Gia đình xưa và nay
Ảnh minh họa (nguồn iternet)
Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xã hội đã khác xưa, không cớ gì cái tế bào của nó lại không thay đổi. Gia đình truyền thống giờ đã từng bước biến đổi để thích nghi với điều kiện xã hội hiện nay để trở thành những gia đình hiện đại. Trong đó sự thay đổi lớn nhất chính là những giá trị văn hóa, nền nến gia phong Nói đến văn hóa gia đình, trước tiên nói đến văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Nếu như trước kia, bố mẹ luôn là người có tiếng nói rất quan trọng, thể hiện quyền uy đối với con cái, con cái chỉ biết nghe và chịu sự chi phối thì ngày nay, trong gia đình hiện đại con cái đã được đối thoại với cha mẹ, được trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề trong cuộc sống. Con cái được thể hiện quan điểm của mình. Cha mẹ không chỉ đơn thuần là những người bề trên dạy bảo con cái mà hơn thế, trong rất nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình thành thị và trí thức, cha mẹ còn là những người bạn sẵn sàng chia sẻ tâm tư, tình cảm với con cái.
Giờ đây mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, mối quan hệ này trong gia đình truyền thống luôn được coi là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, cũng đã thay đổi. Các bà mẹ chồng trong gia đình truyền thống đều tỏ ra khắt khe hơn với các nàng dâu. Sự khắt khe này không xuất phát từ tình cảm mà xuất phát từ những quan niệm, nhận thức. Ngày nay, các nàng dâu được dễ chịu hơn vì quan niệm, nhận thức của cả xã hội đã thay đổi. Mối quan hệ này dần dần đã được cân bằng. Mẹ chồng nàng, dâu tỏ ra hiểu nhau hơn, họ gần gũi và sẵn sàng sẻ chia với nhau hơn.
Trước đây, người ta thường nghĩ đông con là có phúc nên việc có nhiều con là bình thường. Nhưng ngày nay, xu thế các ông bố bà mẹ chỉ muốn sinh từ một đến hai con. Chủ yếu họ đánh giá cao sự nuôi dạy con cái thế nào cho tốt chứ không phải số lượng thành viên trong gia đình.
Quan niệm về hôn nhân trong gia đình truyền thống cũng khác với gia đình hiện đại. Trước đây, sự chi phối của cha mẹ trong hôn nhân của con cái rất lớn. Có nhiều gia đình bố mẹ có trò quyết định đến việc chọn bạn đời cho con, nên mới có tình trạn “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.
Giờ đây, thanh niên có sự chủ động chọn bạn đời cho mình. Họ được chủ động tìm hiểu và quyết định hôn nhân. Vấn đề môn đăng hộ đối không còn theo quan niệm nặng nề như trước đây nữa. Chủ yếu, các Thanh niên tự chọn bạn đời cho mình theo những tiêu chí riêng như sự hợp nhau về lối sống, quan niệm, nhận thức, tâm sinh lý..
Quan niệm về con trai cũng dần dần thay đổi. Nếu như trước kia, việc có con trai là nhân tố quan trọng trong gia đình, nhiều gia đình quan niệm phải nhất thiết có con trai. Ngày nay, quan niệm này đã bắt đầu có sự thay đổi.
Guồng quay của xã hội đang cuốn con người vào vòng xoáy của những lo toan kinh tế. Mọi người đua nhau, mải mê kiếm tiền, tìm cách mưu sinh trong xã hội nên quên đi nhiều giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn, dễ vỡ hơn. Ngày nay, tỷ lệ ly hôn ngày một gia tăng, đặc biệt xuất hiện ở nhiều gia đình trẻ. Nhiều cặp vợ chồng vừa kết hôn xong đã vội vã chia tay. Điều này chứng tỏ nhận thức về hạnh phúc gia đình chưa thực sự đúng đắn đối với giới trẻ.
Cùng với nhiều biểu hiện trên, tình trạng bạo hành gia đình cũng ngày càng xuất hiện với những mức độ nguy hiểm hơn. Không chỉ xuất hiện hiện tượng bạo hành của chồng với vợ mà có cả hiện tượng bạo hành của vợ với chồng, con cái với cha mẹ. Nhiều con cái mải lo cuộc sống riêng tư mà để quên cuộc sống của cha mẹ, để cha mẹ sống cô đơn, lầm lũi một mình.
Tất cả những thay đổi trên có nhiều nguyên nhân. Sự tác động của những yếu tố văn hóa ngoại lai đang dần ảnh hưởng đến lối sống, nhận thức của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là giới trẻ. Mặt trái của nền kinh tế thị trường kéo theo lối sống buông thả, vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân, quá đề cao vấn đề vật chất khiến cho con người ngày càng đánh mất giá trị đạo đức gia đình truyền thống.
Sự thay đổi nào cũng là quy luật. Nó thực sự có ý nghĩa khi đem đến một hơi thở mới, một luồng gió mới mang lại những giá trị văn hóa tích cực. Nhưng nó cũng thực sự là vấn đề nguy hiểm khi đánh mất đi chính mình, đánh mất những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà bao năm qua chúng ta đã gây dựng. Văn hóa gia đình có những thay đổi mang lại nhiều ý nghĩa nhưng cũng có nhiều điều cần phải suy ngẫm. Làm thế nào để gạn đục khơi trong, hạn chế những hạt sạn nhức nhối, khơi dậy những giá trị văn hóa tốt đẹp trong gia đình không chỉ là nhiệm vụ của xã hội, mà nó còn là nhiệm vụ của mỗi con người,mỗi thành viên trong tổ ấm của mình./.