GIAO LƯU TIẾP BIẾN VĂN HÓA TRONG NGHI LỄ HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI RƠ-MĂM HUYỆN SA THẦY, TỈNH KON TUM

1. Khái niệm về giao lưu tiếp biến văn hóa

Giao lưu tiếp biến văn hóa (acculturation) là khái niệm được các nhà Nhân học phương Tây đưa ra vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi tiến hành nghiên cứu về sự biến đổi văn hóa của các nhóm di dân người Châu Âu đến Mỹ với các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên đất Mỹ[1]. Tuy các thành tố của những nền văn hóa có thể biến đổi, song mỗi nền văn hóa vẫn giữ được tính riêng biệt (bản sắc văn hóa) của mình. Như vậy, giao lưu tiếp biến văn hóa là biểu hiện sự biến đổi bộ phận văn hóa của tộc người trong xã hội đa tộc người, đa văn hóa. Sự biến đổi này là do các cá nhân trong tộc người tham gia vào các vị trí xã hội của nền văn hóa khác (có vai trò chi phối xã hội), như cùng sống chung trong một khu vực, cùng tham gia vào các hoạt động giáo dục, kinh tế, chính trị… và rồi bản thân của cá nhân tự thay đổi cho phù hợp với văn hóa mới. Từ những quan điểm trên, chúng tôi quan sát và lý giải nghi lễ hôn nhân của người Rơ-măm trên nguyên tắc của sự vận động các yếu tố văn hóa thông qua quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các tộc người.

2. Vài nét về cộng đồng Rơ-măm

Người Rơ-măm ở Việt Nam là một tộc người thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Môn- Khơ me, ngữ hệ Nam Á trong cộng đồng các dân tộc của Việt Nam. Trong danh mục cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Rơ-măm xếp ở số thứ tự 54 trong số 54 tộc người. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2009, người Rơ-măm có 436 người (227 nam và 209 nữ). Số liệu này cho thấy trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, tộc người Rơ-măm chiếm số lượng khá ít, dưới 500 người. Tuyệt đại bộ phận người Rơ-măm sinh sống tập trung trên địa bàn huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum thuộc khu vực Tây Nguyên, với 419 người (216 nam, 203 nữ); số còn lại cư trú rải rác ở vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Tại Kon Tum trong những năm đầu của thế kỷ XX, người Rơ-măm cư trú rải rác trong 12 làng ở Đắc Tô. Sau này, họ tập trung thành hai làng: làng Le và làng Rơ Măm Ra. Sau này, hai làng này sáp nhập lại thành là làng Le Rơ Măm (gọi chung là làng Le).

Trong quá trình hình thành và phát triển tộc người, người Rơ-măm, dù có số dân ít nhưng họ đã kiến tạo cho mình một diện mạo văn hóa riêng, mang đậm đặc trưng văn hóa tộc người của họ. Tuy nhiên, người Rơ-măm cũng như các tộc người khác hiện nay đang hòa vào xu thế phát triển chung, đặc biệt là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và với sự tiếp xúc, giao lưu văn hóa diễn ra thường xuyên, những yếu tố văn hóa truyền thống của họ đã, đang có sự biến đổi nhanh và có nguy cơ mai một.

Sự xuất hiện và cộng cư của các tộc người khác như Việt, Tày, Nùng, Mường, Thái, Dao… đặc biệt là người Việt qua nhiều giai đoạn đã tác động đến văn hóa của người Rơ-măm. Từ sau năm 1975, cách thức quản lý truyền thống của người Rơ-măm được thay thế bằng bộ máy hành chính nhà nước, với cơ chế mới, hệ thống luật pháp bao trùm lên mọi lĩnh vực hoạt động, dẫn đến sự thay đổi trong sinh hoạt, quản lý cộng đồng này.

2. Diễn trình giao lưu tiếp biến văn hóa trong nghi lễ hôn nhân

Tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum hiện nay không chỉ có người Rơ-măm cư trú mà còn có nhiều tộc người khác như người Gia rai, Brâu, Xơ đăng, Ba na, Tày, Thái, Nùng, Dao, nhiều nhất là người Việt. Chính sự sống đan xen giữa các tộc người với nhau, nên hôn nhân khác tộc đã diễn ra và trở nên phổ biến trong những năm gần đây. (Xem bảng 1)

Bảng 1: Số liệu kết hôn ngoại tộc của người Rơ-măm ở xã Mô Rai năm 2013

STT

Dân tộc/nhóm

Số lượng

1

Gia rai

14

2

Brâu

02

3

Ca dong

01

4

Thái

11

5

Mường

01

6

Kinh

02

7

Hà lăng

04

8

Hrê

01

9

Khmer

01

10

Xê đăng

01

 

(Nguồn: Tư pháp xã Mô Rai cung cấp tính đến tháng 3 năm 2019)

Điều đáng quan tâm ở đây, từng bước thực hành trong nghi lễ hôn nhân của người Rơ-măm hiện nay đã có nhiều biến đổi so với trước đây và nghiêng về yếu tố văn hóa khác đó là văn hóa Việt, Gia rai, Thái. Biểu hiện cụ thể qua các bước thực hành nghi lễ:

– Lễ vật trong lễ gặp mặt mà đoàn nhà trai đưa sang nhà gái không phải là sản phẩm mà chính người rơ-măm sản xuất được là gà và gạo nếp. Thay vào đó là rượu trắng, thuốc lá các lễ vật này chúng ta thường thấy ở người Kinh. Như thế, người Rơ-măm đã không ngần ngại khi thay thế các lễ vật truyền thống của mình bằng các lễ vật mà người kinh sử dụng trong lễ này.

 – Ở lễ ăn hỏi sự giao lưu tiếp biến thể hiện rõ nét hơn ở nhiều khía cạnh, từ việc chọn khách mời, chỉ mời họ hàng thân thiết nhằm đại diện cho hai bên gia đình và người lớn tuổi trong làng.

– Lễ vật nhà trai mang sang nhà gái gồm tủ quần áo, chiếu, chăn gối, bia, rượu, bánh ngọt, thuốc lá… Nhà gái cũng chuẩn bị khoảng 2 ghè rượu, vài thùng bia, nước ngọt, bánh ngọt, 1 con heo, 6 con gà, thịt bò, cá, rau… để đãi khách. Vòng đeo tay không còn xuất hiện trong lễ ăn hỏi nữa, mà thay vào đó là đồ dùng cần thiết cho cuộc sống của đôi vợ chồng mới như chiếu, chăn, gối, tủ…

Đúng ngày ăn hỏi, đoàn nhà trai gồm ông mối, bố mẹ, chàng trai và họ hàng trong bộ trang phục hiện đại đến nhà gái để làm lễ. Đoàn nhà trai được nhà gái mời vào phòng khách của ngôi nhà trệt. Toàn bộ lễ vật do nhà trai mang sang, được bày lên bàn. Gia đình hai bên ngồi đối diện nhau. Ông mối rót 3 ly rượu trắng và nói: “Hôm nay là ngày tốt, ngày làm lễ ăn hỏi cho hai đứa, từ nay hai đứa đã trở thành một đôi, con trai đã có vợ và con gái đã có chồng. Như vậy, hai đứa phải chung thủy với nhau không được lăng nhăng với người khác. Chú ý, chăm sóc hai bên gia đình theo đúng nghĩa con dâu, con rễ. Hai bên gia đình phải giúp đỡ các con làm ăn kinh tế”[2]. Nói xong, ông mối, cô dâu và chú rễ mỗi người cầm một ly rượu uống hết. Tiếp đó, họ hàng hai bên chúc mừng nhau, cùng nhau uống rượu, ăn mừng. Đến chiều tối, đoàn nhà trai trở về, riêng chú rễ ở lại nhà gái cho đến khi tổ chức đám cưới. Điều này rất khác so với đám ăn hỏi truyền thống. Trong truyền thống, chú rễ phải cùng về mới nhà trai, không được phép ở lại nhà gái.

 Trong lễ cưới của người Rơ-măm được chuẩn bị công phu và kỹ hơn trước. Có nhiều việc phải tính toán trước khi thực hiện, vì nó còn chịu sự nhận xét của cộng đồng. Đám cưới đó to, hay nhỏ; cô dâu đẹp hay xấu; khách mời nhiều hay ít; món ăn ngon hay dở, số lượng nhiều hay ít… đều có sự đánh giá của cộng đồng.

Việc trước tiên là đôi trai gái đi chụp ảnh cưới, lưu lại làm kỹ niệm. Việc này trong truyền thống không có. Nhưng hiện nay, nó trở thành phong trào trong cộng đồng Rơ-măm. Vì thế, dù gia đình khá giả hay phải đi vay mượn, họ cũng phải cố gắng cho con mình chụp một Album ảnh cưới.

Các đôi trai gái đưa nhau đến các studio tại trung tâm xã Mô Rai hoặc xuống trung tâm thị trấn Sa Thầy để chụp ảnh cưới, với nhiều kiểu ảnh khác nhau theo kịch bản của người thợ chụp ảnh.

Nếu như trước đây, họ mời cưới bằng “miệng” và mời “đại trà”, hiện nay khách mời được lựa chọn và mời bằng thiệp. Gia đình hai bên phải lên danh sách khách mời, chọn mẫu thiệp mời cưới và đặt in, sau đó dựa trên danh sách viết thiệp mời.

Việc chuẩn bị cổ cưới cũng không vất vả như trước. Hiện nay, cổ cưới được tổ chức thành hai dạng trong cộng đồng.

– Nấu và đãi khách tại nhà: họ dùng tiền để mua thực phẩm tại các hàng tạp hóa trong địa bàn xã, sau đó nấu các món ăn để đãi khách. Bàn và rạp được thuê từ các dịch vụ cho thuê trọn gói có trên địa bàn xã.

– Đãi khách tại nhà hàng: Hiện nay, các dịch vụ phục vụ tổ chức tiệc cưới, sinh nhật, hội nghị tại địa bàn xã hiện nay khá phổ biến. Vì thế, nếu gia đình khá giả, họ chỉ cần đặt tiền cọc, chọn món,… đến ngày cưới, sau khi thực hiện xong nghi lễ tại gia đình, mọi người cùng ra nhà hàng đã đặt để dự tiệc mừng.

Trang phục được sử dụng trong ngày cưới của mọi người đều khác so với trước đây. Như, bố mẹ hai và họ hàng hai bên chuẩn bị cho mình những bộ trang phục đẹp theo kiểu hiện đại. Nữ giới trang điểm và mặc áo dài theo kiểu của người Việt hoặc âu phục (quần tây, áo kiểu). Nam giới mặc đồ veston hoặc quần tây, áo sơ mi, thắt caravat. Đa phần những đồ này được thuê tại các điểm cho thuê đồ cưới trong xã.

Trang phục của cô dâu và chú rễ cũng được thuê tại đây. Cô dâu còn được trang điểm tại địa điểm trang điểm và cho thuê đồ cưới.

Trước đây, lễ cưới được tổ chức tại nhà rông. Nhưng, hiện nay lễ cưới được tổ chức tại nhà trai. Vào khoảng 9 giờ sáng, họ hàng nhà trai sang nhà gái đón con dâu và con trai về nhà mình. Họ hàng nhà gái đưa dâu về nhà chồng để hành lễ.

Nếu tiệc cưới được tổ chức tại nhà, lễ cưới sẽ được tiến hành ở sân khấu tại rạp cưới. Nhưng trước đó, cô dâu và chú rễ phải đón khách tại cổng rạp. Khi khách đến đông đủ, người dẫn chương trình giới thiệu họ hàng hai bên, sau đó cô dâu và chú rễ thực hiện nghi thức rót rượu, cắt bánh, mời rượu. Hai người cũng thực hiện nghi thức đeo nhẫn cưới cho nhau. Họ hàng cũng tặng quà cưới tại sân khấu theo sự hướng dẫn của người dẫn chương trình.

Xong nghi thức này, mọi người nhập tiệc. Cô dâu, chú rễ cùng bố mẹ của hai bên đi đến từng bàn để cảm ơn khách đến chia vui. Trong lúc đó, tại khu vực sân khấu diễn ra các tiết mục ca nhạc hiện đại do chính khách đến dự biểu diễn. Đây là điều rất khác so với trước đây, vì trước đây, người Rơ-măm tuyệt đối kiêng hát trong đám cưới.

Tan tiệc, cô dâu và chú rễ ra cổng tiễn khách. Sau đó, đôi vợ chồng trẻ có thể cư trú tại nhà chồng, hoặc ra ở riêng tùy theo sự thỏa thuận của hai gia đình trước đó.

Nếu tiệc cưới được tổ chức tại nhà hàng, lễ cưới sẽ được tiến hành tại gia đình. Đón cô dâu về nhà chồng thực hiện nghi thức trao nhẫn cưới, quà cưới. Sau đó, mọi người ra dự tiệc tại nhà hàng. Tại đó, họ cũng thực hiện các nghi thức trên sân khấu như rót rượu, cắt bánh, mời rượu….Song nghi thức này, cô dâu, chú rễ cùng bố mẹ của hai bên cũng đi đến từng bàn để cảm ơn khách. Khách đến dự tiệc cũng biểu diễn các tiết mục ca nhạc hiện đại.

Kết luận

Từ quan niệm đến các bước thực hành trong nghi lễ hôn nhân của người Rơ-măm trong xã hội truyền thống, cho thấy có những quy định “bất thành văn” được cộng đồng thực hiện theo một quy trình cụ thể. Tập hợp thành các nghi thức trong nghi lễ hôn nhân phản ánh tầm quan trọng của vấn đề này trong chu kỳ đời người. Vai trò của cộng đồng, của dòng họ và ông mối có những tác động quan trọng đến nghi lễ. Trong quá trình phát triển với nhiều yếu tố tác động hiện nay nghi lễ hôn nhân của người Rơ-măm đã biến đổi rất nhiều so với truyền thống. Sự biến đổi đó là do tác nhân của nhiều yếu tố, như sự phát triển kinh tế – xã hội trong vùng, cư trú xen kẻ giữa các tộc người, quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa và các chính sách xây dựng đời sống văn hóa…

Xu hướng biến đổi theo hướng tích cực và không ngừng bổ sung sự đa dạng cho truyền thống với sự lựa chọn phù hợp, được cộng đồng thừa nhận, phản ánh sự tiến bộ là một quy luật phát triển của văn hóa. Nghi lễ hôn nhân của người Rơ-măm đã biến đổi, bổ sung những yếu tố mới, đem lại sự thuận lợi cho chính chủ thể trên nhiều mặt cần được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu những yếu tố mới, cần chú trọng đến việc duy trì, bảo tồn những nghi thức mang tính tích cực về khẳng định vai trò, trách nhiệm cá nhân, ý thức cộng đồng trong xây dựng gia đình văn hóa nói riêng và thực hiện hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói chung.

Chú thích

[1]. Redfield, R., Linton, R., & Herskovits, M.J. (1936). Memorandum for the study of acculturation, “American Anthropologist” 38, 149-152.

[2]. Ông..Rơ Chăm Len., ..55.tuổi, giữ vai trò ông mối trong hôn nhân tại cộng đồng

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO   

1. Trần Văn Bính (chủ biên), (2004), Văn hóa các dân tộc Tây Nguyên – Thực trạng và những vấn đề đặt ra, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Bế Viết Đẳng (chủ biên), Các dân tộc thiểu số trong sự phát triển kinh tế xã hội ở miền núi, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Nguyễn Văn Huy (chủ biên), Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp, Nguyễn Văn Diệu (1998), Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Đặng Nghiêm Vạn (1981), Các dân tộc tỉnh Gia Lai – Công Tum, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Viện Dân tộc học (1984), Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía nam), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.