Giá vé và dịch vụ của buýt công cộng Hà Nội

Loạt chính sách hỗ trợ hành khách

Trong bối cảnh dân số ngày càng tăng, ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn giao thông ngày một trầm trọng khiến các loại hình vận tải hành khách công cộng trở thành là lựa chọn phù hợp với nhiều người dân.

Giá vé và dịch vụ của buýt công cộng Hà Nội - 1Người dân được hưởng trợ giá khi sử dụng buýt công cộng (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Anh Hồng Thắm, Hà Đông, Hà Nội, cho biết, gia đình cả 3 thế hệ đều sử dụng phương tiện công cộng để đi di chuyển trong thành phố. “Bố tôi đã nghỉ hưu thường sử dụng xe buýt đi khám bệnh, thăm người thân, con trai tôi đi học bằng xe buýt. Còn tôi đi làm bằng đường sắt trên cao tới điểm cuối rồi tiếp tục sử dụng xe buýt kết nối tới cơ quan”, anh Thắm chia sẻ.

Theo anh Thắm, ngoài những ưu điểm như bớt chịu khói bụi, ùn tắc, việc tham gia các phương tiện công cộng còn giúp gia đình tiết kiệm một khoản chi phí. Hầu hết các tuyến vận tải hành khách công cộng ở đô thị lớn đang được Nhà nước trợ giá – yếu tố quan trọng nhằm thu hút một lượng lớn hành khách.

Hiện giá vé liên tuyến xe buýt là 200.000 đồng/tháng; một tuyến là 100.000 đồng không kể số lượng chuyến đi. Đối với học, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, mức phí hỗ trợ của thành phố là 50% dành cho vé tháng.

Ngân sách thành phố cũng hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể. Đối với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi và nhân khẩu thuộc hộ nghèo sẽ được miễn phí khi sử dụng phương tiện công cộng. Những người đã được cấp thẻ đi xe bus miễn phí của Trung tâm quản lý giao thông công cộng Hà Nội tới quầy mua vé đưa thẻ miễn phí xe buýt để được phát thẻ phúc lợi 0 đồng cũng như 15 ngày đi miễn phí.

“Xăng tăng giá, chi phí đỗ xe trong các khu vực trung tâm rất cao khiến việc sử dụng phương tiện cá nhân ngày càng đắt đỏ. Trong khi đó, phương tiện công cộng có mức giá hợp lý sẽ hút khách hơn”, chị Thu Thúy, Văn Giang, Hưng Yên, một hành khách thường đi xe buýt, chia sẻ.

Giá vé và dịch vụ của buýt công cộng Hà Nội - 2Hiện Hà Nội có 154 tuyến buýt, trong đó có 132 tuyến buýt trợ giá (Ảnh: Văn Mạnh).

Thực tế, với nhiều ưu điểm về chính sách ưu đãi, việc sử dụng phương tiện công cộng trở thành thói quen đi lại hàng ngày của nhiều người dân, dẫn tới sản lượng vận tải hành khách của cả xe buýt và đường sắt đô thị đều tăng rất mạnh.

Cụ thể, tính đến tháng 12/2022, tổng hành khách vận chuyển đạt 257 triệu lượt, tăng 47,7% so với cùng kỳ 2021, doanh thu đạt 416,8 tỷ đồng, tăng gần 92%. Trong đó, tổng hành khách vận chuyển bằng xe buýt đạt 250,6 triệu lượt, tăng 44%, tổng doanh đạt 362,4 tỷ đồng tăng 66,5%.

Sản lượng hành khách đi xe buýt bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ đầu quý II năm nay. Ước cả năm 2022, sản lượng hành khách sẽ đạt 328,9 triệu lượt, tăng 62,3% so với thực hiện cùng kỳ 2021, doanh thu đạt 470 tỷ đồng, tăng 95,9%.

Theo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), ước tính cả năm 2022, sản lượng vận tải hành khách công cộng có thể đạt 337,2 triệu lượt, tăng tới 65,6%. Kéo theo đó, doanh thu cũng tăng mạnh khi ước đạt gần 540 tỷ đồng, tăng 118,9%.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Theo thống kế, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách công cộng (bao gồm xe buýt và đường sắt đô thị) dự kiến 18,5% năm 2022. Để vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội tới năm 2025, nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là một thách thức rất lớn.

Để khuyến khích người dân có thói quen tham gia phương tiện công cộng, giảm xe cá nhân, Hà Nội sẽ tập trung nhiều hơn tăng độ phủ, cải thiện chất lượng phương tiện, dịch vụ, tăng cường kết nối hệ thống xe buýt công cộng cùng việc tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng…

Giá vé và dịch vụ của buýt công cộng Hà Nội - 3Xe buýt Hà Nội kết nối với 7 tỉnh lân cận là Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc (Ảnh: Văn Mạnh).

Ông Ngô Xuân Phú – Phó tổng giám đốc Transerco, đơn vị quản lý và khai thác xe buýt Hà Nội – cho biết dịch vụ vận tải hành khách công cộng là loại hình dịch vụ mang tính xã hội cao, vì vậy việc đảm bảo chất lượng dịch vụ là nhiệm vụ hàng đầu của doanh nghiệp. “Phục vụ cho mục tiêu này, trong nhiều năm qua, chúng tôi đã duy trì, không ngừng củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm quản lý chất lượng dịch vụ”, ông Phú nói.

Hiện mọi phản ánh về chất lượng dịch vụ xe bus được thông tin qua đường dây nóng của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (19006836) hoặc của Transerco (19001296) và qua website “Tramoc.com.vn”. Các thông tin phản ánh, khiếu nại từ hành khách được tiếp nhận 24/24h.

“Với những ý kiến phản ánh về ý thức, thái độ phục vụ không tốt của lái, phụ xe chúng tôi luôn cầu thị, tiếp thu và kiểm tra xác minh kịp thời để có những biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm”, lãnh đạo Transerco nhấn mạnh.

Ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, việc tuyên tuyền, truyền thông để người dân thay đổi thói quen, hạn chế lưu thông bằng các phương tiện cá nhân, chuyển sang công cộng là rất quan trọng. Một giải pháp quan trọng khác là tăng kết nối giữa các tuyến vận tải hành khách.

Giá vé và dịch vụ của buýt công cộng Hà Nội - 4Tổng số phương tiện buýt toàn mạng là 2.263 xe, tuổi bình quân của đoàn phương tiện thấp chỉ dưới 4 năm (Ảnh: Mạnh Quân).

Tính đến tháng 12/2022, mạng lưới vận tải công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội gồm 154 tuyến, trong đó có 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến city tour. Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100, kết nối với 7 tỉnh lân cận là Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.

Tổng số phương tiện toàn mạng là 2.263 xe. Các xe đến nay tuổi bình quân của đoàn phương tiện thấp chỉ dưới 4 năm, hầu hết đều trang bị các tiện ích phục vụ hành khách như hệ thống thông báo âm thanh (100%), thông tin bằng bảng LED (100%), wifi miễn phí, camera (100%).

Về mạng lưới đường sắt đô thị, theo quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km để kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven. Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã vận hành tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông. Sắp tới đây có thêm tuyến Nhổn – ga Hà Nội. Toàn bộ các tuyến buýt công cộng đều kết nối với đường sắt đô thị.