Gia đình dồn hết tài sản mua Bitcoin

Didi Taihuttu, vợ anh và ba người con đã đặt cược toàn bộ những gì họ có vào tiền số phổ biến nhất thế giới từ cách đây 3 năm.

Năm 2017, gia đình 5 người tại Hà Lan này đã bán hết tài sản, từ một doanh nghiệp đang làm ăn có lãi đến căn nhà rộng hơn 230m2 và cả giày của mình, để mua Bitcoin và bắt đầu cuộc sống ngao du khắp thế giới. Giờ đây, sau gần 4 năm, nhà Taihuttu đã đi qua 40 quốc gia, vẫn không có tài khoản ngân hàng, nhà cửa hay tài sản cá nhân nào đáng kể. Toàn bộ tiền tiết kiệm của họ đều gắn với loại tiền ảo có biến động giá rất lớn.

“Chúng tôi bước chân vào Bitcoin vì muốn thay đổi cuộc sống của mình”, người cha 42 tuổi này cho biết.

Khi giá Bitcoin lao dốc năm 2018, Taihuttu lại mua thêm. Anh nói rằng mình luôn có niềm tin mãnh liệt vào sự phục hồi mạnh của Bitcoin. “Tôi cho rằng với đà tăng này, tối thiểu đỉnh cũng phải là 100.000 USD. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu giá lên 200.000 năm 2022”, anh nói.

Gia đình Didi Taihuttu trong một chuyến du lịch. Ảnh: Didi Taihuttu

Gia đình Didi Taihuttu trong một chuyến du lịch. Ảnh: Didi Taihuttu

Đầu tuần này, giá Bitcoin lên cao nhất mọi thời đại, với 19.920 USD một đồng. Một số nhà phân tích nói rằng tiền ảo còn nhiều dư địa để tăng mạnh nữa.

Mike Novogratz – CEO công ty đầu tư Galaxy Digital cho rằng đà tăng này chỉ mới bắt đầu. Ông dự báo Bitcoin có thể lên 60.000 USD năm tới. Tom Fitzpatrick – Giám đốc Toàn cầu CitiFXTechnicals thì cho rằng các biểu đồ chỉ ra Bitcoin có thể chạm 318.000 USD vào tháng 12/2021.

Taihuttu mua phần lớn số Bitcoin hiện tại vào đầu năm 2017, khi giá còn là 900 USD. Đến cuối năm đó, giá tiến sát 20.000 USD một đồng. Kể cả khi Bitcoin chạm đỉnh thời đó, họ vẫn không bán. Khi bong bóng vỡ, đẩy giá về 3.000 USD đầu năm 2018, họ cũng không sợ hãi. “Khi giá giảm, chúng tôi lại mua vào nhiều hơn”, Taihuttu nói.

Khi được hỏi liệu anh có lo ngại đợt tăng này lại là một bong bóng nữa, Taihuttu cho biết: “Tôi không thấy nhu cầu giảm đi đâu. Tôi cho rằng chúng ta còn đang tiến tới một cuộc khủng hoảng nguồn cung”.

Nhiều chuyên gia cũng có chung quan điểm này với anh. Họ lý giải đà tăng hiện tại khác với năm 2017. Nhiều nhà đầu tư tổ chức đã chấp nhận Bitcoin, giúp tiền ảo này ngày càng có vị thế trong ngành tài chính và rủi ro đầu tư cũng giảm bớt.

“Đà tăng năm 2017 chủ yếu do nhà đầu tư cá nhân. Còn năm nay là sự vào cuộc của các tổ chức và giám đốc quỹ đầu tư”, Mati Greenspan – Giám đốc Danh mục Đầu tư tại Quantum Economics nhận định. Các tỷ phú như Stanley Druckenmiller và Paul Tudor Jones đều đang sở hữu Bitcoin. Các fintech lớn như Square hay PayPal đều đã có sản phẩm liên quan đến tiền ảo.

“Khi PayPal bắt đầu bán Bitcoin cho 350 triệu người dùng, họ sẽ cần mua Bitcoin ở đâu đó”, Taihuttu nói, “Sẽ có một cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn, vì không có đủ Bitcoin mới đào mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của các công ty lớn”.

Nhu cầu từ các nhà đầu tư tổ chức dường như cũng không chậm lại. 6 trên 10 nhà đầu tư trong khảo sát của Fidelity hồi tháng 6 cho biết sẽ thêm tiền số vào danh mục.

Mike Bucella tại BlockTower Capital cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC rằng nhà đầu tư cá nhân mới đang là những người bỏ lỡ đợt tăng năm nay của Bitcoin. “Nếu nhìn sâu vào thị trường phái sinh, bạn sẽ thấy phần lớn dòng vốn đã chuyển từ các sàn chuyên tiền số năm 2017 sang các nền tảng có tổ chức hơn, như sàn CME. Lần này là cuộc chơi của các nhà đầu tư tổ chức”, bà nói.

Dĩ nhiên, không phải nhà đầu tư cá nhân nào cũng bỏ lỡ. Taihuttu đã đổ hàng trăm nghìn USD vào Bitcoin năm 2017 và đến giờ gần như vẫn giữ nguyên danh mục của mình.

Năm 2020 có thể khác năm 2017, nhưng Bitcoin cũng là một loại tài sản, và sẽ biến động theo chu kỳ. Chắc chắn nó sẽ không thể miễn nhiễm với các đợt điều chỉnh lớn.

Dù vậy, với Taihuttu, cuộc chơi Bitcoin không hoàn toàn là để kiếm lời. Anh đã hiến nửa tài sản làm từ thiện. Gia đình 5 người của anh cũng đã du lịch thế giới trong 4 năm qua, để lan tỏa niềm tin về các loại tiền số phi tập trung.

Hà Thu (theo CNBC)