Gắn kết di sản và du lịch
Cảnh đẹp Ninh Bình. Ảnh: Quang Vinh.
“Ranh giới” giữa du lịch và di sản
Có một thực tế hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều di sản thế giới hiện nay đang đồng hành với sự gia tăng khách du lịch. Ở đó, các di sản văn hóa đã và đang tạo sức hấp dẫn vô cùng tận cho điểm đến du lịch. Bởi chính các di sản văn hóa là động cơ để thôi thúc chuyến đi và là môi trường tương tác và là những trải nghiệm đáng giá của du khách. Cũng chính sức cuốn hút ấy của di sản văn hóa đã tạo nên những làn sóng đầu tư vào du lịch di sản, những dòng khách du lịch tấp nập đổ về; người người, nhà nhà làm du lịch… Điều đó mang lại không chỉ những kết quả tăng trưởng lan tỏa nhiều mặt về kinh tế, xã hội, mà còn bảo tồn chính di sản văn hóa. Nhưng cũng chính quá trình vận động du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát ở nhiều nơi đang gieo rắc không ít những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa trở thành những hệ lụy phải trả giá đắt. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay đòi hỏi các bên cùng hành động, có những biện pháp kiểm soát thích đáng để bảo tồn và phát huy bền vững đối với di sản văn hóa trong phát triển du lịch.
Theo ông Hà Văn Siêu- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhìn nhận, trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh như hiện nay, đặc biệt là du lịch đại trà đã và đang có những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa. Do tính chất nhạy cảm và dễ bị tổn thương của di sản mà quá trình vận động du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát ở nhiều nơi, đặc biệt là ở những di sản nổi tiếng ở nước ta đang gieo rắc không ít những tác động nhiều mặt.
Ông Hà Văn Siêu cũng dẫn chứng, sự khai thác thương mại hóa quá mức, quá tải về khách, sự lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản đã làm cho di sản nhanh xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị… Hệ lụy của việc phát triển du lịch di sản thiếu kiểm soát, thiếu bền vững đó đang đe dọa tới tính nguyên vẹn của di sản.
Thời gian qua, ở một số di sản nổi tiếng đã có những hoạt động đầu tư phát triển, trong đó có những xâm hại nghiêm trọng tới di sản mà giai đoạn kế tiếp sẽ phải trả giá rất đắt cho việc phục hồi giá trị di sản đã bị xâm hại. Ở khía cạnh khác, tình trạng du lịch có tính thương mại hóa quá mức, nhàm hóa giá trị văn hóa; nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương; gia tăng sự chia rẽ cộng đồng, xung đột lợi ích, mâu thuẫn về quyền tiếp cận tài nguyên, trong đó có tài nguyên di sản văn hóa… đang dấy lên hồi chuông báo động đối với các bên liên quan trong việc quản lý bền vững tài nguyên di sản văn hóa trong phát triển du lịch.
Ứng xử hài hòa
Có thể thấy, câu chuyện ứng xử hài hòa giữa di sản và du lịch bên cạnh sự tương hỗ vẫn còn đó những bất cập. Đơn cử như tỉnh Ninh Bình sở hữu một số lượng di sản văn hóa khá lớn, mật độ phân bố khá dày đặc dẫn đến một số loại hình di sản phi vật thể có nguy cơ bị mai một, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống. Nhiều di tích đã xây dựng từ lâu, có di tích trên 300 năm tuổi đến nay đã xuống cấp hoặc xuống cấp nghiêm trọng đòi hỏi những cuộc trùng tu lớn. Ở đó, nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần cho việc bảo vệ chống xuống cấp, kéo dài tuổi thọ của các di tích, ở nhiều nơi, đời sống kinh tế của nhân dân còn khó khăn, không có điều kiện tham gia quyên góp để thực hiện các cuộc trùng tu có quy mô lớn.
Nhiều di tích còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, vào các cơ quan cấp tỉnh, cho rằng di tích đã xếp hạng thì Nhà nước phải lo tu bổ, tôn tạo. Nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân về Luật Di sản văn hóa và ý nghĩa của việc bảo tồn di sản còn hạn chế dẫn đến một số di tích được nhân dân tự ý thực hiện tu bổ, tôn tạo, không đáp ứng được các yêu cầu về bảo tồn các giá trị truyền thống.
Một số nơi, nhất là ở những điểm di tích chưa xếp hạng, người dân trong làng, quanh khu vực có di tích tự quản lý, tổ chức hoạt động, chưa phát huy được các nguồn lực xã hội trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Việc bảo vệ di sản và khai thác giá trị phục vụ hoạt động du lịch còn nhiều bất cập. Một số địa phương đã triển khai các hoạt động nhằm thu hút khách tham quan du lịch song lại chưa chú ý đến việc bảo tồn di sản, tạo sự ổn định, bền vững cho di sản nên đã xuất hiện tình trạng khai thác quá mức di sản, dẫn đến nguy cơ hủy hoại di sản.
Xung quanh vấn đề này, theo PGS.TS Bùi Thanh Thủy- Trưởng Khoa Gia đình và công tác xã hội (Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, du lịch phát triển tạo tiềm lực để tôn tạo, trùng tu các di tích, phục dựng các lễ thức, lễ hội, các loại hình nghệ thuật dân gian… đồng thời tạo nguồn thu nhập tại chỗ cho phép các địa phương tích lũy và phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có văn hóa. Ngoài ra bản thân du lịch còn có chức năng giáo dục thông qua các hoạt động ngành nghề, nó nhắc nhở mọi người về gốc gác văn hóa và giúp du khách thấu hiểu bản sắc của di sản, thúc đẩy mối quan tâm của công dân đến lịch sử, văn hóa, di sản.
Chính vì vậy, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững thì các di tích và ngành du lịch không nên quá coi trọng việc thu hút thật nhiều số lượng khách mà cần hướng tới việc đa dạng các hoạt động phục vụ, dịch vụ để làm sao đáp ứng tối đa các nhu cầu của du khách theo phương châm “một du khách được hưởng thụ nhiều dịch vụ hơn là nhiều du khách chỉ hưởng thụ một dịch vụ của di tích”.