ty phải tạm thời đóng cửa các cửa hàng do giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, do các yếu tố như nhu cầu suy yếu cùng với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô giảm sút, iPhone 14 về chậm, mức nền so sánh cao của quý 4 năm 2021 khi công ty được hưởng lợi từ doanh số bán máy tính xách tay tăng vọt và nhu cầu bị dồn nén, và thu nhập tài chính thuần giảm do lãi suất tăng và tỷ lệ nợ vay cao, ước tính lợi nhuận ròng trong quý 4 năm 2022 của FRT sẽ giảm 72% so với cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận sau thuế năm 2022 và 2023 dự báo lần lượt đạt 396 tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ) và 429 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ).
Mặc dù nhu cầu đối với các sản phẩm ICT trong năm tới sẽ ảm đạm, lợi nhuận sau thuế năm 2023 vẫn có thể tăng 8% so với cùng kỳ nhờ lợi nhuận cao hơn từ chuỗi nhà thuốc Long Châu (lợi nhuận sau thuế dự báo lần lượt đạt 62 tỷ đồng và 96 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023) và việc chậm ghi nhận doanh thu từ iPhone 14 trong năm 2022 sẽ được chuyển sang ghi nhận trong năm 2023.
Tăng trưởng doanh thu FPT Shop giảm tốc
Chuỗi cửa hàng FPT Shop (chiếm 67% tổng doanh thu) ghi nhận doanh thu tăng lên 5.185 nghìn tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ) trong quý 3/2022 nhờ doanh thu điện thoại di động tăng mạnh, trong khi doanh thu máy tính xách tay giảm 35% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp của chuỗi cửa hàng FPT Shop giảm (giảm từ 12,8% trong quý 3/2021 xuống 12,1% trong quý 3/2022) do doanh thu máy tính xách tay, vốn có tỷ suất lợi nhuận cao, giảm đi.
Tính đến quý 3/2022, công ty có 745 cửa hàng FPT Shop (tăng 98 cửa hàng so với đầu năm). Công ty đã giảm tốc độ mở mới trong quý 3 năm 2022 (cụ thể, công ty đã mở mới 17 cửa hàng trong quý 3 năm 2022 so với việc mở mới 52 cửa hàng trong quý 2 năm 2022), nhu cầu điện thoại di động được dự đoán sẽ tăng chậm lại trong thời gian tới.
Trong bối cảnh các điều kiện kinh tế vĩ mô đồng loạt suy yếu (thất nghiệp, lạm phát và lãi suất gia tăng), chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, do đó ảnh hưởng đến KQKD của FPT Shop. Trong trường hợp như vậy, SSI cho rằng FRT sẽ giảm tốc độ mở mới chuỗi cửa hàng này trong thời gian tới.
Trong năm 2022 và 2023, SSI dự báo FRT sẽ lần lượt mở 113 và 50 cửa hàng FPT Shop. Như vậy, tăng trưởng doanh thu của phân khúc này trong giai đoạn 2022~2023 sẽ giảm tốc đáng kể sau khi doanh thu máy tính xách tay cao đột biến vào năm 2021.
Mở mạnh chuỗi nhà thuốc Long Châu
Chuỗi nhà thuốc Long Châu (chiếm 33% tổng doanh thu) ghi nhận doanh thu tăng lên 2.554 nghìn tỷ đồng (tăng 114% so với cùng kỳ) trong quý 3/2022, chủ yếu nhờ đóng góp từ các cửa hàng thuốc mở mới. SSI ước tính doanh thu trung bình hàng tháng trên mỗi cửa hàng trong quý 3 năm 2022 tăng khoảng 10~15% so với quý 2 năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với 6 tháng cuối năm 2021 và quý 1 năm 2022, khi người tiêu dùng dự trữ thuốc và các sản phẩm liên quan đến sức khỏe để điều trị các triệu chứng nhẹ của COVID- 19.
Đến quý 3/2022, số lượng cửa hàng Long Châu đạt 800 cửa hàng (tăng 400 cửa hàng so với đầu năm). Đáng chú ý, chỉ trong 3 quý đầu năm, công ty đã hoàn thành kế hoạch mở mới cả năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận gộp của chuỗi nhà thuốc Long Châu đã quay trở lại mức bình thường từ mức thấp của năm ngoái, khi doanh thu bán thuốc (có tỷ suất lợi nhuận gộp chỉ ở mức 10%) cao bất thường.
SSI cho rằng FRT sẽ tiếp tục mở mạnh chuỗi nhà thuốc Long Châu do tỷ lệ kênh nhà thuốc thương mại hiện đại trong bán lẻ dược phẩm hiện vẫn còn rất nhỏ (chỉ khoảng 5%) và chuỗi nhà thuốc Long Châu hiện đã ghi nhận lãi ròng. Trong khi, đối thủ là nhà thuốc An Khang sẽ không mở mới trong thời gian tới do chuỗi nhà thuốc này vẫn đang lỗ, và ban lãnh đạo vẫn đang điều chỉnh danh mục sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Trong năm 2022-2023, SSI dự báo FRT sẽ mở lần lượt 500 và 400 nhà thuốc Long Châu. Doanh thu hàng tháng trên mỗi nhà thuốc ước tính ổn định ở mức 1,1 tỷ đồng (so với mức cao nhất 1,4-1,5 tỷ đồng trong quý 1 năm 2022).
Dòng tiền âm liên tục, chịu ảnh hưởng bởi các đợt tăng lãi suất
Về tài chính, vị thế đòn bẩy cao của FRT vẫn là mối quan ngại hàng đầu trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Tính đến quý 3/2022, tỷ lệ D/E của FRT là 2,5 lần, cao nhất trong số các nhà bán lẻ và nhà phân phối.
Thu nhập lãi thuần của FRT chuyển từ 14,6 tỷ đồng trong quý 3/2021 thành khoản lỗ 18,3 tỷ đồng trong quý 3/2022 do chi phí lãi vay cao hơn khi công ty mở thêm nhiều cửa hàng mới và lãi suất vay tăng lên. Trung bình, lãi suất cho vay năm 2022 ở mức 3,4~4,8% (so với 1,9~4,5% trong năm 2021).
Tỷ lệ D/E cao, dòng tiền âm liên tục từ hoạt động kinh doanh và kế hoạch mở mới ồ ạt khiến FRT dễ bị ảnh hưởng bởi các đợt tăng lãi suất. SSI dự báo lãi suất sẽ tăng 300-400 điểm cơ bản vào năm 2022 và 100-150 điểm cơ bản vào năm 2023, trong khi tổng dư nợ vẫn có thể duy trì ở mức hiện tại.
Về dư nợ ngoại tệ, dư nợ USD chiếm khoảng 6% tổng dư nợ, giảm so với mức 12% tính đến đầu năm 2022. Như vậy, doanh thu hoạt động tài chính của FRT sẽ bị ảnh hưởng chủ yếu bởi các đợt tăng lãi suất. SSI ước tính thu nhập tài chính thuần sẽ chuyển từ mức lãi 51 tỷ đồng năm 2021 thành khoản lỗ 83 tỷ đồng năm 2022 và lỗ 100 tỷ đồng năm 2023.
Với chỉ số tài chính và hệ số mục tiêu thấp hơn cho năm 2023, SSI đưa ra mức giá mục tiêu mới cho FRT là 60.000 đồng (thấp hơn 10% so với giá cổ phiếu hiện tại), đồng thời giảm khuyến nghị đối với cổ phiếu FRT xuống KÉM KHẢ QUAN.
Trung Anh