Giá trị bản sắc văn hoá dân tộc


Lễ hội truyền thống là hiện tượng văn hoá, hiện tượng lịch sử có mặt từ rất lâu đời ở Việt Nam. Ngày nay, trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế, các lễ hội truyền thống đã được phục hồi và phát huy làm phong phú hơn đời sống văn hoá của Việt Nam.

Đặc trưng và ý nghĩa của lễ hội truyền thống

1. Đặc trưng của các lễ hội truyền thống
– Lễ hội truyền thống gắn liền với đời sống tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng và mang tính thiêng liêng.
Tính thiêng liêng và tâm linh của lễ hội quy định “ ngôn ngữ” của lễ hội là ngôn ngữ biểu tượng. Các lễ hội cổ truyền thuộc thế giới thần linh, thiêng liêng, đối lập với đời sống trần gian. Những màn trình diễn, biểu diễn trong lễ hội nhìn bề ngoài rất giống trần tục nhưng lại mang tính phong phục và rất thiêng liêng.
– Lễ hội cổ truyền là một sinh hoạt văn hoá mang tính hệ thống, tính phức hợp, tổng thể.
Các lễ hội cổ truyền bao gồm tất cả các phương diện khác nhau của đời sống xã hội của con ngườ inhư: sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, giao tiếp và gắn kết xã hội, các sinh hoạt diễn xướng dân gian( Hát, múa, trò chơi, sân khấu…)
– Chủ thể của các lễ hội truyền thống là cộng đồng. Đó có thể là cộng đồng làng, cộng đồng nghề nghiệp, cộng đồng thị dân, cộng đồng tín ngưỡng hoặc cũng có thể là cộng đồng quốc gia dân tộc. Hay nói cách khác, cộng đồng là chủ thể sáng tạo, hoạt động và hưởng thụ những giá trị văn hoá của các lễ hội truyền thống.
Các đặc trưng cơ bản của lễ hội truyền thống quy định tính chất, sắc thái văn hoá, cách thức tổ chức, thái độ và hành vi tính cảm của những chủ thể tham gia lễ hội.

Hội làng

 

2. Các giá trị cơ bản của lễ hội truyền thống
– Giá trị hướng về cội nguồn
Tất cả mọi lễ hội đều hướng về nguồn. Đó là nguồn cội tự nhiên mà con người vốn từ đó sinh ra. Hơn thế nữ, hướng về nguồn đã trở thành tâm thức của con người Việt Nam “ Uống nước nhớ nguồn”.
– Giá trị cân bằng đời sống tâm linh.
Bên cạnh đời sống vật chất, đời sống tinh thần, tư tưởng còn hiện hữu đời sống tâm linh. Đó là đời sống của con người hướng về cái cao cả thiêng liêng, Chân- Thiện- Mỹ mà con người hướng tới.
– Giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hoá
Lễ hội là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng- văn hoá cộng đồng của nhân dân ở nông thôn cũng như ở đô thị. Trong đó, các lễ hội do nhân dân tự đứng ra tổ chức, chi phí sáng tạo và tái hiện lại sinh hoạt văn hoá cộng đồng và hưởng thụ các giá trị văn hoá và tâm linh
– Giá trị bảo tồn và trao truyền văn hoá
Mỗi dân tộc có một nền văn hoá riêng biệt mang đặc trưng riêng của dân tộc đó. Vì vậy, lễ hội không chỉ là tấm gương phản chiếu nền văn hoá dân tộc mà còn là môi trường bảo tồn, giữ gìn và phát huy nền văn hoá của dân tộc ấy.
Trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sự nghiệp bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, mọi cá nhân, xã hội cần có ý thức giữ gìn những bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc nhằm phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.