Fear & Greed Index là gì? Cách đọc chỉ số Sợ hãi & Tham lam chính xác

Bài viết giúp anh em hiểu thêm về chỉ số Fear & Greed Index, cũng như những yếu tố tạo thành chỉ số này, và mức độ chính xác.

Cùng với các chỉ báo trên chart, Fear & Greed Index cũng một trong những thông số giúp anh em định hình được thị trường hiện tại như thế nào. Bài viết này sẽ giúp anh em biết được Fear & Greed Index là gì, cách đọc, cũng như mức độ chính xác của chỉ báo này như thế nào.

Fear & Greed Index là gì?

Fear & Greed Index (hay chỉ số tham lam và sợ hãi) là một trong những chỉ báo được rất nhiều người sử dụng để biết được tâm lý thị trường. Đúng như tên gọi, chỉ số này sẽ giúp anh em biết được tại thời điểm đang nhìn vào chỉ báo, thị trường đang sợ hãi hay tham lam. Từ đó có thể đưa ra chiến lược giao dịch phù hợp.

Fear & Greed Index không phải xuất hiện lần đầu ở Crypto, mà là được CNNMoney tạo ra để phân tích thị trường cổ phiếu truyền thống. Sau đó, Alternative.me đã tạo ra một phiên bản tương ứng bên Crypto.

Cách đọc chỉ số Fear & Greed Index

Đầu tiên, anh em truy cập vào đây. Sau đó kéo xuống sẽ thấy biểu đồ này:

Theo thứ tự từ trái qua:

  • Hình 1: Biểu đồ Fear & Greed Index.
  • Hình 2: Những giá trị Fear & Greed Index: Hiện tại, ngày hôm qua, tuần trước, tháng trước.
  • Hình 3: Thời gian cập nhật Fear & Greed Index tiếp theo.

Fear & Greed Index là con số chạy từ 0 – 100:

  • Từ 0 – 49 tượng trưng cho Fear (sợ hãi).
  • Từ 51 – 100 tượng trưng cho Greed (tham lam).
  • 50 tương ứng với việc thị trường trung tính.

Tuy nhiên, nếu chia kĩ hơn, các màu trên biểu đồ có ý nghĩa như sau:

  • 0 – 24: Sợ hãi tột độ (cam).
  • 25 – 49: Sợ hãi (vàng).
  • 50 – 74: Tham lam (xanh nhạt).
  • 75 – 100: Tham lam cực độ (xanh lục).

Sợ hãi nghĩa là thị trường đang có dấu hiệu xấu, đa phần giá trị tài sản đều giảm, mọi người có xu hướng bán tháo mọi thứ. Ngược lại, một thị trường tham lam là nhà nhà đổ xô FOMO mua mọi thứ, giá tài sản luôn tăng mỗi ngày.

Những yếu tố tạo nên chỉ số Fear & Greed Index

Để tạo nên Fear & Greed Index, Alternative.me đã sử dụng 6 thông số sau:

  • Voltality (25%): Được đo lường bằng cách so sánh mức độ biến động giá hiện tại và mức giảm giá tối đa của BTC với các giá trị trung bình tương ứng của 30 ngày và 90 ngày trước đó.
  • Market Momentum/Volume (25%): Kết hợp giữa động lượng và khối lượng giao dịch hiện tại của BTC, sau đó so sánh với mức trung bình của 30 ngày và 90 ngày trước đó.
  • Social Media (15%): Chỉ số này dựa trên các chỉ số mạng xã hội như like, hashtag, những điều mọi người đang nói về, số lượng bài đăng,… Do đó, nếu các chỉ số trên tăng, tương ứng với thị trường dần trở nên tham lam. Hiện tại chỉ có đo trên Twitter.
  • Dominance (10%): Dominance ở đây là của BTC, nghĩa là thị phần của BTC đang chiếm bao nhiêu phần trăm so với tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử, hay còn gọi là BTC Dominance.
  • Trend (10%): Alternative.me lấy dữ liệu của Google Trend cho các truy vấn tìm kiếm liên quan đến Bitcoin khác nhau và xử lý những con số đó, đặc biệt là sự thay đổi của khối lượng tìm kiếm cũng như các tìm kiếm phổ biến khác được đề xuất.
  • Khảo sát (15%) – hiện đã tạm ngừng: Alternative.me sử dụng nền tảng bỏ phiếu strawpoll.com để thăm dò ý kiến của mọi người về thị trường. Strawpoll.com cũng thuộc Alternative.me

Mức độ chính xác của chỉ số Fear & Greed Index

Cũng tương tự các chỉ báo khác, Fear & Greed Index có độ chính xác cao, nhưng không phải là chỉ báo luôn đúng. Để ra quyết định giao dịch, các nhà phân tích thường kết hợp thêm một số chỉ báo khác như phân tích chart, dữ liệu on-chain của BTC, ETH để xem tình hình chung, dữ liệu on-chain của tài sản đang muốn giao dịch,…

Bởi vì Fear & Greed Index chỉ tình hình thị trường chung và cập nhật rất chậm, nên chỉ số này chỉ coi được tổng quan thị trường, phù hợp với những người chơi dài hạn. Nếu anh em là những trader ngắn hạn, chốt lệnh trong ngày hoặc vài ngày thì chỉ số này không hẳn là cần thiết lắm.

Bên cạnh đó, không có dữ liệu nào cho thấy con số đạt được bao nhiêu thì sẽ có biến chuyển trên thị trường. Nghĩa là chúng ta đều biết khi thị trường tham lam, sẽ có một lúc điều chỉnh mạnh. Vấn đề là Fear & Greed Index đạt bao nhiêu thì điều chỉnh? Đó là thứ chúng ta không biết được. Nên Fear & Greed Index cũng không dùng để giúp anh em đoán được thị trường điều chỉnh lúc nào.

Ngoài ra, trong một thị trường Bull hoặc Bear, đôi khi chúng ta vẫn thấy chỉ báo nghiên về chiều ngược lại. Nhưng điều đó không có nghĩa là thị trường đã chấm dứt xu hướng và đổi chiều. Đó có thể là một đợt điều chỉnh nhỏ để thiết lập xu hướng tăng/giảm lớn bền vững hơn.

Tổng kết

Fear & Greed Index là một chỉ báo cho dù không đúng hẳn, nhưng có lẽ là một trong những chỉ báo thú vị khi nó diễn tả không khí chung của thị trường tại thời điểm nhất định. Và điều này cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc nhìn nhận thị trường. Tuy nhiên, chúng ta cần phân tích thêm nhiều yếu tố khác để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn.

Hãy đăng ký và tham gia các nhóm, channel của Coin98 Insights dưới đây để được thảo luận cùng các admin và nhiều member khác trong cộng đồng: